Nhảy đến nội dung

Xin tha cho chúng con

Xin tha cho chúng con

( Lc 11; 4 )

        Cầu nguyện  đối với  Đức Kitô là hơi thở và là cuộc sống. Trong suốt cuộc đời ẩn dật, sống tại Nagiarét,  Đức Giêsu đã được thừa hưởng một  bầu khí thánh thiệntrong Thánh gia thất, với Đức Maria và Thánh cả Giuse. Cha và mẹ Người hẳn đã dạy con cầu nguyện ngay từ tuổi ấu thơ. Một mẫu gương cho các gia đình hôm nay. Đức Giêsu khi lên mười hai, đã say mê nghe những lời giảng, đã học hỏi, đối đáp với các vị Rabbi trong đạo Do Thái. Chính vì thế, trong cuộc đời công khai rao giảng, Người không ngừng kêu gọi mọi người phải cầu nguyện. Đặc biệt với  nhóm Mười hai, Người luôn làm gương trước . Khi làm bất cứ việc gì, Người cũng đặt việc cầu nguyện, xin ơn thánh hóa lên trên. Người đã không ngừng nhắc các đồ đệ “ Hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ”. Sau những ngày rao giảng, làm việc, chữa bệnh, Chúa cũng nhắc các ông hãy lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện và nghỉ ngơi . Rồi những lúc thể hiện quyền năng của Thiên Chúa qua việc trừ quỷ, làm phép lạ, Người cũng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha đấng ngự trên trời. Đặc biệt trước khi dùng bữa, Người đều dâng lời tạ ơn rồi bẻ bánh.

      Bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện. Ngừơi  từng nhắc các ông nhưng xem ra các ông bối rối không biết dùng những lời lẽ gì để cầu nguyện. Có thể các ông cũng dùng sách Kinh Thánh trong đạo để đọc theo thói quen, theo hình thức, một ngày vài ba lần theo luật Do Thái. Nhưng miệng đọc mà lòng không suy, đọc nhiều nhưng chẳng hiểu điều mình đọc, nên dù có đọc kinh nhiều mà lòng tin thì trống rỗng, không thực sự tha thiết, không thực sự tin tưởng vào những lời thưa với Thiên Chúa là Cha của mình. Lời Chúa Giêsu dạy khi thưa với Thiên Chúa là Cha, đơn giản nhưng hàm chứa một niềm tin, lòng cậy trông , lòng yêu mến nhiệt thành và lời cầu xin tha thiết. Thể hiện điều đó ở chỗ trước tiên trong khi cầu nguyện là xác tín Thiên Chúa, đấng ta kêu cầu là Đấng ngự trên trời, nguyện cho Danh Cha  được cả sáng, nước Cha lan tỏa. Đó là thể hiện lòng tin thật Đấng ta kêu cầu là Đấng tòan năng, sẵn sàng lắng nghe tiếng  ta kêu cầu. Kế đến là việc bày tỏ những ý nguyện, những nhu cầu của con người  cần được Cha lắng nghe trong tâm tình ta sám hối, ăn năn vì những vấp phạm trong cuộc sống , trong giao tiếp. Với lòng khiêm nhường thống hối, qua đó bày tỏ niềm tin Ngài sẽ tha thứ và chấp nhận những lời cầu xin của mình.

     Bản dịch kinh Lạy Cha như đã có trong kinh nguyện Thánh Thể trước đây”Xin Cha tha lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con “ chính là một điều kiện để Thiên Chúa đóai thương nhận lời cầu xin cho các nhu cầu hàng ngày. “ Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày  VÀ tha lỗi cho chúng con như. . .”. Đây không phải là sự so sánh lòng bao dung của Chúa  bằng  của con người, nhưng là một minh họa để các tông đồ và chúng con hôm nay hiểu được rằng, nếu anh em sống bên con có lầm lỗi với con, mà con không  tha thứ, thì không thể được Chúa nhận lời. Chính Chúa Giêsu đã từng khẳng định “ Nếu khi con dâng của lễ mà nhận thấy còn đang hận thù với anh em con, thì hãy để của lễ đó,  về làm hòa với anh em rồi hãy đến dâng của lễ “.

      Lạy Chúa!

      Cầu nguyện và cầu xin là việc làm thường xuyên của con đối với Chúa. Con vẫn kêu cầu Chúa thương đến con, đến gia đình con, đến những nhu cầu của con và vẫn mong được Chúa nhận lời, dù những điều con cầu xin chưa hẳn là ý Chúa muốn nơi con. Nhiều lần con phiền trách Chúa sao không nhận lời con xin. Trong những lúc đó, con đã quên xét mình. Con lỗi đức bác ái nhưng cố tình quên đi và cho rằng mình thánh thiện. Con vẫn giận hờn, để tâm thù ghét người khác nhưng vẫn cứ chạy đến cùng Chúa để xin Người thứ tha .

        Xin cho con biết nhớ lời Chúa dạy khi cầu nguyện, biết nhận phần lỗi về mình và sửa lỗi, nhất là việc lỗi đức bác ái, yêu thương. Hẳn rằng khi ấy những lời cầu xin của con, nếu đẹp lòng Chúa, con tin chắc Chúa sẽ thương nhận lời con . AMEN .

  Fx Đỗ Công Minh     

Tác giả: