Nhảy đến nội dung

Suy niệm Chúa Hiển Linh ( 3 chủ đề)

 

 

Hành Trình Tìm Kiếm Chúa

 

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Không cuộc hành trình nào mà không gian nan vất vả! Không chặng đường nào mà không đòi buộc chúng ta dấn thân, đặc biệt trên mỗi bước đi tìm kiếm Chân lý cùng đích là chính Chúa.

 

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tỏ mình ra trước khi chúng ta khởi sự chuyến đi tìm kiếm Ngài. Chính vì vậy, trong ngày lễ Hiển Linh, hay thường được gọi là lễ Ba Vua, chúng ta mừng hát ngợi khen sáng kiến đi bước trước của Thiên Chúa. Ngài không những tỏ mình ra cho dân Do Thái, mà còn biểu lộ chương trình yêu thương, kế hoạch cứu độ cho muôn dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất như lời ngôn sứ I-sai-ah tiên báo: “…Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi…còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Ngài xuất hiện trên ngươi” (x. Is 60, 1. 2). Hơn thế, thánh Tông đồ Phao-lô xác tín với giáo đoàn Ê-phê-sô về sự tỏ lộ mầu nhiệm và kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa trong bài đọc II: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Ngài đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Ngài. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, 5-6).

 

Thế nhưng, nhìn lại chặng đường nhận biết - ra đi - tìm kiếm Chúa của các nhà chiêm tinh (hoặc ba vua) dường như được ngôn sứ I-sai-ah báo trước “lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60, 6), chúng ta thấy họ gặp biết bao nhiêu khó khăn, ngăn trở, thách đố và kể cả hiểm nguy như đường đi quá xa, đến vùng đất lạ, bị Hê-rê-đô gạt gẫm, sinh mạng bị đe doạ…(x. Mt 2, 1-5. 7-8. 12). Vậy mà họ không hề bỏ cuộc, vẫn tìm kiếm và bước theo ngôi sao lạ dẫn đường. Hơn ai hết, thánh Tông đồ Phao-lô, bậc thầy truyền giáo, hiểu rõ ngôi sao ấy như thế nào, đến nỗi ngài thốt lên: “Giữa thế hệ đó, anh (chị) em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2, 15). Ngôi sao đó chính là ánh sáng của Chúa dẫn bước đường chúng ta, và mỗi người Ki-tô hữu được mời gọi trở nên ngôi sao chiếu tỏ trong đời sống tốt lành của mình.

 

Xứ sở Ba Tư lắm huyền thoại kể về cây nến tí hon như sau: Vào buổi tối kia, một người cầm cây nến nhỏ leo lên cầu thang. Thấy vậy, cây nến tí hon hỏi: “Chúng ta đi đâu thế này?” Người cầm nến trả lời: “Lên sân thượng để soi đường cho thuyền bè cập bến an toàn”. Nghe mà muốn cười lộn ruột, cây nến tí hon thì thầm nói khẽ: “Tôi bé tí teo thế này, thì thuyền bè nào mà thấy được ánh sáng của tôi?” Người cầm nến gằn giọng đáp: “Chỉ cần chú mày cố gắng chiếu sáng, mọi chuyện khác để ta lo liệu!” Khi leo lên tới sân thượng, thì ở đó đã có sẵn một chiếc đèn lồng to. Người ấy cầm nến tí hon châm vào ngọn đèn, tức thì một luồng sáng bừng lên, lan toả khắp chung quanh đến tận ngoài biển khơi. Thật vậy, Purnell Bailey nói rất chí lý: “Mỗi chúng ta là những cây nến nhỏ trong tay Chúa. Sứ mạng của ta chỉ là chiếu sáng, còn kết quả thế nào thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào Ngài”.

 

