Học Làm Người Trưởng Thành Nhân Cách - Bài 91-100
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Đan Vinh
HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH - BÀI 91-100
Xem: Bài 01-10 | Bài 11-20 | Bài 21-30 | Bài 31-40 | Bài 41-50 | Bài 51-60 | Bài 61-70 | Bài 71-80 |Bài 81-90 | Bài 91-100 |
==========
BÀI 91
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – HOÁ GIẢI NGHỊCH CẢNH CỦA CUỘC SỐNG
1. LỜI CHÚA : Đức Giê-su đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26,39).
2. CÂU CHUYỆN : PHƯƠNG CÁCH HOÁ GIẢI NGHỊCH CẢNH ?
Người con gái than phiền với cha về cuộc sống, rằng mọi thứ thật khó khăn đối với cô. Cô đã mệt mỏi vì phải vật lộn với cuộc sống. Dường như ngay sau khi một vấn đề được giải quyết thì một vấn đề khó khăn khác lại phát sinh…
Cha cô ấy là đầu bếp trưởng của một nhà hàng. Để giúp con hoá giải khó khăn, ông dắt cô vào trong bếp, đổ đầy ba ấm nước và đặt chúng lên ba cái bếp lửa đang cháy. Không lâu sau đó, các ấm nước đều reo báo sắp sôi. Ông bỏ mấy củ cà rốt vào ấm thứ nhất, mấy quả trứng vịt vào ấm thứ hai và một thìa lớn bột cà phê vào ấm thứ ba. Ông để cho chúng tiếp tục sôi mà không nói một lời nào.
Cô con gái im lặng chờ đợi và tự hỏi : không biết cha mình đang làm gì ? Khoảng 20 phút sau, ông tắt các bếp lửa. Ông lấy những củ cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát lớn. Rồi ông vớt những quả trứng vịt ra và đặt chúng vào một cái bát khác. Cuối cùng, ông rót nước cà phê ra một cái bát khác nữa.
Rồi ông quay sang cô con gái và hỏi :
– Con đã thấy những gì ?
Cô con gái đáp:
– Thưa cha, đó là mấy củ cà rốt, mấy quả trứng vịt và nước cà phê.
Ông kéo con gái lại gần hơn và bảo cô chạm vào các củ cà rốt. Cô ta sờ vào và nhận thấy nó mềm hơn. Rồi ông bảo cô ấy cầm một quả trứng vịt và đập vỡ nó. Sau khi lột sạch lớp vỏ, cô thấy quả trứng đã chín và cứng cát hơn.
Cuối cùng, người cha yêu cầu cô con gái nếm chất nước cà phê. Cô ấy đã mỉm cười khi nếm nước cà phê đen đã đậm đà hương vị thơm ngon.
3. SUY NIỆM :
Cô con gái hỏi :
– Cha muốn nói gì với con qua sự việc này ?
Người cha chậm rãi giải thích : Mỗi một vật nói trên đều đã tiếp xúc với cùng một hoàn cảnh bất lợi là nước sôi, nhưng chúng đã phản ứng theo ba cách khác nhau :
Các củ cà rốt vốn cứng, nhưng sau khi vào trong nước sôi thì đã mềm đi.
Quả trứng vốn dễ vỡ, chỉ có lớp vỏ mỏng manh bảo vệ chất lỏng bên trong. Nhưng sau khi vào nước sôi, chất lỏng lòng trứng đã trở nên cứng cáp hơn.
Còn bột cà phê thật kỳ diệu, sau khi cho vào nước sôi nó đã làm biến đổi chất nước thành màu đen có mùi thơm ngon. Người cha hỏi con gái :
– Con muốn là thứ nào trong ba thứ nói trên ?
Khi nghịch cảnh gõ cửa, con sẽ phản ứng lại thế nào ?
. Trở nên mềm yếu như củ cà rốt chỉ biết than thân trách phận;
. Trở nên cứng cát hơn như quả trứng luộc;
. Hay sẽ biến đổi hoàn cảnh gặp phải nên tốt đẹp như thìa bột cà phê ?
- Bài học về nghịch cảnh là bài học mà mọi người chúng ta cần chuẩn bị cho mình để biết ứng phó cách nào với nghịch cảnh gặp phải là tốt nhất.
4. SINH HOẠT :
Ban rút ra bài học gì về cách ứng phó với nghịch cảnh gặp phải qua câu chuyện về mấy củ cà rốt, mấy quả trứng vịt và thìa bột cà phê khi gặp nước sôi ?
Là tín hữu, ngoài cách ứng phó thông thường, chúng ta nên làm gì để noi gương Đức Giê-su chấp nhận uống chén đắng là đi con đường qua đau khổ thập giá để vào trong vinh quang phục sinh theo thánh ý Thiên Chúa ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ý thức rằng : trong cuộc sống chắc chắn chúng con sẽ không tránh khỏi những điều trái ý như : bệnh tật, thất bại trong việc kinh doanh hay trong giao tiếp xã hội, con cái hư hỏng… Xin cho chúng con tránh thái độ tiêu cực khi chỉ biết phàn nàn than trách số phận, nhưng biết bình tĩnh giải quyết các khó khăn gặp phải với lòng tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa. Hy vọng chúng con sẽ đón nhận được hạnh phúc của Chúa đời này và đời sau.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=======
BÀI 92
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG - HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA THÁI ĐỘ VÔ CẢM
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy : “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa : vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).
2. CÂU CHUYỆN : BÁC SĨ VÔ CẢM GÂY CHẾT NGƯỜI.
Mới đây tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, chỉ vì sự vô cảm của bác sĩ và các y tá, đã dẫn đến cái chết oan uổng của một em bé chưa kịp chào đời. Chị Hảo là nạn nhân đã kể lại trường hợp của chị như sau :
“Chồng tôi đã bồi dưỡng bác sỹ An một triệu đồng, nhờ cứu cho mẹ tròn con vuông rồi gia đình sẽ “hậu tạ” sau. Thế nhưng, bác sĩ An đã không mổ ngay cho tôi mà đi vào phòng riêng ngồi xem ti-vi trận đá banh đến tận 23g40. Còn 2 nữ hộ sinh là cô Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh thì ngồi ở một góc phòng ăn bánh kẹo, nói chuyện phiếm, làm việc riêng để mặc cho tôi chịu đau đớn nằm trên bàn sinh. Tôi cảm thấy đau khi biết con mình trong bụng đang chết dần chết mòn mà không thể làm gì để cứu được. Tuyệt vọng, tôi cầu cứu các y tá đang ở gần đó để nhờ nói giúp với bất cứ bác sĩ nào cũng được, mổ giúp tôi lấy con ra, nhưng không một ai đứng dậy đi tìm bác sĩ. Họ vẫn cứ thờ ơ, thản nhiên ăn uống, cười đùa với nhau như không có chuyện gì xảy ra cả” .
3. SUY NIỆM :
Bệnh vô cảm biểu lộ qua thái độ không động lòng thương trước nỗi đau của đồng loại, cũng như không phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra ngay trước mắt. Con người trở nên vô tình trước nỗi đau của đồng loại.
1. Thực trạng vô cảm của giới trẻ :
Mới đây, cư dân mạng lại giật mình trước hành vi côn đồ của một nhóm nữ sinh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… với những màn đánh đập, xé áo, cắt tóc. Rất nhiều bạn trẻ, khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ thì lại thờ ơ bỏ đi. Thậm chí có kẻ không những không cứu giúp nạn nhân, mà còn lợi dụng cơ hội để lấy cắp tiền bạc, vật dụng, xe máy của người gặp nạn.
2. Nguyên nhân dẫn giới trẻ đến thái độ vô cảm :
- Trong nhiều gia đình, cha mẹ rất ít khi dạy con đồng cảm với tha nhân. Hơn nữa, những cảnh bạo lực đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trên ti vi, trong truyện tranh… dẫn tới thái độ thờ ơ lãnh đạm vô trách nhiệm của con em.
- Trong gia đình : nhiều gia đình ngày nay không quan tâm đến việc dạy con phải biết yêu thương, giúp đỡ chia sẻ và tha thứ cho người khác và có trách nhiệm với tha nhân. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ không biết "cho" chắc sẽ trở nên vô tâm và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác.
- Nơi nhà trường : Ngày nay, môn giáo dục công dân chỉ được dạy chiếu lệ. Bên cạnh các thầy cô mẫu mực, nhiệt huyết với việc giáo dục, vẫn còn đó những thầy cô thiếu nhân cách. “Có thầy cô gọi học sinh là “mày” xưng “tao”, có thầy cô chêm cả những câu chửi tục vào lời nói của mình, có thầy cô quát mắng học sinh như kiểu dân chợ búa, … Chính các em đã phải thốt lên rằng “giáo viên ăn nói thô lỗ, vô văn hóa như vậy thì trách sao học sinh chúng em không bắt chước” . Vì “vô cảm” nên họ cũng sẽ “đào tạo” ra những học trò “vô cảm” giống như họ.
- Do ảnh hưởng của công nghệ thông tin, trò chơi điện tử… dẫn giới trẻ đến lối sống ích kỷ vô cảm, thờ ơ với nỗi đau của tha nhân.
3. Tác hại của căn bệnh vô cảm :
- Bệnh vô cảm có thể dẫn đến chết người : Tài xế xe buýt mắc “bệnh vô cảm” sẽ coi thường mạng người, nên cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường để về bến trước, nên có thể gây ra tai nạn cho tha nhân.
- Bệnh vô cảm có thể đưa đất nước đến suy vong : Các cán bộ Nhà nước là “đầy tớ của nhân dân” mà “vô cảm”, thì sẽ có thái độ nhũng nhiễu, gây khó dễ để được “chung chi”, sẽ đánh mất lương tâm, mất phẩm chất đạo đức. Chính những cán bộ này sẽ làm cho đất nước thua kém các nước khác trên trường quốc tế.
4. SINH HOẠT : Chúng tôi phải làm gì ?
Để thực hành lời dạy của thánh Phao-lô : “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15), mỗi người chúng ta nên làm gì để cảm thông với tha nhân trong gia đình, khu xóm, nhà máy, công sở và ngoài đường phố ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con tránh thái độ vô cảm, nhưng biết mau mắn đáp ứng nhu cầu của tha nhân cần được trợ giúp với hết khả năng của mình, để chúng con trở thành những công dân tốt trong xã hội và nên ngưởi tín hữu đạo đức thực sự, luôn sống đức tin bằng việc thực thi đức cậy và đức mến giữa đời thường. – AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=========
BÀI 93
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CẦN TRÁNH THÁI ĐỘ THỜ Ơ VÔ CẢM
1. LỜI CHÚA : Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa !”. Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng đứng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : Hãy trỗi dậy !”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ “ (Lc 7,13-15).
2. CÂU CHUYỆN : THÁI ĐỘ THỜ Ơ TRƯỚC CẢNH EM BÉ BỊ NẠN :
Cách đây ít lâu trang mạng Telegraph và các trang mạng khác ở Trung Quốc và trên thế giới đều đồng lọat phát đi một đọan video clip và bình luận về tai nan tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông mà nan nhân là một bé gái 2 tuổi tên DUYỆT DUYỆT (Yue Yue).
Em đang đi ngòai đường tại khu chợ gần nhà và đã bị một chiếc xe tải nhỏ đụng phải. Đoạn video clip từ một máy quay bảo vệ an ninh tại hiện trường cho thấy viên tài xế xe tải sau khi đụng bé Duyệt Duyệt ngã ra đường, đã chỉ dừng lai một chút rồi lại tiếp tục chạy khiến bánh sau chiếc xe cán qua người bé lần thứ 2. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở hành động phi nhân tính của gã tài xế. Chính thái độ thờ ơ của những người qua đường sau đó mới khiến người Trung Quốc băn khoăn tự hỏi không biết tương lai đất nước của họ sẽ đi về đâu ?
Thực vậy : trong suốt 7 phút từ lúc bé Duyệt Duyệt gặp nạn, lần lượt đã có tới 18 người đi ngang qua nơi cô bé bị nạn nằm trên đường, nhưng chẳng một ai quan tâm giúp đỡ. Người đầu tiên là một thanh niên mặc áo phông trắng và quần thể thao đi qua bé gái nằm sõng soài trên đường, máu túa ra trên mặt, nhưng anh ta đã ngó lơ. Tiếp theo là một người đi xe đạp trông thấy em đã vòng qua để đi. Anh ta đã ngóai lại xem có phải một người bị nạn đang nằm ở đó hay không, rồi lại thản nhiên đạp xe đi tiếp. Khi máu tuôn ra nhiều hơn, một người đi xe đạp nữa xuất hiện. Người này không chút quan tâm tới số phận của đứa trẻ. Ba con người vô cảm vừa nói đã không giúp đỡ bé Duyệt Duyệt đáng thương, dù chỉ làm một việc đơn giản là kéo cô bé vào bên vệ đường. Sự thờ ơ của họ đã dẫn tới sự kiện một tài xế xe tải khác đi tới, do đang nói chuyện điện thọai không nhìn thấy bé Duyệt Duyệt trên đường nên đã cán xe lên người em. Sau lần bị xe đè này, bé Duyệt Duyệt đã không còn cử động nữa. Liên tiếp sau đó, rất nhiều người đi xe đạp và cả một số người đi xe chở hàng qua khu vực nạn nhân nằm vẫn không hề quan tâm tới bé Duyệt Duyệt. Cũng có một người phụ nữ dắt theo đứa con đi qua, thấy bé Duyệt Duyệt bị nạn lại rảo chân bước nhanh hơn ngang qua em...
Chỉ tới khi một nữ lao công quét đường 58 tuổi đi tới, thì bé Duyệt Duyệt mới được cứu giúp. Bà này vội hạ túi đồ xuống và lôi đứa trẻ sang một bên đường để tránh cho bé khỏi bị xe cán tiếp. Rồi bà tri hô lên yêu cầu được trợ giúp. Bấy giờ mẹ đứa trẻ nghe thấy đã hớt hải từ trong nhà chạy ra và vội mang con đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, sự can thiệp đã trở nên quá muộn. Các bác sĩ nói rằng bé Duyệt Duyệt phần do bị chảy máu nhiều nên bị suy hô hấp và phần khác còn bị chấn thương sọ não nghiêm trọng mà không được cấp thời cứu chữa nên khó có cơ hội hồi phục lại được.
