Nhảy đến nội dung

Ăn chay trong tinh thần khiêm hạ

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

THỨ TƯ LỄ TRO A.B.C.

Ge 2,12-18 ; 2 Cr 5,20-6,2 ; Mt 6,1-6.16-18

ĂN CHAY TRONG TINH THẦN KHIÊM HẠ

I. HỌC LỜI CHÚA

 

1. TIN MỪNG: Mt 6,1-6.16-18

(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

(16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

2. Ý CHÍNH:

 

Đức Giêsu đòi môn đệ phải làm các việc đạo đức phù hợp với tinh thần mới của Người:

- Đối với tha thân: Phải quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất.-

- Đối với Thiên Chúa: Phải chuyên cần cầu nguyện.

- Đối với bản thân: Phải năng ăn chay hãm mình đền tội.

Điều cốt yếu khi làm các việc ấy là phải làm trong tinh thần khiêm tốn: Tránh khua chiêng đánh trống khi bố thí để tìm tiếng khen; Tránh cầu nguyện ở chỗ đông người để được ca tụng; Tránh làm bộ mặt rầu rĩ khi ăn chay để cho người ta biết mình đang ăn chay.

3. CHÚ THÍCH:

- C 2-4: + Bố thí: Thời Đức Giêsu, bố thí là việc công chính bậc nhất (x. Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới thái độ phô trương bề ngoài, nhằm để được người khác ca tụng. + Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người Pha-ri-sêu thời bấy giờ dùng chiêng trống để loan báo cho người ăn xin nghèo khó tập trung lại nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó ta có thể coi đây chỉ là một ví dụ có tính phóng đại để khuyến cáo môn đệ phải khiêm tốn khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời chính là phần thưởng dành cho những ai làm việc bố thí chỉ nhằm khoe khoang. Do đó, họ sẽ không được công phúc thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa sau này. + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là cần phải giữ kín, không cho người khác biết việc tốt mình đang làm.

- C 5-6: + Cầu nguyện: Chính Đức Giêsu đã làm gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo Người thì lời cầu nguyện phải có những đặc tính sau: Phải khiêm tốn trước Thiên Chúa và người đời (x. Lc 18,10-14;Mt 6,5-6); Phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x. Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa (x. Mt 6,8 ; 7,7-11) và phải kiên trì nài xin (x. Lc 11,5-8 ; 18,1-8). Lời cầu nguyện sẽ chỉ được nhận lời khi cầu xin với lòng tin mạnh (x. Mt 21,22), cầu xin nhân danh Đức Giêsu (x. Mt 18,19-20), và cầu xin những ơn thực sự ích lợi cho phần rỗi đời đời (x. Mt 7,11).+ Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy: Ở đây Đức Giêsu không đả kích việc cầu nguyện công khai và cộng đồng (x. Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ trích ý đồ của người cầu nguyện là muốn phô trương công đức để được người đời ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giêsu gợi lại cách thức của ngôn sứ Ê-li-a cầu nguyện khi làm phép lạ (x. 2V 4,33).

- C 16-18: + Ăn chay: Đã từ rất lâu, dân Is-ra-en có tục ăn chay mỗi khi có tang chế (x. 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2Sm 12,16). Ăn chay theo luật Môsê là nhịn ăn uống vào ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta không được tắm rửa, phải để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo bằng vải thô đặc biệt. Thời Đức Giêsu, dân Do thái chỉ buộc phải ăn chay trong ngày lễ Xá tội (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), và trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá hoặc trong những lúc gặp thiên tai. Riêng các người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12). + Còn anh, khi ăn chay...: Đức Giêsu muốn cho các môn đệ của Người phải ăn chay trong sự khiêm tốn: thay vì rắc tro lên đầu, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn...như người Biệt phái thường làm, thì họ cứ rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm như mọi ngày khác, để cho người ta không biết mình đang ăn chay.

4. CÂU HỎI: 

1) Hãy cho biết ba việc đạo đức người Do thái đạo đức quen làm là những việc gì? 2) Theo Đức Giêsu: cầu nguyện đúng đắn phải có những đặc tính nào? Muốn đạt được hiệu quả thì lời cầu nguyện phải có những điều kiện nào? 3) Luật Môsê dạy dân Do thái ăn chay như thế nào? 4) Thời Đức Giêsu, dân Do thái buộc ăn chay những ngày nào? người Pha-ri-sêu thì ăn chay những ngày nào? 5) Đức Giêsu dạy môn đệ phải ăn chay cách nào để làm đẹp lòng Thiên Chúa?

II. SỐNG LỜI CHÚA

 

1. LỜI CHÚA: “Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,4).

2. CÂU CHUYỆN: NƠI NÀO TRONG NHÀ THỜ LŨ CHUỘT ÍT BỊ QUẤY RẦY NHẤT?

Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang trong nhà thờ để kiếm cái gì ăn cho đỡ đói. Bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn như nó. Thế là hai con chuột liền làm quen với nhau và hỏi thăm chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong ngôi nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ!”. Nghe vậy, chuột thứ hai tỏ ra thông cảm với bạn và nói: “Vậy thì bồ hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị người ta quấy rầy!” Chuột thứ nhất ngạc nhiên hỏi: “Có một chỗ ở như thế thật ư? Vậy bạn hãy cho tớ biết đó là chỗ nào vậy? “. Chuột thứ hai liền đáp: “Đó là cái thùng quyên góp tiền bạc giúp đỡ người nghèo. Nó nằm ngay tại cuối nhà thờ này đấy!”.

3. THẢO LUẬN:

1) Trong kinh “cải tội bảy mối có bảy đức”, bạn thấy mình thường hay sai phạm mối tội đầu nào nhất ? 2) Bạn quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để chừa bỏ được thói xấu ấy trong những ngày Mùa Chay này?

4. SUY NIỆM:

1) TRỌNG TÂM CỦA MÙA CHAY:

a) Ý nghĩa của việc xức tro lên đầu:

Hội thánh cử hành nghi thức làm phép và xức tro để khai mạc Mùa Chay Thánh. Trong nghi lễ xức tro, Hội Thánh nhắc nhở mọi tín hữu chúng ta: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”.

Khi lãnh tro lên đầu là chúng ta nhận mình chỉ là tro bụi như tổ phụ  Abraham xưa đã thưa với Đức Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27), đồng thời chúng ta cũng bày tỏ lòng sám hối và tin vào Đức Giêsu như Người đã kêu gọi khi khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14).

Ngôn sứ Giêrêmia cũng đã kêu gọi dân chúng xức tro để bày tỏ lòng sám hối tội lỗi như sau: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26). 

Ngôn sứ Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3).

Thời ngôn sứ Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo cho dân thành Ninivê tội lỗi về tai ương mà Người sẽ giáng xuống trên thành nếu họ không chịu hồi tâm sám hối. Lúc đầu Giona chạy trốn Đức Chúa và con thuyền gặp bão và Giona bị ném xuống biển bão mới yên. Ông đã nằm trong bụng cá và ba ngày sau, cá đã nhả ông nằm trên bãi biển thuộc thành Ninivê. Ông tuân phục ý Chúa bắt đầu thi hành sứ mạng kêu gọi dân Ninivê sám hối. Nghe ông rao giảng và chứng kiến phép lạ ông nằm trong bụng cá ba đêm ngày, từ vua đến dân chúng đều ăn năn sám hối: “Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6). Nhờ đó thành Ninivê đã được Đức Chúa thương xá tội và tha không hành phạt nữa.

Sang thời Tân Ước, giá trị và ý nghĩa của việc xức tro vẫn được Đức Giêsu công nhận như phương thế bày tỏ lòng ăn năn sám hối khi chê trách dân hai thành phố Do thái là Khoradin và Bétxaiđa như sau: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 - 22; x. Lc 10, 13).

Như vậy, khi chịu tro lên đầu, ngoài việc công khai nhận mình là người tội lỗi và tỏ lòng sám hối xin Thiên Chúa dủ lòng thương tha thứ, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng trở nên con cái Thiên Chúa.

Ngoài việc khiêm tốn nhận tro lên đầu, còn một phương thế thứ hai giúp chúng ta bày tỏ lòng sám hối là ăn chay. Vậy thế nào là ăn chay đẹp lòng Chúa trong Mùa Chay này?

b) Ăn Chay đền tội:

Ngay từ thời các vua, dân Ítraen đã có thói quen ăn chay mỗi khi có tang chế (x. 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2 Sm 12,16), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá hoặc trong những lúc gặp thiên tai. Đến thời Chúa Giêsu, các người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12).

Về cách thức ăn chay: Luật Môsê quy định ăn chay là sự tự nguyện nhịn ăn uống vào ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta không được tắm rửa, phải để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo bằng vải thô đặc biệt. Luật buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9),

Ăn chay thể hiện tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và là hành vi đẹp lòng Người (x. Ds 29,7; Cv 13,2). Ăn chay còn có ý nghĩa thể hiện lòng thành tín để xứng đáng được Thiên Chúa nhận lời cầu xin (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21); để thể hiện tinh thần sám hối đền tội, xứng đáng được Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); Ăn chay hỗ trợ hiệu quả cho việc trừ Quỉ... (x. Mt 17,21). Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7). Ăn chay là phương thế thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Ăn chay giúp chúng ta không còn bám víu vào của cải vật chất đời này, không cậy dựa vào sức riêng mình cách thái quá mà biết cậy dựa vào Lời Chúa như lời Chúa: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).

Tuy nhiên, việc ăn chay chỉ có giá trị trước mặt Chúa và nhận được ơn Chúa ban nếu được thực hiện trong tinh thần khiêm hạ như lời Đức Giêsu dạy: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ mặt rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,16-18).

c) Làm phúc bố thí:

Các việc đạo đức như ăn chay cầu nguyện còn cần nhằm mục đích mến Chúa yêu người mới có giá trị như lời thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

Ngoài ra còn một việc đạo đức thiết thực khác nữa cần được thực hiện trong mùa Chay là sự bố thí hay chia sẻ cơm bánh vật chất cho những người nghèo đói. Đây là việc khó thực hiện nếu thiếu lòng quảng đại, nhưng sẽ mang lại ích lợi lớn lao và còn là phương thế hữu hiệu giúp chúng ta hồi tâm sám hối và làm việc đền tội cân xứng, như lời sứ thần Raphaen khuyên hai cha con Tôbia như sau: “Bố thí mà đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn giàu có mà ăn ở bất công. Làm phúc bố thí thì tốt hơn là việc tích trữ vàng bạc. Việc bố thí làm cho chúng ta khỏi chết và giúp tẩy sạch mọi tội lỗi, đồng thời còn giúp người bố thí được sống lâu” (x Tb 12,8-9).

Sở dĩ bố thí khó thực hiện vì “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng bù lại, bố thí sẽ làm phát sinh ích lợi lớn lao, giúp chúng ta ý thức về giá trị tương đối của tiền bạc, như Đức Giêsu đã khuyên chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).

2) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ TRONG MÙA CHAY NÀY:

a) Phải tránh thói ăn chay hình thức vụ luật và phô trương của người Biệt Phái:

- Có những người ăn chay vì vụ luật hoặc vì sợ bị Chúa phạt! : Những người này ăn chay để khỏi mắc tội. Do đó nếu trong ngày chay lỡ quên ăn vặt, ăn không đúng giờ... thì đâm ra lo lắng áy náy. Cũng có những người ăn chay cách tính toán để vừa giữ luật lại vừa thỏa mãn thói mê ăn của mình: Ngày mai ăn chay thì hôm nay sẽ tổ chức ăn uống no say để ngày mai đỡ thèm như thói tục “Thứ Ba Béo” của một số nước Âu châu.

- Có người cố nhịn ăn cho đến 24g tức là cuối ngày Thứ Tư, sau đó họ nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế để an tâm là mình đã giữ trọn ngày chay theo giáo luật.

- Cũng có người trong ngày chay buộc kiêng thịt thì mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm là những thứ đắt tiền hơn thịt nhiều... Ăn chay như vậy không khác gì những người Pharisêu và dân Do thái xưa đã bị Đức Chúa quở trách: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).

b) Phải ăn chay trong tinh thần chay tịnh kết hiệp với việc bác ái:

- Ăn chay như Chúa muốn là ăn chay trong tinh thần: như lời Chúa phán dạy hôm nay: "Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo " (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Thiên Chúa ... vì bây giờ là cơ hội thuận tiện" (x. 2 Cr 5,20 - 6,2).

- Ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm lời Đức Chúa: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây!" Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ” (Is 58,6-11).

- TÓM LẠI: bản chất của việc ăn chay là sự hãm mình đền tội, là kiêng ăn bớt tiêu để lấy tiền dư ra chia sẻ bác ái giúp đỡ người nghèo đói, để tích cực đóng góp cho công cuộc truyền giáo và cộng tác giúp Hội Thánh ngày một phát triển!

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊSU. Cùng với toàn thể Hội thánh, chúng con đã bước vào Mùa Chay. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một thời kỳ thuận tiện để duyệt xét cuộc đời chúng con, hầu có thể bù đắp những thiếu sót, sửa chữa những lệch lạc nơi con người của chúng con. Xin Chúa hãy chiếu ánh sáng của Chúa trên chúng con, để chúng con nhận ra con người thật của chúng con. Nhất là xin Chúa ban ơn nâng đỡ chúng con. Chỉ nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng con mới có thể trỗi dậy và quyết tâm đổi mới để trở thành môn đệ Chúa.

- LẠY CHÚA. Xin giúp chúng con luôn thể hiện tình thương của Chúa trong đời sống thường ngày. Chúng con thường ích kỷ, khép kín cửa lòng trước nỗi bất hạnh của tha nhân. Đôi lúc chúng con có làm được một vài việc tốt, nhưng lại muốn được nhiều người biết đến và khen ngợi. Xin Chúa cho chúng con thực hành theo Lời Chúa dạy hôm nay: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”, để công việc của chúng con được Chúa ban thưởng trong giờ phán xét sau này.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH- HHTM

*********************

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C

Đnl 26,4-10 ; Rm 10,8-13 ; Lc 4,1-13

QUYẾT TÂM VƯỢT QUA THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG

I. HỌC LỜI CHÚA

 

1. TIN MỪNG: Lc 4,1-13

(1) Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa (2) bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. (3) Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”. (4) Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (5) Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. (6) Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. (7) Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông. (8) Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (9) Quỷ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi! (10) Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn”. (11) Lại còn chép rằng: “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (12) Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (13) Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ.

2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊSU CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ

Tin mừng thuật lại việc Thánh Thần hướng dẫn Đức Giêsu vào sa mạc ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày, sau đó Người đã dùng Lời Thánh Kinh chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ như sau:

- Một là cán dỗ về thú vui nhục dục.

- Hai là cám dỗ về quyền lực lợi lộc.

- Ba là cám dỗ về danh vọng thế gian.

3. CHÚ THÍCH:           

- C 1-2: + Được Thánh Thần dẫn đi vào hoang địa: Thánh Luca hay nói tới tác động của Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giêsu (x. Lc 1,35 ; 3,16.22). Hoang địa là vùng sa mạc Giu-đa, một giải đất rộng nằm giữa vùng núi gần thành Giê-ri-cô. + Bốn mươi ngày: Con số bốn mươi này gợi lại bốn mươi năm dân Ít-ra-en đi trong sa mạc. + Chịu quỷ cám dỗ: Trong tiếng Do thái, cám dỗ nghĩa là thử thách, giống như một cuộc thi cử. Đứng trước cơn cám dỗ, ta phải lựa chọn giữa sự thiện và sự ác, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết. + Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó thì Người thấy đói: Nhịn ăn là một trong những hình thức chay tịnh của dân Do thái.  

- C 3-4: + “Nếu ông là Con Thiên Chúa”: Quỷ đã nhắc lại lời Chúa Cha phán sau khi Đức Giêsu chịu phép Rửa: “Này là Con Ta yêu dấu” (x Lc 3,22). + Truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!: Đây là cơn cám dỗ về của ăn. Quỷ đã nhận ra điểm yếu của Đức Giêsu là bị đói sau thời gian dài ăn chay, nên nó xúi Người làm phép lạ biến đá thành bánh để thỏa mãn nhu cầu của bản thân! Đây là sự cám dỗ chiều theo các đam mê lạc thú xác thịt. + “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”: Đức Giêsu dùng câu nói của Môsê dạy dỗ dân Ít-ra-en ngày xưa để chống trả cơn cám dỗ này của ma quỷ (x. Đnl 8,3).

- C 5-8: + Quỷ đem Đức Giêsu lên cao: Có lẽ đây là một vị trí cao hơn mặtđất, như thường ghi trong các Khải huyền Do thái. + Trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ: Câu này cho thấy cơn cám dỗ chỉ xảy ra trong tâm trí của Đức Giêsu. + Nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này.”..: Ma quỷ đề nghị chia sẻ quyền cai trị để biến Đức Giêsu thành vị Mê-si-a trần thế theo kiểu vua Đa-vít ngày xưa. Người sẽ liên kết với nhóm Do thái cực đoan để chiếm lại quyền hành và vinh quang, đánh đuổi quân Rô-ma đang cai trị ra khỏi đất nước (x. Gioan 6,15). Điều mong ước này không nằm trong chương trình cứu độ và không phải là sứ vụ của Đức Giêsu (x. Lc 10,22). + Đã có lời chép: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”: Bái lạy là thái độ của loài thụ tạo phục tùng Đấng Tạo Hóa (x. Mt 2,5 ; 8,2). Dân Do thái khi xưa đã sa ngã phạm tội khi tôn thờ bò vàng, nên đã bị phạt (x. Xh 32,1.31-35). Còn nay Đức Giêsu nhắc lại điều luật Môsê truyền cho dân Do thái chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi (x. Đnl 6,13).

- C 9-13: + Quỷ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem: Luca kết thúc bản tường thuật các cơn cám dỗ tại Giêrusalem. + Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi”: Sau này trong cuộc khổ nạn tại Giêrusalem, các đầu mục Do thái, bọn lính canh và tên gian phi cũng lặp lại cơn cám dỗ này: “Hãy bước xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy mà tin” (x. Mt 27,42b-44). + “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”: Thử thách Thiên Chúa có hai nghĩa: một là như xưa ma quỷ đã cám dỗ dân Do thái lẩm bẩm kêu trách và phản đối Đức Chúa, Đấng đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ cho dân Ai cập, đang khi lẽ ra họ phải tạ ơn và phó thác cậy trông nơi Người. Hai là quỷ cám dỗ Đức Giêsu lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa để tìm kiếm lợi lộc cho bản thân. Tội này cũng giống tội “trông cậy quá lẽ”, nghĩa là đòi Chúa phải làm phép lạ để thỏa mãn đòi hỏi theo ý riêng mình. + Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ: Thời cơ là cuộc thương khó của Đức Giêsu tại Giêrusalem (x. Lc 22,3). Trong vườn cây Dầu, Người đã bị ma quỷ cám dỗ từ chối uống chén đắng đau khổ, nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ đó bằng lời cầu xin với Chúa Cha: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Trên cây thập giá, Người bị ma quỷ cám dỗ nghĩ mình đã bị Chúa Cha bỏ rơi! (x. Mt 27,46), nhưng Người đã chiến thắng nó qua lời cầu nguyện phó thác hòan tòan vào sự quan phòng của Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

4. CÂU HỎI: 

1) Cám dỗ là gì? Khi chỉ bị ma quỷ cám dỗ làm điều xấu trong tâm trí thì đã có ti chưa? 2) Đức Giêsu đã dùng phương thế nào để chống lại ma quỷ khi bị chúng cám dỗ? 3) Tội “thử thách Thiên Chúa” có đồng nghĩa với tội “trông cậy quá lẽ” không? Hãy nêu một vài ví dụ cụ thể để minh họa về tội “trông cậy quá lẽ” hay tội “thử thách Thiên Chúa”.

II.  SỐNG LỜI CHÚA

 

1. LỜI CHÚA: “Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1b).

2. CÂU CHUYỆN: SA CHƯỚC CÁM DỖ

Ngày xưa có một thanh niên tính tình hiền lành, luôn cư xử hiếu thảo với cha mẹ, và rất yêu thương vợ mình. Một hôm, một con quỷ đã hiện ra và cám dỗ anh ta phạm tội. Quỷ cho anh được quyền chọn làm một trong ba điều xấu: Một là chửi mắng cha mẹ. Hai là giết chết cô vợ thân yêu. Ba là uống rượu. Bấy giờ chàng thanh niên liền suy nghĩ: Chửi mắng cha mẹ là bất hiếu, nên ta quyết không làm. Giết chết người vợ thân ỵêu là bất nghĩa, ta cũng không thể làm được. Chỉ có uống rượu là ta có thể làm được thôi, vì uống rượu đâu phải quá xấu! Thế là anh ta chọn uống rượu. Quỷ liền sai người cung cấp cho anh ta đủ các thứ rượu ngon trên đời. Lúc đầu chàng thanh niên còn uống hạn chế mỗi bữa một ly nhỏ, nên không có điều gì xảy ra. Nhưng dần dần việc uống rượu trở thành thói quen, mỗi bữa anh ta phải tăng “đô” lên và uống gấp nhiều lần mới thấy “phê”. Cuối cùng, anh đã trở thành một tên bợm nhậu: lúc nào cũng say xỉn! Một hôm, anh ta say đến nỗi không biết trời trăng gì nữa. Trong cơn say, anh ta đập bể tất cả chén bát và vất đồ đạc trong nhà ra đường. Bị cha mẹ ngăn cản rầy la, anh ta liền to tiếng cãi lại và buông ra những lời thô tục xúc phạm đến cha mẹ. Cô vợ thấy chồng vô lễ và bất hiếu như vậy liền chạy tới khuyên can liền bị anh đâm một nhát dao khiến cô ngã lăn ra chết. Thế là từ việc uống rượu tưởng chừng vô hại lúc đầu, về sau đã thành nguyên nhân dẫn đến hai tội ác lớn lao là bất hiếu xúc phạm nặng đến cha mẹ, và bất nghĩa giết chết người vợ thân yêu của mình.

3. THẢO LUẬN:

1) Ma quỷ đã tấn công vào chỗ yếu của Đức Giêsu là bụng đói sau khi đã nhịn ăn bốn mươi ngày. Còn chỗ yếu của bạn hiện nay là gì? 2) Để chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ cách hữu hiệu, bạn cần sử dụng các phương thế nào noi gương Đức Giêsu như trong Tin Mừng hôm nay?

4. SUY NIỆM:

1) Con người “nhân vô thập toàn” và dễ sa ngã phạm tội:

Đây là hậu quả của tội tổ tông truyền, như thánh Phaolô đã phải thú nhận: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Ngoài ra con người còn bị ma quỷ cám dỗ xúi giục phạm tội như nó đã cám dỗ Ađam Evà và con cháu ông No-e phạm nhiều thứ tội đáng bị trừng phạt. Nó cũng cám dỗ con cháu Gia-cóp vừa được ơn Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ cho người Ai cập, đã nói những lời xúc phạm đến Đức Chúa và tỏ ra vô ơn đối với ông Môsê.

2) Các cơn cám dỗ xưa và nay:

Sau khi được Thánh Thần xức dầu thiêng liêng phong làm Đấng Thiên Sai, Thánh Thần đã dẫn đưa Đức Giêsu vào trong sa mạc ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi ngày và trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ về ba phương diện như sau:

* Về THÚ VUI XÁC THỊT: Xưa ma quỷ đã xúi giục Đức Giêsu làm phép lạ để thỏa mãn cơn đói khát cơm bánh vật chất và các đam mê lạc thú bất chính. Ngày nay ma quỷ cũng cám dỗ chúng ta ước muốn được “ngồi bên nồi thịt và được ăn bánh thỏa thuê”.... như dân Ít-ra-en trong sa mạc khi xưa (x. Xh 16,2tt). Ma quỷ xúi chúng ta ăn uống no say thừa mứa, vui hưởng lạc thú xác thịt bên cạnh những người đói khát bệnh tật và đau khổ.

* Về LỢI LỘC VẬT CHẤT: Xưa ma quỷ đã hứa ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho Đức Giêsu nếu Người tôn thờ nó. Nay ma quỷ cũng cám dỗ nhiều người bán linh hồn cho nó, tình nguyện làm tay sai cho nó để được hưởng lợi như buôn bán sì ke ma túy, kinh doanh hàng gian hàng giả, buôn bán thân xác phụ nữ và trẻ em…

* Về DANH VỌNG TRẦN GIAN: Xưa ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu nhảy từ nóc Đền thờ xuống, để tìm hư danh, vì tin chắc Thiên Chúa sẽ can thiệp kịp thời cứu Người khỏi bị té ngã (x. Lc 4,10-11). Trong cuộc tử nạn, ma quỷ cũng xúi giục thách thức Đức Giêsu qua các đầu mục dân Do Thái : “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!” (Mc 15,29-32). Cả tên trộm cũng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” (Lc 23,39). Nay ma quỷ cũng cám dỗ chúng ta thử thách Thiên Chúa khi tự đặt mình vào tình huống hiểm nghèo và buộc Thiên Chúa phải ra tay làm phép lạ để cứu mình khỏi chết. Đó chính là tội “trông cậy quá lẽ” dễ đi đến chỗ mất đức tin. Đành rằng Thiên Chúa quyền năng có thể làm được mọi sự (x. Lc 1,37), nhưng Người chỉ làm phép lạ khi nào Người muốn và nếu điều đó thực sự hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta. Còn những ai muốn thử thách Người như dân làng Nadarét không tin nên đòi Đức Giêsu làm phép lạ để chứng minh thân phận Cứu Thế của Người (x. Mc 6,1-6), hoặc vua Hêrôđê muốn Đức Giêsu làm phép lạ cho ông ta xem thì Người giú thái độ im lặng

Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ về thú vui, về lợi lộc và danh vọng bằng nhừng lời như sau: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”, mà Người còn khẳng định thêm: Lời Chúa cũng cần thiết không kém để nuôi dưỡng đức tin. người tín hữu không được vì lợi lộc tiền tài vật chất mà bỏ bổn phận ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, rồi phó thác nhu cầu cuộc sống trong tay Chúa quan phòng (x. Mt 6,33). Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ thử thách quyền năng Thiên Chúa như thế khi trưng dẫn lời Kinh thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x Đnl 6,16). Người muốn chúng ta phải có một đức tin đơn sơ phó thác, như đứa con thơ nép mình trong vòng tay bà mẹ và không bao giờ nghi ngờ đòi cha mẹ phải chứng minh tình thương ấy.

Trong lịch sử thế giới, bao nhà độc tài quyền thế, bao đế quốc hùng mạnh đã xuất hiện và đã lần lượt bị diệt vong. Còn Đức Giêsu chỉ nhận quyền lực từ nơi Chúa Cha (x. Lc 1,32b). Chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất đáng tôn thờ (x. Lc 4,8). Chỉ Chúa Cha mới ban quyền cai trị cho Chúa Con là Người, và quyền lực ấy sẽ kéo dài mãi mãi, như lời sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Maria: “Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,33).

Trong Mùa Chay này, noi gương Đức Giêsu, chúng ta hãy vâng theo ơn Thánh Thần hướng dẫn đi vào sa mạc tâm hồn. Hãy cùng với Đức Giêsu giữ sự thinh lặng, siêng năng cầu nguyện và hãm mình chay tịnh, để gia tăng nội lực thiêng liêng. Rồi nhờ việc chuyên cần học sống lời Chúa và được ơn Thánh Thần trợ giúp, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU. Bị cám dỗ là thân phận của con người. Nhưng chúng con chỉ thắng được cơn cám dỗ khi biết cậy nhờ vào ơn trợ giúp của Chúa. Cuộc sống hôm nay cho chúng con bao điều cám dỗ ngọt ngào, làm khuấy động những dục vọng thầm kín trong chúng con như: Muốn chiếm đoạt của cải người khác cách bất chính và muốn thống trị tha nhân, muốn được sống buông thả theo tính xác thịt tự nhiên. Cám dỗ nào cũng hứa cho chúng con được hoan lạc hạnh phúc đang khi thực ra chúng chỉ mang lại những âu sầu thất vọng.

- LẠY CHÚA. Xin cho chúng con chiến thắng được các cơn cám dỗ của ma quỷ nhờ ơn Thánh Thần, nhờ biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, nhờ sự chay tịnh và luôn làm chủ bản thân. Xin cho chúng con dám lội ngược dòng để  đi con đường hẹp và leo dốc của Chúa: Con đường nghèo khó khiêm nhu và hy sinh phục vu tha nhân như Chúa. Ước gì sau những lần chiến đấu vất vả cam go, chúng con sẽ được lớn lên trong tình yêu mến Chúa. Và ngay cả khi chúng con lỡ sa ngã phạm tội, xin cho chúng con biết lập tức trỗi dậy để cậy trông vào lòng thương xót bao dung của Chúa và trở về làm hòa với Chúa qua bí tích giải tội.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬN LỜI CHÚNG CON.

 LM ĐAN VINH - HHTM

 

Tác giả: