Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu - Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong và qua chúng ta
- T5, 05/06/2025 - 13:40
- Phạm Văn Trung
CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được chứng kiến một khoảnh khắc đầy ý nghĩa sau khi Chúa Giêsu sống lại: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều kín, vì các ông sợ người Do thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19). Lời chào “Bình an cho anh em” không chỉ là một lời chúc lành, mà còn là lời mời gọi các môn đệ vượt qua nỗi sợ hãi, tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Ngài tiếp tục trao ban Thánh Thần và sai họ ra đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Đây là khởi đầu cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng, được củng cố bởi ơn Thánh Thần. Sứ mệnh này không chỉ dành cho các môn đệ ngày xưa mà còn là lời mời gọi mọi Kitô hữu hôm nay sống và chia sẻ đức tin, dù đang đối mặt với nhiều thách thức.
1. Chúa Thánh Thần: nguồn bình an
Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, ban ơn bình an giữa những sóng gió cuộc đời. Thánh Phaolô khẳng định: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Pl 4,7). Thánh Augustinô nhấn mạnh: “Chúa Thánh Thần là nguồn mạch bình an, nối kết chúng ta với Thiên Chúa” (De Trinitate, Sách 13). Nhờ Chúa Thánh Thần, tâm hồn tín hữu được an ủi, vượt qua lo âu, tìm thấy hy vọng. Sự bình an này không chỉ là cảm xúc, mà là ân sủng thiêng liêng, dẫn dắt con người đến gần Chúa hơn.
Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu mở lòng đón nhận Thánh Thần: “Thánh Thần làm cho chúng ta vượt qua những chia rẽ, sợ hãi và bất an, để trở thành chứng nhân của tình yêu và sự thật” (Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần năm 2017). Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Thần không chỉ ban ơn cho cá nhân, mà còn thúc đẩy cộng đoàn sống động và ra đi loan báo Tin Mừng.
Tại giáo điểm truyền giáo ở vùng cao Tây Nguyên, các linh mục và tu sĩ của nhiều hội dòng (Chúa Cứu Thế, Don Bosco, Phanxicô, Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux…) đã mang Tin Mừng đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Dù đối mặt với khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa, họ đã tổ chức các lớp học, chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Một người dân tộc Ba Na chia sẻ: “Tôi cảm nhận được tình yêu của Chúa qua những người đến giúp chúng tôi. Họ nói tiếng của chúng tôi, và tôi hiểu rằng Chúa đang nói với tôi.” Câu chuyện này gợi nhớ đến phép lạ Lễ Ngũ Tuần, khi mọi người nghe Tin Mừng bằng “tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,8).
Trong thời gian đại dịch Covid-19, năm 2020, một gia đình Công giáo tại Giáo phận Phú Cường đối mặt với khó khăn lớn khi cả nhà bị nhiễm bệnh và phải cách ly. Người mẹ trong gia đình, chị Maria Nguyễn Thị Hạnh, chia sẻ rằng trong những ngày lo lắng và bất an, chị đã tham gia các buổi cầu nguyện trực tuyến do giáo phận tổ chức, đặc biệt là các giờ cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban bình an. Chị kể: “Khi tôi cầu xin Chúa Thánh Thần, tôi cảm nhận được một sự bình an sâu lắng trong tâm hồn, dù hoàn cảnh vẫn khó khăn. Tôi tin rằng Chúa Thánh Thần đã gìn giữ gia đình tôi, giúp chúng tôi vượt qua bệnh tật và giữ vững đức tin.” Sau đó, gia đình chị dần hồi phục và tiếp tục tham gia các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ thực phẩm cho những người khó khăn hơn trong khu phố. Câu chuyện này như một chứng từ về sự bình an mà Chúa Thánh Thần mang lại giữa cơn bão cuộc đời (Mục “Mỗi ngày một câu chuyện” của Giáo phận Phú Cường,16/04/2020).
2. Chúa Thánh Thần: sức mạnh hiệp nhất
Sách Công vụ Tông đồ mô tả biến cố Lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những lưỡi giống như lưỡi lửa đậu xuống trên từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,2-4). Biến cố này đánh dấu sự khởi đầu của Giáo hội, khi các môn đệ từ chỗ sợ hãi trở nên can đảm loan báo Tin Mừng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, khiến mọi người “đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).
Thánh Thần không chỉ ban ơn nói các thứ tiếng, mà còn tạo nên sự hiệp nhất trong sự đa dạng. Dân chúng từ nhiều quốc gia khác nhau: “Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, Pontô, và Axia, có người là dân Phyghia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ảrập …” (Cv 2,9-11) đều hiểu được lời rao giảng. Điều này cho thấy sức mạnh của Thánh Thần trong việc phá vỡ rào cản ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc, để loan truyền tình yêu Thiên Chúa đến mọi người.
Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côrintô, khẳng định rằng Thánh Thần là nguồn mạch của mọi ân sủng và sự hiệp nhất: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí… Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận… thì Đức Kitô cũng vậy” (1 Cr 12,4.12). Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng mỗi người nhận được những ân sủng khác nhau – như giảng dạy, chữa lành, nói tiên tri, hay phân định - nhưng tất cả đều đến từ cùng một Thánh Thần, nhằm phục vụ lợi ích chung.
Thánh Augustinô từng nói: “Linh hồn đối với thân xác con người thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng đối với Thân thể Chúa Kitô, tức là Giáo hội cũng như vậy” (Thánh Augustinô, Bài giảng 267). Thánh Thần không chỉ ban sức mạnh mà còn liên kết các tín hữu thành một cộng đoàn hiệp nhất, bất chấp sự khác biệt về văn hóa hay hoàn cảnh.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống” hoạt động trong lòng Giáo hội và thế giới để dẫn dắt con người đến với sự thật và tình yêu. Ngài viết: “Thánh Thần, Đấng thổi hơi vào các môn đệ, tiếp tục làm cho Giáo hội sống động và hướng dẫn các tín hữu trong sứ mệnh của họ” (Thông điệp Dominum et Vivificantem,1986).
3. Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu cụ thể
Chúa Thánh Thần thật quan trọng của cuộc sống hàng ngày của người Kitô hữu, Ngài an ủi, hướng dẫn và ban sức mạnh. Ngài ngự trong các tín hữu, giúp họ hiểu Lời Chúa, chống lại sự cám dỗ và sống một cuộc sống biến đổi, phản chiếu Chúa Kitô. Ngài ban cho các tín hữu những ơn thiêng liêng, giúp họ cầu nguyện, tăng thêm sức mạnh cho để họ thi hành sứ vụ Chúa Kitô giao, phục vụ mọi người: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1 Cr 12: 8-11).
Tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, một nhóm giới trẻ đã thành lập “Nhóm Tông đồ Truyền thông” lấy cảm hứng từ biến cố Lễ Ngũ Tuần. Nhóm sử dụng mạng xã hội để chia sẻ Tin Mừng qua các video, bài viết và hình ảnh, nhằm tiếp cận những người trẻ không thường xuyên đến nhà thờ. Một thành viên chia sẻ: “Chúng tôi cảm nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi làm việc cùng nhau. Dù mỗi người có khả năng khác nhau - viết lách, thiết kế, quay phim - nhưng tất cả đều hướng đến việc truyền tải tình yêu của Chúa.” Điều này phản ánh lời Thánh Phaolô: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).
Vào năm 2024, trong một giáo họ Công giáo tại Giáo phận Bắc Ninh, có sự bất hòa giữa các thành viên trong ban hành giáo vì khác biệt trong việc tổ chức lễ quan thầy giáo họ. Một số thành viên muốn tổ chức lớn để thu hút giáo dân, trong khi những người khác cho rằng cần tập trung vào ý nghĩa thiêng liêng hơn là hình thức bề ngoài. Xung đột kéo dài khiến cộng đoàn bị chia rẽ. Trong tình hình đó, cha xứ đã tổ chức một buổi tĩnh tâm đặc biệt, mời gọi mọi người cùng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và ban ơn hiệp nhất. Trong buổi tĩnh tâm, các thành viên đã cùng nhau hát kinh “Cầu xin Chúa Thánh Thần” và chia sẻ Lời Chúa: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung… Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12: 4-7, 13). Sau buổi tĩnh tâm, mọi người đã hòa giải, thống nhất tổ chức một thánh lễ đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa, vẫn thu hút được sự tham gia của cả giáo xứ trong tinh thần hiệp nhất. (Website Giáo phận Bắc Ninh, Kinh Bản Giáo Phận Bắc Ninh - Kinh ngày thường, 10/10/2024).
Ngày nay, người Kitô hữu, cụ thể người Công giáo Việt Nam, vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sự tràn lan của lối sống hưởng thụ duy vật chất, sự thờ ơ với tôn giáo và áp lực vô thần của xã hội có thể làm lu mờ ánh sáng Tin Mừng. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định: “Chúa Thánh Thần sẽ mang đến sức mạnh biến đổi của Ngài, một sức mạnh độc nhất vô nhị, một sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm. Là sức mạnh quy tâm, bởi vì sức mạnh ấy hoạt động nơi trung tâm, nơi sâu thẳm trong trái tim ta. Sức mạnh ấy mang đến hiệp nhất và đẩy lùi chia rẽ, mang đến bình an và đẩy lùi phiền não, mang đến sức mạnh và đẩy lùi cám dỗ…Là sức mạnh ly tâm, bởi vì đó là lực đẩy để đi ra ngoài. Thần Khí ở trong chúng ta, để đẩy chúng ta đi ra các vùng ngoại biên, để đẩy chúng ta đi ra mọi vùng ngoại vi của nhân loại…Ngài sai chúng ta đi và làm cho chúng ta trở thành chứng nhân. Ngài đổ vào lòng chúng ta đầy tình yêu, lòng từ nhân, lòng quảng đại, sự dịu hiền” (Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Chúa nhật 20.05.2018, Đền Thờ Thánh Phêrô).
Chúng ta hãy cầu xin với Chúa Thánh Thần mọi nơi, mọi lúc, nhất là khi bắt đầu một công việc bất cứ nào: “Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con…” (Kinh Đức Chúa Thánh Thần).
Phêrô Phạm Văn Trung
+++++++++++
CHÚA THÁNH THẦN CẦU NGUYỆN TRONG VÀ QUA CHÚNG TA
Những lời nguyện khẩn cầu gồm chứa việc nài xin. Có nhiều hình thức nài xin khác nhau. Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng than van là hình thức khẩn cầu chủ yếu. Điều thú vị là than van không phổ biến trong Tân Ước.
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo ghi nhận: “Tân Ước hầu như không có những lời cầu nguyện than van thường thấy trong Cựu Ước” (GLHTCG, số 2630).
Điều này không có nghĩa là dân Chúa trong Tân Ước không có những cuộc chiến đấu, tiếng kêu than và mối quan tâm của riêng họ. Họ cũng sa ngã. Đối với những người trong Tân Ước thì cuộc sống cũng khó khăn giống như đối với những người trong Cựu Ước.
Sự khác biệt không nằm ở mức độ đau buồn hay tan nát cõi lòng. Sự khác biệt nằm ở chỗ hiểu biết Thiên Chúa, chấp nhận đau khổ và mức độ gần gũi và chăm sóc của Thiên Chúa mà dân Ngài cảm nghiệm. Sự khác biệt nằm ở chỗ Thiên Chúa hằng sống đã Nhập thể.
Trong thực tại Nhập thể, Thiên Chúa đã đến với dân Ngài. Ngài đã trở thành một trong chúng ta. Ngài đã yêu thương, làm việc, chịu đau khổ, than khóc và chết như mỗi người chúng ta. Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đồng hành và an ủi dân Ngài từ trong cõi lòng đến biểu hiện ra bên ngoài.
Một cuộc gặp gỡ như vậy lên đến đỉnh điểm và tìm thấy biểu hiện lớn nhất của nó trong Sự Phục sinh. Chúa Giêsu không chỉ đau khổ như chúng ta đau khổ. Ngài đã tiêu diệt và đánh bại đau khổ theo cách nó bày ra. Ngài đã biến đau khổ thành phương tiện của tình yêu và cứu chuộc. Sự biến đổi này được nhìn thấy rõ ràng trong Sự Phục sinh.
Sách Giáo lý dạy rằng: “Trong Đức Kitô phục sinh, lời cầu nguyện của Hội Thánh mang niềm hy vọng, cho dù hiện nay chúng ta vẫn đang trông chờ và mỗi ngày vẫn còn cần hối cải” (GLHTCG, số 2630).
Dân Chúa vẫn còn đau khổ. Cuộc sống vẫn có thể quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, hy vọng về Sự Phục sinh nâng mọi thứ lên cao và mang lại sức mạnh và sự tin cậy cho dân Chúa khi họ bước qua tình trạng sa ngã, trùng trùng đau khổ và gian khổ của thế gian.
Niềm hy vọng Phục sinh đã thay đổi cuộc sống và thay đổi chính khái niệm cầu nguyện. Niềm hy vọng đó đã nâng lời cầu nguyện lên một mức độ kết hợp với Chúa và sự quan phòng của Ngài hoàn toàn khác hẳn.
Lời nguyện nài xin trong Tân Ước ít than van hơn, do đó, là tiếng rên rỉ và chờ đợi Chúa thực hiện tất cả những gì Chúa Giêsu Kitô đã giành được. Lời nài xin bây giờ là một sự khao khát thiết tha. Lời nài xin đó nuôi dưỡng hy vọng vào việc hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa trong Chúa Kitô Phục sinh.
Như Sách Giáo Lý giải thích: “Lời kinh cầu xin của Kitô giáo còn xuất phát từ một chiều sâu khác, từ chiều sâu được thánh Phaolô gọi là lời rên siết: tức là lời rên siết của thụ tạo “quằn quại như sắp sinh nở”; cũng là tiếng rên siết của chúng ta “còn trông đợi Thiên Chúa… cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (GLHTCG, số 2630).
Khi lời nguyện khẩn cầu được liên kết với niềm trông cậy, chúng ta sẽ ở trong tư thế tay không, có tấm lòng rộng mở và tinh thần nghèo khó. Chúng ta mong chờ Nước Chúa trị đến, vương quốc của công lý và hòa bình, của chân lý và lòng thương xót, của lòng nhân từ và tình yêu. Đó là vương quốc đã được Chúa Giêsu Kitô khai mở và sẽ được hoàn thành trong Ngài. Và vì vậy, những người tin vào Chúa sẽ sống với một khát khao thiết tha và một sự mong đợi vui mừng Nước Chúa trị đến.
Lời cầu nguyện phát sinh từ niềm trông cậy không thể được giữ gìn bởi chính tâm can sa ngã của chúng ta. Sức mạnh chúng ta cần để sống và cầu nguyện trong niềm trông cậy chỉ đến từ trên cao. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa và vì vậy Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta.
Sách Giáo lý dạy rằng: “Sau cùng là những “tiếng rên siết khôn tả” của chính Chúa Thánh Thần, Đấng “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (GLHTCG, số 2630).
Chúa Thánh Thần đến và cầu nguyện qua chúng ta. Ngài hướng dẫn, dạy dỗ và nâng lời cầu nguyện của chúng ta lên cao. Ngài là Đấng cầu nguyện trong chúng ta và qua chúng ta. Chúa Thánh Thần là Đấng biết những ngóc ngách sâu thẳm trong cõi lòng chúng ta và cũng là Đấng có khả năng bày tỏ những ngóc ngách sâu thẳm đó tốt nhất trong lời cầu nguyện. Những lời khẩn cầu và nài van của chúng ta trở nên hoàn hảo trong Ngài.
Chúng ta không thể cầu nguyện đúng như chúng ta cần phải nếu như không có Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể kiên trì và sống trong niềm trông cậy nếu không có Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng đến với chúng ta, nâng đỡ chúng ta và dạy chúng ta về mầu nhiệm và thuật cầu nguyện.
Tác giả: LM Jeffrey Kirby
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.