3. SUY NIỆM :
1) Một xã hội thiếu vắng lòng nhân ái :
- Trên thế giới không hiếm những sự thờ ơ vô cảm trước người gặp nạn, nhưng mức độ phẫn nộ của dư luận ở đây cao hơn gấp bội vì Duyệt Duyệt chỉ là một đứa trẻ không có khả năng tự bảo vệ và việc cứu giúp em ở trong tầm tay của bất cứ ai nhìn thấy. Câu chuyện của Duyệt Duyệt đã trở thành đề tài nóng bỏng trên nhiều trang mạng trong và ngòai nước Trung Quốc. Nhất là sau khi đoạn video về tai nạn này được phát trên truyền hình.
- Rất nhiều khán giả cho biết đã bị “sốc” khi xem đoạn video nói trên. Họ cho đó là bằng chứng về tình trạng xã hội Trung Quốc đã bị suy thóai trầm trọng về mặt đạo đức như có người đã bình luận : “Liệu có gì đặc biệt hay trái với lẽ thường khi chúng ta ra tay giúp đỡ một người bị nạn ? Chuyện thờ ơ này chỉ cho thấy một sự bất thường về mặt đạo đức trong xã hội của chúng ta”.
2) Nguyên nhân của thái độ vô cảm ?
Lý giải về những gì đã xảy ra, tờ Thượng Hải Nhật báo đã nêu một số ý kiến sau :
- Lỗi lớn nhất chính là của cha mẹ bé Duyệt Duyệt vì đã mất cảnh giác, để cho đứa con còn quá nhỏ đi ra đường lộ một mình.
- Người khác lại cho rằng, sở dĩ người ta có thái độ vô cảm vì nhiều trường hợp người giúp nạn nhân lại bị người nhà đổ vạ đã gây ra tai nạn.
- Tuy nhiên nhiều người cho rằng : “Chẳng có lý lẽ nào có thể bào chữa cho thái độ vô cảm này, và các hình ảnh trong đoạn video đã “gây sốc cho mọi người có lương tri ở Trung Quốc”.- “Ngay cả trong trường hợp những người qua đường e ngại không muốn trực tiếp giúp đứa trẻ đi nữa, thì họ cũng có thể quay số điện thoại khẩn cấp 120, 110 và kịp thời chặn xe cộ giao thông để bé Duyệt Duyệt không bị chiếc xe tải thứ 2 cán tiếp lên người”.
3) Nỗi đau của cha mẹ nạn nhân :
Đối với cha mẹ bé Duyệt Duyệt thì tai nạn của con đã vượt quá sức chịu đựng : Cả bố và mẹ đều bị ngất xỉu khi lần đầu xem đoạn video quay cảnh con mình gặp nạn và thái độ vô cảm của những người đi ngang qua mà không cứu giúp. - Người cha họ Wang của bé Duyệt Duyệt đã nói trong nước mắt : “Có chuyện gì đang xảy ra với những con người kia vậy ? Họ đưa ra quá nhiều lý do để bào chữa cho thái độ ngoảnh mặt làm ngơ với con tôi đang gặp nạn cần được cấp thời giúp đỡ. Xã hội này thật quá bàng quan và vô tâm. Bé Duyệt Duyệt của chúng tôi thật vô cùng đáng yêu : Có lần tôi to tiếng làm mẹ nó khóc, nó liền làm trò cho cả hai chúng tôi phải cười hòa giải với nhau. Giờ thì tôi chẳng còn biết làm gì hơn là mong sao cho con tôi một lúc nào đó sẽ tỉnh dậy và gọi tiếng “bố” với tôi một lần nữa”.
- Thật đáng buồn khi hy vọng của anh Wang đã không trở thành hiện thực, vì Bé Duyệt Duyệt đã vĩnh viễn ra đi vài ngày sau, trong sự tiếc thương vô hạn của cha mẹ và mọi người. Được biết cảnh sát Trung Quốc hiện đã bắt giữ hai tài xế xe tải đã cán lên bé Duyệt Duyệt để làm rõ tội trạng của họ.
4. SINH HOẠT :
Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu gặp phải tình huống tương tự, để xứng đáng trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giê-su ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa, khi nhìn thấy cảnh bé gái 2 tuổi gặp nạn bị nhiều người đi ngang qua bỏ mặc, con đã cùng nhiều người khác cảm thấy rất phẫn nộ và không tiếc lời chê trách thái độ thờ ơ vô cảm của họ. Nhưng lạy Chúa. Trong cuộc sống, nhiều lần chính chúng con cũng đã vô cảm như vậy trước nỗi đau của đồng lọai, nhất là nếu kẻ đó là người chúng con không ưa. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa : chạnh lòng xót thương và sẵn sàng giúp đỡ những người gặp họan nạn, bất kể họ là ai, hầu chúng con xứng đáng là môn đệ thực sự của Chúa như lời Chúa phán : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
====
BÀI 94
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – HÌNH PHẠT ĐÍCH ĐÁNG CHO KẺ VÔ CẢM
1. LỜI CHÚA : Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành thì kìa, người ta khiêng một người chết đi chôn. Người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : ”Bà đừng khóc nữa !”, rồi Người lại gần sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : Hãy trỗi dậy ! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. (Lc 7,12-15).
2. CÂU CHUYỆN : CÔ TÀI XẾ XINH ĐẸP VÀ BA GÃ LƯU MANH.
(VTC News) - "Một chiếc xe búyt cỡ trung chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba tên du côn trang bị vũ khí đã để mắt tới cô tài xế xinh đẹp. Chúng bắt xe dừng và đòi được “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe lớn tiếng kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe đáp lại bằng sự im lặng. Lúc ấy một người đàn ông trung niên gầy yếu đã lên tiếng yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập tàn nhẫn. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác cùng hợp tác ngăn chặn hành động man rợ kia, nhưng không ai tiếp ứng. Và sau đó cô tài xế đã bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm gần đó. Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe trong bộ quần áo tơi tả quay lại xe và cô tiếp tục ngồi vào tay lái.
- Này ông kia, ông xuống xe đi ! Cô lái xe ra lệnh cho người đàn ông khi nãy đã lên tiếng bênh vực cô và bị bọn du côn đánh đập. Người đàn ông ngạc nhiên nói :
- Cô làm sao thế ? Tôi mới tìm cách cứu cô mà. Tôi làm thế là sai sao ?
- Cứu tôi ư ? Ông đã làm gì cứu tôi chứ ? Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách cười.
Bây giờ thì người đàn ông đã thật sự tức giận. Dù ông đã không cứu được cô, nhưng lẽ ra ông cũng không nên bị đối xử thế này mới phải. Ông ta nhất quyết từ chối xuống xe và nói : “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền được ở lại trên xe.” Nhưng cô lái xe vẫn cương quyết : “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy”.
Điều bất ngờ là các hành khách, vốn đã làm ngơ trước hành động man rợ mới đây của bọn du côn, giờ đây lại nhao nhao yêu cầu người đàn ông phải xuống xe. Họ nói : “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công việc phải làm và không thể trì hoãn lâu hơn nữa !”. Một vài người khỏe mạnh còn đến cưỡng bách người đàn ông phải xuống xe. Ba tên du côn nhìn nhau cười ranh mãnh và bình luận :
- Chắc là tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ !”
Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông đã bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe rồi chiếc xe búyt tiếp tục cuộc hành trình.
Cô lái xe vuốt lại mái tóc và vặn loa chiếc radio trong xe kêu to hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và bắt đầu đi xuống mé bên kia quả đồi. Phía tay phải chiếc xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ xe búyt tăng dần. Gương mặt cô lái xe trở nên căng thẳng. Hai bàn tay cô giữ chặt tay lái và nước mắt tự nhiên trào lăn xuống hai gò má. Một tên du côn nhận thấy cô tài xế có điều bất thường,nên ra lệnh cho cô : “Chạy chậm lại thôi, mày định làm gì thế ?”. Sau đó tên du côn cố giằng lấy tay lái, nhưng chiếc xe búyt đã vượt lề đường và lao xuống vực sâu như tên bắn.
Hôm sau, các tờ báo địa phương loan tin : Một tai nạn bi thảm đã xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn” : Một chiếc xe cỡ trung đã lao xuống vực, nữ tài xế và 13 hành khách trên xe đều thiệt mạng. Người đàn ông bị đuổi xuống xe đọc tờ báo ấy và đã khóc. Không ai biết tại sao ông ta khóc !".
3. SUY NIỆM :
- Câu chuyện kết thúc ở đây nhưng sau đó là hàng trăm, hàng ngàn lời bình luận phủ đầy trên các trang mạng xã hội. Trong một ngày chỉ riêng nhóm Facebook đã có tới hơn 2400 lượt người truy cập và chia sẻ. Hàng nghìn câu hỏi tự vấn lương tâm cũng được bật ra : “Bao nhiêu lần mình từng thờ ơ với những hoạn nạn khó khăn của người khác, đang khi hoàn toàn có khả năng giúp đỡ ?... Đôi khi chúng ta đã quá vô cảm trước cuộc sống chung quanh ! Sự vô cảm đã bị trừng phạt thích đáng và không thể tiếp tục tồn tại trong thế.giới hôm nay”.
- Trong dòng chảy của cuộc sống, khi mà mọi thứ đều "nhanh hay cực nhanh" như : Thức ăn nhanh (fast food), mạng internet băng thông rộng (broadband), tốc độ vi xử lí tăng lên gấp đôi, gấp ba... thì sự vô cảm cũng đồng thời diễn ra nhanh như vậy. Tuy trang mạng là ảo, nhưng trách nhiệm và yêu thương lại là thật. Câu chuyện trên tuy không xảy ra trong nước Việt Nam chúng ta, nhưng đã được lan truyền trên các trang mạng xã hội và gây nên một làn sóng bình luận của những bạn trẻ.
4. SINH HOẠT :
Nếu bạn có mặt trên chuyến xe nói trên, bạn sẽ phản ứng thế nào ? Tại sao ?
Trong những ngày này chúng ta sẽ làm gì để giúp đỡ những ai bị ức hiếp và bị đàn áp cách bất công, để nên môn đệ đích thực của Chúa Giê-su ?
5. LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Có lẽ chúng con cũng có phản ứng thụ động giống như các hành khách trên chiếc xe búyt trong câu chuyện trên, vì sợ bị những kẻ gian ác làm hại. Nhưng nếu chúng con biết hiệp lực với nhau thì chắc sẽ biến thành sức mạnh tổng hợp, giúp nhiều người tránh được những nỗi oan ức đau thương. Xin cho chúng con biết chạnh lòng xót thương những người đang bị áp bức, và tích cực góp phần xóa bỏ các tệ nạn xã hội, hầu nên môn đệ đích thực của Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=======
BÀI 95
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHỮA TRỊ BÊNH ĐÁI ĐƯỜNG
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Anh em hãy nên hòan thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện” (Mt 5,48).
2. CÂU CHUYỆN : BỆNH “ĐÁI ĐƯỜNG” VÀ THUỐC CHỮA TRỊ.
- Khi đến nhà ga phi trường hay vào một nhà hàng ăn hay khách sạn thì điều gây ấn tượng trước nhất, và cũng là cơ sở để khách đánh giá về trình độ văn minh và chất lượng phục vụ của nơi đó chính là WC, toa-lét hay nhà vệ sinh.
- Tại thành phố Hồ chí Minh chính quyền mặt trận đã có chương trình vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, nhưng các nhà quy họach thiết kế lại không quan tâm đến WC, là nhu cầu sinh họat tối cần thiết này. Khi đi trong thành phố đông xe cộ và người qua lại, tôi hiếm khi nhìn thấy một nhà WC hay toa-lét công cộng. Do đó ở một số con đường có nhiều cây lớn, thỉnh thỏang lại thấy một vài tấm lưng của người đàn ông úp người vào tường vào bụi cây, và một dòng nước vàng tràn ra vỉa hè phía sau. Một buổi tối nọ, khi có dịp ngang qua một đường phố sầm uất, có nhiều quán cóc trên vỉa hè gần khu trung tâm quận I, khách khứa ngồi la liệt ăn uống trên hè đường. Tôi ngồi xuống một chiếc bàn có người ăn xong vừa đứng dậy và kêu một chai bia giải khát. Sau đó tôi nói bâng quơ với mấy người khách cùng bàn : “Không biết nhà vệ sinh ở đâu nhỉ ?”. Một anh nói giọng Bắc chỉ giáo ngay : “Ông này chỉ được cái vẽ chuyện ! Ở đây làm gì có nhà vệ sinh ! Mà nếu có cũng tội gì vào đó để phải ngửi cái mùi hôi hám. Ông cứ ra chỗ bụi cây kia rồi tha hồ xả !”
- Tìm được nhà vệ sinh công cộng đã khó. Nhưng tìm được rồi lại càng khó sử dụng do tình trạng hôi hám bẩn thỉu không thể chịu nổi. Khi nói chuyện về vấn đề này, một anh bạn có kể câu chuyện sau : Một hôm anh ta chở bạn gái đi hóng mát ở bến Bạch Đằng. Đang yên lành bỗng nhiên anh ta cảm thấy một cơn “buồn” ập tới. Anh chạy xe lòng vòng một hồi mà không kiếm thấy một nhà vệ sinh công cộng nào để giải quyết “bầu tâm sự”. Vì tự trọng và không muốn bị mất điểm trước cô bạn gái mới quen, anh không thể bạ đâu “tè” đó, nên đành phải kiếm cớ trở về nhà, trong sự bực bội khó chịu của cô nàng.
- Còn một cô bạn của tôi thì thổ lộ : “Một hôm em phải nhịn suốt một tiếng đồng hồ mới tìm ra nơi “giải quyết”. Nhưng khi vào đến nơi thì thấy tối thui do công tắc điện hư, nước dội không có, và một mùi xú uế xộc thẳng vào mũi khiến em muốn nôn ọe. Em đành cố chạy xe về nhà để tránh phải ngửi cái mùi hôi hám kinh khiếp kia”.
- Một khách du lịch đứng tuổi từ Hà-nội vào TP Hồ chí Minh tham quan đã phát biểu: ”Thu tiền phí phục vụ cũng đúng thôi. Nhưng cũng phải làm sao cho người sử dụng đỡ bị ấm ức vì bị tốn tiền vô ích. Bây giờ nhiều người không những có nhu cầu vào toa-lét giải quyết cơn “buồn” kia xong là ra ngay, mà có thể họ còn cần một ít xà bông để rửa tay, cần một tấm gương soi, một lược chải lại đầu tóc cho đàng hòang. Nếu được như vậy thì dù có phải trả phí dịch vụ thêm một vài ngàn thì chắc ai nấy cũng sẵn lòng”.
3. SUY NIỆM :
Lời đề xuất trên đây chắc cũng không quá khó để thực hiện trong thành phố của chúng ta. Ước mong các cơ quan hai ngành vệ sinh môi trường và du lịch văn hóa quan tâm nghiên cứu để thành phố có thêm nhiều nhà WC lưu động được phân bố tại nhiều địa điểm, vừa đảm bảo vẻ mỹ quan, vừa an tòan vệ sinh để khi cần người ta có thể dễ dàng tìm thấy và bảo đảm chất lượng phục vụ.
Tuy nhiên trong thời kỳ quá độ này, chắc mỗi người chúng ta đều nhất trí là phải biết nín nhịn, để chỉ xả “bầu tâm sự” đúng chỗ đúng nơi. Tránh tình trạng “tưới cây” bừa bãi như một vị khách du lịch nước ngòai đã nêu nhận xét như sau : “Người Việt các ông thật kỳ lạ : Khi hôn nhau bày tỏ tình cảm chính đáng ngòai đường phố thì các ông ngại ngùng xấu hổ. Nhưng khi cần là các ông cứ vô tư “xả nước thải” bừa bãi tại bất cứ nơi công cộng nào mà chẳng cảm thấy xấu hổ gì cả !!!”
4. SINH HOẠT :
Theo bạn, nhận xét của ông khách du lịch nước ngòai về bệnh vô tư “đái đường” của một số người Việt đúng sai thế nào ? Để phòng ngừa bệnh “đái đường”, bạn nên làm gì trước khi ra đường ? Nếu chẳng may bị “buồn” bất tử ngòai đường, bạn cần làm gì để chứng tỏ là người có văn hóa ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin giúp chúng con ngày một nên hoàn thiện trong cách ăn nết ở văn minh lịch sự. Cho chúng con ý thức giữ gìn vệ sinh chung qua việc không xả rác bừa bãi ở nơi công cộng, không “đái đường” nhưng biết ứng xử tốt đẹp để nên người trưởng thành về nhân cách và góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng văn minh sạch đẹp hơn.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=========
BÀI 96
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG - GIÁ TRỊ CỦA SỰ ĐIỀM TĨNH TỰ CHỦ
1. LỜI CHÚA : “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8).
2. CÂU CHUYỆN : ĐIỀM TĨNH ĐÃ CHIẾN THẮNG.
Thần thoại Nhật Bản có câu chuyện như sau :
Một hôm các vị thần trên trời tụ họp nhau lại để chọn ra một vị thần đứng đầu các thần khác. Họ nhờ một vị thần lão thành nhiều kinh nghiệm đứng ra làm trọng tài chấm thi. Các thí sinh sẽ phải thi thố tài năng thế nào để các vị thần khác phải “tâm phục khẩu phục”.
- Thần Sấm Sét tình ngưyện ra thi thố tài năng trước tiên : Sau một cái vẫy tay của ông, lập tức một luồng ánh sáng rất mạnh từ trời giáng xuống đám mây đen bên dưới làm phát ra một tiếng sấm nổ long trời khiến các thần đều bị hồn siêu phách lạc. Nhưng ngay sau đó thần Bão Tố xuất hiện tiếp tục thi thố sức mạnh. Ông ta ra lệnh cho mưa trút nước xuống ào ào như dòng thác lũ, nước chảy đến đâu cuốn theo nhiều cây cối và nhà cửa. Nước lụt mỗi lúc một dâng cao nhấn chìm các ngọn núi và tiếp tục dâng lên tận trời, khiến các vị thần hỏang hốt yêu cầu thần Bão Tố ngừng lại. Sau một cái vẫy tay lập tức sóng gió yên lặng như tờ và nước lụt cũng rút đi đâu tất cả.
- Khi các vị thần chưa kịp hoàn hồn, thì bất ngờ mọi thần đều nghe thấy một giọng nói êm dịu vang lên : “Sức mạnh thực sự không nhất thiết là phải tàn phá hủy diệt mả có thể là êm dịu. Hãy nghe đây”. Nữ thần Âm Nhạc nói xong liền lấy ra một cây đàn vi-ô-lông và nhún nhẩy chơi một bản nhạc giật gân khiến mọi vị thần đều phấn khởi giựt giựt tay chân theo điệu nhạc, rồi đến lúc tiếng nhạc trở nên du dương réo rắt khiến các thần đều đờ người ra và mắt thiếp ngủ như bị thôi miên.
- Tuy nhiên trong số các vị thần hiện diện có một vị luôn tỏ ra bình thản khi chứng kiến các hiện tượng sấm chớp bão bùng hay điệu nhạc du dương kia ... Thần trọng tài liền hỏi : "Ngài là ai ? Ngài có bị mù hay bị điếc không ? " và nghe vị này trả lời : "Không. Tôi vẫn nhìn và nghe được tất cả". Thần trọng tài lại hỏi : “Tại sao ngài không bị xao xuyến giao động khi chứng kiến sấm chớp nổ bùng, nước ngập dâng cao và nghe các điệu nhạc du dương ?" Vị thần kia liền trả lời : “Ngài lầm rồi ! Tim tôi cũng đập, lòng tôi cũng xao xuyến như các vị khác. Nhưng vì tôi là thần Điềm Tĩnh luôn làm chủ được các cảm xúc chứ không bị lệ thuộc hay làm nô lệ cho nó. Ích lợi gì khi có sức mạnh chế ngự được người khác, mà lại chịu khuất phục trước tiếng đàn nhạc du dương ? Còn gì là uy lực nếu lại cảm thấy sợ hãi khi nghe tiếng sấm nổ hay thấy dòng nước lũ dâng lên ?”
Cuối cùng thần trọng tài đã phán quyết kết quả cuộc thi như sau : "Quyền bá chủ thuộc về thần Điềm Tĩnh. Sức mạnh thực sự chỉ có nơi những ai làm chủ được bản thân trước bất kỳ tình huống hay biến cố nào xảy ra. Những ai dù có quyền lực hay sức mạnh vô địch mà còn bị một thế lực khác lôi cuốn chế ngự thì vẫn chưa thực sự có sức mạnh và quyền năng. Hôm nay, tuy không phô trương sức mạnh, nhưng thần Điềm Tĩnh đã chứng tỏ nội lực vô song khi biết tự chủ để giữ được bình tĩnh và biết ứng xử khôn ngoan trước bất cứ tình huống nào. Đức tính này sẽ giúp chế ngự các lọai sức mạnh tài năng và điều khiển được chúng theo ý mình. Vậy tôi tuyên bố: "Thần Điềm Tĩnh Tự Chủ là chúa tể của chúng ta”.
Thực vậy : Điềm Tĩnh là đức tính đứng đầu và rất cần cho mọi người, nhất là cần cho những vị đứng đầu có nhiệm vụ lãnh đạo người khác.
