Chuẩn bị cho ngày hạnh ngộ - Mau chóng đổi đời - Thiên Chúa đang làm việc ?
- T7, 07/12/2024 - 01:04
- Lm Phan Văn Lợi
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM A : MT 24,37-44
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thời ông No-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông No-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông ta phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
CHUẨN BỊ CHO NGÀY HẠNH NGỘ
Một Năm Phụng vụ mới lại bắt đầu. Năm A này, chúng ta sẽ đọc mỗi Chúa nhật một đoạn trong Tin Mừng “theo thánh Mát-thêu”. (Năm B thánh Mác-cô và năm C thánh Lu-ca).
Hôm nay khởi sự “Mùa Vọng” (“Avent” trong tiếng Pháp và “Advent” trong tiếng Anh). Chữ này phát xuất từ chữ La-tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến” (“Avènement” trong tiếng Pháp, “Lâm”, “Quang lâm” trong tiếng Hán Việt). Đây là chữ đầu tiên trong câu nói của Đức Giê-su khai mở bài Tin Mừng. Một con người sắp đến! Đức Giêsu không tỏ mình cho ta như một “nhân vật quá khứ”, nhưng như một “nhân vật tương lai”. Người nói tới việc mình “quang lâm” như một biến cố sắp đến rồi. Không phải đến trong lễ Giáng sinh như một kỷ niệm tuyệt vời xưa cũ khiến ta nhung nhớ. Người đang đến thật, đang đi qua thật, đang đến cách mới mẻ mỗi sáng ngày, và nhất là sẽ đến trong Ngày Cánh chung.
Đáp lại câu hỏi của các môn đệ: “Xin Thầy nói cho chúng con hay…. cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế” (Mt 24,3), Đức Giê-su gạt ngay mọi suy cứu về thời điểm của biến cố trọng đại này, đồng thời nhấn mạnh tính cách tất yếu của việc Con Người đến và cùng lúc mời gọi Ki-tô hữu phải luôn tỉnh thức. Bốn dụ ngôn minh họa lý do của việc thức tỉnh này: dụ ngôn hồng thủy (24,37-42), dụ ngôn kẻ trộm (24,43-44), dụ ngôn đầy tớ trung tín (24,45-51), dụ ngôn mười trinh nữ (25,1-13). Dụ ngôn thứ năm: những yến bạc (25,14-30) đến như một kết luận để nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm của các môn đệ. Phụng vụ hôm nay cho ta nghe hai dụ ngôn đầu.
1- Đời không phải là cuộc hưởng thụ, trò tiêu khiển.
Dưới con mắt người thế, tiền tài-lạc thú-danh vọng bao giờ cũng xuất hiện như những nhân tố hạnh phúc rất hợp lý hợp tình, vì chúng đáp ứng ba bản năng trong con người: sinh tồn-truyền sinh-quyền lực. Giữa cuộc đời gian khổ khắc nghiệt, chúng trở nên một thứ ánh sáng huyền ảo cuốn hút ta theo đuổi tìm kiếm. Đối với nhiều người, sống là “ăn-làm-chơi-ngủ”, ưu tư là “kiếm thật nhiều tiền hơn, hưởng cho đủ mùi đời, hoàn thành cái gì đó”, dự tính là “week-end, nghỉ hè, du lịch, tham gia các lễ hội toàn cầu”… như World Cup Qatar lúc này chẳng hạn. Đúng như “trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn không hay biết gì, vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Trong lối so sánh này, Chúa Giê-su không nhấn mạnh đến hạnh kiểm xấu của những kẻ bị chết chìm, nhưng đến thói bất phòng xa của họ. Người ta chẳng muốn biết rằng Thiên Chúa có thể can thiệp như một vị thẩm phán vào trong nếp sống quen thuộc thường ngày. Vị thẩm phán này sẽ là đáng sợ nếu nếp sống đó chìm ngập trong tội lỗi. Nên thánh Phao-lô trong Bài đọc 2 nhắc nhở chúng ta : “Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương… Đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Triết gia Blaise Pascal cũng có nói “Cái duy nhất xem ra yên ủi chúng ta khỏi nỗi khốn cùng là sự chơi nhởi (tiêu khiển, hưởng thụ cuộc đời). Tuy nhiên đó lại là nỗi khốn cùng lớn nhất. Vì nó chủ yếu ngăn cản chúng ta nghĩ đến phận mình và từ từ làm chúng ta hư hỏng, bị tiêu diệt. Có lẽ không có nó, chúng ta sẽ buồn chán và nỗi buồn chán này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm một phương tiện chắc chắn hơn để thoát khỏi, nhưng sự chơi nhởi lừa phỉnh chúng ta và từ từ dẫn chúng ta đến chỗ chết” (Tư tưởng 414). Bởi thế, “ngày Quang lâm, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại”. Đem đi để được cứu thoát. Bỏ lại để chịu án phạt. Cũng trong một công việc mà người thì ngủ, kẻ thì sống. Người chẳng chuẩn bị gì trơn, kẻ lại luôn luôn sẵn sàng.
