Bài học khiêm nhường
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Huệ Minh
Thứ Bảy Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn
Pl 1, 18b-26; Lc 14, 1. 7-11
BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG
Sau khi đã than vãn trên Giêrusalem, Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca lại di chuyển; nhưng trong thực tế, mãi đến 14, 25, ta mới thấy là Người lại đang ở trên đường. Và bây giờ, ta thấy Người đi vào nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để chia sẻ với ông một bữa tiệc nhân một ngày sabát. Người đã tận dụng hoàn cảnh để ban những lời khuyên khôn ngoan về cách ứng xử trong các bữa tiệc do Người đang nhận xét về các thực khách.
Tin Mừng hôm nay thuật lại Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.
Mới nghe qua, lời Chúa Chúa có vẻ như một lời hướng dẫn trong sách dạy nghệ thuật giao tiếp theo kiểu quyền “Đắc Nhân Tâm” (tác phẩm của Dale Carnegie, Nguyễn Hiến Lê dịch). Và trong thực tế, ta vẫn thường áp dụng “mẹo” này như một đòn chiến thuật trong những trường hợp giao tiếp tương tự: ra vẻ khiêm tốn ngồi chỗ cuối để chờ được mời lên trên.
Thật ra, Chúa Giêsu không hề có ý làm một nhà tâm lý xã hội ứng dụng. Ngài muốn dạy chúng ta thái độ phải có đối với Thiên Chúa: xác định mối tương quan giữa mình với Ngài và nhờ đó tìm ra vị trí đích thực của mình trước nhan Ngài. Và tôi chẳng có gì, chẳng là gì khi đứng trước Thiên Chúa. Vì thế thái độ đúng đắn của tôi là hạ mình khiêm cung trước mặt Chúa, và vị trí đúng nhất của tôi chắc chắn là ở chỗ rốt hết trong phòng tiệc của Ngài – Ngài thương mời tôi đến dự tiệc của Ngài là đại hồng phúc cho tôi rồi!
Với bản tính tự nhiên, ai cũng muốn được người đời tôn trọng và kính phục. Họ muốn trở nên một người quan trọng và đứng ở vị trí cao nhất trong cơ cấu mà họ thuộc về: khi còn là một học sinh, họ muốn nắm giữ chức vụ lớp trưởng; Khi đã là giáo viên, họ lại muốn làm hiệu trưởng; Khi đã là hiệu trưởng, họ lại muốn trở thành bộ trưởng...
Tuy nhiên, mỗi người được sinh ra với một vai trò khác nhau để xây dựng và tô điểm cho thế giới này. Thử hỏi thế giới này sẽ ra sao nếu tất cả mọi người đều là giáo sư, là giám đốc, là tổng thống? Mọi sự còn tệ hại hơn nữa nếu một người không có năng lực mà lại giữ những vị trí quan trọng trong xã hội.
Chẳng hạn như một bác sĩ không có năng lực thì có thể sẽ làm chết một số người, còn một giáo sư không có năng lực thì có thể sẽ giết chết cả mấy thế hệ. Bởi vậy, mỗi người chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận bản thân để tìm ra nơi mà Thiên Chúa muốn cắt đặt cho chúng ta khi sinh ra chúng ta trên cõi đời này. Hơn thế nữa, việc khiêm tốn nhìn nhận bản thân cũng là một bí quyết để sống hạnh phúc ở đời. Bởi vì những người khiêm tốn thì chẳng có gì để mất. Họ dễ dàng vượt qua những trái ý ở đời và luôn an lòng với tất cả những gì đang có.
Con người yêu thích chỗ cao, danh vọng, chức tước: Chúa Giêsu chọn một ví dụ rất phổ thông để dạy con người bài học khiêm nhường là dành nhau chỗ ngồi trong tiệc cưới. Khác với thời đại chúng ta hôm nay: chủ tiệc đã phân chia chỗ ngồi trước, và có người sẵn để đón và hướng dẫn khách vào bàn tiệc; thời của Chúa mạnh ai nấy ngồi tùy theo sự phán đóan của khách được mời.
Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.
Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
Thái độ tự mãn và kiêu ngạo gây ra rất nhiều tai hại cho con người trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân: Với Thiên Chúa, thái độ tự mãn làm con người không nhận ra sự thật Thiên Chúa muốn mặc khải và dạy dỗ con người; nó cũng ngăn cản con người nhận ra tội lỗi của mình và nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Với tha nhân, thái độ kiêu ngạo làm con người không học hỏi được những điều hay lẽ phải từ tha nhân, và làm cho con người tức tối khó chịu khi không được những gì tha nhân có. Nó cũng ngăn cản không cho con người tìm thấy được bình an thực sự cho tâm hồn.
Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường: Theo lời Kinh Magnificat: “Thiên Chúa triệt hạ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ.” Chúa Giêsu cũng tuyên bố nhiều lần: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Thái độ khiêm tốn nhìn nhận bản thân là một trong những điều làm đẹp lòng Chúa nhất. Trong bài Manificat, chính Đức Maria đã cất lên rằng: "Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường". Lược lại Lịch Sử Cứu Độ chúng ta dễ dàng kiểm chứng được điều này. Chúng ta hãy khởi đầu với tổ tiên loài người trong Vườn Địa Đàng.
Xưa kia, Evà - một con người được Thiên Chúa dựng nên vẫn còn đó những bất toàn và hèn kém lại muốn được trở nên giống Thiên Chúa, được đứng vào vị trí của Ngài. Kết quả là Bà đã phạm tội bất tuân phục, đã mở đường cho tội lỗi và sự chết tràn vào thế giới. Còn với Đức Maria - người đã được Đức Chúa chọn làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người thì lại tự xưng là một tì nữ thấp hèn. Kết quả là muôn đời ngợi khen Mẹ là "Người diễm phúc". Mẹ được Thiên Chúa thưởng ban tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng, là vị thánh cao cả hơn mọi vị thánh khác.
Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.
Để học bài học khiêm nhường một cách đích thực và thiết thực, ta cần học biết sự thật về Thiên Chúa, về mình, và về tha nhân. Một khi đã biết sự thật, ta sẽ biết chỗ đứng của chúng ta trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.