Nhảy đến nội dung

Học Làm Người Trưởng Thành Nhân Cách - Bài 11-20

Học Làm Người Trưởng Thành Nhân Cách Bài 11-20

Xem: Bài 01-10 | Bài 11-20 | Bài 21-30 | Bài 31-40 | Bài 41-50 | Bài 51-60 | Bài 61-70 | Bài 71-80 |Bài 81-90 | Bài 91-100 |

===============

BÀI 11

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – MƯỜI LỐI SỐNG THẤT NHÂN TÂM CẦN TRÁNH

1. LỜI CHÚA : Điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất : “Hãy yêu thương người bên cạnh như chính bản thân mình”. (x. Mt 22, 35-40).

2. CÂU CHUYỆN : ĐỪNG GÂY VỚI AI.

DALE CARNEGIE, tác giả sách "Đắc nhân tâm” nổi tiếng, kể lại câu chuyện sau :

"Trong một bữa tiệc, ông khách ngồi bên tay mặt tôi quả quyết rằng câu "Có một vị thần nắm giữ vận mạng của ta mà ta không thể cưỡng lại được" là câu trong sách Thánh kinh. Ông ta đã thực sự sai lầm khi nói như vậy. Để tỏ ra mình có kiến thức hơn ông nên tôi đã mạnh dạn lên tiếng công khai cải chính :

- Không đúng. Câu đó của thi hào Shakespeare.

Ông ta không chịu là mình đã sai nên cãi lại :

- Sao ? Câu đó mà của Shakespeare sao ? Không thể được ! Thậm vô lý ! Rõ ràng là trong Thánh Kinh mà ! Tôi nhớ rõ như thế.

Ngồi bên trái tôi là ông Grammond bạn cũ của tôi. Ông này đã nhiều năm nghiên cứu về Shakespeare. Cho nên chúng tôi quay lại yêu cầu ông ta phân giải xem ai đúng ai sai. Ông Grammond đá mạnh vào chân tôi dưới bàn làm hiệu, rồi tuyên bố :

- Anh Dale, anh lầm rồi. Rồi ông quay sang nói với người kia :

- Ông đã nói đúng. Câu đó ở trong Thánh Kinh.

Khi ra về cùng với Grammond, tôi nói :

- Anh biết câu đó là của Shakespeare mà, phải không ?

Ông Grammond trả lời :

- Đương nhiên rồi. Nó ở trong vở kịch "Hamlet", hồi V, màn II. Nhưng, này anh Dale, chúng ta là khách trong một cuộc hội họp vui vẻ, tại sao anh lại muốn chứng minh cho mọi người thấy ông ấy đã sai lầm ? Có phải làm như vậy thì người ta sẽ có thiện cảm với anh chăng ? Sao không để ông ta giữ lại chút thể diện ? Ông ta đâu có hỏi ý kiến của anh, thì tại sao anh phải tranh luận với ông ta ? Tốt nhất là anh đừng nên gây sự với ai hết.

"ĐỪNG GÂY SỰ VỚI AI HẾT". Ông bạn già của tôi nói câu ấy nay đã khuất, nhưng lời khuyên đó, đến bây giờ vẫn còn giúp tôi rất nhiều. Mà hồi ấy tôi lại cần có bài học đó vô cùng. Sau vô số kinh nghiệm tranh luận đã trải qua, tôi nhận ra rằng : cách hay nhất để thắng một cuộc tranh luận là hãy tránh xa nó đi. Hãy trốn nó như trốn con rắn hổ, hoặc trốn một trận động đất vậy. Vì mười lần thì có tới chín lần những đối thủ của tôi, sau cuộc tranh luận, dù thua nhưng vẫn không phục thiện và vẫn tin chắc là họ đúng và sẽ trở thành kẻ thù của tôi sau này.

Phải chăng qua câu chuyện này, Dale Carnegie khuyên chúng ta hãy “ba phải”, lẩn tránh các cuộc tranh luận, giấu đi chính kiến của mình để làm vừa lòng kẻ khác ? Không, ý nghĩa của câu chuyện là thế này : Muốn giữ được bạn bè, chúng ta nên tỏ thái độ lịch sự tối thiểu. Ngay cả khi chúng ta bất đồng ý kiến với họ mà chúng ta hoàn toàn có lý, cũng vẫn nên ứng xử nhã nhặn lịch sự.

Tóm lại : Chiến thắng đối thủ bằng sự thuyết phục, kèm theo thái độ tôn trọng và giữ danh dự cho họ, ấy mới thực là “đắc nhân tâm” vậy.

3. SUY NIỆM : MƯỜI LỐI SỐNG THẤT NHÂN TÂM CẦN TRÁNH NHƯ SAU :

1) Ích kỷ hại nhân : Chỉ nghĩ đến mình, ưa nói về mình và những gì mình thích, mà không quan tâm, không nghĩ đến người khác. Chẳng hạn : Khi xem truyền hình muốn mở chương trình phim mình thích, không cần nghĩ đến sở thích của những người khác đang cùng xem chung với mình.

2) Tính toán bủn xỉn, cư xử bất công : Tính tình nhỏ mọn chẳng hạn : không tự giác trả lại tiền dư; Ăn chặn tiền từ thiện. Không giúp không cho ai cái gì.

3) Tự tôn, kiêu căng, tự mãn : Thích “nổ” để tỏ ra hơn người. Thích kể công và khoe khoang thành thích của mình. Có thái độ khúm núm khiêm nhường giả tạo.

4) Thiếu tôn trọng người khác : Không biết “kính trên nhường dưới”. Thái độ hách dịch và xem thường người khác. Lấy ý mình làm trọng và không tôn trọng ý chung tập thể, dù biết mình sai. Ngắt lời người đang nói nếu họ nói trái ý mình. Thích phân tích động cơ và tâm lý của người khác để công khai phản bác. Nói hành nói xấu những kẻ vắng mặt.

5) Độc tài ác độc : Có lối hành xử cứng nhắc cửa quyền, không biết lắng nghe và thiếu thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người khác. Cư xử “ác nhân thất đức” thiếu tình người, có thái độ “cả vú lấp miệng em” hoặc “Lấy thịt đè người”.

6) Thủ đoạn xảo quyệt : Không trung thực trong lời nói và hành động. Thích kéo bè kết đảng để gây chia rẽ, làm mất tình đoàn kết nội bộ, hay vào hùa với số đông dù biết là sai trái bất công. Có thái độ “thượng tôn hạ đạp”, nghĩa là xu nịnh kẻ trên và khinh thường người dưới.

7) Chua ngoa cay nghiệt : Hay oán trách người khác, không bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại. Thích gây hấn và dễ nổi giận về những chuyện không đâu. Thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Lười biếng làm việc bổn phận. Lúc nào nét mặt cũng lộ vẻ u sầu chán nản.

8) Đầu óc thủ cựu thành kiến và không cầu tiến : Có lối suy nghĩ bảo thủ, không muốn thử nghiệm cái mới để cải tiến phương pháp làm việc. Không chịu học tập những người thành công để ngày một thăng tiến.

9) Thiếu lập trường, ba phải, nông cạn ấu trĩ : Làm việc vô nguyên tắc. Không có lập trường nên ai bàn gì cũng nghe. Hay thay đổi quyết định khiến người cộng tác không an tâm. Có cái nhìn thiển cận, ấu trĩ và thiếu nghiêm túc đối với những điều quan trọng.

10) Bất lịch sự trong giao tiếp : Thiếu nụ cười khi gặp gỡ tha nhân. Có thái độ bàng quang thờ ơ với việc chung. Thiếu nhiệt tình thi hành việc bổn phận và dễ dàng bỏ qua các công tác đã được cấp trên phân công.

4. SINH HOẠT : Trong những điều nói trên, bạn thấy điều nào thường gây thất nhân tâm cần cấp thời loại trừ ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin giúp mỗi người chúng con tìm ra những sai sót khuyết điểm trong cách ứng xử để tu sửa, hầu ngày một thành công và nên hoàn thiện hơn.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 12

VĂN HOÁ ỨNG XỬ - CÁC PHƯƠNG CÁCH GÂY THIỆN CẢM

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. SUY NIỆM :

DALE CARNEGIE (1888-1955)

ĐẮC NHÂN TÂM hay thuật gây thiện cảm là điều kiện quan trọng để thành công trong mọi việc. Sau đây là một số nguyên tắc giúp gây thiện cảm với tha nhân :

1) Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để gây được thiện cảm với người khác là phải có thiện cảm với người khác trước, thể hiện qua sự mỉm cười thân thiện, chủ động bắt chuyện làm quen với người mới và hiểu biết một số điều thông thường như : tên, tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh, nhà ở… của họ.

2) Cần theo nguyên tắc của Đức Khổng Tử dạy : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Trong Cưu Ước, Tô-bi-a cha đã khuyên Tô-bi-a con như sau : “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a).

3) Cần lưu ý về y phục của mình như người xưa dạy : “Y phục xứng kỳ đức” : Một người ăn mặc lịch sự sẽ dễ gây cảm tình của người khác hơn một kẻ ăn mặc cẩu thả lôi thôi.

4) Cần lọai bỏ tính khép kín cục bộ nhưng biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân. Luôn giữ nét mặt vui tươi khi tiếp xúc vì sự vui vẻ dễ chinh phục tình cảm của người đối diện hơn thái độ ủ rũ chán chường.

5) Hãy nhớ ngày sinh nhật của người khác và chủ động gọi điện, gửi thiệp hay quà mừng tùy theo tình trạng quen sơ hay thân. Bạn có thể tìm ngày sinh trên thẻ căn cước công dân, bằng lái xe hoặc sơ yếu lý lịch hay trên các trang … để biết ngày sinh của họ và ghi vào sổ tay để chúc mừng. Cần gọi đúng tên của người khác : Vì ai cũng nhạy cảm với tên của mình. Nhớ được tên để xưng hô là cách gây thiện cảm hiệu quả.

6) Về lời nói : Người xưa dạy : “Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Khi trả lời điện thọai bạn cần nói giọng vui vẻ chứ không miễn cưỡng ngay từ tiếng “alô” đầu tiên. Thánh Gia-cô-bê cũng dạy : “Mau nghe, chậm nói và khoan giận” (x Gc 1,19).

7) Khi nói chuyện cần nghe hơn là nói nhiều. Cần cho người nói cơ hội bộc lộ tâm tư tình cảm và những ưu tư rồi lắng nghe và khích lệ họ nói. Chỉ nên nói khi họ có thiện chí muốn nghe.

8) Ăn nói trung thực : Tránh khoe khoang thành tích của mình. Không phê bình chỉ trích người vắng mặt. Tránh ăn nói thô lỗ cộc cằn, cử chỉ thô bạo khiến người khác sợ hãi né tránh và đánh giá thấp về tư cách của bạn. Thánh Gia-cô-bê cũng có lời khuyên các tín hữu kềm chế miệng lưỡi của mình (x Gc 3,1-12).

9) Nên thảo luận để tìm chân lý chứ không tranh luận hơn thua vì dễ dẫn đến sự giận dỗi và thù ghét nhau.

10) Tập làm trạng sư bào chữa lỗi lầm của anh em hơn là nghĩ xấu, nói xấu vì sẽ đưa tới chia rẽ ly tán.

11) Cần khen cách thành thật và đúng lúc đúng chỗ. Tránh thói xu nịnh bợ đỡ hèn hạ như người xưa dạy : “Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải thì là thầy ta. Ai nịnh hót ta đó mới chính là kẻ thù của ta vậy”.

12) Hãy đi bước trước làm hòa với những ai đang hiểu lần và thù ghét mình noi theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su (x Mt 5,43-48).

13) Hãy bao dung độ lượng và dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm của người khác như Chúa dạy (x Mt 18,21-22).

14) Cần sửa lỗi cho nhau cách tế nhị và khôn ngoan (Mt 18,15-17).

15) Khi ứng xử cần đặt mình vào hòan cảnh người khác để cảm thông và giúp đỡ chân tình như lời Chúa phán : “Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

16) Đừng vạch lá tìm sâu, nhưng tập nhìn mặt tốt của người khác. Tránh mang định kiến hẹp hòi về người khác.

17) Cần tôn trọng ý kiến đa số trong tập thể và tránh lối hành xử độc đoán.

18) Cần cư xử cách trung thực quang minh chứ không giả dối che đậy.

19) Không can thiệp vào việc riêng của người khác nếu họ không yêu cầu.

20) Cần tế nhị kín đáo khi giúp đỡ bạn bè về tài chính để tránh cho họ khỏi bị mặc cảm tự ti.

3. SINH HOẠT : Hãy cho biết những nguyên nhân thường gây tranh cãi bất đồng giữa các thành viên trong tập thể là Gia Đình hay Cộng Đoàn ?

4. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Chúa đã dạy các môn đệ, trong đó có các tin hữu chúng con hôm nay về cách đối nhân xử thế để gây thiên cảm với mọi người : “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta”. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi Lời Chúaquên mình và nghĩ đến người khác, cụ thể là lắng nghe để cảm thông, để động viên chia sẻ, để khiêm nhường phục vụ tha nhân với hết khả năng, hầu nên chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt mọi người”. – AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 13

VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TRÁNH THÓI ÍCH KỶ HẠI NHÂN

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : XIN MÙ MỘT MẮT.

Có một chàng trai có số khổ, bởi đi đâu anh cũng đều than : “Tui khổ quá !” Ông bụt nghe anh ta kêu khổ như thế, nên ngày nọ đã hiện ra và nói với anh :

- Thôi con đừng than khổ nữa, ta cho con một điều ước. Nhưng điều ước này có một điều kiện là : khi con ước được điều gì thì người hàng xóm mà con thù ghét sẽ nhận được gấp đôi của con.

Chàng trai liền suy tính :

- Nếu ta muốn có 1 triệu USD để xài mà cái thằng hàng xóm chết tiệt kia ngồi không lại nhận được gấp đôi số tiền của ta hay sao ?

Bỗng anh ta nảy ra trong đầu một ý nghĩ táo bạo để trả thù tên hàng xóm đáng ghét kia, nên anh liền vui vẻ thưa với ông Bụt như sau :

- Thưa bụt, con ước con bị mù 1 con mắt, để tên hàng xóm kia sẽ bị đui cả 2 con mắt luôn !

3. SUY NIỆM :

Chàng trai lẽ ra ước mong điều tốt để làm hoà với người hàng xóm và cả hai đều được hưởng hạnh phúc, thì lại làm điều ngược lại là ước cho mình bị mù một mắt để kẻ thù của anh bị mù hai mắt. Đó chính là biểu hiệu của thói ích kỷ hại nhân.

Ngày nay có lẽ nhiều người cũng có suy nghĩ ích kỷ như vậy : Thay vì chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân, thì lại vui khi thấy kẻ mình không ưa bị tai ương hoạn nạn. Thay vì ước mong điều lành cho tha nhân, thì lại tìm cách gây đau khổ bất hạnh cho kẻ mình không ưa.

4. SINH HOẠT : Trong nhà hội có đông người, nhưng chỉ được bố trí có vài ba chiếc quạt mát. Bạn có nên để quạt ở chế độ đứng tại chỗ bạn đang ngồi, mà không cho ở chế độ xoay để nhiều người khác cũng được hưởng gió mát hay không ? Tại sao ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói ích kỷ hại nhân, khi chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình và của các người thân, mà không biết nghĩ đến ích chung của tập thể. Xin cho chúng con biết quên mình để nghĩ đến người khác, hầu chúng con nên người trưởng thành nhân cách, và gây được thiện cảm với mọi người.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 14

VĂN HOÁ ỨNG XỬ –NGHĨ ĐẾN NGƯỜI KHÁC

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : CHIẾC GIÀY CỦA GĂNG-ĐI.

MAHATMA GANDHI (1868-1948)

Sau một tiếng còi vang lên báo hiệu tới giờ khời hành. Chiếc xe lửa từ từ chuyển bánh và GĂNG-ĐI (Gandhi) từ sân ga vội chạy đến toa và vừa kịp bước chân lên toa hành khách thì tàu bắt đầu chạy. Bất ngờ một chiếc giày của ông bị vướng vào bậc thang để lên tàu và bị rơi xuống đường ray. GĂNG-ĐI không thể nhảy xuống nhặt lại chiếc giày đắt tiền vừa bị rơi kia khi con tàu tăng tốc. Bấy giờ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người gần đó, GĂNG-ĐI đã lập tức cúi xuống tháo luôn chiếc giày còn lại ném về phía chiếc giày vừa bị rớt xuống đường kia. Sau khi an vị, người hành khách ngồi bên cạnh đã thắc mắc hỏi ông tại sao làm như vậy, thì được GĂNG-ĐI trả lời : “Sở dĩ tôi ném chiếc giày còn lại xuống đường ray là để nếu có người nghèo nào đó lượm được chiếc giày thứ nhất, sẽ dễ tìm thấy chiếc thứ hai và có thể sử dụng được đôi giày của tôi !”.

3. SUY NIỆM :

- Có lẽ mỗi người chúng ta thường nghĩ đến mình hơn nghĩ đến người khác. Đó là thói ích kỷ cố hữu của con người. Có một trắc nghiệm để đánh giá trình độ trưởng thành của một người là : Bao lâu họ chỉ biết nghĩ đến ích lợi của bản thân, là họ vẫn còn trong tình trạng ấu trĩ về tâm lý. Chỉ khi họ biết quên mình để nghĩ đến người khác, thì mới thực sự nên người trưởng thành về nhân cách.

- Nghĩ đến người khác là thực hiện lời đức Khổng Tử : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Thánh kinh Cựu ước cũng đã ghi lại lời Tô-bi-a cha khuyên Tô-bi-a con như sau : “Điều con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15a). Thánh Phao-lô khuyên tín hữu thành Phi-lip-phê như sau : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).

- Chúng ta phải “nghĩ đến người khác” vì mọi cái chúng ta đang sử dụng đều do người khác mang lại và phải nhờ người khác mà ta mới có được như : cơm ăn, áo mặc, xe cộ, đồ dùng, điện nước, thuốc uống, kiến thức, luật pháp… Nếu không được người khác cung cấp giúp đỡ thì cuộc sống của chúng ta sẽ gặp nhiều bất hạnh. Do đó, đến lượt chúng ta, thật là công bình và chính đáng khi ta cũng phải biết nghĩ đến và phục vụ người khác theo khả năng của mình.

- Nghĩ đến người khác là cách ứng xử tốt đẹp : Nhưng để thực hiện được điều này, đòi người ta phải tập thành thói quen, thành một phong cách ứng xử có văn hóa. Sở dĩ GĂNG-ĐI lập tức cởi chiếc giày thứ hai quăng xuống đường ray bên dưới là do ông đã tập thành thói quen “nghĩ đến người khác”, nên khi có dịp là lập tức phản ứng ngay mà không cần thời gian suy nghĩ và bỏ lỡ cơ hội.

- Trong gia đình, cha mẹ công giáo cần tập “nghĩ đến người khác” theo gương Đức Giê-su. Cần giúp con cái ý thức và biết luôn “nghĩ đến người khác” ngay từ khi còn ấu thơ. Đây là điều kiện giúp chúng quên mình vị tha và hy sinh phục vụ tha nhân để nên người trưởng thành nhân cách, nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su và chu toàn sứ vụ làm chứng cho Người.

4. SINH HOẠT : Để tạo thành thói quen ứng xử vị tha như GĂNG-ĐI, chúng ta cần phải làm gì ngay từ hôm nay ? Bạn sẽ làm gì cụ thể để hình thành thói quen quên mình để nghĩ đến người khác ngay từ gia đình đến trường học và nơi sở làm ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp mỗi người chúng con biết thực hành giới răn bác ái của Đức Giê-su Con yêu quí của Cha, bằng việc năng thực hành theo câu châm ngôn : Nghĩ Đến Người Khác và Đáp Ứng Nhu Cầu”. Nhờ đó chúng con sẽ ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và trở thành chứng nhân của Chúa trước mặt mọi người.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 15

VĂN HOÁ ỨNG XỬ –QUÊN MÌNH VỊ THA

1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hay tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).

2. CÂU CHUYỆN : ÍCH KỶ LÀ BẢN TÍNH TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI :

Bé Tâm bảy tuổi trước khi đi dự lễ Chúa Nhật, mẹ đưa cho bé hai đồng tiền xu mệnh giá 5 đồng và dặn rằng : “Con nhớ bỏ một đồng vào giỏ tiền thau nhà thờ trong thánh lễ để dâng cho Chúa giúp cho người nghèo, còn đồng tiền thứ hai con sẽ mua một gói xôi để ăn sáng sau khi lễ xong nghe chưa ?”.

Tâm nắm chặt hai đồng tiền xu trong tay theo bố đi dự lễ. Trên đường đi chẳng may em đạp phải một hòn đá nên bị té xuống đất. Hai đồng tiền xu trong tay bị văng khỏi túi áo, một đồng nằm ở hè đường trên lối đi, còn đồng kia thì lăn xuống lỗ ga thóat nước bên đường và bị mất tăm. Em lồm cồm bò dậy nhặt đồng xu còn lại rồi thưa với Chúa : “Chúa ơi. Hôm nay thật xui cho Chúa quá. Cái đồng tiền xu con định dâng cho Chúa đã bị rơi xuống lỗ ga mất tiêu rồi. Còn đồng này là của con đó nha”.

3. SUY NIỆM :

Hầu như ai trong chúng ta cũng đều suy tính chọn phần lợi cho mình và dành phần thua thiệt cho người khác. Như trường hợp của bé Tâm trong câu chuyện trên : Em có thể bỏ đồng xu còn lại vào giỏ thau nhà thờ để dâng cho Chúa giúp cho người nghèo, vì em đã có lỗi bất cẩn làm mất đồng xu kia. Hoặc ít nhất với đồng xu còn lại, em có thể mua xôi một nửa cho mình và dâng vào nhà thờ phân nửa cho công bình. Trong thực tế, Giáo hội và những nguời nghèo chung quanh chúng ta nhiều lần đã chẳng nhận được gì, vì chúng ta đã tính toán ích kỷ để luôn có lợi cho mình và có hại cho tha nhân.

3. SINH HOẠT : Tại sao bé Tâm trong câu chuyện trên lại chọn phần lợi cho mình và để phần bất lợi cho người nghèo ?

4. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho con biết vượt qua thói xấu ích kỷ để tập sống quảng đại với tha nhân. Cho chúng con biết hy sinh để nhường quyền lợi nhiều hơn và nhĩa vụ ít hơn cho người khác, hầu ngày một nên trưởng thành về nhân cách và hy vọng sẽ được Chúa hưởng hạnh phúc viên mãn trên thiên đàng đời sau.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM
 

Học Làm Người Trưởng Thành Nhân Cách - BÀI 16

VĂN HOÁ ỨNG XỬ - QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

1. LỜI CHÚA : Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói : ”Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32).

2. CÂU CHUYỆN : TÊN ÔNG GÁC CỔNG TRƯỜNG LÀ GÌ ?

Khóa sư phạm mầm non được tổ chức vào mỗi dịp hè để bồi dưỡng kiến thức sư phạm cho các thầy cô giáo sắp tới lúc kết thúc. Nhà trường đã tổ chức một cuộc thi mãn khóa. Học viên chúng tôi đã rất ngỡ ngàng khi đọc được câu hỏi cuối cùng trong bài thi : ”Bạn hãy cho biết tên ông gác cổng trường của chúng ta là gì ?”. Một câu hỏi không có trong các đề tài đã học suốt khóa. Ai cũng nghĩ đây chỉ là câu hỏi phụ thêm và sẽ không được tính điểm cho bài kiểm tra cuối khóa.

Thực ra bác gác cổng là một người tóc hoa râm khoảng 62 tuổi, tính tình dễ mến thể hiện qua nét mặt luôn tươi cười mỗi khi tiếp xúc với chúng tôi. Thế nhưng cũng như hầu hết các học viên khác, tôi không bao giờ nghĩ đến việc hỏi tên của ông. Hôm ấy, nhiều học viên trong đó có tôi, đành phải bỏ không trả lời câu hỏi cuối này. Sau đó, vào lúc cuối giờ, một học viên đã hỏi giáo sư chủ nhiệm rằng : ”Liệu câu hỏi cuối cùng về tên người gác cổng có được tính điểm vào bài thi hay không, thì được vị này trả lời : ”Chắn chắn là có tính điểm rồi”. Ông nói tiếp : ”Trong việc giáo dục con em, các anh chị là những thầy cô giáo sẽ phải tiếp xúc với nhiều hạng người khác nhau, và họ đều quan trọng cho sự thành công hay thất bại trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta. Do đó họ rất xứng đáng nhận được sự quan tâm biết tên và gia cảnh của họ. Chúng ta cũng cần nở nụ cười thân thiện hay nói một câu chào hỏi mỗi khi tiếp xúc với họ”.

3. SUY NIỆM :

Từ ngày ấy, tôi không bao giờ quên bài học này là : phải biết quan tâm đến những người đã cộng tác giúp đỡ trong đời nhà giáo của tôi. Tôi cũng không bao giờ quên được tên của bác Tiến, nhân viên bảo vệ nhà trường trong khóa bồi dưỡng năm đó. Cũng nhờ biết quan tâm nghĩ đến người khác như thế, mà tôi đã thành công khi gây được thiện cảm của các bậc phụ huynh và những người làm việc trong cùng mái trường với tôi sau này.

4. SINH HOẠT : Bạn có thường quan tâm đối xử tốt đối với những người thua kém bạn về địa vị xã hội hay không ? Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để nên người trưởng thành về nhân cách ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết quan tâm đến mọi người chung quanh, và sẵn sàng giúp đỡ phục vụ họ với hết khả năng của mình, để nên người trưởng thành về nhân cách, và được thành công trong mọi công việc.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 17

VĂN HOÁ ỨNG XỬ - HÌNH THÀNH VĂN HOÁ XẾP HÀNG

1. LỜI CHÚA : Tô-bi-a cha khuyên con: “Điều con ghét chớ làm cho ai” (Tb 4,15a).

2. CÂU CHUYỆN : VỀ LỐI SỐNG VĂN MINH LỊCH SỰ.

Những ai có dịp đi du lịch tại đảo quốc Sư Tử (Xanh-ga-po) đều có một đánh giá chung : người dân ở đất nước tuy nhỏ bé về hình thể này nhưng lại có nếp sống văn minh lịch sự cao, thể hiện qua việc xếp hàng : Họ làm gì cũng đều xếp hàng. Thói quen xếp hàng nơi công cộng ngày nay tại Xanh-ga-po không phải dễ dàng đạt được, nhưng là kết quả của một quá trình giáo dục cộng đồng liên tục suốt 30 năm qua. Chiến dịch “sống văn minh lịch sự tòan quốc” lúc đầu do Cục Xúc Tiến Du Lịch Xanh-ga-po khởi xướng nhằm vận động dân chúng cư xử lịch sự và thân thiện với du khách để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Về sau nhận thấy không nên chỉ gói gọn trong việc đối xử tử tế đối với du khách, nên ngày 1/7/1979 cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch Văn Minh Lịch Sự ra tòan xã hội và chọn tháng 7 hằng năm để mọi người “nghĩ đến nhau và đối xử tử tế với nhau”. Chiến dịch Văn Minh Lịch Sự cũng có một lô-gô là Mặt cười Smiley với khẩu hiệu : “Hãy biến sự văn minh lịch sự trở thành lối sống của chúng ta”. Đến năm 1982, biểu tượng lô-gô “Mặt cười smiley” được thay bằng “Chú sư tử Singa”. Từ 1985, việc thực hiện nếp sống Văn Minh Lịch Sự trở thành chiến dịch kéo dài suốt năm với kinh phí lên đến 700.000 đô-la Xanh mỗi năm. Từ ngày 1/3/2001, chiến dịch “Nếp sống văn minh lịch sự quốc gia” đổi thành phong trào “Xanh-ga-po tử tế” kéo dài đến nay.

3. SUY NIỆM :

1) Làm gì để hình thành văn hoá xếp hàng :

Ngày nay tại Việt Nam chúng ta Văn Hóa Xếp Hàng nói chung vẫn chưa được ngừơi dân coi trọng. Nhiều nơi vẫn xảy ra hiện tượng giành chỗ trước khi mua vé tàu hay tiến hành làm thủ tục tại sân bay, khiến nhiều du khách nước ngòai bất bình và có ấn tượng không tốt về trình độ văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta.

Muốn có văn hóa xếp hàng thì cần bắt đầu bằng việc giáo dục nhân bản. Có lẽ trong một thời gian dài do phải lo đối phó với các vấn đề cấp bách của cuộc chiến giành độc lập, rồi sau đó lại phải đương đầu với vấn đề “cơm áo gạo tiền”… nên các người có trách nhiệm đã quên giáo dục nhân bản cho thế hệ con em như : Giữ tôn ti trật tự trong gia đình, biết kính trên nhường dưới, biết quan tâm đến người khác và tôn trọng tha nhân… thể hiện qua thái độ : Giữ thinh lặng tại nơi chung; Giữ gìn vệ sinh công cộng và ý thức bảo vệ của chung… Cũng do không được giáo dục nhân bản nên giới trẻ hiện nay có nhiều biểu hiệu thiếu văn hóa như : Tranh giành chỗ đứng khi mua vé xe, vé vào rạp hát hoặc mua hàng trong siêu thị …

2) Trách nhiệm của gia đình, trường học và xã hội :

Muốn có được văn hóa xếp hàng như người dân các nước văn minh khác trong khu vực, chúng ta cần bắt đầu giáo dục từ gia đình, đến nhà trường và ra xã hội :

- Trong gia đình : bà mẹ phải dạy con ứng xử vị tha thay cho vị kỷ, cần dạy con học thuộc và thực hành theo phương châm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Cha mẹ không được chiều con quá mức. Vì nếu đứa trẻ trong gia đình “muốn gì được nấy”, thì nó sẽ không ý thức phải nhường nhịn tha nhân. Từ ý thức ích kỷ sẽ biến thành hành vi tranh giành rồi thành thói quen chụp giật và thành tính cách coi thường luật pháp trong xã hội.

- Tạị trường học : Thầy cô giáo cần dạy học sinh văn hóa ứng xử qua thái độ tôn trọng tha nhân, tuân giữ kỷ luật học đường… Nên cho học sinh xếp hàng đầu giờ trước khi vào lớp, tập thói quen xếp hàng khi nộp học phí hay khi đến xin giải quyết công việc tại nhà trường…

- Ngoài xã hội : Tại các cơ quan nhà nước hay nơi phục vụ công cộng cần theo nguyên tắc “đến trước phục vụ trước”. Các nhân viên phải cương quyết không giải quyết cho ai không xếp hàng nghiêm túc. Hiện nay tại các ngân hàng, cơ sở khám bệnh hay giao dịch công ty đã có đổi mới là : Khách đến làm việc sẽ nhận một vé thứ tự tự động và làm theo hướng dẫn hiển thị trên màn hình.

3) Vai trò của các phương tiện truyền thông :

Báo chí truyền thanh truyền hình cũng phải tích cực góp phần vào việc giáo dục công dân bằng các khẩu hiệu, các tiểu phẩm phản bác thói ưa tranh giành, bằng những bài nói chuyện của các chuyên gia giáo dục xã hội trên truyền hình

Tuy nhiên, ngoài các điều trên còn cần áp dụng biện pháp răn đe : Tại Xanh-ga-po du khách mới đến đã được hướng dẫn viên du lịch nhắc nhở phải bỏ rác vào thùng rác. Ai xả rác bừa bãi sẽ bị cảnh sát phạt đến 500 đô-la Xanh. Điều này cũng có tác dụng răn đe rất lớn khiến ai nấy đều sẵn sàng chấp hành kỷ luật.

4. SINH HOẠT : Bạn sẽ làm gì để huấn luyện người dưới quyền về văn hóa xếp hàng ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin giúp các bậc cha mẹ biết nêu gương sáng và quan tâm dạy dỗ con cái biết ứng xứ có văn hoá trong mọi hoàn cảnh ngay từ khi chúng còn thơ bé.

Xin cho các thày cô giáo tại nhà trường ý thức tầm quan trọng của việc giáo dục nhân cách cho học trò, để quan tâm nhiều hơn về môn công dân giáo dục, và áp dụng bài học ứng xử có văn hoá trong các sinh hoạt học đường …

Xin cho các nhà quản lý xã hội biết tạo điều kiện để công dân biết ứng xử văn minh trật tự, nhất là văn hoá xếp hàng… nhờ đó sẽ có thể nâng cao uy tín dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 18

VĂN HOÁ ỨNG XỬ - NHỮNG CỬ CHỈ ĐẸP TRONG CUỘC SỐNG

1. LỜI CHÚA : “Con người đến không đòi được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

2. CÂU CHUYỆN : NHƯỜNG GHẾ CHO NGƯỜI GIÀ, TRẺ EM.

Trong tháng qua, tôi có dịp đi chơi cuối tuần tại Lái Thiêu, Bình Dương với mấy người bạn. Thay vì dùng xe hai bánh như mọi khi, chúng tôi đã rủ nhau cùng đi xe búyt để vừa an tòan không sợ tai nạn, tránh bị mưa nắng. Tuy nhiên, trong chuyến đi này tôi đã được tận mắt chứng kiến những cử chỉ không mấy tốt đẹp như sau :

Thực vậy, mặc dù đã có một tấm bảng nhỏ kẻ dòng chữ “Hãy nhường ghế cho người già, trẻ em và phụ nữ mang thai” được gắn ngay phía đầu xe, vậy mà vẫn có một chàng thanh niên thản nhiên ngồi trên ghế, đang khi một cụ bà đang đứng ngay bên ! Cũng vậy, một anh thanh niên khác vẫn tỉnh bơ ngồi giữa một số khá đông quý bà quý cô phải đứng suốt quãng đường dài gần 30 cây số. Dọc đường, tôi thấy xe dừng lại đón một cụ bà bước lên. Đầu tiên bà đưa mắt nhìn lướt qua các hàng ghế để mong tìm được một chỗ trống. Nhưng mọi chỗ trên xe đều chật cứng người ngồi và không ai chịu đứng lên nhường chỗ. Cuối cùng bà cụ đành phải rút dép ra kê và ngồi bệt ngay dưới sàn xe. Bấy giờ một chị trung niên do thương hại bà cụ nên đứng dậy nhường ghế cho bà, rồi chị lần bước đến ngồi trên thùng máy phía cuối xe. Một anh thanh niên thấy vậy cũng noi gương đứng lên và đi về phía đầu xe đứng. Một anh khác ở hàng ghế sau cũng đứng dậy để nhường chỗ. Hai anh nhìn nhau mỉm cười ý nhị, quên cả việc mời bà kia ngồi vào ghế của mình. Ngay lúc đó, thật đáng tiếc, một chàng thanh niên đang đứng gần bên vội bước lại dành chỗ. Rồi khi vừa có người xuống trạm thì một ông đi nạng khập khễnh bước lên xe. Nhưng không một ai quan tâm để đứng lên nhường chỗ cho người bị què cụt này…

3. SUY NIỆM :

Trong cuộc sống thường ngày, nếu biết quan tâm đến người bên cạnh, chắc chắn chúng ta sẽ không thiếu những cơ hội thể hiện tinh thần phục vụ bằng những cử chỉ đẹp như : nhặt một cái đinh trên đường đi để xe đi sau khỏi bị sì lốp giữa đường; Vứt một mảnh sành vào thùng rác để tránh cho người đi đường khỏi dẫm đạp lên; Dùng một vật để làm hiệu nắp ga bị bể, hầu tránh cho người khác phía sau khỏi sụt hầm; Phụ giúp một người đang khiêng một vật nặng lên xe; Báo cho người có trách nhiệm an ninh khi phát hiện có kẻ gian rình rập một ngôi nhà vắng chủ… Và còn rất nhiều cử chỉ đẹp mà các bạn trẻ chúng ta có thể làm để nói lên tinh thần yêu thương : sẵn sàng dấn thân phục vụ tha nhân vô vụ lợi.

4. SINH HOẠT : Bạn có thường tự nguyện giúp đỡ người khác khi họ bất chợt gặp sự số, hay chỉ chịu giúp khi được họ năn nỉ nhờ cậy ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con luôn vị tha khi biết nghĩ đến người khác và sẵn sàng trợ giúp tha nhân khi cần với hết khả năng. Nhờ đó chúng con sẽ nên người trưởng thành về nhân cách và gây được thiện cảm với mọi người.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 19

VĂN HOÁ ỨNG XỬ - GIÁ TRỊ TÍCH CỰC CỦA MỘT CỬ CHỈ ĐẸP

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : ”Điều gì con muốn cho người ta làm cho mình, thì hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : SỨC LÔI CUỐN CỦA CỬ CHỈ ĐẸP.

- Bà PHO-RƠ-MEN dừng chiếc xe hơi của mình trước một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dẫy dài xe hơi nối đuôi phía sau xe mình. Bà chợt nảy ra một ý vui vui. Bà hạ kính xe xuống, trao cho nhân viên bán vé một tờ 10 đô-la và bảo : ”Chú ơi. Tôi mua một vé. Còn lại tôi mua thêm 9 vé cho 9 chiếc xe sau tôi. Chỗ dư tôi xin biếu cho chú đó !”

Không chờ để người bán vé kịp thắc mắc thể hiện qua nét mặt của anh ta, bà Pho-rơ-men quay kính xe, đạp ga và lái xe đi ngay. Bà hình dung ra trong đầu cũng sự ngạc nhiên đầy thú vị ấy nơi khuôn mặt của 9 người lái xe phía sau mà bà không hề quen biết. Bà không cần những lời cảm ơn. Chỉ là một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ thôi mà. Có đáng gì dâu !

- Về đến nhà, bà Pho-rơ-men vừa làm bếp vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay trên đường. Ông chồng già để ý rất lấy làm lạ. Đến bữa ăn trưa, ông lựa lời hỏi, bà mới kể lại đầu đuôi câu chuyện. Đến phiên ông cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy của bà…

Buổi chiều, đến trường dạy môn giáo dục công dân, ông Pho-rơ-men quyết định làm một “cử chỉ đẹp” bằng cách dùng chính câu chuyện về “cử chỉ đẹp” của bà vợ để dẫn nhập vào bài học. Các học sinh trung học của ông lặng đi một thóang rồi đồng lọat vỗ tay tán thưởng, Cuối cùng thầy giáo Pho-rơ-men kết thúc bài học như sau : ”Các em hãy nhớ : niềm vui sống khởi đi từ những chuyện bình thường nho nhỏ như thế. Mỗi ngày ước gì mỗi người chúng ta đều làm được ít nhất một “cử chỉ đẹp” tương tự, các em nhé !”

- Ở lớp học hôm ấy có cô bé Ma-ry, vốn là một học sinh cá biệt và bướng bỉnh lì lợm, và lười biếng không bao giờ làm việc nhà. Cô bé về nhà trong tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi và quyết định sẽ làm một cử chỉ đẹp để cho cha mẹ ngạc nhiên. Cô lặng lẽ làm việc nhà : quét tước nhà cửa và nấu nướng giặt ủi quần áo mà mẹ cô vẫn làm hằng ngày, trước khi mẹ cô từ xưởng thợ và cha cô ở tòa báo trở về nhà. Chập tối, khi hai ông bà bước vào nhà thấy sự sạch sẽ ngăn nắp trong nhà thì đã đoán chừng có sự đổi thay kỳ lạ nào đó nơi cô con gái cưng đang tuổi dậy thì ! Hỏi mãi cô bé mới kể lại câu chuyện về “cử chỉ đẹp” mà cô đã nghe thầy Pho-rơ-men kể ở lớp. Cô hứa với bố mẹ tất cả các việc cô làm trong nhà hôm nay không phải là “cử chỉ đẹp” duy nhất, nhưng sẽ được tiếp tục thực hiện trong những ngày sắp tới.

- Sau bữa cơm chiều thật vui vẻ đầm ấm, ông En-phông-sơ cha của Ma-ry, vốn là một phóng viên của tờ báo địa phương, khoan khóai ngồi vào bàn làm việc. Ông quyết định phải viết ngay một bài báo về câu chuyện “cử chỉ đẹp”… Chỉ đến chiều hôm sau là cả miền đều xôn xao khi đọc được bài báo. Người ta bảo nhau, ít nhất mỗi ngày, hãy nhớ làm một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ cho nhau, cho cuộc sống thêm niềm vui…

- Cha xứ đưa câu chuyện vào bài giảng thánh lễ Chúa Nhật kế đó. Một diễn giả chọn câu chuyện làm chủ đề chính cho một buổi mạn đàm ở hội trường lớn của thị trấn. Một bà mẹ kể lại cho đứa con như một chuyện cổ tích để ru nó vào giấc ngủ ngon. Một đôi bạn trẻ đang yêu nhau cũng thỏa thuận từ nay sẽ dành cho nhau những “cử chỉ đẹp” thay vì những trò giận dỗi vô bổ. Ngòai đường phố, người ta thôi không vứt bã kẹo cao-su bừa bãi. Trẻ em ngưng trò đá banh trên đường phố hoặc đi bấm chuông ngoài cổng để chọc phá nhà hàng xóm.

- Những người lái xe cố gắng tránh không làm tạt những vũng nước dơ trên đường lên khách bộ hành. Một cậu Sói Con bước ra khỏi nhà, thắt một chiếc nút nhỏ ở chéo đuôi khăn quàng trên ngực, tự nhủ sẽ làm một “cử chỉ đẹp” trên đường đến công viên họp bạn Hướng Đạo. Trong nhà giam, viên cai ngục vốn bẳn tính quyết định sẽ có những “cử chỉ đẹp” đối với các tù nhân. Người đi mua hàng ở tiệm tạp hóa biết mở miệng nói lời cám ơn lịch sự. Còn cô bán hàng thường hay cau có đã biết nở nụ cười khả ái đáp lại khách hàng. Một cầu thủ bóng đá vốn nổi tiếng chơi xấu ngáng chân kéo áo, giờ đây trong trận đấu cuối tuần, đã biết chạy lại đỡ nâng cầu thủ đội bạn bị té ngã đứng dậy kèm theo lời xin lỗi…

3. SUY NIỆM :

Một “cử chỉ đẹp”. Vâng, chỉ cần một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ mỗi ngày thôi, cũng đủ làm cho cuộc sống chung quanh chúng ta thêm ý nhị đậm đà. Và niềm vui do thái độ yêu thương và quan tâm đến nhau sẽ được nhen nhúm, rồi bùng cháy thành một đám lửa hồng, lan tỏa ngọn lửa yêu thương đến cho mọi người.

4. SINH HOẠT :

Bạn thấy “cử chỉ đẹp” của bà Pho-rơ-men trong câu chuyện trên có giá trị tích cực thế nào ? Trong những ngày này bạn quyết tâm sẽ làm “cử chỉ đẹp” nào cho người thân trong gia đình, bạn bè nơi trường học hay xưởng làm và mọi người có dịp tiếp xúc ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Qua câu chuyện “Giá Trị tích cực của một cử chỉ đẹp”, chúng con hiểu được sức mạnh của một cử chỉ đẹp, dù nhỏ bé nhưng lại có sức lôi cuốn được nhiều người khác làm theo. Xin giúp chúng con thực hiện mỗi ngày một cử chỉ đẹp, để gây thiện cảm với người khác. Hy vọng cử chỉ đẹp giống như ánh lửa tin yêu sẽ truyền ánh sáng và sức nóng cho người khác, để biến đổi môi trường là gia đình, khu xóm, trường học và xưởng làm… ngày một ấm áp tình người hơn và nên thiên đường hạ giới ngay từ hôm nay.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 20

VĂN HOÁ ỨNG XỬ - LỊCH SỰ TẾ NHỊ VỚI MỌI NGƯỜI

1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên đồ đệ Ti-mô-thê : “Hãy thận trọng trong mọi sự” (2 Tm 4,5).

2. CÂU CHUYỆN : THÁI ĐỘ TÔN TRỌNG NGƯỜI HÀNH KHẤT.

“Một hôm trên đường đi tập thể dục buổi sáng, tôi đã gặp một người hành khất cao niên. Với cặp mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa, đôi môi tái nhợt và áo quần tả tơi, ông lão chìa đôi tay ra xin tôi giúp đỡ. Tôi lục hết từ túi quần đến túi áo mà không tìm được một đồng nào để giúp đỡ ông. Dù vậy ông lão ăn xin vẫn kiên nhẫn đứng đợi. Sau đó tôi không biết làm gì khác hơn là nắm lấy hai bàn tay run rẩy vì lạnh của ông và nói : “Xin ông thứ lỗi. Hôm nay cháu đi tập thể dục nên không mang tiền theo”.

Tôi thấy đôi môi của ông lão chợt nở ra một nụ cười tươi và ông nói với tôi rằng : “Cảm ơn cháu nhé ! Hôm nay cháu đã cho ông một món quà quý giá nhất, là thái độ lịch sự tế nhị của cháu, mà trước đến giờ ông chưa gặp được”. Bấy giờ tôi chợt nhận ra : Chính tôi cũng nhận được một món quà quý giá của ông lão vừa cho tôi là lòng biết ơn.” (Viết theo Tuốc-ghê-nhép).

3. SUY NIỆM :

1) Thế nào là thái độ ứng xử lịch sự tế nhị ? :

- Lịch sự là những cử chỉ, hành vi giao tiếp ứng xử phù hợp với quy định của xã hội, với truyền thống đạo đức dân tộc. Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp ứng xử, biểu lộ một con người hiểu biết và có văn hóa.

- Lịch sự tế nhị được biểu lộ qua lời nói và cách ứng xử khi giao tiếp, trong các qui định phép tắc xã hội khi quan hệ giữa người với người, nói lên sự tôn trọng tha nhân. Lịch sự tế nhị cho thấy trình độ văn hóa và đạo đức của một con người.

2) Hiệu quả của thái độ ứng xử tế nhị :

- Người biết cách cư xử lịch sự tế nhị sẽ sống hòa thuận với người chung quanh, trong lòng luôn cảm thấy vui vẻ bình an, đang khi kẻ bất lịch sự thiếu văn hóa lại luôn mang tâm trạng bất an do phải đối phó với nhiều kẻ thù ghét mình.

- Ngừơi lịch sự tế nhị sẽ biết giữ thể diện cho người khác và đổi lại họ cũng được người khác tôn trọng. Họ luôn đối xử chân thành và tôn trọng tha nhân, nên được nhiều người yêu mến và kết thân, là điều kiện để thành công trong mọi công việc.

3) Chúng ta phải làm gì để trở nên lịch sự tế nhị trong lời nói, cử chỉ và hành động ?

+ LỜI NÓI LỊCH SỰ TẾ NHỊ :

Ngừơi lịch sự sẽ không nói những lời tục tĩu, không nói to giữa nơi đông người; biết chào hỏi người khác; biết nói cám ơn xin lỗi; biết khen nhiều hơn chê; biết tự nhận lỗi; luôn suy nghĩ cẩn thận trước khi nói… để tránh nói ra những lời bất lợi cho bản thân và cho tha nhân.

+ THÁI ĐÔ LỊCH SỰ TẾ NHỊ :

Thái độ của mỗi người cũng là một cách nói. Qua thái độ tế nhị, người đối diện sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và sẵn sàng kết thân giao hảo.

+ HÀNH ĐỘNG LỊCH SỰ TẾ NHỊ :

Ngừơi lịch sự tế nhị sẽ không tò mò tọc mạch đế tìm hiểu những chuyện riêng tư của người khác; Không cười nhạo tật xấu của tha nhân; Không tự tiện lục túi xách, đọc trộm nhật ký và thư riêng, nghe lén hay đọc tin nhắn trong điện thọai của người khác… khi chưa được chủ nhân cho phép… Không nói ra những điều bí mật bất lợi cho người khác…

4. SINH HOẠT :

Giáo viên phụ trách khoá giáo lý dự tòng và hôn phối sẽ ứng xử cách tế nhị lịch sự thế nào đối với các học viên thường hay đi đến trễ ?

Hãy chọn một trong các cách ứng xử sau và cho biết lý do tai sao ứng xử như vậy ?

+ Phê bình kẻ đi học trễ với thái độ và lời lẽ gay gắt để họ sửa lại.

+ Lờ đi và coi như không có chuyện gì.

+ Xử lý không cho làm bài thi cuối khoá.

+ Nhắc nhở chung các học viên tránh đi trễ.

+ Tìm hiểu nguyên nhân học viên đến trễ và đề ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết ứng xử lịch sự tế nhị với tha nhân. Xin cho chúng con luôn biết ăn nói tế nhị, ứng xử lịch sự với mọi người. Xin cho chúng con biết khôn ngoan và bao dung khi sửa lỗi cho kẻ làm sai… Nhờ đó chúng con sẽ tạo được bầu khí an vui trong môi trường sống và làm việc của chúng con.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

Tác giả: