Nhảy đến nội dung

Cưu Mang Lời Chúa - Quyền năng của Chúa

Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm

Ge 4:12-21; Tv 97:1-2,5-6,11-12; Lc 11:27-28

Cưu Mang Lời Chúa

         

Tin Mừng hôm nay thuật lại thái độ tôn kính của một người phụ nữ với Đức Giê-su.

          Đang khi nghe Đức Giê-su giảng dạy thì một người phụ nữ đã thốt ra lời tôn vinh “mẹ của Đức Giê-su”. Bà ca ngợi người đã có diễm phúc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Giê-su. Trong tâm trí của người phụ nữ kia, Đức Giê-su thật là tuyệt vời bởi Người rất hiền lành, cư xử nhân hậu với hết mọi người, kể cả những người tội lỗi và dân ngoại. Lời giảng dạy của Người đầy uy quyền và các việc Người làm cho dân chúng, cho con cháu của Áp-ra-ham cũng đầy quyền năng; Người trổi vượt hơn các ngôn sứ đã được Thiên Chúa sai đến với dân It-ra-en, vì mọi bệnh tật Người đã chữa khỏi cho dân, Người xua trừ được cả ma quỷ và cho kẻ chết sống lại. “Phúc đức tại mẫu”, người phụ nữ kia xác quyết: Mẹ của Đức Giê-su ắt hẳn phải vui mừng, tràn ngập hạnh phúc và đáng được ca tụng. Nghe lời ca tụng của người phụ nữ về những phúc lộc của thân mẫu, Đức Giê-su lên tiếng đáp lại:”Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

          Đức Giê-su không phủ nhận vị thế của Đức Maria trong cuộc đời trần thế của mình, nhưng qua Mẹ Maria, Đức Giê-su tuyên dương những người biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa để được cứu độ. Bởi Mẹ Maria đã biết lắng nghe lời của Thiên sứ trong biến cố truyền tin và người đã khiêm hạ thốt lên từ tận thâm sâu trong tâm hồn: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Từ đó trọn cuộc đời, Mẹ đã suy gẫm và thực thi lời sứ thần loan báo cũng như đón nhận mọi biến cố vui buồn cùng Con Chí Thánh của mình (như trong biến cố Dâng con trong đền thánh, hoặc biến cố lạc mất hài nhi trong đền thờ; nhất là trong cuộc tử nạn của Đức Giê-su, con chí ái của Mẹ).

          Trình thuật Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ người tín hữu việc lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Đây là điều kiện tất yếu để biến đổi đời sống cho phù hợp với Tin Mừng, và bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc đời đời của mỗi người.

          Khi khởi đầu cho công trình cứu độ nhân loại, Đức Giê-su đã công khai loan báo: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Người cũng tâm sự với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”. Khi đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su cũng mặc khải: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gioan 3, 16); Người muốn nhân loại tin vào lời rao gảng của Người mà thực thi trong cuộc sống. Còn Đức Ma-ri-a, mẹ của Đức Giê-su cũng căn dặn những người giúp việc trong tiệc cưới ở Ca-na: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5), họ đã làm theo như vậy, và phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon” đã xẩy ra. Sau khi Đức Giê-su về trời, thánh Gia-cô-bê Tông đồ cũng nhắc nhở các tín hữu việc đón nhận lời Thiên Chúa trong thư của ngài: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Giacôbê 1, 21).

          Tin Mừng hôm nay thuật lại lời Chúa Giê-su nói với một phụ nữ trong giữa đám đông dân chúng đang nghe Ngài giảng dạy rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28b). Mặc dù đám đông đang lắng nghe lời Chúa Giê-su giảng dạy. Nhưng nếu chỉ nghe mà thôi, thì chưa đủ để thật sự được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Do đó, Chúa mời gọi họ cần phải biết tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng phúc lành thật sự.

          Đức Maria đáng ca ngợi và tự hào không chỉ bởi Mẹ đã cưu mang và sinh ra Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người mà còn vì Mẹ là người môn đệ đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa cách trọn hảo nhất. Trong thân xác con người, Mẹ được diễm phúc chia sẻ dòng máu nhân loại với Con Một Thiên Chúa. Trong đời sống thiêng liêng, Mẹ được cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa.

          Như vậy, Mẹ thuộc về dòng dõi Vua Trời cả trong bản tính nhân loại lẫn trong ơn làm con cái Thiên Chúa. Cả cuộc đời Mẹ không chỉ dõi theo Đức Giêsu trên con đường thực hiện kế hoạch của Chúa Cha mà còn luôn bước từng bước trên con đường mà Con Mẹ đã đi. Dẫu bao thử thách, gian nan nhưng Mẹ vẫn luôn một niềm tín thác và kiên trì thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Chính vì thế, Đức Giêsu đã không cần công khai ca ngợi người Mẹ tuyệt vời ấy nhưng tất cả đều có thể nhận ra sự hiện diện của Mẹ trong lời của Ngài. Mẹ chính là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất mà Đức Giêsu muốn giới thiệu cho mọi người. Không chỉ thực thi giới răn của Chúa trong những thời khắc đặc biệt nhưng là trong suốt cuộc đời, trong từng hơi thở nhịp sống của Mẹ.

          Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.

          Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.

=======

Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm

Ge 1:13-15; Tv 9:2-3,6,16,8-9; Lc 11:15-26

Quyền năng của Chúa

          Trình thuật Tin mừng theo thánh Luca hôm nay khẳng định cho chúng ta thấy sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Với vai trò là Đấng Mesia, Chúa Giêsu mạc khải rõ sứ mệnh của Ngài là đến thế gian để giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi, cho chúng ta được ơn cứu độ.

          Trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đồng thời cũng xuất trừ ma quỷ và chữa mọi bệnh tật của con người. Hôm ấy, khi thấy Chúa Giêsu chữa một người bị quỷ ám, đám đông dân chúng vô cùng ngưỡng mộ trước quyền năng vô song của Ngài, nhưng có một số người tỏ ra cứng lòng tin, họ phủ nhận quyền năng ấy và cho rằng Ngài đã nhờ sự trợ giúp của tướng quỷ Bêelgiêbút. 

          Chúa Giêsu liền khẳng định cho họ biết sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa là vô biên có khả năng tiêu diệt được ma vương quỷ thần. Sức mạnh ấy phát xuất từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ cần kêu lên danh xưng Giêsu thì mọi tạo vật, mọi đầu gối phải sụp xuống thờ lạy. Danh xưng ấy có sức công phá mọi bức tường ngăn cách, có sức hủy hoại mọi thế lực quỷ thần, đẩy lui bong tối của sự dữ. Danh xưng ấy xuyên thấu tâm hồn con người khiến mọi miệng lưỡi đều cất tiếng ngợi khen.

          Đứng trước quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa, con người chúng ta không đáng bằng hạt bụi nhỏ bé,còn quỷ thần chỉ như sợi tơ nhện mong manh. Trí khôn của chúng ta hạn hẹp chẳng bao giờ suy thấu. Bởi vì trước một tình yêu bao la ấy mọi lý luận đều trở nên vô nghĩa, mọi tư duy đều giới hạn. Chúng ta được mời gọi hãy mở rộng con tim yêu mến để đón nhận hồng ân đức tin, mở rộng tâm hồn để đón nhận những ân ban huyền diệu. Và ngay cả lúc chúng ta nhận ra tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, đó cũng là hồng ân không phải tự sức chúng ta làm được nếu không có ơn sủng của Chúa soi sáng cho.

          Chúa Giêsu còn cho ta biết ma quỷ là kẻ thù rất mạnh thế, chúng luôn tìm cách lôi kéo trói buộc chúng ta bằng đủ mọi mưu chước. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo và sáng suốt trước những thử thách, trước những lời mời mọc cám dỗ. Chúa dạy chúng ta cách chiến thắng ma quỷ là phải đoàn kết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, vì “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau”. 

          Tâm hồn chúng ta ví như một ngôi nhà, mà “nhà sạch thì mát”. Nếu chúng ta để tâm hồn ô uế, vướng bận nhiều đam mê dục vọng và những thói hư tật xấu thì đó là môi trường thuận tiện để ma quỷ thống trị. Hãy dọn dẹp căn phòng nội tâm của mình bằng thái độ hoán cải mỗi ngày, bằng hy sinh, lời cầu nguyện và phải chiến đấu liên lỉ. Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cho chúng ta một kinh nghiệm sống với Chúa, người cho rằng “Khí giới của con người là nguyện ngắm, hy sinh, các bí tích, chuỗi Mân côi, tĩnh tâm...Đồng minh của con là Đức Mẹ, thánh Giuse, Thiên thần, thánh bổn mạng. Con chắc chắn thắng trận trừ khi con dần dần hạ khí giới và phản lại đồng minh của con” (Đường hy vọng, số 81).Thiên Chúa không thể cứu chúng ta được nếu chính chúng ta không thực sự có lòng khao khát, nếu chúng ta tự tách mình ra khỏi tình yêu của Chúa. Thiên Chúa không thể bước vào tâm hồn chúng ta được nếu cánh cửa lòng chúng ta luôn khép kín.

          Thế giới hôm nay vẫn còn đó những thế lực xấu lôi kéo chúng ta sống xa lìa Thiên Chúa. Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy nhưng nó ngấm ngầm ẩn sau tính tham lam ích kỷ, ẩn sau thói ươn hèn yếu đuối của con người. Chúng ta hãy khôn ngoan cậy dựa vào ơn Chúa để nhận ra đâu là ý Chúa, đâu là thói trá hình của ma quỷ mà có thái độ sống tích cực hơn. Hãy lắng nghe và thi hành lời thánh Phaolô khuyên dạy giáo đoàn Galata “những ai cậy dựa vào đức tin, thì họ là con cái của Abraham”, và họ được cứu rỗi theo như lời đã hứa. Quả thật, tin là điều kiện cần thiết để chúng ta đứng vững trước mọi gian nan thử thách, không thất vọng ngã lòng khi bị cám dỗ...

          Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.

          Chúng ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa.

Tác giả: