Nhảy đến nội dung

TGM Paglia: ĐGH Phanxicô cho chúng ta thấy sự yếu đuối của tuổi già

TGM Paglia: ĐGH Phanxicô cho chúng ta thấy sự yếu đuối của tuổi già

Image

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sự yếu đuối của mình, đang dạy thế giới về sự yếu đuối của con người, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia nói hôm thứ Hai tại một cuộc họp báo cho hội nghị thượng đỉnh về tuổi thọ của Vatican.

Đức Thánh Cha đã cho thấy rằng “tuổi già còn có dấu hiệu yếu đuối, và sự yếu đuối không nên bị từ chối. Nó không phải là để ... trục xuất như quỷ dữ,” Đức Tổng Giám mục và chủ tịch của Học viện Giáo hoàng về Sự sống phát biểu tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh ngày 24 tháng Ba, một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Vatican sau 38 ngày nằm bệnh viện.

Trong lúc Đức Thánh Cha Phanxicô, trong cơn bệnh của mình, ngài đã mất khả năng nói vào lúc này, ngài đang dạy chúng ta bằng cơ thể của mình “tầm quan trọng của người già,” Đức Tổng Giám mục Paglia nói thêm. “Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng thực ra đó là tiếng nói làm điếc tai: tiếng nói của những người yếu đuối, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không sống mãi mãi.”

Học viện Giáo hoàng về Sự sống của Vatican đã tài trợ cho Hội nghị Thượng đỉnh về Tuổi thọ đầu tiên của Vatican vào ngày 24 tháng Ba tại Trung tâm Hội nghị Augustinianum ở Roma để cùng với những tổ chức khoa học và học thuật thảo luận về cách thúc đẩy “một mô hình trường thọ không chỉ giới hạn ở việc kéo dài tuổi thọ mà còn làm giàu thêm về mặt chất lượng, phẩm giá và tính bền vững, kết hợp khoa học, đạo đức và tâm linh.”

Giulio Maira, bác sỹ gải phẫu thần kinh từng làm việc tại Bệnh viện Gemelli của Roma, đang tham gia hội nghị thượng đỉnh. Ông nói với CNA sau cuộc họp báo rằng “sự yếu đuối là biểu hiện cuối cùng của lão hóa.”

“Thật không may, khi chúng ta bước sang độ tuổi ngoài 65-70, chúng ta sẽ trở nên yếu ớt hơn, dễ bị tổn thương hơn trước bệnh tật, vi khuẩn, vi-rút,” ông lưu ý. “Đức Thánh Cha là biểu hiện, là tấm gương sống về cách đối mặt với ngay cả một căn bệnh nghiêm trọng với phẩm giá, lòng dũng cảm và sự thanh thản. Và đây phải là tấm gương cho tất cả mọi người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô, Maira phát biểu trong buổi họp báo, đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của một căn bệnh nghiêm trọng, và giờ đây, giống như mọi người, cần phải hồi phục sức khỏe.

Khi suy ngẫm về một số giáo hoàng của thế kỷ trước và cách các ngài sống với bệnh tật và tuổi già, Paglia cho biết: “Chúng ta cần thoát khỏi tư duy chức năng quá mức.”

Trong thời gian nằm bệnh viện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy chúng ta rằng mọi người đều cần nhau, vị tổng giám mục nói thêm trong các bình luận với CNA.

Venkatraman Ramakrishnan, người đoạt giải Nobel Hóa học năm 2009 và là người tham gia hội nghị thượng đỉnh về tuổi già, cho biết có một số cân nhắc khi nói đến nghiên cứu khoa học về tuổi thọ.

“Mục đích không phải là để mọi người sống lâu hơn nữa, mà là để mọi người sống khỏe mạnh hơn, để cuộc sống của họ có thể khỏe mạnh hơn,” ông nói. “Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng về cách chúng ta sẽ đạt được điều này vì có thể những tiến bộ về tuổi thọ không chỉ làm tăng sức khỏe mà còn kéo dài tuổi thọ của chúng ta.”

Một cân nhắc thứ hai là sự mất cân bằng giữa các thế hệ, sự chuyển giao chậm chạp giữa các thế hệ và tác động của nó đến chất lượng năng động và tính sáng tạo của một xã hội, ông nói thêm.

“Nếu tất cả chúng ta bắt đầu sống lâu hơn, chúng ta sẽ có xã hội như thế nào? Chúng ta đã phải đối mặt với một xã hội mà tỷ lệ sinh đang giảm xuống … vì vậy chúng ta có thể có một xã hội mất cân bằng trầm trọng ở chỗ có rất ít người trẻ và quá nhiều người già, điều đó có nghĩa là gì?”

Ramakrishnan cho biết sự chênh lệch kinh tế cũng là một vấn đề quan trọng: “Bất cứ khi nào có những tiến bộ y học mới, chúng thường được sử dụng đầu tiên ở các nước giàu và chỉ được chuyển đến những nước nghèo một cách rất chậm chạp.”

Jos. Nguyễn Minh Sơn

Tác giả: