Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

28 Thánh ý Chúa

Tác giả: 
Đ.Ô Rosage

 

 

Lạy Chúa, Xin Dạy Chúng Con Cầu Nguyện

 

Tác giả Ðức Ông Rosage
Bùi Hữu Thư chuyển ngữ

 

 


 

 

TUẦN LỄ 28: THÁNH Ý CHÚA

 

Chúa Giê-su luôn luôn lo lắng sâu xa đến việc thực hiện Thánh ý Chúa Cha. Nhiều lần Chúa Giê-su đã bảo chúng ta là Ngài đã đến để làm điều Chúa Cha đã sai Ngài. Có một lần Ngài nói: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người" (Gio-an 4:34). "Lạy Thiên Chúa này con đây, con đã đến để thực thi Thánh Ý Ngài, như sách Thánh đã chép về con." (Do Thái 10:7)

 

 

Ðây là một thái độ hết sức quan trọng chúng ta phải có khi cầu nguyện. Chúng ta phải tìm kiếm và thi hành Thánh Ý Chúa. Thời gian lặng thinh để suy niệm và chiêm niệm sẽ gợi cho chúng ta thấy điều Chúa muốn nói với chúng ta. Khi chúng ta nghe lời Chúa, chúng ta có thể phân biệt được và khám phá dễ dàng hơn những gì Chúa muốn chúng ta làm. Ðây mới chính là cầu nguyện thật sự. Ðó là ngồi dưới chân Giê-su và lắng nghe với con tim những gì Chúa nói với chúng ta.

 

 

Thánh Ý Chúa đối với chúng ta không phải điều dễ dàng. Ngược lại đôi khi có thể gây cho chúng ta rất nhiều đau đớn. Tuy nhiên khi chúng ta bỏ thời giờ ra để cầu nguyện, chúng ta tìm được sức mạnh để chấp nhận bất cứ Thánh Ý nào đã được dành cho chúng ta.

 

 

Ở đây một lần nửa, Chúa Giê-su lại cho chúng ta một gương khác. Trong vườn Giệt-sê-ma-ni, khi viển ảnh của tất cả sự đau đớn sắp xảy đến đang đè nặng lên mình Chúa, Chúa Giê-su đã cầu nguyện :"Lạy Cha, nếu đây là Ý của Cha, thì xin cất chén đắng này cho con; nhưng đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha." Nhà viết Phúc Âm đã kể thêm rằng: "Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi nên càng khẩn thiết cầu xin." (Lu-ca 22:42-44).

 

 

Chúng ta phải đến với cầu nguyện khi đã chuẩn bị để xin và chấp nhận Thánh Ý của Chúa trong mọi sự. Trong cách cầu nguyện như vậy có một sự bình an chân chính. Khi Thánh Ý Chúa dường như đè nặng lên mình chúng ta, chúng ta cũng phải cầu nguyện sốt sắng nhiều hơn. Nhờ đó chúng ta sẽ tìm được sức mạnh và cả sự vui sướng.

 

 

LÚC HẤP HỐI TRONG VƯỜN

 

Việc chờ đợi một kinh nghiệm đau đớn và khó chịu thường khó khăn hơn là chính khi kinh nghiệm đó xảy tới. Chúa Giê-su đã phải chịu đựng sự đau đớn phiền não trong khi chờ đợi trong vườn Giệt-sê-ma-ni, những gì sẽ xảy đến. Ngoài ra Chúa còn nhìn thấy trước sự vô ích của những sự đau đớn của Ngài. Chúa biết trước sự thản nhiên, sự vô ơn bạc nghĩa và sự thù nghịch trắng trợn mà Ngài sẽ phải chịu đựng qua thân thể của Ngài là Giáo Hội qua bao nhiêu thời đại. Sự đau đớn này đã khiến cho Ngài phải kêu lớn lên rằng:"Áp-ba! Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này."Và sau đó là sự nhẫn nhục ưng chịu cao cả: "Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo Ý Cha. " (Mác-cô 14:36).

 

 

Ngày Một: Mát-thêu 26:36-46
Giệt-sê-ma-ni: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được."

 

Ngày Hai: Gio-an 12:23-28
"Chính vì giờ này mà con đã đến."

 

Ngày Ba: Do Thái 5:5-10
"Người phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục."

 

Ngày Bốn: Gio-an 14:28-31
"Thầy ra đi và đến cùng anh em."

 

Ngày Năm: Do Thái 4:14-16
"Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta."

 

Ngày Sáu: Lu-ca 22:47-53
"Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao""

 

Ngày Bảy: Gio-an 18:1-14
Quyền năng cao cả bó buộc: "Các anh tìm ai""

 

 

****************************************************