Viết về MẸ - Một mẹ nuôi mười con...
- T4, 04/12/2024 - 15:43
- Lm Anmai, CSsR
VIẾT VỀ MẸ
Bảo tôi viết về Mẹ !
Thật sự tôi chả biết viết gì cả
Thật đơn giản ! Vì tình Mẹ đối với tôi lớn lao quá ! Thiêng liêng quá ! Và như vậy, với vài ngôn từ và vài con chữ mà viết về Mẹ xem chừng ra là hỗn.
Thật vậy ! Mẹ thiêng liêng lắm ! Mẹ cao cả lắm !
Nhà nghèo ! Thời bao cấp mà ! Khó khăn bao trùm cả xã hội. Giá như không có cái ngày ... đó thì gia đình tôi và bao gia đình khác đâu có khổ.
Nghĩ đi nghĩ lại là lỗi định mệnh.
Sau 1975, gia đình đi Kinh Tế Mới
Ít năm sau đó, dọn về Sài Gòn sinh sống tại căn nhà xưa cho đến nay.
Dì bảo “Mẹ con em thu xếp qua đây với Chị”.
Mẹ gọn lỏn : “Qua đó làm gì Chị ơi !”
Thế là định mệnh cho đến bây giờ phải ở cái xứ sở gọi là thiên đường.
Chính vì ở thiên đường nên rồi Mẹ tôi càng vất vả kiếp phù sinh. Nếu nghe lời Dì, Mẹ và chúng tôi qua cái xứ Tư Bản giẫy chết thì chắc đến giờ Mẹ tôi cũng chưa mất ! Vì hoàn cảnh kinh tế, vì bệnh tật để rồi Mẹ ra đi khi còn khá trẻ.
Gia tài Mẹ để lại không vàng bạc, kim cương, hột xoàn ... Gia tài của Mẹ để lại đó chính là lòng đạo đức.
Chả dám phong thánh cho Mẹ nhưng ký ức cứ tràn về.
Nhà Thờ nơi tôi ở không có Lễ sáng. Và như thế, không bỏ Lễ vì công việc. Vẫn chở con đi trên chiếc xe đạp cọc cạch ra Nhà Thờ cách nhà tôi ở 3 cây số để dự Lễ. Sáng nào cũng thế, dù mưa hay ráo cứ Mẹ con đi Lễ. 1 năm 365 ngày ! Tôi nhẩm tính dường như không bao giờ mất 1 Lễ. Chỉ trừ vài ngày khi tôi nằm bệnh viện.
Về lòng đạo đức. Từ bé, đơn giản lắm. Những bài hát “Chúa yêu bé thơ ...” hay là “Trên con đường về quê ...” cứ như rót vào tai vậy. Các kinh bổn thì tự học. Còn chuyện học phổ thông thì có lẽ chả bao giờ Mẹ phải kiểm tra bài. Dù như thế chưa bao giờ rớt xuống hạng dưới 5.
Một câu Mẹ giận Mẹ nói và đến giờ tôi vẫn nhớ : “Mẹ cầu nguyện cho con : Nếu con không nên người thì con chết đi cho Mẹ nhờ !”.
Chưa đủ trí khôn để hiểu lời đó. Dần dần khôn lớn mới biết được đó chính là tâm tình của Thánh nữ Monica khi nói với Thánh Augustino. Dần già tôi mới hiểu Mẹ có một tinh thần đạo đức thẳm sâu đến như vậy.
Giờ ! Dù tóc bạc da mồi nhưng mỗi khi về nhà dù chỉ nhìn di ảnh Ba Mẹ tôi vẫn thầm thì : Dù có ai cho mâm cơm ngon ! Dù được ai hy sinh cho con ! Khi gần về xa thấy đâu được mái nhà ! Như nhà Mẹ Cha thiết tha từ ấy ! Dù lớn lên con xây non cao. Vượt biển khơi bay lên trăng sao ! Như là trẻ thơ bé như ngày nào !