Noi gương các nhà chiêm tinh, chúng ta không bỏ cuộc khi gặp gian nan thử thách. Trong suốt hành trình, một trong vô số thử thách lớn nhất đối với họ có lẽ là khi ngôi sao dẫn đường biến mất. Dù vậy, họ chẳng hề nản lòng, nhục chí, vẫn đăng trình với lòng kiên trì nhẫn nại, với niềm tin trung kiên, và họ đã gặp được Hài Nhi Giê-su nơi hang Bê-lem. Đời sống đức tin cũng vậy, đòi buộc chúng ta dấn thân, kiên vững không ngừng, và nhờ đó chúng ta được nhận ra Thiên Chúa nơi cuộc sống thường nhật của ta. Cũng nên biết rằng: khi tới bên máng cỏ, các nhà chiêm tinh chỉ thấy vỏn vẹn một trẻ sơ sinh, chứ chẳng phải diện kiến một Thiên Chúa vinh quang sáng láng dường bao. Nhưng được Thánh Thần soi dẫn, họ đã nhận biết Hài nhi đơn sơ ấy chính là Con Thiên Chúa, và họ liền bái quỳ thờ lạy, dâng lễ vật là những gì quý giá nhất tại xứ sở họ (vàng, nhũ hương và mộc dược). Đây thực chất là ơn ích phát sinh từ đức tin sống động, bởi lẽ tin không phải chỉ nhìn bằng đôi mắt thể xác, nhưng bằng chính đôi mắt tâm hồn chẳng hề ngờ vực. Ngoài ra, giống như các nhà chiêm tinh, sau khi trở về xứ sở bằng con đường khác được báo mộng, thì họ đã sống hoàn toàn đổi mới. Cuộc gặp gỡ với Hài nhi Giê-su trở nên một bước ngoặt lớn trong đời họ. Điều này không khó hiểu chút nào, bởi lẽ ai đã được gặp gỡ Thiên Chúa thật, dù chỉ một lần, thì không thể sống như trước với tính cách khép kín, với thái độ ngạo nghễ, với lối sống dửng dưng được. Ơn Chúa thúc giục, nâng đỡ chúng ta đổi mới từng ngày trong đời cơ mà!

 

Cầu nguyện:

Cảm tạ Chúa đã tỏ lộ ơn cứu độ cho muôn dân

Cảm tạ Chúa đã không ngại ngần đến với con hèn

Cảm tạ Chúa đã không do dự đón nhận tấm lòng son,

Và hằng soi tỏ bước đường con đi dù trăm ngàn nguy khó.

Xin cho con trung kiên trở nên ánh sáng

Dù chỉ là ngọn nến nhỏ phía xa

Nhưng được đặt vào đôi tay vĩ đại

Đôi tay ấy chính là Thiên Chúa của lòng con. Amen!

 

Lm. Xuân Hy Vọng

***************

 

Thiên Chúa Đi Tìm Con Người


 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng quyền năng, vượt trên hết mọi sự. Ngài dùng tất cả mọi phương thế hầu mạc khải ơn cứu độ cho muôn người thuộc mọi thời, mọi nơi. Hôm nay, cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta theo chân các nhà đạo sĩ lên đường đến thờ lạy, dâng kính, tán tụng Chúa Hài Đồng.

 

Chúng ta thường hay gọi Ba Vua, nhưng thực ra họ là những người chiêm tinh, nhìn trăng sao, nghiên cứu những điềm thiêng dấu lạ, mà qua đó Thiên Chúa muốn mạc khải chương trình Cứu độ của Ngài. Họ là những người biết sử dụng tài năng, tài trí, các phương tiện, trí khôn, tinh hoa thời đó mà tiến bước theo tiếng gọi, lời mời của Thiên Chúa qua những sự kiện gần gũi với cuộc sống của họ. Từ phương Đông, các đất nước xa xôi, họ không ngại gian nan nguy khó, lên đường dù nghìn trùng trắc trở, theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua ngôi sao lạ, tiến đến Bê-lem để bái thờ, dâng kính Chúa Hài Nhi như tiên tri I-sai-a loan báo “vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60, 1-2) Thiên Chúa không ẩn mình hay khép kín, hoặc xa lánh con người tội lỗi, nhưng Ngài thổ lộ, mạc khải kế hoạch yêu thương, chương trình cứu độ, và chỉ dẫn chúng ta biết nhận ra Ngài qua mầu nhiệm Nhập thể của Con Một Ngài. Đây không phải là một lời hứa suông, mà chính là ý định của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Ki-tô Giê-su. Hơn nữa, một cách cụ thể, Thánh Phao-lô đã xác tín và trình bày rõ ràng qua thư gửi cho Giáo đoàn Ê-phê-sô “tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giê-su Ki-tô” (Ep 3, 3. 5-6). Một Thiên Chúa gần gũi, luôn đi bước trước dìu dắt, yêu thương trọn hảo, chẳng chê bỏ con người yếu đuối, mỏng dòn, hay xa ngã như chúng ta.

 

Mặc khác, Thiên Chúa không chờ đợi chúng ta đi tìm Ngài, nhưng Ngài đi tìm chúng ta trước; và còn hướng dẫn, dạy dỗ, chỉ đường cho chúng ta đến với Ngài qua mọi phương tiện, sự kiện, cảm nghiệm, dấu chỉ, kể cả sự cố xảy trong đời chúng ta. Để rồi, nhờ ơn Chúa giúp và sự vâng phục đáp trả lời kêu mời của Ngài, chúng ta nhận biết Ngài, nhận ra chương trình của Ngài trong đời sống, trong mối tương quan, trong những lãnh vực khác nhau, v.v…Thiên Chúa đã dùng dấu chỉ ‘sao trời’, lĩnh vực mà ba nhà đạo sĩ am hiểu mà dẫn đường chỉ lối cho họ tiến đến Bê-lem gặp gỡ Con Thiên Chúa xuống thế làm người, cứu độ nhân loại. Ngược lại, Vua Hê-rô-đê và những người thông luật, am hiểu Kinh Thánh Cựu ước, biết ý định của Chúa qua lời các tiên tri ‘tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bê-lem, đất Giu-đa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta’ (Mt 2, 5-6), nhưng họ không dùng những phương tiện ấy để nhận ra Thiên Chúa - một vị Thiên Chúa hiện hữu, gần gũi và hằng đi tìm con người. Vì lòng đố kỵ, ‘cái tôi’ mà Vua Hê-rô-đê và các nhà thông luật, đại giáo trưởng đã phớt lờ tiếng gọi của Chúa thúc giục trong tâm hồn họ qua lời Kinh Thánh mà họ nằm lòng. Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, dù tất bật đến đâu, dù bận rộn và thăng trầm, vui buồn sướng khổ, dù ở bậc sống nào chăng nữa, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta, đi tìm chúng ta, trông chờ chúng ta, biểu lộ chương trình Ngài cho chúng ta và hằng hướng dẫn chúng ta biết nhận ra Ngài; nhưng thật đáng buồn, dường như chúng ta lại trở nên giống Vua Hê-rô-đê, các kỳ lão hơn là ba nhà đạo sĩ vâng phục đáp trả lời mời của Chúa! Vì vậy, chúng ta xem ý định, chương trình, kế hoạch của bản thân, của cộng đoàn, của hội nhóm hơn những điều Chúa muốn, Chúa mong mỏi và biểu lộ hằng ngày qua đời sống cầu nguyện, đời sống phục vụ, tận hiến, truyền giáo cũng như các việc bác ái của chúng ta!

 

Và khi gặp gỡ Hài Nhi Giê-su cùng với Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se, ba nhà đạo sĩ đã quỳ gối, bái lạy Ngài, và dâng lên những gì quý giá nhất của họ: vàng, nhũ hương và mộc dược, thể hiện niềm tín thác trọn hảo của họ, lòng cậy trông vô bờ bến cũng như tình yêu son sắt không phai tàn. Còn chúng ta, chúng ta dâng gì cho Chúa Hài Đồng khi được diện kiến Ngài? Lễ vật quý giá của chúng ta là gì? ‘Vàng’ của chúng ta là gì? Có phải lòng yêu Chúa không hề thay đổi và tình mến thương anh chị em vô vị lợi? ‘Nhũ hương’ của chúng ta là chi? Chẳng phải là niềm trông cậy thắm thiết vào chương trình đầy lòng thương xót của Thiên Chúa sao? Và ‘mộc dược’ của chúng ta là gì? Niềm thành tín sâu sắc, chẳng hề nhạt phai chăng?

 

                   Mau chân cất bước ra đi,

                  Ba nhà đạo sĩ ngại gì xa xôi.

                  Một lòng đáp trả lời mời,

                  Tiến về hang đá đầy vơi vui mừng.

                  Con đây mang đến lễ dâng,

                  ‘Vàng’ thì chẳng có, bâng khuâng nỗi niềm.

                  Đời này vẹn mãi con tim,

                  Kiên trung, tín thác, kiếm tìm ý Cha.

                  ‘Nhũ hương’ cậy mến bao la,

                  Trọn đời son sắt, lời ca hát mừng.

                  Lòng con vang mãi tưng bừng,

                  ‘Mộc dược’ thành tín, hoà cùng muôn dân.                    

                  Cảm tạ Tình Chúa tri ân

                  Sống sao cho trọn, ân cần lòng Cha. Amen!

 

  Lm. Xuân Hy Vọng


 

************
 


 

Ánh Sao Toả Chiếu, Chứ Không Vụt Tắt

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta mừng kính lễ Hiển Linh (tên thường gọi là lễ Ba Vua). Như chúng ta biết, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ gói gọn cho dân Do Thái, mà còn được biểu lộ cho toàn thể nhân loại: “…sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi” (x. Is 60, 1). Ba nhà chiêm tinh (hoặc Ba Vua) từ Đông phương xa xôi có lẽ khác biệt về tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ, nhưng họ được Thiên Chúa tỏ lộ dẫn đường qua ngôi sao lạ. Thật xúc động biết bao khi họ biết mở lòng đón lấy, nhận ra thánh ý Chúa qua tạo vật, qua sở trường hay chuyên môn…của họ.

 

Theo ngôi sao lạ, rảo bước lên đường như Ba Vua đến chầu Chúa Hài Nhi “…kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng…” (Mt 2, 9-10), chúng ta cùng nhau tự hỏi bản thân: Ánh sao đời mình là gì/là ai? ‘Ngôi sao’ đời tôi là gì/là ai?

 

Đối với một số bạn trẻ ngày nay, ‘ngôi sao’ của họ là những ca sỹ, diễn viên điện ảnh, nghệ sỹ trong giới nghệ thuật, cầu thủ nổi tiếng, các doanh nhân ‘ngân khoản đầy tiền, tiếng tăm nổi đình nổi đám’…đến mức khiến các bạn quên cả việc ăn uống - ngủ nghỉ - học hành, hầu chạy theo xu hướng thời thượng của thần tượng mình. Trong thời gian qua, trước khi đại dịch và kể cả sau thời gian bình thường mới, chúng ta chứng kiến biết bao cảnh fan cuồng khóc thét khi gặp “ngôi sao”, và vô số biến cố hy hữu xảy ra. Đơn cử một ví dụ cụ thể: vì mê muội nhóm nhạc K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), cô gái trẻ đòi đi xem trực tiếp cho bằng được khi nhóm này đến Sài Gòn lưu diễn. Nghe vậy, ông bố không đồng tình; nhưng bất chấp điều ấy, cô tuyên bố dõng dạc với bố rằng: ‘Con cần ban nhạc này hơn gia đình mình!’ Câu trả lời này khiến ông bố buồn bã như thể chết lặng đi!

 

Quả thật, sở thích ban nhạc, mến mộ ca sỹ hoặc diễn viên không phải là xấu, nhưng nếu chẳng may tôn họ lên làm ‘chúa/thần’ của đời mình hay đánh đổi tất cả để chạy theo họ thì hành vi ấy chẳng tốt đẹp gì. Hơn nữa, đối với một số khác, ‘ngôi sao’ cuộc đời họ lại là tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền cao chức trọng, danh giá, đam mê thú vui, ‘cái bụng’, ‘cái tôi’ của họ! Dù biết rằng những thứ này chẳng phải là cùng đích tối hậu, nhưng trong thực tế, họ để chúng trở nên ‘ông chủ/thần/chúa’ chi phối, điều khiển mọi phương diện cuộc đời họ.

 

Trong đời người, qua các dấu chỉ thời đại, có biết bao ‘ngôi sao’ đang hiện diện bên cạnh mà chúng ta chẳng hề hay biết, hoặc không chút đoái hoài. Những ‘ngôi sao’ này có thể không sáng chói như chúng ta mường tượng, nhưng lại trợ lực, giúp sức và hữu ích cho cuộc đời chúng ta dường nào. Đó có thể là anh chị em trong gia đình, vợ chồng-con cái, bạn hữu, thầy cô, cha xứ, các sơ, hội đoàn cầu nguyện-bác ái, và hết thảy những ai đồng hành với chúng ta. Trong mối tương quan phu thê, đã bao giờ chồng nói với vợ: Em là ánh sao của đời anh!? Hoặc vợ nói với chồng: Anh là ngôi sao sáng của đời em!? Trong tương quan với cha mẹ, con cái đã từng nói: Bố mẹ chính là ánh sao của cuộc đời con!? Tương tự trong cộng đoàn, hội dòng, giáo xứ; hay chúng ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, sai phạm của nhau, những điều thiếu sót của nhau để chỉ trích, lên án…?

 

Một khi nhận ra ‘ngôi sao’ hay ‘ánh sao’ đời mình rồi, chúng ta được mời gọi trở nên ‘ánh sao’ trong đời, qua gương lành thánh thiện, qua cách sống hiền hoà, tử tế, bác ái, vị tha, qua lời ăn tiếng nói, cách hành xử, đối nhân xử thế, qua cử chỉ yêu thương, biết ơn, trân trọng anh chị em như lời trần tình của Thánh Phao-lô Tông đồ: “Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh (chị) em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết…” (x. Ep 3, 2-3). Sau cùng, ý thức mỗi người cũng được mời gọi trở nên ‘ánh sao’ trong đời, chúng ta phải luôn biết chiếu sáng. Vì chưng, ánh sao vụt tắt, không chiếu rạng thì sẽ chẳng có ích lợi gì. Cũng như ánh sáng, ‘ngôi sao’ phải toả chiếu; tương tự muối mặn để ướp, chứ một khi mất vị mặn thì chỉ bị đổ đi, hoặc bị vứt đi mà thôi.

 

Để kết thúc bài chia sẻ này, xin mạn phép mượn lời thơ của thi sỹ Tô-ma S. Ê-li-ốt (Thomas Stearns Eliot [1888-1965]) để cùng với quý cộng đoàn, chúng ta nguyện cầu:

 

‘Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng giữa trời,

thì hãy trở nên ánh lửa bập bùng trên non cao!

Nếu bạn không thể là ánh lửa bập bùng trên non cao,

Xin hãy làm ánh nến toả chiếu trong gia đình!’ Amen!

 

Lm. Xuân Hy Vọng


 

Danh mục:
Tác giả: