Nhảy đến nội dung

Mùa hồng ân – mùa ân sủng * Cơ hội sống tốt hơn

MÙA HỒNG ÂN – MÙA ÂN SỦNG

Như chúng ta đều biết: Mùa Chay Thánh là mùa hồng phúc, mùa ân sủng mà Thiên Chúa giàu lòng xót thương, nhẫn nại đợi chờ, chậm bất bình và hết mực khoan nhân đến chúng ta là những người đáng phải chết vì tội lỗi. Các bài đọc Phụng Vụ trong ngày hôm nay đều hướng đến lòng từ bi, ân sủng và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vì vậy, với tinh thần ăn năn sám hối từ sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta cùng quay bước trở về với cội nguồn Tình Yêu, mặc lấy con người mới được tràn đầy lòng cảm thông, yêu thương và thứ tha.

Trong Sách Sử Biên Niên ghi lại sự bất trung của dân Chúa từ các đầu mục cho đến dân thường, họ đã sống theo thói đời ghê tởm của dân ngoại mà làm ô uế, dơ bẩn đền thờ Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Trước cảnh đời chớ chêu như vậy, Thiên Chúa không ngừng tỏ lòng từ bi của Người qua việc đêm ngày sai sứ giả, các tiên tri đến chỉ dẫn dân chúng bỏ con đường tội lỗi, quay về với Thiên Chúa cha ông của họ; nhưng họ lại nhạo báng, coi thường các sứ giả, tiên tri của Chúa. Tuy cơn thịnh nộ của Chúa giáng xuống trên dân Người, nhưng lòng lân tuất của Người vẫn trường tồn mãi mãi, và lòng ái tuất này được tỏ bày qua sự lưu đày – giải thoát dân Chúa (x. 2Sb 36, 14-16). Nhìn vào dân Is-ra-el, chúng ta soi lại, xét lại thái độ của riêng mình trước lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, chúng ta xem lại lối sống, thói quen, cung cách sống của mình đối với những ‘sứ giả’, những người được Chúa chọn và sai đến hướng dẫn chúng ta bước trên con đường thánh thiện; ngược lại, các ‘sứ giả’ của Chúa cũng cần nhìn lại vai trò, trách nhiệm, ơn gọi, sứ mạng của mình trước Chúa và mọi người!

Cuộc đời con người chúng ta là một chuyến đi dài, một cuộc cải hối không ngừng nghỉ vì như Thánh Phao-lô khẳng khái dạy rằng: “Anh (chị) em chết bởi vì tội lỗi, nhưng được cứu rỗi nhờ bởi ân sủng” (Ep 2, 5. 8). Điều này được ghi lại trong Thánh Vịnh 130 “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130, 3-4). Một lần nữa, nhờ vào lòng từ bi, lòng yêu thương cao cả mà Thiên Chúa dành cho chúng ta qua cuộc khổ nạn – phục sinh của Con Một Người, mà chúng ta được cứu rỗi khỏi tội lỗi đáng phải diệt vong. Chúng ta thường có xu hướng cho rằng: chúng ta được nên Thánh, được cứu độ nhờ bởi các việc lành phúc đức, sự hy sinh, v.v...! Thật ra, những việc đạo đức, việc bác ái, kinh nguyện chỉ là phương thế giúp chúng ta được gần Chúa hơn, được trở nên giống Chúa hơn; mặc khác, nó giúp chúng ta ý thức được sự yếu đuối, mỏng dòn của con người chúng ta, và nó trợ giúp đức tin yếu hèn của chúng ta. Còn chúng ta được cứu rỗi ‘chính do ân sủng và nhờ đức tin..., không phải bởi sức (công việc, kể cả việc lành phúc đức) của anh (chị) em, mà là do ân huệ của Thiên Chúa’ (x. Ep 2, 8). Vì vậy, chúng ta không nên kiêu hãnh, tự cao tự đại khi làm được biết bao điều lớn lao, thậm chí việc nhiệt thành phục vụ anh chị em, rồi lòng tự kiêu ấy vô hình dung đưa đẩy chúng ta đến một thái độ xem thường, chê bai anh chị em khác như Thánh Phao-lô đã nhắc nhở ‘...cũng không phải bởi việc anh (chị) em làm, để không ai có thể hãnh diện’ (x. Ep 2, 9).

Sau cùng, Mùa Chay hướng tâm hồn chúng ta đến suối nguồn xót thương, dẫn chúng ta đến tâm điểm, cùng đích của cuộc sống này, đó là: tháp nhập vào ‘tình yêu hiến dâng mạng sống mình cho người mình yêu’ như Thánh Sử Gio-an đã chép “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Đây chẳng phải một câu hô ngữ, một lời sáo rỗng, khuếch trương hay cổ động, nhưng thật sự đây chính là kim chỉ nam của đời sống Ki-tô hữu, chính là tâm điểm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. “Người không sai Con Một đến trần gian để lên án, luận phạt”(x. Ga 3, 17) như chúng ta thường suy nghĩ hoặc quy chụp cho Thiên Chúa, nhưng “Người sai Con Một đến thế gian này để nhờ ân sủng của Người qua Con Một mà thế gian được cứu độ” (x. Ga 3, 17). Thông thường, chúng ta hay có xu hướng đổ lỗi cho xã hội, thời đại, ngoại cảnh hay người khác, nhưng xét cho cùng, hầu hết, do lối suy nghĩ, thái độ tiêu cực, tư tưởng chủ quan của chúng ta làm cho chúng ta sầu khổ! Những yếu tố bên ngoài kia không phải không chi phối, ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng nó chẳng thể nào là nhân tố quyết định cho hạnh phúc cuộc đời của chúng ta, và ơn cứu độ của chúng ta. Thiên Chúa luôn yêu thương, kêu mời, chờ đợi chúng ta để chúng ta quay trở về với Người, và được cứu rỗi, nhưng lắm lúc tư duy, suy tưởng từ ‘thuở tạo thiên lập địa’ của chúng ta là Thiên Chúa sẽ lên án, phán xét làm chúng ta thu mình trong vỏ bọc cá nhân, tránh xa tha nhân, biếng nhác việc bác ái, thậm tệ hơn, dần dần ù lì, mê muội trong thói quen xấu và xa lìa Thiên Chúa!

Đọc lại Lời Chúa hôm nay, chúng ta không ngần ngại đấm ngực bản thân thú nhận tội lỗi của mình trước Chúa và anh chị em, trước tình yêu vô bờ bến và lòng lân tuất hải hà của Thiên Chúa. Để nhờ ơn Chúa trong Mùa Chay Thánh này, chúng con biết hoán cải tự tâm, biết nỗ lực không ngừng bước từng bước nhỏ một trở về với Suối Nguồn Tình Yêu – Thiên Chúa của lòng con.

                            

Dù bao phen đời con bất xứng

Chúa dủ tình, trông đứng chờ con

Quay trở về này hồn thơ dại

Ẩn nương Cha ngày dài ấm êm

Bước theo Cha, bóng đêm xa khuất

Mãi một đời ngây ngất lòng Cha. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

CƠ HỘI SỐNG TỐT HƠN

Con người chúng ta dù tốt lành đến mấy, cũng chỉ cho người khác cơ hội ‘làm lại cuộc đời’ không hơn không kém ‘quá tam ba bận’ mà thôi!!! Tệ hơn, trong chúng ta có khi còn khắt khe, đóng hết mọi cánh cửa ‘sửa đổi’ hay ‘cải thiện’ hoặc ‘lấy công chuộc tội’ của anh chị em mình nữa!

Quả thật, nếu Chúa cũng cư xử như vậy với chúng ta, có lẽ ‘chẳng ai đứng vững trước thiên nhan Chúa’ được! Dĩ nhiên, Ngài là Thiên Chúa bao dung, chậm bất bình và rất mực khoan nhân, nên Ngài luôn luôn ban cho chúng ta nhiều cơ hội đổi mới, canh tân, hoán cải, quay về với Ngài.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta nghiệm thấy rõ lòng từ bi Chúa trước thói bất trung, thất tín của dân Ngài: “Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giê-ru-sa-lem” (2Sb 36, 14). Dù rất thịnh nộ, nhưng lòng nhân hậu và thương xót Ngài vượt trên ‘sự khinh thường, nhạo báng của dân Is-ra-el, giết hại các sứ giả, ngôn sứ của Chúa’ (x. 2Sb 36, 15-16). Tuy dân Is-ra-el phải lãnh hậu quả đi đày do hành vi bất xứng của họ như lời tiên tri Giê-rê-mi-a: “…họ sẽ không giữ được ngày Sa-bát trọn bảy mươi năm trường” (Sb 36, 21; x. Gr 25, 1; 29, 10). Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, nhưng Ngài chẳng nỡ bỏ rơi dân Ngài. Lòng nhân hậu của Chúa được bày tỏ cách lạ lùng qua sự lưu đày và giải thoát dân Is-ra-el dưới triều đại Sy-rô, vua xứ Ba-tư: “Chúa là Thiên Chúa trời đấy đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Ngài đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Ngài một đền thờ ở Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đê-a. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên” (2Sb 36, 23). Thiên Chúa hằng trung tín, và luôn ban cơ hội cho dân Ngài được hoán cải quay về, được cứu thoát khỏi khổ đau cơ hàn.

Hơn thế, cảm nghiệm này càng được tỏ hiện rõ nét hơn qua lời của Thánh Phao-lô trong thư gửi cho giáo đoàn Ê-phê-sô: “…vì lòng yêu thương cao cả mà Ngài đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Ngài làm cho chúng ta sống lại trong Đức Ki-tô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi” (Ep 2, 4-6). Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta cơ hội ‘đổi đời’, mà còn cứu rỗi chúng ta, mang chúng ta ra khỏi vũng nhơ nhớp của tội lỗi, và giúp chúng ta bước ra khỏi bóng đêm của sự lầm đường lạc lối, “vì chưng, bởi ơn Chúa, anh (chị) em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh (chị) em, vì đó là ân huệ của Chúa” (x. Ep 2, 8-9). Tại sao, chúng ta được ơn phúc lớn lao nhường vậy? Chẳng phải bởi vì công trạng, tài năng, thành đạt, thành tựu, thành công, hay kể cả công ơn đạo đức của chúng ta, mà chúng ta được lãnh nhận ân huệ cao quý từ Thiên Chúa đâu! Nhưng trên hết, nhờ lòng từ bi lân tuất của Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta có phúc, được hưởng ơn đổi mới, canh tân, và được cứu chuộc. Hơn nữa, do lòng thương xót không bờ bến của Chúa, mà “chúng ta cùng được sống lại, đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giê-su Ki-tô” (x. Ep 2, 7). Ôi diễm phúc, cao quý khôn cùng! Con nào biết cảm tạ thế nào cho cân, Chúa ơi!

Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không dừng ở đó, mà Ngài còn “ban chính Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Vì muốn ban cho chúng ta cơ hội được ăn năn, hoán cải, sống tốt hơn, và được cứu rỗi, Thiên Chúa chẳng tiếc gì, ngay cả ban chính Người Con duy nhất cho chúng ta, “không phải để luật phạt thế gian, nhưng nhờ Con Ngài mà thế gian được cứu độ” (x. Ga 3, 17). Tình yêu này càng đến mức tận cùng qua việc Ngôi Lời nhập thể, sinh hạ trong thế gian, mặc lấy xác phàm, ngoại trừ tội lỗi, chịu khổ hình, chịu tử nạn trên Thánh giá, rồi Phục sinh. Ngài hằng trao ban sự sống thần linh, hiến thân mạng sống mình cho chúng ta qua hy tế tình yêu, Bí tích Thánh Thể, trong mỗi Thánh lễ. Còn gì bằng lòng mến tự hiến mà Thiên Chúa bao dung trao ban cho chúng ta thế này! Ước gì chúng ta năng chạy đến Bí tích Tình yêu, năng lãnh nhận Bí tích giao hoà, đón nhận thời gian ân sủng, thời cơ thuận tiện này, hầu trở về nương tựa mãi nơi suối nguồn xót thương! Ước gì chúng ta hành động trong sự thật, làm việc nơi sự sáng, và sống trong Thiên Chúa luôn!

Giờ đây, chúng ta dành ít phút thinh lặng trước Chúa, thầm thỉ dâng lời nguyện xin:

Tình Chúa hằng ấp ủ con

Dù đời con nhiều nỉ non khôn xiết.

Ngài vẫn bên con mải miết

Tuôn đổ hồng ân tha thiết chan hoà.

Chờ con tiến bước trở về

Trong niềm hoan lạc tràn trề thánh ân. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

Tác giả: