Niềm tin và hy vọng của tôi
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật 10 QN
Niềm tin và hy vọng của tôi
Tôi tin nên tôi mới nói; thì chúng tôi cũng tin nên chúng tôi cũng nói (2Cor 4,13).
Chúng ta tin gì và chúng ta nói gì đây ? Chúng ta tin rằng “Đấng làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em”(2Cor 4,14). Và chúng tôi cũng nói như vậy. Nhưng chúng ta không chỉ nói bằng lời mà còn bằng cuộc sống nữa. Cuộc sống đó chính là cuộc sống đức tin của chúng ta.
Cuộc sống đức tin đó là gì ? Đó là “Chúng ta không chán nản”, không thất vọng. Vì chúng ta có niềm hy vọng. Chúng ta hy vọng gì ?
Chúng ta hy vọng : “Dù con người bên ngoài của ta có tiêu tan đi, thì con người bên trong của ta ngày càng được đổi mới”(2Cor 4,16). Con người bên ngoài chính là thân xác của ta, vì có ngày nói sẽ tiêu tan thành tro bụi. Con người bên trong chính là linh hồn của ta. Linh hồn của ta vì là thiêng liêng nên không bao giờ chết nhưng ngày càng được đổi mới, nếu ta biết cố gắng nên thánh nên thiện.
Chúng ta còn hy vọng gì nữa ? Chúng ta hy vọng “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho ta một khối vinh quang vô tận tuyệt vời”(2Cor 4,17). Một chút gian truân trong cuộc sống bây giờ, với lòng tin, nó sẽ mang lại cho ta một khối vinh quang vô tận trên trời.
Nói “một chút gian truân” là so với “một khối vinh quang”, nghĩa là so với vinh quang ở trên trời mà ta được lãnh, thì những gian truân đời này chỉ là “một chút” thôi. Cuộc sống đức tin là một cuộc sống gian truân, chứ không phải là chuyện chơi. Cũng không phải một sớm một chiều mà ta có thể chấp nhận và sống được. Cũng gian nan, cũng gian truân lắm: nào là thiệt thòi, nào là thua thiệt, nào là khó khăn, nào nào cực khổ; nào là âm thầm, nào là bị vu khống, bị chê bai, bị phỉ báng ; vv........ Thế nhưng, những gian nan, những gian truân đó sẽ đem lại cho ta không chỉ “một khối vinh quang” ở đời sau, mà ngày đời này ta cũng được an bình và hạnh phúc. Một sự an bình trong tâm hồn, một sự hạnh phúc của nội tâm.
Muốn được vậy, ta phải biết dùng những gian nan và những gian truân đó. “Gian” đây không phải là gian dối, ăn gian, gian lận mà là thế gian. Những nan giải, những truân chuyên ở thế gian này, nếu ta biết đón nhận và dùng chúng thì chúng sẽ mang lại cho ta “một khối vinh quang” đấy. Bằng cách, trong đức tin, ta dâng những khó khăn, những đau khổ của ta kết hiệp với sự đau khổ của Đức Giê-su Ki-tô, làm của lễ hy sinh đền tội cho mình và cầu nguyện cho người khác.
Nếu ta chỉ biết trách móc, than trời trách đất: tạo sao Chúa lại để cho con phải khổ thế này, phải đau thế này, phải bệnh tật thế này ? Thì sự đau khổ của ta không có giá trị gì hết. Đau vẫn hoàn đau, có khi còn đau hơn; khổ vẫn hoàn khổ, có khi còn bị khổ hơn; bệnh vẫn hoàn bệnh, có khi còn bệnh nặng hơn. Không chỉ thế mà ta còn mang tội nữa cơ. Không chỉ mang tội vừa mà mang tội nặng nữa. Vì ta dám vu khống cho Chúa, dám phỉ báng Chúa. Vì Chúa đâu có làm hay ban những sự đó cho ta đâu.
Như động đất, sóng thần, cháy nhà, tai nạn, bệnh ung thư,.... Những thứ là do tự nhiên hay do chính con người làm ra chứ đâu phải do Chúa. Do con người phá rừng này; do con người khai thác thiên nhiên vô tội vạ này; do kỹ thuật phát triển, con người xài phung phí, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; rồi gây ra bệnh này tật kia,... Do ta ăn uống vô độ nên ung thư này ung thư nọ. Thế mà ta lại dám đổ thừa cho Thiên Chúa, thế có phải là phạm thượng, phạm tội Khi Quân không? Có đáng phải bị chém đầu không?
Đáng lẽ ta phải đấm ngực mình, tại vì con người đã dùng sự khôn ngoan của mình mà làm quá mức, trong đó có cả ta nữa, không nghe lời Chúa dạy, không thực thi ý Chúa, nên đã gây ra bao đau khổ cho người khác. Cũng vì sự ích kỷ chỉ muốn cho riêng mình được lợi mà bất chấp đến sự nguy hại cho người khác. Bản thân ta có biết ăn xài tiết kiệm không hay là cũng a dua theo mọi người ăn xài hết ga; ăn chơi xả láng. Không làm theo người ta, ta sợ người ta chê mình cù lần, hai lúa !!!!
Rõ ràng ta thấy, con người càng văn minh hiện đại bao nhiêu, thì con người càng khốn khổ bấy nhiêu. Kỹ thuật càng cao, đòi hỏi càng nhiều; tiện lợi bao nhiêu thì phải trả giá bấy nhiêu; con người vẫn đầu tắt mặt tối, vẫn lao đầu vào làm việc suốt chứ đâu được thảnh thơi hay nghỉ ngơi gì đâu. Bởi đó ta đừng hy vọng vào những thực tại hữu hình như tiền tài, của cải, danh vọng, những tiện nghi,...trần thế, mà hãy hy vọng vào những thực tại vô hình là Thiên Chúa, là ân sủng, là sự sống đời đời. “Vì những vật hữu hình thì tạm thời chóng qua; còn những vật vô hình mới tồn tại vĩnh viễn”(x. 2 Cor 4,18).
Chúng ta còn hy vọng gì nữa ? Sự hy vọng cuối cùng, đó là “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi do Thiên Chúa tạo dựng nên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”(x.2Cor 5,1). Đó là khi kết thúc cuộc đời này, ta được lên thiên đàng.
Ngày nay có người nhiều tiền, nhiều của, khi gần chết muốn được đóng băng để hy vọng một ngày nào đó lại được sống tiếp. Sự sống đâu phải là đồ vật, đóng băng trái tim, sau này khi rã băng thì có trái tim nào đập lại được đâu cơ chứ. Người khi còn sống mà đóng băng, có ai sống lại tiếp khi rã băng bao giờ. Điển hình như những người leo lên núi cao có băng tuyết và chết cóng trên đó. Cả 6 tháng hay mấy năm người ta mới tìm thấy, mà có ai trong họ sống lại đâu cơ chứ.
Có hơn là ta dùng số tiền đó để làm phúc bố thí, để giúp đỡ những người nghèo; lập công tích đức. Đó là chưa nói đến, nếu số tiền đó mình có là do làm ăn bất chính thì lại càng nguy to, vì Chúa sẽ xét xử mình đấy. Đâu có phải ai chết là cũng được lên thiên đàng hết đâu. Chỉ những người tốt lành, thánh thiện mới được vào thiên đàng mà thôi. Ta mà ăn ở bất công bất chính thì coi chừng ta xuống hỏa ngục đấy. Nhẹ hơn thì sẽ phải vào luyện ngục mà đền.
Cái khôn ranh của con người là cho rằng chết là hết, không có phán xét và xét xử gì hết. Đó là một sự lấp liếm. Còn người tin vào Chúa thì nói không có hỏa ngục, luyện ngục gì cả, vì Chúa Giê-su đã chết, đã cứu độ rồi, nên chết rồi sẽ lên thiên đàng thẳng cẳng. Đó là sự đánh lận con đen.
Thật vậy, để cứu chúng ta khỏi vào hỏa ngục mà Đức Giê-su đã chết vì chúng ta. Thế nhưng, ta có noi gương Chúa, có nghe lời Chúa dạy để nên thánh nên thiện không mà đòi vào thiên đàng. Chúa chết cho ta để ta làm bậy sao? Lại còn ỷ nại vào lòng nhân từ của Chúa nữa. Chúa nhân từ vô cùng mà, nên Người không để tôi vào hỏa ngục.
Quả thực Chúa chẳng muốn ai vào hỏa ngục cả, hình phạt đó là do mình chọn thôi. Nếu không muốn vào hỏa ngục thì ta hãy cố gắng sống tốt lành thánh thiện đi. Tại sao muốn lên thiên đàng mà ta lại sống bất công, bất chính và gian ác cơ chứ. Suốt đời chỉ lo kiếm ăn, kiếm tiền mà, có lo cho mình nên thánh nên thiện không mà đòi. Có đòi cũng chẳng được.
Đời này đã không có công bằng rồi, mà đời sau mà không có nữa thì làm sao. Bởi đó, đời sau Chúa phải xét xử từng người để có sự công bằng và sẽ trả lại sự công bằng cho những ai đã bị đối xử bất công ở đời này. Chúa nhân từ vô cùng, nhưng Chúa cũng là Đấng công bằng vô cũng nữa. Chúa nhân từ vô cùng cho ta ở đời này, nhưng cũng sẽ công bằng vô cùng khi xét xử ta ở đời sau. Nên ta đừng có mơ mộng và hy vọng hão huyền mà lấp liếm, mà đánh lận con đen.
Vậy ta hãy thực tế một chút, vì ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời nào, ai ai cũng cầu nguyện cho người chết hết. Nên chết không phải là hết đâu mà mơ. Nếu ta có tin vào Chúa là Đấng nhân từ vô cùng thì còn sống ngày nào ta hãy cố gắng ngày đó mà cố gắng nên thánh nên thiện được chút nào thì hay chút đó và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xét xử công bằng, khi ta biết sống công bằng ngay từ bây giờ để ta có thể lên thiên đàng cách ngay chính và oai hùng. Nếu ta có bị đối xử cách bất công ở đời này, ta hãy yên tâm, Chúa sẽ trả lại cho ta sự công bằng và ban lại cho ta những gì mà ta đã bị thiệt thòi, thua thiệt ở đời này.
Đó là niềm tin của tôi. Tôi tin nên tôi mới nói, mới sống. Đó là niềm hy vọng của tôi. Tôi hy vọng, nên tôi mới cố gắng.
Lm. Bosco Dương Trung Tín