2- Sống cần luôn tỉnh thức đón chờ ngày hội lớn.
Sẵn sàng làm gì ? Sẵn sàng tỉnh thức. Tỉnh thức không chỉ để đề phòng hay đối phó với hiểm nguy, nhưng là để có mặt trong Ngày Hạnh ngộ. Tỉnh thức không có nghĩa là lo lắng đến tê liệt, hay tỏ thái độ bất cần: “làm mà ích chi”, khinh bỉ trần gian và các công việc trần thế (coi trần gian là “chốn lưu đày” mong sớm thoát khỏi mà về với Chúa, thay vì xem đó là “một công trường” để ra tay xây dựng, chuẩn bị cho Nước Trời mai sau). Tỉnh thức trái lại là sống cuộc sống hiện tại hết mình vì tình yêu (yêu thương là sống 100%), là luôn bị ám ảnh bởi ý hướng phục vụ, truyền giáo, kết hiệp với Thiên Chúa trong khi làm mọi công việc bổn phận.
“Tôi không có thời giờ cho việc giữ đạo, còn nhiều chuyện quan trọng và cấp bách hơn!” cuộc sống quay cuồng giành giật khiến ta có thể thốt lên điều ấy. Nhưng đó thường là bài ca của mê ngủ, và đó cũng là lối ngụy biện của nguội lạnh. Vì những gì ta thấy quan trọng thì sẽ tìm ra thời giờ, dành đủ thời giờ cho nó. Nếu thế thì bạn cũng sẽ không có giờ để chuẩn bị cho Ngày Quang lâm. Vì thật ra là bạn “đâu có ý hướng đón Chúa tới”! Người đã cho biết : chúng ta không tiến đến cái chết, tiến gần nấm mộ mỗi ngày mà tiến tới cuộc gặp gỡ với Đấng hoàn thành mọi sự, hoàn thành tiểu sử mỗi người và lịch sử thế giới (các tôn giáo khác đều cho lịch sử là một vòng tròn vô tận). Như đã tới lần thứ nhất khi “thời gian viên mãn” (Gl 4,4 nghĩa là khi mọi chuẩn bị trong Cựu Ước đã xong), Chúa Ki-tô cũng sẽ đến lại khi tất cả đã sẵn sàng, để hoàn thành mọi sự trong “Ngày Cánh chung" như thần học nói («cánh» = xong xuôi, «chung» = cuối cùng : sự hoàn tất vào ngày cuối cùng, không phải sự tận diệt vào lúc sau hết); và công việc chuẩn bị tất cả sẵn sàng như thế là của chúng ta. Sự sẵn sàng này nằm ở nội tâm, không ai thấy được (dĩ nhiên vẫn gây hiệu ứng bên ngoài), nên việc Chúa tới trở nên bất ngờ là vì thế. Vấn đề là chớ để bản thân chúng ta bị bất ngờ, bắt chợt. Vì vận mạng chung cuộc này không phải do hên xui may rủi hay do quyết định độc đoán của Thiên Chúa, mà là do “cung cách sống” giây phút hiện tại của mỗi người. Cung cách sống đó chính là biết dùng các thực tại đời này như phương tiện chuẩn bị cho cuộc hội ngộ lớn lao vĩnh cửu chứ không gắn bó sống chết với chúng, là biết coi bổn phận của mình như một công việc phục vụ anh em và chu toàn nó với hết khả năng và lương tâm trách nhiệm, là biết cảnh giác trước những gì xấu xa tội lỗi xúc phạm đến tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa cũng như làm thương tổn anh chị em mình, là biết giới thiệu và minh chứng sử quan Ki-tô giáo cho lương dân. Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời bạn!
Xin kết thúc bằng một dụ ngôn nữa, nhưng là dụ ngôn thời đại, về sự cám dỗ của ma quỷ: Có ba tên quỷ con đang thời kỳ huấn luyện đi cám dỗ loài người. Một hôm tên quỷ già thầy giáo yêu cầu lũ quỷ học trò đề ra kế sách hoàn hảo để thực hiện bổn phận. Tên quỷ thứ nhất thưa rằng: “Tôi sẽ nói với loài người rằng: trên đời này làm gì có Thiên Chúa, nên các ngươi cứ việc ăn chơi thỏa thích theo lòng đam mê của mình”. Nhưng tên quỷ già bảo: “Kế sách đó khó thành công lắm, vì dù không thấy Thiên Chúa vô hình, nhưng hầu như mọi người đều cảm thấy sự hiệu hữu của Ổng”. Tên quỷ con thứ hai trình bày: “Phần tôi sẽ rỉ tai cho loài người biết: chết là hết. Thiên đàng hay hỏa ngục chỉ là sự tưởng tượng để dụ hay dọa họ phải ăn ngay ở lành mà thôi chứ không có thực! Do đó, các ngươi cứ việc vui chơi thỏa thích, kẻo giờ chết đến thì khi ấy có muốn cũng không thể vui chơi được nữa!” Tên quỷ già gật gù nói: “Kế đó cũng hay đấy. Nhưng có lẽ loài người vẫn biết có quả báo, có thiên đàng để thưởng kẻ lành và hỏa ngục để phạt kẻ dữ”. Tên quỷ con thứ ba thì nêu ý kiến này: “Phần tôi, tôi sẽ làm cho con cái loài người tin rằng còn lâu chúng mới chết. Do đó chúng cứ việc thỏa mãn những đam mê lạc thú ở đời. Khi nào phải nằm liệt giường sắp chết, sẽ ăn năn sám hối cũng chưa muộn! Nhưng dễ gì mà sám hối ăn năn, vì đời sống kiểu đó như cuộc chạy từ trên núi xuống, càng lúc càng tăng tốc độ, càng lúc càng lớn sức đẩy, muốn dừng lại và quay ngoắt trước khi đến chân núi đâu phải chuyện dễ dàng. Đó là chưa nói đến chuyện chết bất ngờ, không kịp ngáp. Ha ha!” Nghe xong, tên quỷ già khoái chí cười hô hố. Nó vừa xoa đầu tên quỷ học trò vừa khen lấy khen để: “Trò giỏi lắm. Quả đó là kế sách rất hạp ý ta. Với phương kế này, chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng bành trướng vì sẽ có thêm rất nhiều kẻ gia nhập!”
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A : MT 3,1-12
Khi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: “Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham’. Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh bằng nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đang đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi “.
MAU CHÓNG ĐỔI ĐỜI
Đang khi thực hiện bức họa nổi tiếng “Bữa Tiệc Ly” (1495-1497) trong nhà thờ Santa Maria delle Grazie (Đức Mẹ đầy Ân phúc) tại Milano (Italia), họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci (1452-1519) đã cãi vã với một người bạn. Ông mắng nhiếc người bạn với những lời gay gắt và những cử chỉ dọa nạt. Khi cuộc cãi cọ qua rồi, ông trở lại công việc đang làm là vẽ khuôn mặt Chúa Giê-su, nhưng không thể phác được một nét. Cuối cùng, nhận ra nguyên nhân là phiền muộn bực bội, ông liền bỏ bút vẽ đấy, đi tìm người bạn ông đã xúc phạm và xin người ấy tha thứ cho mình. Thế rồi ông trở lại xưởng họa và bình tĩnh vẽ khuôn mặt Chúa Giê-su.
1. Một cuộc hoán cải cá nhân.
Từ hoang địa đi ra, người ta thường nói, chỉ có thể là một thánh nhân hay một tên cướp. Tên cướp vào đó như sào huyệt để tránh mặt loài người và chờ cơ hội đột nhập xóm thôn thành phố mà “làm ăn”. Thánh nhân vào đó để tạm lánh loài người hầu gặp gỡ chính bản thân, gặp gỡ Thiên Chúa trong khổ chế và cầu nguyện, để sau đấy đi ra công bố kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Gio-an Tẩy Giả là một con người như thế. Sau bao tháng ngày trong hoang địa để thanh luyện bản thân (xem cách ăn mặc và ăn uống của ông), để đắm mình trong linh thánh (xem những lời cháy bỏng của ông), Gio-an ra đi trong vai trò Tiền hô của Đấng Cứu Thế, với nhiệm vụ dọn đường cho Người giữa đám đồng hương. Vai trò đó bao gồm hai công việc : rao giảng và làm phép rửa.
Cái ông muốn trước tiên, chính là quét sạch những ngoại diện lừa dối của một thứ tôn giáo vụ hình thức (mà phái Pha-ri-sêu và Xa-đốc là biểu tượng), hầu gây nên một cuộc hoán cải nội tâm và cá nhân chân thành. Xây dựng cơ sở Giáo hội cho bề thế, tổ chức lễ hội tôn giáo cho linh đình, cải cách phụng vụ nghi thức cho sống động mà không có một cuộc đổi mới sâu xa trong mỗi người thì chẳng có ích gì. Mối nguy đe dọa chúng ta (và đã đe dọa hai phái nói trên) là nghĩ rằng một thứ thực hành tôn giáo nào đó là đã đủ, một thứ nhãn hiệu được mang từ ngày chịu phép rửa tội và nay có trong lý lịch là đã chắc ăn. Chẳng khác chi chủ trương cải cách cơ cấu xã hội bên ngoài mà không đặt vấn đề thay đổi nội tâm theo những nguyên tắc đến từ Thiên Chúa. Thất bại, sai lầm và tội ác của các học thuyết và chế độ “cách mạng” vô thần trong hai thế kỷ 20-21 này chẳng phải là những bằng chứng sờ sờ đó sao?
2. Một cuộc hoán cải hữu hiệu.
“Hãy dọn sẵn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Hoán cải, đó chính là tạo cho mình “một con tim mới”, là xây trên đống hoang tàn của “con người cũ” tội lỗi (x. Rm 6,6) một “con người mới” trong Chúa Ki-tô (x. Ep 4,24). Đó là sau khi đã nhận ra các thiếu sót ở trong mình, ta liên tục ra sức làm cho chúng biến mất, để tập được chính các nhân đức của Chúa Giê-su bằng lối rập khuôn theo Người.
“Tôi không thể! Tính tôi là vậy! Tôi như thế đấy…” Chúng ta năng nói kiểu đó để biện minh cho cái sai, cái lỗi mà mình thường phạm. Có đúng là người ta không thể thay đổi, hoán cải? Có đúng là mỗi người trong chúng ta bị nhốt kín trong quá khứ của mình, trong các thói quen của mình? Tin Mừng hôm nay, với giọng điệu dữ dội chưa từng thấy, minh nhiên nói với chúng ta điều ngược lại. Bạn có thể thay đổi! Bạn buộc phải hoán cải !
Leonardo da Vinci không thể vẽ được mặt Chúa Cứu Thế khi ông cảm thấy mình còn tội lỗi xúc phạm đến người khác, nên bạn và tôi cũng thể đặt Chúa Ki-tô vào lòng mình và lên khuôn mặt mình bao lâu chúng ta chưa thật sự thống hối và có một cái nhìn mới, một thái độ mới như Chúa Giê-su.
3. Một cuộc hoán cải hướng về anh em.
“Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối… Cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Lễ Giáng Sinh là hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chúng ta chỉ có thể sống thật lễ này khi muốn tự hiến cho anh em. Nhưng đừng chỉ bằng lòng với những thiện chí mà phải có những hành động thực sự. Người ta đã chẳng nói: “Nền hỏa ngục được lát bằng các thiện chí” đó sao? Chúng ta có tìm cách thấu hiểu, thông cảm mà chẳng bao giờ phê phán hay kết án anh em không ? Chúng ta có biết đón nhận họ với trái tim trên bàn tay không ? Chúng ta có luôn sẵn sàng để lắng nghe họ, phục vụ họ không ? Chúng ta có yêu họ bằng chính tình yêu của Đức Ki-tô không ? Với tha nhân, hãy tỏ ra dễ thương thay vì khó thương, hay chịu khó thay vì khó chịu!
Sau cuộc cãi cọ trên, Leonarđo và người bạn chắc đã có một kinh nghiệm quý báu, tình bạn của họ chắc càng thêm gắn bó hơn, và hẳn họ đã nhận ra rằng chính Chúa Ki-tô là người đã hòa giải và hoán cải họ.
Tựu trung, hoán cải chính là làm cho não trạng và tình cảm của mình hòa hợp với não trạng và tình cảm của chính Chúa Cứu Thế. Phương thế đặc biệt để thực hiện việc này là bí tích thống hối. Bạn hãy xưng tội sớm đi ! Thống hối ngay từ bây giờ !
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM A : MT 11,2-11
Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.
Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? Thế thì anh em ra xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì ? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, để dọn đường cho Con đến.
Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông “.
THIÊN CHÚA ĐANG LÀM VIỆC ?
Gio-an Tẩy Giả đã cả gan phê bình Hê-rô-đê Antipas cướp vợ của ông anh ruột (x. Mt 14,3-4). Để bịt miệng tay khó chơi này, quận vương đã giam ông vào pháo lũy Machéronte (bên bờ Biển chết) nhưng vẫn cho ông được môn đồ viếng thăm. Ông háo hức chất vấn và những điều ông biết quả đã làm ông thất vọng. Là tiếng kêu mạnh mẽ từng la lớn và ngăm đe, ông đã phán : “Đấng đang đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi” (Mt 3,11), đã loan báo một vị thẩm phán sẽ ném vào lửa tất cả những gì xấu xa và cằn cỗi (xin xem lại bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước), thế mà thiên hạ nói với ông về một đấng hiền khô, một vị làm phúc, một thầy chữa bệnh ! Không thể chịu đựng được nữa, ông gởi một sứ điệp cho Người : “Thầy có thật là Đấng phải đến không ?” (một cách chỉ định Đấng Mê-si-a cảm hứng từ Tv 118,2)
1- Học cách nhìn Chúa Giê-su hoạt động.
Ai đã không tự đặt cho mình nhiều câu hỏi kiểu ấy ? Lạy Chúa Giê-su, phải chăng Ngài là tất cả những gì thiên hạ đã nói với con về Ngài ? Câu Ngài trả lời cho Gio-an không làm chúng con thỏa mãn : “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Đúng đó là những gì người ta từng chờ đợi nơi Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), đúng đó là những gì Chúa đã làm xưa kia tại xứ Do-thái. Nhưng bây giờ thì sao ? Từ hơn 2000 năm nay, thế giới nên như thế nào ? Nói sao đây với những người hỏi chúng con : “Chúa Ki-tô của bạn mang lại những gì ? Người có thay đổi được gì chăng ?”
Chính chúng ta cũng đôi khi chất vấn Chúa Giê-su từ ngục thất của mình như thế. Ngục thất đó là những chân trời rất hạn chế của ta, là sự bất am tường lịch sử Giáo hội, là việc thiếu cái nhìn sắc bén để hiểu rằng Chúa Ki-tô đang hoạt động: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (không mất niềm tin vào tôi).
Hãy học cách nhìn Nước Trời đang đến ! Trong thế giới đề cao ngôi sao của chúng ta (ngôi sao thể thao, chính trị hay nghệ thuật), đúng là chỉ có một vài tên tuổi trong đạo trở đi trở lại : Mẹ Têrêxa, Đức Cha Camara, Đức Cha Romero, Cha Pierre, Cha Piô, Thầy Roger của cộng đoàn Taizé, Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI… Nhưng có biết bao tâm hồn tận hiến và bàn tay hoạt động khác nữa trong hơn 100.000 tổ chức bác ái của Giáo hội và trong vô số cộng đoàn dòng tu. Có muôn vạn người “mù” cuối cùng nhận ra lỗi lầm của bản thân và tình yêu của Thiên Chúa. Có hàng triệu kẻ nghèo được vô số linh mục, tu sĩ, giáo dân cũng nghèo như họ loan báo Tin Mừng cho và đã đem Tin Mừng ra thực hiện. Có biết bao nhiêu mảnh đời đã được cứu vớt qua hơn hai ngàn năm cuộc sống Dân Chúa, có biết bao nền văn minh đã được Giáo hội thanh tẩy, bao nhiêu giá trị văn hóa đã được Giáo hội bảo tồn (muốn biết điều này, bạn cần đọc lịch sử Giáo hội và theo dõi sinh hoạt Giáo hội hiện nay trên các phương tiện truyền thông).
Chính qua các tín hữu mà Chúa Ki-tô tác động đến thế giới. Như với những kẻ Gio-an sai đến, Người cũng nói với chúng ta : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều tai nghe mắt thấy”. Nhưng “những công việc của Chúa Ki-tô” (cứu giúp thể xác, cứu giúp tinh thần) thường ít ồn ào hơn chiến tranh, quyền lực và tiền bạc. Phải có con mắt chú ý mới thấy được tất cả tình yêu tự hiến “nhân danh Chúa Giê-su”. Đó cũng là nói rằng chúng ta luôn đứng trước một Chúa Ki-tô vô danh bí ẩn mà chúng ta sẽ chỉ biết rõ vào thời tận thế, khi chúng ta hiểu được rằng Người đã không ngừng hoạt động.
Riêng đối với Gio-an Tẩy giả trong trường hợp này, Chúa Giê-su sẽ cho ông thấy cách thức hoạt động tối cao và tối hậu của Người là hy sinh mạng sống vì tình yêu, bằng việc “bỏ mặc” ông anh họ trong lao tù để rồi phải chết dưới lưỡi đao oan nghiệt, ngõ hầu ông hiểu ra lẫn đi vào con đường của Người và tránh được lời cảnh báo của cậu em họ: “Chớ vấp ngã vì tôi”.
2- Biết cách làm cho Chúa Giê-su hoạt động.
Chúa Ki-tô vô danh bí ẩn ư ? Đúng, nếu chúng ta dừng lại nơi những tư tưởng và câu hỏi tự đặt ra về Người. Nhưng ngay khi khởi sự làm việc với Người, chúng ta sẽ thấy ngay kẻ què thế nào và kẻ chết sống lại ra sao. Phép lạ thời Chúa Giê-su cũng sẽ tái thực hiện nếu chúng ta quyết cùng nhau sống thực Tin Mừng. Một tín hữu anh hùng ở nơi bắt bớ hay một Ki-tô hữu dấn thân cho công bình xã hội chắc sẽ chẳng tự hỏi Chúa Giê-su có phải là Đấng thiên hạ đợi chờ không. Khi sống cho tình yêu, bạn chắc chắn sẽ gặp Thiên Chúa và làm cho Người thôi vô danh bí ẩn, vì Người là Tình Yêu, Tình Yêu tuyệt diệu.
Có thể đôi khi chúng ta cũng tự đặt một câu hỏi khác : “Giáo hội phải chăng là dấu chỉ cho thấy Chúa Giê-su đã đến ?” Đây là một câu hỏi tốt, nếu nó không phải là cách thức che đậy cho những thiếu sót của bản thân chúng ta. Chính tôi là Giáo hội loan báo Tin Mừng nơi tôi ở. Chính tôi là Giáo hội không loan báo Tin Mừng nơi mà vì lỗi tôi, người khác chẳng nhìn thấy công việc của Thiên Chúa. Lý do: chính tôi là tay chân của Chúa Ki-tô, là chi thể của Giáo hội. Người khác không nhìn thấy công việc của Thiên Chúa vì bác ái là dấu chỉ của Chúa Ki-tô, dấu chỉ của Giáo hội và dấu chỉ của Ki-tô hữu. Y như câu chuyện ngụ ngôn vắn sau đây: Một tín đồ tình cờ bắt gặp trên đường một kẻ vừa tàn tật vừa đói khổ. Động tình xót thương và đầy lòng đạo đức, tín đồ kêu lên cùng Chúa: “Lạy Chúa ! Sao Chúa dựng nên kẻ xấu số này rồi bỏ mặc anh ta sống thân tàn mà dại mà không cứu giúp?” Tín đồ vừa dứt lời thì nghe một tiếng nói tự trời cao: “Ta dựng nên con lành lặn và sung túc là để giúp anh ta đó mà! Ta là Đầu, con là tay chân của Ta. Chẳng lẽ tay chân không biết hành động cho đầu và theo ý đầu sao?”
Riêng đối với Gioan Tẩy Giả, ông đã biết giúp Chúa Giê-su hoạt động bằng cách làm Tiền hô cho Người, sâu xa hơn là làm Ngôn sứ của Người, một ngôn sứ ngoại hạng theo chính lời khen của Chúa: “Ông còn hơn cả ngôn sứ”. Hơn cả ngôn sứ vì áp dụng vào ông sấm ngôn về vị “sứ giả” tối hậu (Ml 3,1), một sấm ngôn phối hợp với lời sấm về vị thiên sứ mở đường đi vào Đất Hứa (Xh 23,20). Ngoài ra, đoạn cuối cùng của Các sách Ngôn sứ (và cũng của Cựu Ước), Ml 3,23-24, đồng hóa vị sứ giả ấy với Ê-li-a sẽ đến lại (x. Mt 17,10-13). Nhưng dù lớn lao nhất theo lịch sử nhân loại, Gio-an vẫn bị Ki-tô hữu nhỏ nhất vượt hơn về mặt phẩm giá, vì là thành viên của một Vương Quốc vốn lật nhào những tiêu chuẩn loài người và ưu đãi những kẻ bé mọn (x. Mt 18,3).