Khúc nhôi - Tình yêu và phẩm giá công việc - Suy tư về Thánh Giuse
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Trầm Thiên Thu
KHÚC NHÔI
Nợ Phong Trần Đương Nhiên Phải Trả
Đời Thế Tục Khắc Khoải Khôn Nguôi
Là con người, không ai lại không có những nỗi niềm, những chuyện lòng, những nỗi lòng, những tâm sự riêng tư và thầm kín, đôi khi rất khó nói ra. Trẻ em có nỗi niềm riêng của trẻ em, người lớn có nỗi niềm của người lớn, nam hoặc nữ cũng có nỗi niềm đặc trưng theo giới tính và tuổi tác.
Nỗi niềm còn gọi là “khúc nhôi” – cũng gọi là “khúc nôi.” Đó là điều mà ai cũng có nên cần có người để tâm sự. Chắc hẳn ai cũng đã từng ưu tư phiền muộn giữa cuộc đời này, như Kinh Thánh nói: “Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi.” (Ac 3:20) Người ta có nhiều nỗi niềm lắm, bởi vì “đời là bể khổ,” nỗi niềm chẳng bao giờ nguôi ngoai, và nó chỉ hết khi người ta tắt thở mà thôi!
Khi sinh ra, ai cũng cất tiếng khóc chào đời. Chào đời là vui mà lại khóc chứ không cười. Kỳ lạ thật! Đau khổ như phần cứng được cài đặt mặc định, gọi là “định mệnh” an bài, như Chúa Giêsu đã nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Kinh Thánh nói: “Từ bậc vua chúa trên ngai vinh hiển đến kẻ cùng đinh chân lấm tay bùn, từ người cân đai áo mão đến kẻ khố rách áo ôm, ai cũng đều giận dữ, ghen tương, băn khoăn, lo lắng, rồi sợ chết, rồi hận thù cãi cọ” (Hc 40:3-4) Con người phức tạp quá!
Kinh Thánh cho biết nỗi khổ của ông Gióp, khổ đến tột cùng, và ông khốn khổ quá đỗi, vì ngay cả người vợ cũng nguyền rủa ông. Chắc hẳn ông cũng thấy buồn nên ông đặt vấn đề: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” (G 7:1) Ông hỏi cũng là cách ông trả lời. Ông so sánh: “Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công. Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.” (G 7:2-3)
Đó là thực tế của kiếp người, vì ai cũng tay trắng khi sinh ra và vẫn trắng tay khi chết đi. Vậy mà người ta vẫn tìm cách giành giật và kèn cựa nhau đủ kiểu, thậm chí giết người khác vì chút lợi lộc cho mình. Có thể ví giọt nước mắt là “biểu tượng” của kiếp người, bởi vì cuộc đời buồn nhiều hơn vui, và luôn bị giằng co dữ dội, như Thánh Phaolô đã từng thú thật: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7:19)
Thi sĩ Cao Bá Quát có cách nhìn độc đáo: “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy? Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.” Tính khôi hài có thể làm cho nỗi khổ bớt cay đắng, bớt nghiệt ngã. Đau mà vẫn cười, đó là khôn khéo. Chính Chúa Giêsu đã phải trải qua gian khổ mới tới vinh quang. Tin tưởng là điều cần thiết trong cuộc sống – tin người và tự tin. Về tâm linh, niềm tin còn cần thiết hơn, và đó là đức tin.
Chuỗi đời “sinh – lão – bệnh – tử” là quy trình tự nhiên của đời người, và cũng là quy luật muôn thuở. Càng than thở càng khổ sở. Hãy học cách thức của đóa hoa: mặc cho giông tố, hoa vẫn nở rạng rỡ, mặc cho mưa gió, hoa vẫn tươi nở dù sẽ bị tan vỡ.
Sống khôn hay dại là do mình: “Kẻ ngu si không kìm được giận dữ, người khôn khéo biết nén nhục nuốt sầu.” (Cn 12:16) Tự giúp mình rồi trời sẽ giúp. Sau cơn hạn, trời lại mưa; sau cơn mưa, trời lại sáng. Điều quan trọng là kiên trì cầu nguyện: “Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.” (Tv 90:15)
Vui thì cứ cười nhưng đừng quá lố, giống như rượu cứ uống nhưng đừng quá chén. Buồn thì cứ khóc nhưng đừng ủy mị, bi quan, yếm thế. Cứ đứng thẳng người, đừng cúi đầu khom lưng trước bất kỳ ai!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con không ngừng cố gắng vẽ bức-tranh-cuộc-đời-con bằng chính nét-cọ-số-phận của con theo ý Ngài. Xin cho danh Ngài cả sáng, và xin cho con có thể sinh hoa kết trái theo ý Ngài an bài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
TÌNH YÊU và PHẨM GIÁ CÔNG VIỆC
Lễ Thánh Giuse Lao Động được ĐGH Piô XII thiết lập năm 1955. Vào thời điểm chủ nghĩa cộng sản đang nắm quyền, Đức Thánh Giuse là lời nhắc nhở mạnh mẽ về mục đích thực sự của công việc. Làm việc có nghĩa là tham gia vào công việc của Thiên Chúa.
Thánh Gioan Phaolô II, nhà vô địch nổi tiếng chống lại chủ nghĩa cộng sản, đã viết “Laborem Exercens” (Lao Động của Con Người) năm 1981, thông điệp này soi sáng thêm về phẩm giá của công việc đối với Kitô hữu, đồng thời cũng cho chúng ta hiểu rõ hơn về Đức Thánh Giuse.
CÔNG VIỆC VÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
Trong phần mở đầu “Laborem Exercens,” Thánh Gioan Phaolô II viết: “Con người được dựng nên trong vũ trụ hữu hình như hình ảnh và giống Thiên Chúa, và con người được đặt vào đó để thống trị trái đất. Do đó, ngay từ đầu, ngài được kêu gọi để làm việc.”
Từ lúc sáng tạo, chúng ta đã nhận thức được công việc của Thiên Chúa. Công việc của Ngài là sáng tạo và liên tục. Hoạt động của Ngài trên thế giới không bao giờ ngừng. Ngài không chỉ đơn giản là thiết kế thế giới và rồi lùi lại để quan sát, trái ngược với những gì một số triết gia tin tưởng.
Tương tự, đối với Thánh Gioan Phaolô II, lao động là một tiến trình liên tục và hiệu quả đối với nhân loại. Ngài liên kết nó với mệnh lệnh của Thiên Chúa rằng người nam và người nữ thực hiện “quyền thống trị” trên trái đất: “Chúng ta phải luôn ghi nhớ lời kêu gọi trong Kinh Thánh để ‘khuất phục trái đất,’ trong đó thể hiện ý muốn của Đấng Tạo Hóa rằng công việc sẽ giúp ích cho con người đạt được ‘sự thống trị’ trong thế giới hữu hình phù hợp với mình.”
Thánh Gioan Phaolô II cũng nhắc nhở chúng ta rằng mệnh lệnh này không được đưa ra sau Sự Sa Ngã của Ađam và Êva, mà là trước đó. Mặc dù Tội Nguyên Tổ ép buộc khía cạnh “cực nhọc” làm việc, nhưng công việc luôn là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Công việc có giá trị vì nó là một phần của kế hoạch đó. Thánh Gioan Phaolô II nói: “Công việc là điều tốt cho con người – điều tốt cho nhân loại – bởi vì nhờ lao động, con người không chỉ biến đổi thiên nhiên, điều chỉnh nó cho phù hợp với nhu cầu của mình, mà còn đạt được sự thỏa mãn với tư cách là con người và, theo một nghĩa nào đó, thực sự trở thành ‘giống con người hơn’.”
ĐỨC THÁNH GIUSE VÀ NAM TÍNH
Đức Thánh Giuse không nói lời nào trong các sách Tin Mừng, nhưng những lời nói về ngài thật ấn tượng. Ngài được mô tả là “người công chính,” và chính việc ngài được chọn làm người cha trên thế gian của Con Thiên Chúa đã nói lên nhiều điều.
Mặc dù Chúa Giêsu không có gì để học hỏi về thần tính, nhưng Ngài đã tham gia vào quá trình học hỏi qua nhân tính của Ngài. Về nhân tính, Đức Maria và Đức Giuse đã dạy Chúa Giêsu đi đứng, nói chuyện và ăn uống. Đức Thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu cách làm công việc của một người thợ mộc.
Là Vua các Vua, Con Thiên Chúa có thể đã chọn sinh ra trong một gia đình vương giả, một gia đình mà trong đó Ngài được phép nhàn rỗi và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, Ngài đã chọn gia đình nhỏ ở Nazareth. Ngài đã chọn một người đàn ông lao động chân tay làm Dưỡng Phụ.
Khi làm như vậy, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta phẩm giá của công việc. Chính Ngài chọn sống cuộc sống lao động chân tay, lớn lên dưới sự chăm sóc của một người lao động chân tay. Có sự phù hợp về Ngôi Lời mà qua đó vạn vật được tạo nên, chọn được nuôi dưỡng bởi một người không ngừng làm việc để tạo ra vật dụng.
Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng Đức Thánh Giuse thực sự thể hiện bản lĩnh đàn ông, nhưng cũng là bản chất của người đàn ông. Ngài đã thể hiện thế nào là một gia trưởng, chu cấp cho gia đình bằng công việc do chính tay mình làm ra. Nhưng ngài cũng là ví dụ điển hình về thế nào là con người, ngài đã thể hiện phẩm giá khi sống cuộc đời cống hiến cho công việc đơn giản và lương thiện.
NOI GƯƠNG ĐỨC THÁNH GIUSE
Khi nghĩ đến Đức Thánh Giuse, tôi luôn nghĩ đến cha chồng thân yêu của tôi, bổn mạng của ông là Đức Thánh Giuse – Đấng nêu gương về cách làm việc không mệt mỏi (theo nhiều cách) để chăm sóc gia đình. Tôi cũng nghĩ về những người đàn ông khác trong đời mình đã làm như vậy (kể cả những người không có tên thánh là Giuse). Tôi nghĩ đến vòng tay vững chắc và sự chăm sóc dịu dàng của chồng tôi dành cho gia đình nhỏ bé. Tôi nhớ đến ông nội người Ba Lan của tôi là người tị nạn Cộng sản, đã làm việc trong một nhà máy thép gần như cả đời để chu cấp cho gia đình.
Nhưng tôi cũng nghĩ đến các linh mục và chủng sinh. Tôi nghĩ đến việc họ thức dậy trước khi mặt trời mọc, đi dâng lễ hoặc đọc Kinh Phụng Vụ. Tôi nghĩ đến niềm vui và sự mệt mỏi của họ trong Tuần Thánh. Tôi nghĩ đến giây phút họ phủ phục trước bàn thờ khi chịu chức linh mục, sẵn sàng hy sinh cả đời vì lợi ích của Giáo hội.
Mặc dù Đức Thánh Giuse là đàn ông, nhưng công việc không chỉ dành cho đàn ông. Công việc cũng dành cho phụ nữ. Tôi đang làm việc bán thời gian tại nhà, đồng thời dạy học tại nhà và nuôi dạy ba cô con gái nhỏ. Làm mẹ là công việc khó khăn nhất mà tôi từng trải. Tôi đã trải qua rất nhiều công việc, nhưng chưa có công việc nào tôi cảm nhận đầy đủ hơn thế nào là công việc. Làm cha mẹ là một cơ hội để thực sự thực hành quyền thống trị đầy yêu thương đối với sự sáng tạo của Thiên Chúa, hướng dẫn những con người nhỏ bé đến một cuộc sống có trật tự và đạo đức.
Nhưng ngay cả ngoài việc làm mẹ, phụ nữ cũng có những đóng góp quý giá qua công việc của họ. Trong mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, chúng ta được chúc phúc với những tấm gương sáng đẹp của các phụ nữ lao động. Thánh Gianna là một bác sĩ, và Thánh Zelie hỗ trợ cả gia đình bằng công việc kinh doanh đăng ten. Bà Dorothy Day (đã mở án phong thánh) cống hiến cả cuộc đời cho phong trào Công nhân Công giáo, mạnh mẽ ủng hộ phẩm giá của công việc trong đời sống Kitô hữu.
Dù ơn gọi của chúng ta là gì, chúng ta vẫn được mời gọi noi gương Đức Thánh Giuse. Phẩm giá công việc của chúng ta không nằm ở mức lương hay sự công nhận mà chúng ta nhận được, mà là ở cơ hội đóng góp vào công việc của Thiên Chúa: chăm sóc thụ tạo và thống trị trái đất.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con hành động với tình yêu khiêm nhường của Đức Thánh Giuse. Amen.
CHRONISTER MICHELE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
SUY TƯ VỀ THÁNH GIUSE
Một điều rất đặc trưng của con trai là khi chúng thích điều gì đó ở người cha, chúng tự nhủ rằng một ngày nào đó chúng muốn làm điều tương tự.
Mọi lúc xảy ra như vậy, cả vấn đề lớn và nhỏ. Có lần tôi đưa các con đi Skyline Drive để ngắm lá thu trên nhà ga Mercedes cũ có cửa sổ trời. Tại một điểm dừng chân, cảnh đẹp, gió ấm áp thổi nhẹ, đứa lớn nhất của tôi nhìn xung quanh màu sắc rực rỡ, hài lòng và thốt lên: “Khi nào lớn lên, con sẽ đưa các con của con đi trên đường này!”
Mới đây, con trai tôi – học sinh cuối cấp ba – không thể khởi động xe hơi. Tôi nói: “Thử xoay vô-lăng xem.” Nó xoay và chiếc xe khởi động. Ngạc nhiên, nó nói to: “Vậy là ba biết vì có người nói cho ba biết. Khi con có con trai mà nó không thể khởi động xe hơi, con sẽ bảo nó xoay vô-lăng.”
Đây là những câu chuyện hấp dẫn mà tôi nhớ mãi vì các con trai tôi đã nói ra suy nghĩ của chúng. Nhưng cũng có những con trai có nhiều tâm tư như vậy mà không nói ra, có nhiều tâm sự cũng không nói ra.
Vấn đề được đặt ra: Trong số những điều Chúa Giêsu đã nói hoặc đã làm, có điều nào chúng ta có thể cho rằng Ngài cố tình làm, có ý định làm những gì Đức Thánh Giuse đã làm hay không? Nếu có, khi làm vậy là Ngài đang phản ánh Dưỡng Phụ Giuse.
Chúng ta biết Chúa Giêsu nghĩ về mối quan hệ của Ngài với Cha trên trời theo cách đó. Ngài nói rằng Ngài không làm gì ngoài những điều Ngài thấy Cha trên trời đã làm. (Ga 5:19) Đó là dấu hiệu về nhân cách của Ngài. Rõ ràng là ít nhất trong công việc thợ mộc, Chúa Giêsu đã làm theo Đức Thánh Giuse.
Chúng ta có thể đặt ra một thách thức nào đó: cố gắng tìm những đoạn Tin Mừng mà Chúa Giêsu có thể phản ánh Đức Thánh Giuse. Việc thực hành này có thể đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu và Đức Thánh Giuse hơn.
Nơi rõ ràng để hướng tới là lời cầu nguyện. Nói chung, con trai học những lời cầu nguyện riêng từ người mẹ. Nhưng trong gia đình, trong môi trường cộng đồng, chúng học từ những người cha, những người hướng dẫn cầu nguyện như vậy. Kinh Lạy Cha có phản ánh lời cầu nguyện chung trong Thánh Gia do Đức Thánh Giuse hướng dẫn hay không?
Việc có một số “khí cụ” hoặc “phương pháp” điều tra cũng rất hữu ích. Giả sử chúng ta coi Tổ Phụ Giuse là “kiểu mẫu” của Đức Thánh Giuse, như Giáo hội đã tin theo truyền thống và như các Giáo hoàng đã dạy. Ví dụ, ĐGH Lêô XIII nói trong Thông điệp “Quamquam Pluries” thế này:
Ông Giuse thời xưa, con trai của Tổ Phụ Giacóp, là kiểu của Đức Thánh Giuse... Đầu tiên ông Giuse được ưu ái và có thiện chí đặc biệt... nhờ sự cai quản của Giuse, gia đình ông trở nên thịnh vượng và giàu có... (vẫn quan trọng hơn) ông đã điều khiển vương quốc với quyền cao, và vào thời điểm mùa màng thất bát, ông đã cung cấp mọi nhu cầu của người Ai Cập với rất nhiều sự khôn ngoan đến nỗi nhà vua đã phong cho ông danh hiệu “người cứu thế giới.” Như vậy là chúng ta có thể hình dung trước cái mới nơi ông Giuse thời Cựu Ước.
Hãy giả sử rằng, mặc dù Đức Thánh Giuse ở Nazareth không cai quản sự giàu có và thịnh vượng lớn lao, nhưng vẫn có sự cao thượng và lộng lẫy trong tính cách, điều mà Chúa Giêsu khi còn nhỏ đã ghi nhận và muốn tôn vinh khi ngài là một người đàn ông, qua việc bắt chước.
Ví dụ rõ ràng nhất là Tiệc Cưới Cana. Thánh Gioan nói rõ rằng Đức Mẹ được mời, Chúa Giêsu và các môn đệ đi cùng Mẹ. (Ga 2:1-2) Cách diễn đạt này dường như có ý ám chỉ rằng Thánh Giuse không còn sống: Chúa Giêsu đã đồng hành cùng Đức Mẹ thay cho Đức Thánh Giuse. Vì vậy, những gì Ngài làm đương nhiên có thể được coi là “thay cho Dưỡng Phụ Giuse” để noi gương.
Sự chăm sóc của Ngài dành cho cặp vợ chồng mới cưới, được thể hiện qua việc tạo ra khoảng 800 chai rượu hảo hạng, dường như chính xác là sự nhận thức về những gì Đức Thánh Giuse đã làm, đồng thời cũng là điều điển hình về những gì Đức Thánh Giuse vẫn làm cho Giáo hội ngày nay là Đấng bảo trợ Giáo hội hoàn vũ.
Hãy coi đây là phản ánh rõ ràng đầu tiên của Thánh Giuse trong hành động của Chúa chúng ta. Nhưng chẳng phải một giây nào cũng giống như điều Chúa đã nói từ Thập Giá, khi Ngài giao Đức Mẹ cho Thánh Gioan: “Đây là mẹ của anh.” Rồi Ngài giao Thánh Gioan cho Đức Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà. ” (Ga 19:26-27)
Một lần nữa, chúng ta hãy giả sử rằng Đức Thánh Giuse không còn sống. Các giáo phụ nói rằng đó là động lực khiến Chúa Giêsu chăm sóc Mẹ Ngài theo cách này. Nhưng sau đó chúng ta không thể nói rằng Chúa Giêsu cũng đang phản ánh sự phong tặng trước đó sao? Khi Đức Thánh Giuse hấp hối, ngài đã giao phó Chúa Giêsu cho Đức Mẹ và giao phó Đức Mẹ cho Chúa Giêsu, không phải để tạo ra mối ràng buộc nhưng để xác định điều đó, như thể “chăm sóc lẫn nhau” vậy. Dường như rất chí lý khi Chúa Giêsu nghĩ đến hành động này và muốn bắt chước Dưỡng Phụ của Ngài vào giờ chết.
Khi tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh về cuốn sách mới đây của tôi, một cuộc điều tra về “những phản ánh” của Đức Mẹ trong Tin Mừng Gioan, người dẫn chương trình hỏi tôi rằng liệu Đức Mẹ Maria có phản ánh điều gì về Đức Thánh Giuse hay không, một câu hỏi thú vị. Tôi không trả lời câu hỏi mà chỉ nói đại khái thế này: “Đức Mẹ Maria được ví như mặt trăng vì Mẹ phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa, có lẽ Đức Thánh Giuse có thể được ví như trái đất là nơi phản chiếu ánh trăng. Suy cho cùng, giống như trái đất, Đức Thánh Giuse vững chắc, có nền tảng, và với sự khiêm nhường, ngài là nền tảng.”
Suy nghĩ lại, bây giờ tôi có thể nói một cách đơn giản rằng các cặp vợ chồng đều giống nhau: biết Đức Mẹ Maria thì phải biết Đức Thánh Giuse. Ngoài ra, nếu chúng ta muốn biết rõ hơn về Đức Thánh Giuse, hãy nhìn vào những nơi mà chúng ta có thể đoán rằng Chúa Giêsu trong sự hiện diện của Đức Maria đặc biệt nhắm đến việc trở nên giống Đức Thánh Giuse.
MICHAEL PAKALUK
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)