Trên Trời Cũng Vui Mừng
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Jos Hồng Ân
TRÊN TRỜI CŨNG VUI MỪNG
CN 24 TN_C; Lc 15, 1-32
Trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những người biệt phái là những người luôn giữ luật chặt chẽ. Trong mắt nhiều người, họ là những người đạo đức thánh thiện. Trong thâm tâm, họ cũng nghĩ mình như thế. Tuy nhiên, họ lại rơi vào thói tự mãn: tự mãn với Chúa và cũng tự mãn với tha nhân. Với Chúa, họ kể công lao của mình, cho mình là công chính. Còn với tha nhân, nhất là những người mà họ cho là tội lỗi như thu thuế và các cô gái điếm, thì họ có thái độ khinh thường. Người biệt phái cầu nguyện trong đền thờ là tiêu biểu cho thái độ này (x. Lc 18,9-14).
Tin mừng hôm nay diễn tả thái độ rất khó chịu của những người biệt phái, vì Chúa Giêsu người được coi như một ngôn sứ, mà lại đi giao du với những hạng người tội lỗi. Không chỉ giao tiếp mà Chúa Giêsu còn ngồi ăn uống, đồng bàn với họ, một cử chỉ tỏ rõ sự hiệp thông, không phân biệt đối xử. Vì vậy, họ Pharisêu lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." (Lc 15, 1)
Để trả lời cho về những thắc mắc của nhóm Pharisêu, Chúa Giêsu kể ba dụ ngôn: Dụ ngôn con chiên lạc: "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Dụ ngôn đồng bạc bị mất "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?” hay dụ ngôn người cha nhân hậu.
Cả ba dụ ngôn này đều được Chúa Giêsu nói lên nỗi vui mừng "trên trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải". Và người cha rất đỗi vui mừng khi thấy con trở về "Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20).
Vậy "Chín mươi chín người công chính không cần hối cải" là ai? Thưa, họ chính là những người biệt phái, những người tự cho mình là đạo đức thánh thiện, không cần hối cải. Thực ra trước mặt Chúa mọi người đều là tội nhân, họ cũng cần phải hối cải. Chúa luôn yêu thương đối với mọi người. Trong mắt Ngài, ai cũng là một con chiên đáng quý mà Ngài đi tìm để ôm vào lòng.
Trong dụ ngôn người cha nhân hậu có ba nhân vật: người cha tiêu hiểu cho |Thiên Chúa, người con cả cho nhóm Pharisêu. Người con thứ là ai? Một tội nhân hay một con người. Con người ấy muốn hưởng tự do, bởi vì anh ta nghĩ rằng người cha cấm tự do. Anh ta xa lìa cha mình là vì không hiểu thấy tình yêu của Người và cảm thấy sự hiện diện của cha mình đã trở thành nặng nề. Sau khi ra đi tìm tự do, anh ta đã phung phí hết gia tài mà anh không biết trân trọng, anh đã đánh mất luôn cả phẩm giá của mình nữa, phải đi làm tôi mọi cho người khác, với công việc hèn hạ nhất, và nỗi ô nhục nhất là đi chăn heo, vì đối với người Dothái heo là loài vật ô uế nhất.
Nhưng người con ấy trở về nhà, anh ta đã ý thức được tình trạng nô lệ của mình và biết chắc người cha sẽ dành cho anh một tương lai tốt đẹp hơn, nên anh đã dứt khoát lên đường trở về. Anh không ngờ rằng người cha vẫn đợi và chạy ra đón anh. Anh ta còn đi thất thểu từ đàng xa “Thì người cha đã trông hấy. Ông trạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Cha anh đã chờ đợi anh từ ngày anh bỏ nhà ra đi, nên anh còn đi từ đàng xa ông đã trông thấy, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để. Cử chỉ của người cha thật là bao dung, đại lượng, không một lời trách mắng, tha thứ vô điều kiện. Ông cũng không để ý để nghe con xin lỗi và trình bày sự thể, anh ta chưa nói hết câu mà anh đã chuẩn bị sẵn: “thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa …”. Người cha không cần trình bày dài dòng, chỉ cần hành vi sám hối quay trở về là quá đủ rồi. Nên anh chưa nói hết câu người cha đã ngắt lời và thúc dục các đầy tớ: “mau mang áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cho cậu” (Lc 15, 22). Cậu con trai của ông đã mất tất cả: mất tiền bạc; mất tự do; mất phẩm giá… Vì tình thương nên người cha sai đầy tớ lấy áo đẹp nhất mặc cho cậu, xỏ nhẫn, xỏ dép vào chân để phục hồi phẩm giá cho anh mà anh đã đánh mất khi bỏ nhà ra đi. Rồi ông ra lệnh mở tiệc ăn mừng. “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 24).
Người con cả ích kỷ, hẹp hòi, so đo tính toán, hờn giận, ghen ghét, tự phụ, biết tin em trở về thì anh khó chịu, thấy đàn hát nhảy múa, tiệc tùng linh đình thì “nổi giận không chịu vào nhà” (Lc 15, 28). Anh không chấp nhận ngay cả đứa em ruột của mình, khi nó phải cố gắng vùng dậy trong vũng bùn tội lỗi, của các tệ nạn xã hội để trở về với cha và với anh. Nhưng người anh lại không chấp nhận sự đoàn tụ của gia đình. Thực ra xét về mặt tình cảm anh cũng chẳng hơn gì người con thứ, cũng đối xử cạn tàu ráo máng với cha của anh. Anh không bao giờ trái lệnh cha chỉ là để cầu lợi, anh hăng say làm việc là vì nghĩ đến một gia tài kích sù mà anh được kế thừa, anh còn nghĩ đến sự hưởng thụ, anh mơ tới “một con bê béo để ăn mừng với bạn bè” (Lc 15,29). Nhìn hình thức bên ngoài, thì anh là người con cả gương mẫu: vâng lời, cung kính, trung thành, không lầm lỗi. Nhưng khi đối diện của người cha đón em trở về, một cú sốc bao phủ anh, bỗng chốc anh bị lột mặt nạ ngay giữa ban ngày, để lộ chân tướng của một kẻ kiêu ngạo, hận thù, độc ác, tham lam, ích kỷ, những điều lâu nay anh đã cẩn thận giấu kín. Anh sống bên cạnh cha “hầu hạ cha” (Lc 15, 29), nhưng trong lòng anh thật xa cách người cha, xa đến nỗi hờn giận, oán trách cha, vì cha đối xử tốt với em mình, xa đến nỗi không nhận cả em ruột của mình “còn thằng con của cha đó” (Lc 15,30), muốn giết chết, muốn loại trừ cả ruột thịt máu mủ của mình… Người con cả đã không cùng cha để xây dựng hạnh phúc gia đình, không muốn giúp đứa em hư hỏng và dạy dỗ cho nó nên người, muốn phá vỡ tất cả. Thái độ đó đã đưa anh đến chỗ ngụp lặn trong sự căm tức, buồn chán, hờn giận, ghen ghét.
Trong con người chúng ta, chúng ta không chỉ mang khuôn mặt của người con hoang đàng, mà nhiều khi chúng ta cũng mang bộ mặt của người con cả, bộ mặt của những người Pha-ri-sêu và của các kinh sư, sống hình thức, tự cho mình là tốt. Chúng ta tưởng rằng mình thánh thiện, công chính, không bỏ nhà đi xa, nhưng tấm lòng của chúng ta sống xa cách Chúa, không đọc kinh cầu nguyện, không đi lễ, không giúp đỡ tha nhân mỗi khi họ cần, không trái lệnh Cha nhưng sống ích kỷ, hẹp hòi, hờn giận, ghen ghét, oán thù không muốn người khác bằng mình, khinh chê đồng loại. Oán trách Chúa vì đã đón tiếp những người tội lỗi.
Jos. Hồng Ân