Làm chứng cho Chúa như Gioan
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Huệ Minh
Chúa Nhật 2 TN – A
LÀM CHỨNG CHO CHÚA NHƯ GIOAN
Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được xem là nhân vật lớn cuối cùng của thời Cựu Ước và là nhân vật đầu tiên của Tân Ước. Ông là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, ông có sứ mệnh rất quan trọng là giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng.
Lần thứ nhất, lúc còn là một bào thai trong lòng mẹ là bà Êlisabét, thế nhưng Gioan đã biết nhảy mừng khi Đức Maria đến viếng thăm. Cử động của thai nhi khiến bà Êlisabét nhận ra sự viếng thăm của Thiên Chúa, bà kêu lớn tiếng và nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1, 42-44).
Và lần hai Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu là lời này. Ông xác nhận Đức Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian. Người là Đấng mà ông có sứ mệnh đi trước dọn đường. Gio-an nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai nhờ dấu chỉ mà Thiên Chúa đã cho biết như sau: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. Ông đã thấy điều ấy nơi Đức Giê-su khi làm phép rửa cho Người tại sông Giođan, và ông đã làm chứng rằng: “Người thực là Con Thiên Chúa”.
Con Thiên Chúa đã làm người, Ngài đón nhận trọn vẹn thân phận con người tội lỗi. Đến với Gioan Tẩy Giả để chịu phép rửa là Chúa Giêsu đến gánh vác lấy tất cả tội lỗi của nhân loại làm tội lỗi của mình. Và Ngài lấy chính bản thân Ngài, gồm cả cuộc sống, cái chết trên thập giá và sự sống lại của Ngài để đền bù tất cả tội lỗi đó thay cho chúng ta. Là Con Chiên vô tì tích, Ngài chấp nhận trở thành “con chiên gánh tội trần gian.”
Chiên Thiên Chúa" gợi lên trong tâm trí ta toàn bộ giáo lý đức tin của dân riêng Thiên Chúa. Ngay lập tức, ta có thể nghĩ rằng không phải là một con chiên nhỏ bé nhưng là sự lớn lao của quyền năng và lòng thương xót Chúa hướng đến dân Do Thái qua dấu máu của con chiên, nhờ đó dân Do Thái được cứu thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và được mang đến sự tự do và đời sống mới nơi đất Hứa. Mỗi năm và dịp lễ Vượt Qua, dân Do Thái tưởng nhớ và mừng lễ Cứu Độ bằng việc tham dự vào bữa ăn tối Vượt Qua.
Con chiên vượt qua là hình bóng Đấng cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo: “...chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền nát...Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như con chiên dẫn đến lò sát sinh...Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7).
Tác giả sách Lêvi diễn tả rất chi tiết về cảnh sát tế chiên trong đền thờ Giêrusalem trong dịp lễ Vượt qua như sau: “con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đầu con chiên, rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng. Người ta thiêu sinh nó làm lễ dâng lên Thiên Chúa, xin Thiên Chúa xoá tội cho dân mình” (Lv 1,4).
Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh như thế: "Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (1Cr 5,7)
Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.
Theo lời chứng của ông Gioan, Chiên Thiên Chúa là Đấng đầy Thần Khí, được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện một sứ mạng cao cả, đến để gánh lấy mọi tội lỗi của trần gianvà ban ơn Cứu Độ cho muôn loài. Chiên Thiên Chúa không là một danh hiệu nhưng là một sứ mạng. Đó là Con Chiên hiền lành vô tì tích để cho người ta dẫn đi đánh đòn và chịu sát tế trong lễ Vượt Qua. Đó là vị tôi trung khiêm tốn cúi mình xuống phục vụ con người. Là Con Chiên vô tội, nhưng Chúa Giêsu đã hòa mình vào đám tội nhân. Con Chiên không đi tìm quyền bính hay sự giàu sang nhưng chịu hủy mình ra không để trở thành tất cả cho mọi người.
Chúa Giêsu chính là Đấng cứu thế dẫn đưa đoàn dân sống trong bóng tối lầm than đến với ánh sáng cứu độ. Hài Nhi Giêsu chính là Ánh Sáng xua tan bóng tối của đau khổ, đưa nhân loại thoát khỏi chốn u mê lầm lạc của tội lỗi và sự chết. Người cất đi cái ách nặng và gông cùm đang đè lên cổ loài người. Người chính là món quà tình yêu cao quý được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, tên Người là Cố vấn Kỳ Diệu, là Thần Linh dũng mãnh, là Người Cha muôn thưở và là vị Vua Thái Bình. Người đến khai mở một triều đại mới, đưa muôn dân nước trở về hưởng phần gia nghiệp của con cái Thiên Chúa.
Thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô và muốn cho mọi người đến với Chúa: "Tôi đến làm phép rửa để mạc khải Người cho dân Israel". Sứ mạng của người làm chứng có mục đích hướng dẫn người ta đến gặp Chúa, và khi người nghe đã gặp được Chúa rồi thì người làm chứng phải rút đi, vai trò của mình đã xong, hãy để cho Chúa Kitô trực tiếp hướng dẫn các linh hồn trên con đường mà Ngài muốn. Người làm chứng biết là Chúa Kitô trọng tự do lương tâm của người nghe. Hai người môn đệ của Gioan đã theo Chúa và ở lại với Chúa, họ đã quên đi Gioan để rồi đến phiên họ, họ cũng làm chứng cho Chúa: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian".
Trong thánh lễ, chúng ta cùng tuyên xưng niềm tin vào Đấng là Chiên Thiên Chúa “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Với tất cả lòng biết ơn Thiên Chúa về những gì đã lãnh nhận, chúng ta hãy thể hiện niềm tin ấy bằng đời sống bác ái yêu thương, bằng thái độ phục vụ quảng đại khiêm tốn.
Khi nhận ra những ân huệ cao quý của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ cho tha nhân. Bởi lẽ chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Chia sẻ không làm cho chúng ta nghèo đi nhưng là trở nên giàu có trong ân sủng và tình yêu.Thánh Gioan đã dành cả cuộc đời để giới thiệu và làm chứng cho Đấng là Chiên Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi can đảm đón nhận tất cả những khó khăn hy sinh vất vả vì danh Chúa Giêsu. Chúng ta hãy ý thức thân phận yếu đuối tội lỗi của mình mà vững lòng trông cậy vào ơn Chúa.
Ta cùng nguyện xin Chúa cho ta ở trong quyền năng của ơn thánh, để được lãnh nhận sức mạnh giải thoát từ Chiên Thiên Chúa, để chúng ta có thể sống xứng đáng phẩm giá con người như Thiên Chúa đã tạo dựng. Chúng ta cũng cầu xin Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại luôn tỏ quyền năng của Người, để giúp chúng ta luôn sống trong tình yêu Người.