Hãy tha thứ cho nhau - Không được phân ly - Hãy nên như trẻ nhỏ
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Huệ Minh
Thứ Năm trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm
Gs 3:7-11,13-17; Tv 114:1-2,3-4,5-6; Mt 18:21-19
Hãy tha thứ cho nhau (Mt 18,21-19,1)
Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học về tha thứ: phải tha thứ luôn như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Những gì chúng ta tha thứ cho nhau, thì không là gì cả so với sự tha thứ của Thiên Chúa với chúng ta. Thật thế, “Thiên Chúa là Tình yêu”, bản chất của Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu của Người không bờ bến, nên Người cũng muốn chúng ta trao cho nhau tình yêu vô điều kiện, không giới hạn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hoà bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó, chúng ta hãy luôn sống tha thứ, để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.
Người Do thái cũng được dạy cho biết phải tha thứ cho nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha đến lần thứ mấy mới thôi. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ tối đa là bốn lần, người Việt Nam chúng ta thì nói “sự bất quá tam” hay “quá tam ba bận” là cùng, bước sang lần thứ tư là coi như đã vượt chỉ tiêu. Do đó, ông Phêrô đã thắc mắc và hỏi Chúa Giêsu. Chúa cho biết phải tha thứ luôn, phải tha thứ mãi, không giới hạn số lần.
Và để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn này có nghĩa là chúng ta mắc nợ với Chúa thì nhiều lắm: tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa vừa nhiều vừa rất nặng nề, dường như không thể tha thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong khi đó những lỗi phạm của anh em với ta, dù thế nào chăng nữa, cũng không đáng gì so với tội lỗi chúng ta đã phạm đến Chúa, thế mà chúng ta chấp nhất, ti tiện, không tha thứ. Nếu vậy, chúng ta đừng hòng mong Chúa tha thứ cho chúng ta. Phải thực hiện lời Chúa dạy: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (kinh Lạy Cha).
Chân phước Maurice Tornay nói: “Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành, luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trước”.
Hôm nay Chúa Giêsu dạy ông Phêrô phải tha thứ cho người khác bảy mươi lần bảy. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói ông Phêrô hãy đếm số lần tha thứ: một lần, hai lần... nhưng điều Chúa Giêsu muốn nói là ông phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không tính toán, tha thứ tất cả. Tại sao vậy? Bởi vì trong văn hóa Israel con số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, thành toàn, nên kiểu nói 70 lần 7 ở đây hàm nghĩa sự viên mãn tròn đầy. Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói tha thứ 70 lần 7 nghĩa là tha thứ mãi mãi, tha thứ tất cả.
Để diễn tả tình yêu thương của Chúa hầu khích lệ chúng ta tha thứ cho nhau đã trình bày về dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ không biết thương xót.
Mỗi nén vàng thời xưa là sáu ngàn quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công, và mười ngàn nén bạc, trị giá khoảng một trăm ngàn lượng vàng.
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ, để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người, khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác.
Điều cần lưu ý là trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm.
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người, nhưng đó cũng là cuộc chiến đấu làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.
Con đường dẫn đến thứ tha cũng đầy gian nan dù chỉ nói một lời tha thứ. Mỗi chúng ta có cảm nghiệm: Để đến và hòa giải được quả thật không đơn giản, nhất là những ai gây tổn thất nặng về tinh thần và thể xác. Tha thứ luôn đòi hỏi vừa có sự nỗ lực cố gắng nơi con người, vừa cần trợ giúp ân sủng đến từ Thiên Chúa, Đấng tỏa sáng gương mặt bao dung, yêu thương, chậm giận và giàu lòng xót thương.
18.8 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm
Gs 24:1-13; Tv 136:1-3,16-18,21-22,24; Mt 19:3-12
Không được phân ly
Tin Mừng hôm nay có mấy người Pharisêu đến gần đức Giêsu để thử người: “… Có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Chúa Giêsu đã khẳng định lại luật hôn nhân gia đình theo thánh ý của Thiên Chúa: “Các ông không đọc thấy điều này sao: Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt”.
Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh và đôi vợ chồng ban đầu, để diễn tả ý định của Thiên Chúa mà trả lời họ: đôi vợ chồng ban đầu: Adong – Evà mà Chúa đã gắn bó đó đã nên mật thiết, “một xương một thịt”. Điều mà Kinh Thánh đã mô tả: “Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” (St 2, 22-23). Hình ảnh ấy cho ta thấy rằng: họ đã nên vợ chồng, con người không thể chia tách được và cũng không được phép chia cắt.
Giáo Hội xưa nay đã ca tụng hết lời công trình kết hợp thật vững bền, mầu nhiệm này của Thiên Chúa. Vững bền đến nỗi “dù tội nguyên tổ, dù án phạt đại hồng thủy cũng đã không phá hủy được.” (Lời nguyện trong thánh lễ hôn phối). Thật vậy! đôi vợ chồng ông bà nguyên tổ dù bị án phạt “đau đớn khổ sở khi sinh con, phải cực nhọc trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn, và còn phải chết nữa…” (St 4,16-17). Thế mà vợ chồng ấy vẫn mạnh mẽ, bền chặt bên nhau, lưu truyền giống nòi lan tràn khắp mặt đất.
Công trình tạo dựng có “nam có nữ” ấy của Thiên Chúa, đến muôn đời vẫn thật là huyền diệu. Những nam nữ ấy, cứ lớn lên là chúng hấp dẫn nhau, tìm đến nhau, khao khát nhau, cho đến khi tìm được người mình ưng ý nhất, yêu nhất để trao cho nhau thân xác tâm hồn và mọi ước vọng.
Có lần trên báo phụ nữ họ đã bàn về tình yêu, tình dục và đưa ra câu hỏi: Tại sao người nam, người nữ cứ khi trưởng thành là họ hấp dẫn nhau, khao khát nhau? Người ta đã đã đưa ra nhiều câu trả lời. Thế rồi cũng chẳng có được một lý do khoa học nào xác đáng. Cuối cùng tác giả chỉ biết dựa vào Kinh Thánh mà chấp nhận: vì họ được dựng nên “bởi xương là xương của nhau, là thịt bởi thịt của nhau.” (St 2,22-23).
Đôi nam nữ khi nên vợ, nên chồng, Thiên Chúa đã ban cho họ được hưởng một niềm vui hoan lạc đặc biệt nhất trên đời, đồng thời cũng trao cho họ một bổn phận đặc biệt nhất là: Sinh sản nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Làm một nhiệm vụ huyền diệu đặc biệt: truyền sinh và giáo dục con cái, thay cho Thiên Chúa. Điều đó có thể nói: người không sống trong bậc vợ chồng thì không được quyền hưởng niêm vui hoan lạc ấy và cũng không có thể làm tốt nhất bổn phận sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục ấy. Bởi vi khi sinh ra những đứa con, là hạt giống, là tương lai của cả nhân loại. Đứa con ấy “bởi xương là xương của cả vợ cả chồng, bởi máu thịt là máu thịt của cả chồng cả vợ”. Ai xúc phạm đến đứa con ấy là động đến cả chồng, cả vợ, cả gia đình ba thành phần ấy họ đã nên “một”. Cho nên mầm sống tương lai ấy, sẽ được yêu thương và chăm lo tốt đẹp nhất.
Luật Chúa đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, không phải chỉ cho người Công giáo nhưng cho mọi người. Còn Môsê đã “cấp giấy ly dị mà rẫy vợ”, đây như là một luật dân sự hôm nay. Còn Chúa Giêsu thì dạy ta: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môse đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu”. Đó là luật vàng và là đặc tính của hôn nhân Công giáo xưa nay: đơn hôn và vĩnh hôn (một vợ một chồng sống với nhau trọn đời). Luật này còn bên trên cả luật độc thân giáo sĩ mà Giáo Hội lập ra. Vì lý do Giáo Hội đã tiếp nhận cả những linh mục đã có vợ con của Tin Lành vào thi hành chức vụ linh mục.
Một đôi vợ chồng bỏ nhau, họ ra tòa ly dị rồi chia nhau mọi thứ tài sản, tiền bạc. Còn một đứa con nhỏ nó không chịu đi với mẹ như tòa xử, mà muốn ở một nhà có cả cha lẫn mẹ. Sau này cha mẹ mỗi người một nơi, không được như ý muốn, em hận cho số kiếp mà bỏ đi bụi đời rồi nghiện hút, trộm cắp…
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và không bao giờ xa lìa Giáo Hội.
Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa se kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.
19.8 Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm
Gs 24:14-29; Tv 16:1-2,5,7-8,11; Mt 19:13-15
Hãy nên như trẻ nhỏ
Theo truyền thống xã hội của người Do Thái, phụ nữ và trẻ em thường bị coi rẻ trong xã hội. Câu chuyện Chúa Giêsu yêu thương trẻ nhỏ trong bài Tin Mừng hôm nay được kể tiếp với câu chuyện về hôn nhân hôm qua, điều đó cho ta thấy bài Tin Mừng muốn nhấn mạnh đến tinh thần của người tông đồ phải quan tâm yêu thương lo lắng cho tất cả mọi người cho dù đó là những người dốt nát, nhỏ bé, tội lỗi hay những người bị bỏ rơi.
Do đó, mỗi người chúng ta hãy noi gương thái độ của Chúa Giêsu, Ngài luôn yêu thương đặc biệt với các trẻ nhỏ, Ngài không chừa một ai. Như vậy khi làm việc Tông đồ chúng ta cũng không được dựa vào tình cảm, thích hay không thích, nhưng là vì nhu cầu phần rỗi của tha nhân mà thôi.
Các trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.
Tin Mừng Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay đề cập đến trẻ nhỏ trong một hoàn cảnh khác, với những lời của Chúa Giêsu: “Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời”. Người ta dẫn các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Ngài đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Ðặt tay và cầu nguyện cho một người là nghi thức tôn giáo quen thuộc trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu. Những vị lãnh đạo tôn giáo và các Rabbi thường đặt tay và cầu nguyện cho những ai đến xin được chúc lành; họ cũng đặt tay trên trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng, mặc dù theo phong tục người Do thái thời đó, những trẻ nhỏ không có địa vị, không có giá trị gì, chỉ khi nào trẻ đến tuổi 12, nó mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Các môn đệ Chúa Giêsu lúc đó chưa thay đổi tâm thức, họ còn ngăn cản không cho người ta đem các trẻ nhỏ đến với Chúa.
Thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ lúc đó và cho chúng ta ngày hôm nay rằng trong cộng đoàn Giáo Hội, mọi người không tùy thuộc hạng tuổi, đều có quyền đến với Chúa để Chúa đặt tay, cầu nguyện và chúc lành cho; không ai bị loại khỏi tình yêu và ân sủng của Chúa, dù là một đức trẻ. Các nhà chú giải đã xem đoạn Tin Mừng này như là căn bản cho việc rửa tội trẻ nhỏ được cộng đoàn tiên khởi thực hiện.
“Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”. Chúng ta có thái độ kỳ thị, ngăn cản các trẻ nhỏ đến với Chúa không? Có những người lớn, những bậc cha mẹ rơi vào tâm thức của các môn đệ ngày xưa: họ không đem con cái đến với Chúa Giêsu, họ không nêu gương sống đức tin cho con cái, cũng không muốn cho con cái lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nại lý do tôn trọng tự do của con cái, đợi chúng lớn lên và tự quyết định muốn rửa tội hay không. Ðây là thái độ sai lầm về ơn cứu rỗi của Chúa: Ơn Chúa được ban nhưng không cho mọi người, chúng ta là ai mà dám xét đoán về điều kiện tuổi tác để được Chúa chúc lành và ban ơn cứu rỗi.
Hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, đừng ngăn cản chúng. Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả này, với ý thức rằng ân sủng và chúc lành của Chúa là kho tàng quí giá mà chúng ta có thể trao lại cho con cái chúng ta.
Lời Chúa là ngọn đèn soi bước cho người Kitô hữu. Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chỉ lối cho ta đạt tới cùng đích của cuộc đời: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Muốn vào Nước Trời, hãy trở nên như trẻ nhỏ, hãy nên như trẻ nhỏ, hãy mang lấy những tâm tình của trẻ nhỏ. Vấn đề được đặt cho chúng ta là: sống như thế nào để giống như trẻ thơ?
Trẻ thơ là một con người đang còn non yếu, luôn muốn và ưa thích đến với những người lớn và tin cậy ở người lớn. Giống trẻ thơ là đến cùng Chúa để được Chúa dạy dỗ, hướng dẫn; đến với Chúa để được tựa nương vào vòng tay an toàn, như trẻ thơ nép mình trong lòng mẹ. Trẻ thơ thì đơn sơ, trong trắng, chân thành, không nghi kỵ, vòng vo, gian dối, không tự kiêu, tự mãn, biết phó thác, tin tưởng vào Chúa quan phòng. Luôn yêu thương và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa vì: “Mọi gánh nặng hãy trút bỏ cho Ngài, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”. Trở nên như trẻ thơ còn là mong muốn được học hỏi, luôn mở lòng mình để đón nhận những bài học, mở lòng mình để đến với người khác, mở lòng mình để được Chúa hiện diện viếng thăm, mở lòng mình để có thể gắn kết bền chặt với Chúa và anh em
Với đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta về cách sống hiền lành, khiêm tốn đón nhận mọi người. Chúa cũng dạy chúng ta hãy nên như trẻ thơ để dễ đến với Chúa. Chúng ta tự hỏi, đều gì ngăn cản chúng ta chưa đến với Chúa trong tâm tình của trẻ thơ ? Chúng ta hãy sống Lời Chúa như trẻ thơ, hãy đặt trọn niềm tin nơi Chúa và thân thưa cùng Ngài với lời Thánh Vịnh 130: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi... Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130).