Nhớ “ Về Đất Hứa”.
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Đỗ Công Minh
Nhớ “ VỀ ĐẤt HỨA”.
( Bài viết nhân kỷ niệm 80 năm Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam )
Anh em Cựu Huynh Trưởng Thiếu nhi Thánh Thể (AHH) nhắn mình sắp xếp về tham dự ngày hội kỷ niệm 80 năm Phong trào TNTT có mặt tại Việt Nam. Theo Anh Việt Sơn, tại Hà Nội năm 1929 đã có Đòan Nghĩa Binh Thánh Thể đầu tiên do các Sư huynh Lasan thành lập tại Trường Puginier. Có lẽ 2 năm sau đó mới lan ra các xứ đạo? Đây là một đoàn thể Công Giáo có tuổi cao trong các Hội đoàn Công Giáo tiến hành. Được xếp vào số các Hội Tông đồ cầu nguyện của Tòa Thánh, cổ võ việc rước Chúa từ tuổi có trí khôn và tôn sùng Phép Thánh Thể. Năm 1965 đổi tên thành Thiếu nhi Thánh Thể, và được xác định là một Phong trào tuyển chọn hầu giáo dục Thanh thiếu nhi làm Tông đồ và nên Tông đồ. Mình cũng từng là đòan sinh rồi trở thành huynh trưởng, được giáo dục gần hai chục năm. Đặc biệt sau Công Đồng Vaticanno 2 và trưởng thành trong giai đoạn” Tân Nội quy” đổi mới từ năm 1970.
Nhớ mãi đại hội VỀ ĐẤT HỨA năm 1972 đánh dấu sự trưởng thành của Phong trào, với một lớp Huynh Trưởng được đào tạo bài bản về lý thuyết lẫn thực hành. Lớp Huynh trưởng những ngày ấy, như mình, mới ngòai đôi mươi. Là những giáo viên trẻ, sinh viên đang theo học đại học, được trao trách nhiệm tổ chức Đại hội, do Trung ương tòan quốc lúc đó đặt ở Vĩnh Long. Trưởng Ban tổ chức là Linh Mục Tổng Tuyên Úy Phao Lô Nguyễn Văn Thảnh. Phó ban thứ nhất, Linh Mục Phao Lô Trần Viết Thọ, Tuyên Úy Địa phận SàiGòn, Phó ban nghiên huấn Linh mục Vũ Đức Thông, Tuyên úy địa phận Cần Thơ. Một số Linh mục khác lo Đặc trách các Tiểu trại. Về Ban điều hành hòan tòan do các Huynh Trưởng mà nòng cốt là SàiGòn. Anh Nguyễn Văn Liêm, chủ tịch TNTT thuộc ĐP Vĩnh Long, Trưởng ban; Phó ban Anh Vũ Bá Ninh, ( chồng chi Lãnh , đã qua đời ) PCT Nghiên Huấn; Phó Ban điều phối sinh họat Anh Đỗ Công Minh kiêm Tổng Thư Ký. . . Các anh Võ Văn Sang, Trần Văn Minh, Nguyễn văn Thắng; Phạm văn Trung ( Trung Tồ ), Lê Ngọc Phúc, Phạm Anh Tôn. Các Chị Nguyễn Thị Thu Lãnh, Nguyễn Thị Kim Dung, Lê thị Nguyệt Vân đều là những Trưởng Đặc cấp và cao cấp ( cấp III ). Cha Tổng tuyên úy, do ở Vĩnh Long nên Ban Lãnh đạo tòan quốc đã phải thuê hẳn một căn nhà tại Saigon đặt làm Văn Phòng Ban tổ chức Đại hội, trong 6 tháng trời chuẩn bị. Những ngày ấy, cứ từ giảng đường về hay xong việc tại cơ quan, có người làm việc ở Tỉnh xa, anh chị em lại tụ về văn phòng cùng làm việc. Từ những việc lớn như tìm mượn địa điểm: khu PHATIMA Bình Triệu. Liên hệ Tổng Nha Thanh Niên xin giấy phép hội họp, lên sơ đồ và thực hiện cổng trại, lều trại gồm 5 khu : Tiểu trại trợ úy, tiểu trại Xứ đòan trưởng dành cho các HT điều hành xứ đòan, các tiểu trại ngành Ấu, ngành Thiếu, ngành Nghĩa. Trong suốt những tháng hè ( may mà thời gian chuẩn bị là vào hè ) chiếc xe MAZDA của cố Tổng được sung công, như con thoi chạy khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ mời các địa phận cử Huynh trưởng tham dự và vận động tài chánh cho Đại hội, do Cha Philipphê Nhơn phụ tá cho Cố Tổng phụ trách. Trưởng Võ Văn Sang,( nay đã qua đời), mà anh chị em ghẹo nhau với tên gọi yêu thương là Vồ Vập Xế, vì mỗi lần gặp là thấy anh phải ngồi vô lăng xe của Cố Tổng, lúc nào trên vai cũng quàng khăn đỏ đi suốt. Bộ phận quản trị do Cha Đòan Thái Đức, anh Liêm, chị Nguyệt Vân phụ trách các tỉnh miền Tây. Cha Trần Minh Thực, Anh Lợi, Anh Siêng , anh Đảm miền Sài Gòn; Cha Nguyễn Mạnh Trình, Anh Phượng (Nha Trang), Anh Đường phụ trách miền Trung; cao nguyên, thường xuyên đi về Sài Gòn để nhận tin tức, hội họp, lấy tài liệu , cẩm nang Đại hội, huy hiệu , phù hiệu ( Ngày ấy phương tiện thông tin duy nhất là điện thọaị bàn ). Cố Tổng ở hẳn trên Sài Gòn tại văn phòng, có chị Dung, chị Lãnh, cô Thậm, cô Thúy Nga em trưởng Minh Trần thay nhau trực đi chợ, nấu ăn, lo phần hậu cần cho anh chị em văn phòng. Ngòai việc lo cho họat động của văn phòng, cha còn lo biên tập nội dung cho tờ báo “TÔNG ĐỒ GIỚI TRẺ” của phong trào. Bài vở xong cho người đem xuống Vĩnh Long, in rồi phát hành. Mỗi Chúa nhật Cố Tổng lại cùng anh em văn phòng đi dâng lễ tại các xứ đạo trong giáo phận Sàigòn vào lễ dành cho Thiếu nhi. Nơi nào Cha đến vừa là kết hợp thăm các xứ đòan, vừa là vận động tiền thau cho Đại hội. Nhìn thân hình mảnh mai như con hạc, giọng nói yếu ớt nhỏ nhẹ nhưng đầy ắp niềm tin mãnh liệt, sự kết hợp nhiệt thành sống động với Chúa Giêsu Thánh thể, nên đến đâu cũng được quí Cha, tu sĩ ,các em đòan sinh, huynh trưởng vui mừng đón tiếp và hết lòng ủng hộ kinh phí để tổ chức đại hội. Quý vị doanh nhân Công giáo, các nhà hảo tâm nghe tin Đại hội Huynh Trưởng TNTT sẽ tổ chức, do các Huynh Trưởng các xứ đòan gửi thư của Cha Tổng Tuyên úy qua các em Thiếu nhi đem về gia đình, cũng rộng tay ủng hộ tài chánh cho Đại hội. Không khí những ngày ấy tưởng chẳng bao giờ còn có được .
Mình nhớ mãi kỷ niệm không thể nào quên cho thấy tinh thần làm việc hăng say của các Huynh trưởng mà cao tuổi nhất là Anh Sang, khi ấy mới ngòai 30. Anh Liêm, chủ tịch tòan quốc tròn 25. Anh Ninh, Anh Minh 21. Một buổi tối, cha Tổng vừa dùng cơm xong, anh em về nhà gần đó cũng chạy ra sau giờ cơm tối. Cha con thư giãn bằng mấy ván Domino, ai thua thì chịu một chầu phở ăn sáng. Mình không rành nên chỉ ngồi chầu rìa. Bỗng cửa ra vào bật mở, Cha Trần Viết Thọ ập vào la lớn “ Giờ này mà các người còn lòng dạ nào mà chơi cờ, dẹp ngay đi “ Cố Tổng, anh em xếp vội xếp các quân cờ vào hộp. Mình thưa nhỏ với Cha Thọ :”Dạ có gì không ạ! “. Cha nóng nảy :”Tỉnh Gia Định vừa trả lời chưa nhận được đơn xin phép , mà chỉ còn có nửa tháng nữa . Phải làm gì chứ ? “. Cha con ngồi thảo luận, cuối cùng tìm ra nguyên nhân là Ông phụ trách văn thư Ty Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Gia Định, nhà có tang nghỉ phép nên chưa chuyển đơn của Tổng Nha Thanh niên đã ký sang văn phòng Tỉnh. Việc này sẽ nhờ bố anh Ninh( Ông Mão ) giúp. Cha Thọ ra về thì vừa đúng giờ Cố Tổng đọc kinh nhật tụng vào 21 g, mất chầu ăn sáng ngày mai .
Những kỷ niệm như thế của thời trẻ theo anh em mình mãi. Sau năm 1975, mỗi người mỗi ngả nhưng vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết “Thánh Thể là nguồn sống và là lý tưởng ”. Một số Trưởng xa quê hương vẫn tiếp tục con đường ấy tại hải ngọai. Đã có tiếp những Về Đất Hứa II,III. Ở trong thành phố này, do hòan cảnh thực tế, anh em chúng mình vẫn có những” sa mạc bay” tại các xứ đòan, hay tại những công viên. Huynh trưởng vẫn được huấn luyên dù không mang cấp hiệu. Một số chuyển sang giúp cho Giới trẻ, đào tạo Giáo lý viên trong thập niên 80-90. Nay “Gío heo may đã về”, chúng mình đang là những giáo dân, những cựu huynh trưởng cao tuổi. Nhiều người là nòng cốt trong các xứ, họ đạo, các đòan thể Công Giáo tiến hành ở nhiều nơi. Không ít người giữ những trong trách cao ngòai xã hội. Có những trưởng cựu nay là Giám Mục, Linh mục, tu sĩ đã được thừa hưởng đường lối giáo dục của phong trào :”Tuổi trẻ Việt Nam đem Chúa cho giới trẻ Việt Nam “ (Tân hành ca ).
Xin cám ơn Phong Trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam, cám ơn Cố Tổng Phao Lô Nguyễn Văn Thảnh ( LM Nhạc sĩ THANH NGÃ), người lãnh đạo,vị Tổng Tuyên úy đầu tiên mà chúng mình chọn mục chuyên cùa Ngài trong tờ báo, là tên của nhóm sáng tác “HÁT ĐI EM “ cùng một lọat tài liệu Phong trào sau này, nhóm TƯ KIẾN, sau là nhóm A.H.H. Tri ân Linh Mục Phao Lô Trần Viết Thọ, Tuyên úy Địa phận Sài Gòn, người đã trực tiếp đào tạo anh em, Linh Mục Felix Nguyễn Văn Thiện, Linh mục Đa Minh Đinh Văn Vãng đã giúp hướng dẫn anh em Huynh Trưởng tự tin, trưởng thành, dám làm, dám chịu trách nhiệm với phương châm “Tuyên Úy là người biết tất cả nhưng không làm tất cả “ nhờ đó giáo huấn của Giáo hội qua sắc lệnh” Tông đồ Giáo dân” mới được thực thi trong Phong trào. Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam, ngày hôm nay vẫn “Theo tiếng Giáo hội và tiếng quê hương kêu mời . . .” mãi mãi chúng ta hãy “ Cùng đi hỡi các Thiếu nhi, cùng đi với Chúa Kytô, Nguồn sống Thánh Thể tuôn tràn, là Lý tưởng của người Thiếu nhi hôm nay “.
Xin hãy tiếp tục quan tâm, chăm sóc thiếu nhi và người trẻ hơn nữa vì họ chính là Giáo hội hôm nay cũng như ngày mai.
Fx Đỗ Công Minh
(Huynh Trưởng Đặc cấp- Cựu HLVHT tòan quốc/ TNTT/ VN )
(Trích nhật ký nhà đạo )