Đúng như vậy ! Dù lớn tuổi. Dù có già đi so với trước và dù có là linh mục đi chăng nữa nhưng tôi vẫn ý thức tôi như đứa trẻ thơ ngày nào. Mà trẻ thì luôn luôn cần sự chăm bẵm của Cha Mẹ.
Đôi khi tôi nghĩ vu vơ ! Nếu như Mẹ mà còn sống thì đừng có đùa với Bà. Dám khi đi giúp xứ Bà cũng mò mò theo canh chừng con chứ không đùa ! Mẹ tôi là thế đó ! Có rời con nửa bước bao giờ đâu. Đơn giản là luôn mong muốn con nên người. Chính vì thế, mỗi khi sai lỗi gì tôi lại hay nghĩ về Mẹ. Mẹ mà còn sống chắc “mày có mà chết với Bà !”.
Vậy đó ! Mẹ khó tính nhưng tất cả muốn con nên người
Mẹ đạo đức cũng chỉ mong con nên người
Mẹ chở che cũng chỉ mong con được an yên.
Giờ đây dù vẫn còn mang thân phận hèn mọn và yếu đuối nhưng được điều gì đó tôi luôn xác tín là do Mẹ cầu nguyện cùng Chúa cho tôi.
Cả con người của tôi thuộc về Chúa để rồi tất cả những gì tôi có, kể cả yếu đuối và sai lầm của tôi, cũng xin dâng lên Chúa và xin Chúa thánh hóa con người nhỏ bé này. Và cũng không quên ý thức rằng tất cả những gì tôi đang có là đều do Mẹ. Mẹ cho tôi tất cả. Mẹ cho tôi cả lòng đạo đức bình dị của một bà thợ may bình thường nhưng không tầm thường.
Lm. Anmai, CSsR
*******************
MỘT MẸ NUÔI 10 CON ...
Ông bà xưa nói hay và đúng quá : Một Mẹ nuôi 10 con, 10 con không nuôi được 1 mẹ
Sáng sớm, bác thân quen chia sẻ : “Con đi tìm Nhà Dưỡng lão để vào đây Cha ơi !”
Câu chuyện cuộc đời của bác xem chừng ra éo le và nghịch cảnh. Muốn lo tương lai cho 3 đứa. Bằng mọi giá bác cho các con định cư và lập nghiệp ở ngoại quốc. Vì tình thương, đổ dồn tất cả tài sản cho sắp nhỏ ăn học và ở lại. Bác cũng ở với mấy đứa nhỏ nhưng tiếc thay chúng thay đổi nhanh quá và nhiều quá ! Chúng không còn sống theo kiểu văn hóa Á Đông nữa. Và rồi, bác quyết định trở về VN.
Như bác nói : “Ở Mỹ thì cũng mì gói và về VN cũng gói mì ! Thế nhưng về VN ăn mì gói nó thanh thản hơn Cha à !”.
Đó là tâm sự của bác.
Một thực tế buồn cho bác ! Bác tìm Nhà Dưỡng Lão để vào vì không còn tự sức lo cho mình nữa. Lủi thủi ở VN 1 mình và không còn cách nào khác hơn là vào Nhà Dưỡng Lão.
Cay đắng cho một cuộc đời của một người cha khi bị các con hắt hủi.
Dĩ nhiên tôi không biết hoàn cảnh để đánh giá và cũng không xét đoán. Chỉ thấy hiện tượng người cha già đơn độc trong những ngày cuối đời thấy mà thương.
Bà mẹ kia cũng thế ! 3 đứa con nhưng rồi 2 đứa ngỗ nghịch. Được đứa con gái du học và định cư ở nước ngoài. Thi thoảng mới về thăm mẹ được. Nhìn cảnh 2 đứa em nhất là đứa em gái hắt hủi má mình, cô ta không cầm lòng được trước sự tráo trở của em mình. Căn nhà của mẹ, cô em đã sang tên đứng chủ sở hữu. Giờ bà mẹ già tai biến nằm một chỗ chăm sóc cho qua ngày.
Thân phận con người là vậy đó ! Chả phải cứ “phận gái 12 bến nước trong nhờ đục chịu” nhưng phận cha mẹ cũng không khác gì mấy. Có nghĩa là nếu như may mắn có con có hiếu và biết loc ho cha mẹ thì tuổi già của cha mẹ sẽ ấm áp và hạnh phúc. Thế nhưng rồi không may mắn thì sẽ rơi vào tình cảnh của 2 gia đình như trên.
Cuộc đời nó cay lắm chứ ! Cây mỗi quả, gia đình mỗi cảnh. Chả ai nói được ai và cũng chả ai nói hay được.
Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ... Thế nhưng mà dường như câu đó để đọc cho vui thôi chứ không còn ý nghĩa gì với những đứa con đối xử với cha mẹ mình như thế. Giả sử như cha mẹ mình già và lẫn đi chăng nữa thì cha mẹ cũng là cha mẹ của mình mà.
Tôi nhớ đến câu chuyện ngắn và đầy ý nghĩa : Đứa con đưa cha mình ra công viên chơi. Cha hỏi đàn chim bay qua bay lại có mấy con. Đứa con càu nhàu nói rằng cha hỏi hoài. Nghe thấy con càu nhàu, người cha mới móc trong túi xách ra quyển nhật ký. Cha mở ra ngay cái trang là ngày đó ngày đó, cha đưa con ra công viên chơi. Con cũng hỏi cha là đàn chim có mấy con. Con hỏi đi hỏi lại bao nhiêu lần mà người cha vẫn vui vẻ trả lời. Giờ lớn tuổi, trí không còn như xưa nữa và người con càu nhàu.
Như vậy đó, có bao giờ con cái nghĩ đến những tháng ngày mà xin lỗi suốt ngày cứ ỉa đùn và khóc nhè cũng như nhõng nhẽo nhưng cha mẹ luôn thương yêu và đùm bọc không ? Trong khi đó, cha mẹ già và lẫn thì con cái lại càm ràm và thậm chí còn bỏ rơi nữa.
Theo cảm nhận cá nhân của tôi, tôi rất sợ những người bất hiếu và cũng ngại làm bạn với những người đó. Đơn giản rằng thì là ngay như cha mẹ đẻ ra họ họ còn không quan tâm và lo lắng thì huống hồ gì là mình, mình là kẻ qua đường thì họ coi mình ra cái gì đâu mà qua lại.
Đời nó chua xót nhỉ ? Tình thương của cha mẹ luôn luôn trào tràn, còn ngược lại, con cái nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Biết làm sao bây giờ ! Tùy vào quan niệm và cung cách sống của mỗi người mà thôi. Thấy như thế và buồn cho những người già nua tuổi tác và cô đơn cũng như đau khổ như thế. Có khi tôi nghĩ rằng nếu có con cái vô ơn bạc nghĩa như thế thì thà không có cũng hay.
Tôi vẫn an ùi những người bạn không có ý lập gia đình hay hiếm muộn về những tình cảnh con cái bất hiếu để phần nào cũng chấp nhận hoàn cảnh. Có khi có con cái mà con cái nó phá phách và ngỗ nghịch thì xem chừng đừng có chúng thì hơn.
Nhớ lại người bạn vừa qua đi trong tai nạn giao thông lãng nhách. Có 4 đứa con trai nhưng 2 đứa rơi vào dạng trời ơi đất hỡi. Thằng lớn thì ngồi tù trong ngày tang lễ của bố. Thằng kế thì thật cá tính rằng thì là nó xăm đầy trên người nó đủ thứ loại rồng bay phượng múa.
Thương và tiếc cho những cha mẹ đã cả đời nuôi và lo cho con cái nhưng về già thì bị hất hủi hay được trả lại ơn nghĩa sinh thành bằng cách sống chả ra là một con người đúng nghĩa.
Lm. Anmai, CSsR