3. SUY NIỆM :
1) Tự chủ là gì? : Tự chủ là một đức tính tốt, là khả năng đưa ra quyết định sáng suốt, mà không chịu sự tác động hay bị ép buộc bởi bất cứ ai. Đây là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc, sức khoẻ bản thân và các mối quan hệ với gia đình và xã hội. Chẳng hạn : Bạn quyết định sẽ chạy bộ tập thể dục mỗi buổi sáng để giảm cân và giữ eo. Nhưng khi vừa thức dậy bạn lại cảm thấy lười biếng không muốn chạy ra công viên như dự tính. Vậy bạn sẽ làm gì để làm chủ bản thân và duy trì được thói quen tập thể dục mỗi ngày ? Hoặc có những lúc bạn thấy nhà cửa bề bộn, và thấy cần dọn dẹp cho ngăn nắp hơn. Nhưng rồi do lười biếng bạn lại chần chừ hết ngày này sang ngày khác. Bạn sẽ làm gì để giữ được điều đã quyết định ?
2) Bốn yếu tố cần để tập tính tự chủ : Mỗi người chúng ta đều có một vài thói hư chủ yếu cần sớm khắc phục như : Kiêu ngạo, mê tiền, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ganh ghét, làm biếng. Để chế ngự được các thói xấu này, cần khôn ngoan và có ý chí để quyết tâm thắng vượt thói lười biếng, cần tinh thần kỷ luật để không trì hõan và cần các ơn trợ lực của Chúa như sau :
- Khôn ngoan : Cần biết khôn ngoan để tìm ra đối sách phù hợp là tập các đức tính đối lập với thói xấu của mình như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy.
- Ý chí là phương thế hữu hiệu để chế ngự thói xấu lười biếng. Nó giúp chúng ta nhận thức đánh giá được sự sai sót của mình, rồi quyết tâm lọai trừ các thói hư và trung thành với những điều đã dốc quyết. Đây là sức mạnh giúp vượt thắng được cảm xúc và sức ì của bản thân.
- Kỷ luật là bạn đồng hành của ý chí. Nó giúp chúng ta tuân giữ kỷ luật, biết tự chủ để suy nghĩ trước khi quyết định và kiên trì làm điều đã dốc quyết.
- Ơn Chúa : Ngoài sự khôn ngoan, ý chí và kỷ luật, người tín hữu còn cần ơn trợ giúp của Chúa để việc tập luyện tính tự chủ đạt được kết quả chắc chắn và bền vững. Nhờ việc năng học sống Lời Chúa hằng tuần và qua việc dâng lễ rước lễ mỗi ngày, chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa, sẽ khắc phục được các thói hư nhờ quyết tâm tập luyện nhân đức đối lập, vượt thắng được tính lười biếng và kiên trì thực hiện những điều đã dốc quyết.
4. SINH HOẠT : Theo bạn trong bốn yếu tố cần để tập tự chủ nói trên, yếu tố nào là then chốt để việc tập luyện tính tự chủ được thành công ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su, Xin cho chúng con học theo gương Chúa để luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống. Cho chúng con luôn tự tin để vượt qua thử thách gặp phải, noi gương Chúa xưa đã bình tĩnh dẹp cơn sóng gió. Cho chúng con luôn tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa Cha để sau khi đã cố gắng hết sức, chúng con biết noi gương Chúa bỏ đi ý riêng để xin vâng ý Chúa Cha.-AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=======
BÀI 97
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG - QUẲNG ĐI GÁNH ƯU PHIỀN
1. LỜI CHÚA : Bấy giờ Người nói với các môn đệ : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng : ”Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,38-39).
2. CÂU CHUYỆN : ĐỂ CÂY PHIỀN MUỘN Ở NGOÀI NHÀ RIÊNG CỦA MÌNH.
Tạp chí “FOOD FOR THOUGHT” có đăng một câu chuyện về việc quẳng gánh ưu phiền khỏi cuộc sống của mình như sau :
Ngày đầu tiên của người thợ mộc mà tôi thuê đến làm việc tu sửa lại nông trại cũ của tôi đã diễn ra không mấy suôn sẻ. Anh đến muộn một tiếng đồng hồ vì bị bể bánh xe. Sau đó chiếc cưa điện của anh lại bị hỏng không thể dùng được mà phải chuyển sang dùng cưa tay. Rồi khi anh ra về thì chiếc xe tải cũ kỹ của anh lại không thể khởi động vì bình điện xe lâu ngày xuống cấp không giữ được điện.
Tôi đã lấy xe của tôi đưa anh thợ mộc về nhà và anh hòan tòan im lặng lúc đi đường. Khi về đến nhà, anh mời tôi ghé vào thăm gia đình anh. Trước khi bước vô nhà, tôi thấy anh đến đứng trước một cây nhỏ tại sân phía trước nhà và chạm hai tay vào đầu nhánh cây. Rồi khi cánh cửa ngôi nhà mở ra, tôi thấy anh đã hoá thành một người khác : Khuôn mặt sạm đen giờ tươi tỉnh hẳn lên khi anh ôm hai đứa con gái vào lòng và hôn nhẹ lên trán vợ… Một lát sau, anh đưa tôi ra xe và đã trả lời cho thắc mắc của tôi về cây trồng trước nhà và thái độ của anh sau khi chạm vào nó như sau : “À, đó là CÂY PHIỀN MUỘN”.
3. SUY NIỆM :
Anh giải thích tiếp : “Tôi biết mình sẽ không thể tránh khỏi những nỗi bực bội ưu phiền khi phải rời ngôi nhà thân yêu của mình để đi kiếm sống bên ngoài. Nhưng tôi không muốn những nỗi bực bội ưu phiền gặp phải ấy ảnh hưởng đến vợ và hai đứa con nhỏ của tôi ở nhà. Vì thế tôi đã trồng một cây ở sân trước nhà làm “Cây Phiền Muộn”, để trao gửi tâm sự của mình. Mỗi buổi chiều khi trở về, tôi đều để lại tất cả những buồn phiền cho cây này trước khi bước vào nhà. Sáng hôm sau, khi đi làm việc, tôi lại mang nỗi buồn kia theo”. Rồi anh mỉm cười tiếp : “Có điều thú vị là tôi cảm thấy nỗi buồn lấy lại sáng hôm sau luôn nhẹ hơn vào chiều hôm trước”.
4. SINH HOẠT :
Bạn nhận xét thế nào về cách anh thợ mộc sử dụng để quẳng đi nỗi phiền muộn khỏi cuộc sống của mình trong gia đình ? Về phần bạn là tín hữu, mỗi khi gặp sự phiền muộn, bạn sẽ làm gì để giải toả nỗi phiền muộn gặp phải trong cuộc sống hằng ngày ? Tại sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Trong cuộc sống hằng ngày nơi gia đình và ngoài xã hội, chắc chắn chúng con không tránh khỏi những điều trái ý cực lòng, do công việc không suôn sẻ, do sự va chạm với người chung quanh. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa chia sẻ với người thân như Chúa đã chia sẻ với ba môn đệ trong vườn Cây Dầu và đã cầu nguyện để xin vâng thánh ý Chúa Cha.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=======
BÀI 98
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – GIÁO DỤC LÒNG BIẾT ƠN CHO CON CÁI
1. LỜI CHÚA : Một người trong bọn thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : ”Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,15-18).
2. CÂU CHUYỆN : ĐỪNG QUÊN NÓI LỜI CÁM ƠN.
Trên một chuyến xe buýt đông người, khi xe dừng lại một trạm kia thì có một ông lão chống gậy bước lên xe. Ông bước đi không vững và khi lên được xe, ông dừng lại ở cánh cửa phía trên, đảo mắt một vòng nhìn xuống các hàng ghế để tìm một chỗ trống. Nhưng rồi ông thất vọng vì các hàng ghế đều đã có người ngồi. Trong số các hành khách trên xe có nhiều thanh niên nam nữ, nhưng người này nhìn người kia để chờ xem có ai đó sẽ đứng lên nhường chỗ cho ông lão không. Bấy giờ có một em thiếu nhi khoảng 8-9 tuổi, thấy ông lão già cả ốm yếu mà phải đứng thì tội nghiệp. Em được cha mẹ giáo dục phải biết kính trọng những người cao niên, nên đã tình nguyện đứng lên nhường chỗ cho ông lão ngồi và ra đứng thế chỗ ông. Nét mặt ông lão vui vẻ hẳn lên. Ông liền ngồi vào chỗ em bé mà không nói gì cả. Em này được cha mẹ dạy phải biết mở miệng cám ơn mỗi lần được người khác cho quà hay giúp đỡ việc gì. Rồi khi đến trường em lại được thầy cô dạy phải biết xin lỗi nếu lỡ gây phiền hà cho ai khác. Nay thấy ông lão không nói lời cám ơn thì em cảm thấy ấm ức. Em liền quay sang hỏi nhỏ ông lão : ”Thưa ông, ông vừa nói gì với cháu vậy ?” Ông lão trả lời : ”Ta có nói gì đâu”. Bấy giờ em liền nói : ”Thế mà cháu cứ tưởng ông vừa nói lời cám ơn cháu chứ !”.
3. SUY NIỆM :
- Khi học ngoại ngữ tiếng Anh, chúng ta thấy bài học đầu tiên trong sách đều dạy học viên về cách giao tiếp với tha nhân như : chào hòi, giới thiệu, cám ơn và xin lỗi. Hai cụm từ “Thank you” và “I am sorry” luôn được sử dụng trong các giao tiếp hằng ngày. Có thể nói đó chính là lề thói, là “văn hóa ứng xử” tốt đẹp của người nước ngoài. Còn người Việt Nam chúng ta thì sao ?
- Thực ra tiếng “cám ơn” thốt ra làm cho người nói và người nghe đều cảm thấy dễ chịu. Đó là một thứ đạo đức căn bản mà nếu thiếu, sẽ bị đánh giá là kẻ thiếu văn hóa ứng xử. Có những bậc cha mẹ rất coi trọng lời cám ơn và quan tâm giáo dục con cái phải luôn nói cám ơn như một thói quen tốt, một sự phản xạ tự nhiên, mỗi khi được ai đó giúp đỡ hay khi nhận một món quà tặng từ người khác. Để làm gương cho con cái, nhiều cha mẹ không ngần ngại nói lời “cảm ơn” con cái khi con giúp làm một việc gì đó.
- Tôi đã từng chứng kiến nhiều lần những người hỏi thăm đường, hỏi thăm nhà người quen mà sau khi đã được chỉ dẫn tận tình đã không nói lời “cám ơn”. Người đánh rơi đồ đạc khi được người khác lượm lên giúp cũng quên nói lời “cám ơn”. Trong số đó, không ít bạn đang là sinh viên học sinh hay có khi thuộc thành phần viên chức nữa !
- Từ “Xin lỗi” cũng cùng chung số phận như vậy. Người ta ít dùng đến nó. Nhiều người đã không nói lời nhận lỗi, cho dù mình đã làm tổn thương cho người khác. Và nói chung : hiện nay khá đông người Việt chúng ta đã quên cụm từ “cám ơn” , “Xin lỗi” trong các giao tiếp hằng ngày.
- Trong gia đình, cha mẹ cần dạy con cái cách ứng xử lịch sự khi được tặng quà vào các dịp Lễ Tết, hay vào ngày mừng sinh nhật…
Cha mẹ cần dạy cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ phải nói lời “cám ơn” khi nhận được quà tặng của người khác.
- Để tránh cảnh trẻ có phản ứng bất lịch sự, cha mẹ nên dạy con như sau : "Lát nữa con sẽ nhận được nhiều quà tặng. Mọi người muốn thấy con mở món quà do họ trao tặng ra, và họ sẽ rất vui khi con biết cúi đầu nói lời “Cảm ơn”. Dù có gặp món quà không thích hay đã có rồi, con vẫn đừng quên tỏ lòng cám ơn người cho quà nhé".
- Nếu chẳng may trẻ phản ứng không hay khi nhận quà, bạncũng hãy thay con để nói lời cám ơn người tặng quà như sau : "Cảm ơn bạn, vì con búp bê nhé !".
4. SINH HOẠT : Bạn nghĩ thế nào khi nghe có người nói : ”Nói cám ơn hay xin lỗi có vẻ khách sáo quá. Tôi chỉ cần cúi đầu để bày tỏ lòng cám ơn hoặc xin lỗi, hơn là chỉ nói “cám ơn, xin lỗi” suông” ? Tại sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa là Cha nhân ái. Con xin tạ ơn Cha về muôn ơn lành hồn xác Cha đã thương ban. Xin cho con năng dâng lời tạ ơn Cha khi vui lúc buồn, khi được thành công cũng như lúc gặp thất bại. Xin cho cuộc sống của con trở thành “bài ca Tạ ơn” không ngừng dâng lên Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
======
BÀI 99
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – THỂ HIỆN LÒNG HIẾU THẢO BIẾT ƠN CHA MẸ
1. LỜI CHÚA : “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng bỏ giáo huấn của mẹ.... Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22).
2. CÂU CHUYỆN : NÂNG NIU ĐÔI BÀN TAY CHAI SẦN CỦA MẸ.
Có một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học thuộc loại xuất sắc. Anh tự tin xin ứng tuyển vào vị trí quản lý của một công ty lớn. Anh đã thành công khi vượt qua hai vòng loại đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, thì đích thân vị giám đốc của công ty này sẽ phỏng để đưa ra quyết định tuyển dụng hay không.
Khi xem qua hồ sơ xin việc của chàng trai, vị giám đốc nhận thấy trong suốt những năm đại học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Xem xong hồ sơ, vị giám đốc hỏi :
- Trong 4 năm đại học anh có đi làm để thêm thu nhập không ? Chàng trai trả lời :
- Dạ không, thưa ông.
- Vậy là cha anh đã chi trả toàn bộ học phí cho anh phải không ?
- Cha tôi mất từ năm tôi một tuổi. Vì vậy toàn bộ học phí là do mẹ tôi gánh vác.
- Vậy mẹ anh làm nghề gì ?
- Mẹ tôi giặt quần áo thuê cho người ta.
Vị giám đốc nghe vậy thì đề nghị chàng trai xoè bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay của anh khá đẹp, mềm mại và không có bất kỳ vết chai nào. Ông lại hỏi :
- Anh đã bao giờ giúp mẹ giặt quần áo chưa ?
- Chưa bao giờ ạ. Chàng trai thẳng thắn đáp.
Tôi cần tập trung học cho thật tốt. Hơn nữa mẹ tôi giặt thì sẽ nhanh hơn tôi giặt.
Nghe vậy vị giám đốc nói :
- Tôi có một yêu cầu nhỏ : Hôm nay về nhà, anh hãy cẩn thận rửa sạch hai bàn tay của mẹ. Rồi sáng hôm sau anh đến đây gặp tôi.
Chàng chai trẻ nghe vậy thì thấy vô cùng kỳ lạ. Nhưng anh cũng thấy cơ hội trúng tuyển của mình khá cao, nên vui vẻ chạy về nhà gặp mẹ và đề nghị được rửa tay cho mẹ. Người mẹ cảm thấy khó hiểu trước yêu cầu của con trai, nhưng vẫn đưa hai bàn tay cho con rửa.
Chàng trai lấy nước ấm chầm chậm rửa sạch tay cho bà mẹ, vừa rửa nước mắt anh vừa tự nhiện rơi xuống. Lần đầu tiên anh nhận thấy đôi tay của mẹ anh không chỉ nhăn nheo, mà còn chằng chịt những vết sẹo và chai sần. Những vết sẹo này hẳn là rất đau, vì anh cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh nhúng tay mẹ vào nước. Lần đầu tiên anh nhận ra, chính đôi tay này đã ngày ngày cần mẫn giặt quần áo để trang trải tiền học phí trong ngần ấy năm trời cho anh. Những vết sẹo trên đôi bàn tay mẹ cũng là cái giá mẹ phải trả để đổi lấy bảng điểm xuất sắc của anh.
Sau khi rửa sạch xong bàn tay mẹ, chàng trai lặng lẽ ra phía sau nhà để giặt nốt số quần áo còn sót lại cho xong. Anh giặt đồ trong tâm trạng im lặng và nặng trĩu ưu tư. Tối hôm đó hai mẹ con đã ngồi nói chuyện với nhau rất lâu. Sáng hôm sau anh quay lại công ty. Vừa nhìn thấy anh, vị giám đốc đã hỏi :
- Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được bài học gì hôm qua không ?
Chàng trai nói trong nấc ngẹn :
- Tôi đã rửa tay cho mẹ và giặt nốt chỗ quần áo còn lại cho bà.
- Cảm giác của anh thế nào ? Vị giám đốc hỏi.
- Thứ nhất tôi hiểu : Nhờ có mẹ mà tôi mới có ngày hôm nay. Thứ hai tôi hiểu : Người ta đã phải làm việc vất vả để kiếm được đồng tiền như thế nào ? Thứ ba tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của tình mẫu tử.
Chàng trai cúi gằm mặt nói nhỏ với đôi mắt đỏ hoe. Vị giám đốc liền nói :
- Đó cũng chính là điều tôi cần nơi người quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên có lòng biết ơn khi được người khác giúp đỡ, hiểu biết công sức lao động của người khác, và không xem tiền bạc là mục đích duy nhất. Anh đã hiểu được những điều quan trọng đó. Vì vậy, tôi xin chúc mừng : Từ giờ phút này anh chính thức được trở thành nhân viên của công ty.
3. SUY NIỆM :
Câu chuyện tuy ngắn nhưng đã cho chúng ta nhiều cảm xúc. Liệu rằng có bao nhiêu người trong đời này có thể cầm lấy đôi tay của cha mẹ, thấu hiểu nỗi vất vả của các ngài đã phải chịu để lo cho mình ?
Hãy nhớ rằng : Đằng sau sự thành công của mỗi người chúng ta chính là mồ hôi, là nước mắt của cha mẹ. Chúng ta dành thời gian cho công việc, cho đam mê, cho cuộc sống riêng nhưng đừng quên rằng : thời gian dành cho cha mẹ cũng phải ưu tiên được thực hiện. Khi chúng ta càng trưởng thành thì lại là lúc cha mẹ càng già yếu đi. Hãy nhớ rằng : Tài sản lớn nhất của cha mẹ không gì khác hơn là con cái. Hãy nhớ lại quá trình lớn lên từ nhỏ đến lớn của chúng ta đều có bàn tay của cha mẹ. Thế nên là con cái, chúng ta phải dành thời gian để gặp gỡ, lắng nghe, thấu hiểu và tận tình giúp đỡ cha mẹ.
4. SINH HOẠT : Sách Huấn ca dạy về đạo hiếu của con cái với cha mẹ như sau :
“Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng. Ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của người. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn. Ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3,12-16).
5. LỜI CẦU :
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Xin chúc lành, nâng đỡ và ban mọi ơn lành hồn xác cho cha mẹ chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết yêu thương kính trọng các ngài, thể hiện qua thái độ tôn kính, yêu mến, vâng lời và phụng dưỡng các ngài khi các ngài còn sống, và năng cầu nguyện, dâng lễ và làm các việc thiện thay cho các ngài sau khi các ngài đã qua đời.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=====
BÀI 100
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CẢM THÔNG VỚI SAI LỖI CỦA CON
1. LỜI CHÚA: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21).
2. CÂU CHUYỆN : ĐỪNG VỘI TRÁCH CON.
Một bà mẹ trẻ sau một thời gian dạy dỗ, muốn kiểm tra thành quả về cách giáo dục con cái của mình. Chị vui vẻ đưa cho cậu con trai nhỏ hai quả táo và chờ cậu sẽ biếu tặng lại mẹ một quả như một cử chỉ để tỏ lòng hiếu thảo. Nhưng cậu bé sau khi nhận hai quả táo từ tay bà mẹ đã không nhìn mẹ, mà lần lượt cầm từng trái cắn một miếng nhỏ và nhai nhai như để thưởng thức.
Bà mẹ trẻ cảm thấy thất vọng về thói ứng xử ích kỷ vô ơn của con và định nhắc con bài học hãy tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ cách cụ thể.
Nhưng ngay lúc đó, cậu con trai bé nhỏ của chị đã cất tiếng líu lo ngọng nghịu : “Mẹ ơi, mẹ ăn quả táo này đi nhé. Con vừa nếm thử rồi. Cả hai quả đều ngọt cả. Không có quả nào chua đâu !”.
Nước mắt của người mẹ tự nhiên ứa ra. Chị liền ôm hôn vào trán con và nói : “Con ngoan của mẹ. Con thật hiếu thảo khi biết thử để trao cho mẹ quả táo ngọt. Mẹ cám ơn con nhiều ! Nhưng lần sau con không được ăn thử táo trước như vậy, vì mất vệ sinh và thiếu lịch sự con nhé”.
3. SUY NIỆM :
Đôi khi các người làm cha mẹ đã tức giận và vội phản ứng khi chưa biết rõ nguyên nhân hành động của con.
Kinh Thánh Tân ước đã ca ngợi hành động của Đức Ma-ri-a khi ngài luôn ghi nhớ lời nói và hành động của trẻ Giê-su, và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2,19.51). Vì thế trong thời gian giảng đạo, có lần Đức Giê-su đã đề cao vai trò làm mẹ của Đức Ma-
ri-a qua việc Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa như sau : “Mẹ và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).
4. SINH HOẠT :
Trong câu chuyện trên bạn có đồng ý với cách bà mẹ trẻ dạy con trai nhỏ cách thể hiện cụ thể lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ hay không ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho con khi ứng xử biết lắng nghe con cái trong gia đình, ban bè trong cộng đoàn và đồng nghiệp trong cơ quan xí nghiệp…, nhờ đó mọi người sẽ hiểu biết nhau hơn và tạo được bầu khí yêu thương phục vụ lẫn nhau, biến môi trường sống và làm việc của mình ngày một chan hoà yêu thương, an vui và hạnh phúc hơn.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM