Nhảy đến nội dung

 Đại Dịch Covid trở thành Đại lễ Phục Sinh

CN II PS          

  Đại Dịch Covid trở thành Đại lễ Phục Sinh

  “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

  Người ta thường nói: “Không thấy thì không tin”. Nghĩa là không thấy tận mắt và không sờ tận tay thì không tin là có. Như Tô-ma, không nhìn tận mắt, không sờ tận tay thì sẽ không tin Đức Giê-su phục sinh. Con người chúng ta là “người phàm mắt thịt”, dù vậy, chúng ta không chỉ nhìn bằng mắt, mà còn “nhìn bằng trí khôn” nữa. Tức là nhờ trí khôn, nhờ suy luận mà chúng ta biết được vần đề, hiểu về vấn đề. Nên không thể nói cách tuyệt đối rằng: “Những gì không thấy là không có”.

   Cụ thể, bây giờ, có ai mà không tin có vi-rút Cô-rô-na không? Cô vi-rút này, mắt thường chúng ta đâu có thấy. Thế nhưng, nếu ta cứ đi chỗ này, chỗ kia; không đeo khẩu trang; không cách ly xã hội, liệu ta có an toàn không? Hay có thể lây nhiễm và chết như chơi. Dù không thấy vi-rút, nhưng qua những triệu chứng như thân nhiệt cao trên 37 độ; khó thở hay ho khan, chúng ta có thể biết là đã nhiễm vi-rút Cô-rô-na rồi, cần phải đến bệnh viện để cách ly và chữa trị.

   Đến nay, bệnh dịch cô-vít 19 đã lan tràn trên khắp thế giới, đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa,...trên toàn thế giới và làm cho hơn vạn người tử vong và làm cho hàng tỷ người gặp những khó khăn trong cuộc sống. Người ta bị hạn chế ra đường và làm việc, do đó, cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn. Không làm việc được, mà vẫn cứ ăn thì lấy tiền đâu mà sống.

   Bởi thế, đại dịch cô-vit 19 này cho thấy rõ ràng rằng, dù mắt trần chúng ta không thấy nhưng chúng ta có thể thấy bằng trí khôn, bằng suy luận, bằng những dấu chỉ. Có thể nói qua đại dịch này, nó đã củng cố và làm cho chúng ta xác tín thêm niềm tin của chúng ta vào Chúa Phục Sinh. Đành rằng chúng ta không nhìn thấy tận mắt Đức Giê-su Phục Sinh, nhưng các Tông Đồ, đặc biệt là thánh tông đồ Tô-ma, Ngài đã nhìn thấy tận mắt và đã sờ tận tay vào Thân Xác Phục Sinh của Đức Giê-su.

   Lại nữa, cứ nhìn vào Giáo Hội Công Giáo chúng ta, từ ngày Đức Giê-su lên trời và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đến nay, đã ngót nghét cũng gần 2000 năm rồi; dù có trải qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, Giáo Hội vẫn đứng vững. Điều đó có thể chứng minh Đức Giê-su đã không phục sinh hay sao? Trong Giáo Hội, Tin Mừng Phục Sinh vẫn còn vang vọng và nhất là trong thời buổi này, trong thời dịch Cô-vít 19 này. Có thể nói, chúng ta đang trở lại và sống đức tin như thời các Tông Đồ. Thời đó, chưa có Nhà Thờ, việc thực hành niềm tin là ở tư gia.

   Đức Giê-su đã hiện ra nơi tư gia đã đóng kín, vì sợ người Do Thái (x. Ga 20,19). Ngày nay, Chúa cũng sẽ hiện ra với chúng ta trong gia đình, không phải vì sợ người nào mà là sợ con vi-rút Cô-rô-na.

  Đức Giê-su đã hiện ra với các môn đệ trên biển hồ Ti-bê-ri-a, với khoảng cách khá xa. Đức Giê-su thì đứng trên bờ, còn các môn đệ thì đang đánh cá (x. Ga 21,1-14). Ngày nay, Chúa cũng sẽ có mặt với chúng ta khi chúng ta có khoảng cách với nhau – gọi là cách ly xã hội, vì tránh lây nhiễm Cô-vít.

  Việc Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau (x, Lc 24,13-35). Trong cuộc trò chuyện đó, Chúa đã “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”, làm cho “lòng hai ông bừng cháy lên” và tin rằng Đức Giê-su đã phục sinh.

  Trong kỳ đại dịch này, từ kinh thành Rô-ma đến các giáo xứ khắp nơi trên thế giới, lần đầu tiên đóng cửa, không có những thực hành niềm tin hay tham dự các buổi lễ trong Tuần Thánh, cũng như các Chúa Nhật, vì tránh tụ tập đông người, gây lây lan vi-rút. Cũng rất may là với thời đại viễn thông ngày nay, chúng ta còn có thể tham dự các Thánh Lễ trực tuyến trên mạng, tạm gọi là LỄ KHÔ, cũng phần nào khỏa lấp sự thèm khát “Tham dự Thánh Lễ” thường tình của người tín hữu ki-tô chúng ta.

   Quả thật, điều đó không làm cho đức tin của chúng ta lung lay, trái lại đó còn là cơ hội tốt cho chúng ta có thì giờ để suy niệm và suy gẫm sâu hơn về đức tin của mình, qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa ở nhà hay lên mạng đọc các bài chia sẻ.

  Nhất là lần đầu tiên Đức Giê-su hiện ra ở gần ngôi mộ với các bà, Chúa nói: “Chị em đừng sợ. Về báo cho anh em của Thầy, để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ gặp Thầy ở đó” (x, Mt 28,10). Ngày nay, đã có bao nhiêu người đã chết vì Cô-vít 19, rất nhiều, nhiều đến nỗi, có nơi không có chỗ để quan tài; không đủ nơi để chôn; không đủ chỗ để thiêu nữa. Tin Mừng Phục Sinh đối với những người đã chết này là: “Chúng ta hãy báo cho họ biết, họ sẽ được gặp Chúa ở Thiên Đàng”.

  Trong Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, còn là Chúa Nhật của lòng thương xót Chúa, chúng ta cầu nguyện cho những người đã chết vì cô-vít 19 được hưởng lòng xót thương của Chúa, để họ có thể gặp được Chúa trên thiên đàng.

  Trở lại với bài Phúc Âm hôm nay, trọng tâm với sự hiện ra của Đức Giê-su với Tô-ma. Chúa hiện đến mà không có Tô-ma, ông được các Anh em cho biết là Chúa đã phục sinh, nhưng Tô-ma dõng dạc nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người; nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi chẳng tin” (x. Ga 20,25).

   Tám ngày sau, Đức Giê-su lại hiện ra và đến nói với Tô-ma rằng : “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy; đưa bàn tay ra đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (x. Ga 20,27). Chắc lúc đó Tô-ma cứng họng và run rẩy đặt ngón tay vào lỗ đinh; thọc bày tay vào cạnh sườn Chúa và ú ớ thưa : “Lạy Chúa của con; lạy Thiên Chúa của con”. Giống như chúng ta kêu : “Giê-su ma lạy Chúa tôi” vậy.

    Điều đó có nghĩa là Tô-ma đã nhìn thấy Chúa tận mắt và đã sờ đến Chúa tận tay và tin rằng Đức Giê-su đã phục sinh. Thế nhưng, Đức Giê-su lại nói : “Vì thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (x. Ga 20,29).

   Chúng ta là những người có phúc đó, vì chúng ta không được nhìn thấy Đức Giê-su Phục Sinh. Thánh Tô-ma đã thấy nên tin, còn chúng ta dù không thấy chúng ta vẫn tin. Thấy mà tin thì cũng bình thường thôi; không thấy mà tin mới khác thường; còn thấy mà không tin thì là ...bất thường.

   Chúng ta cũng có thể nói : thấy hay nhiễm cô-vít thì đừng có coi thường, lo mà đi cách ly và chữa trị, coi chừng “lên đường”; còn không thấy và tránh được lây nhiễm thì là phi thường và là phúc cho chúng ta đấy.

   Vậy, qua đại dịch cô-vít 19 này, chúng ta càng thêm xác tín và khắc cốt ghi tâm cái phúc của mỗi người tín hữu ki-tô chúng ta. Đó là chúng ta tin vào Đức Giê-su Phục Sinh. Đức Giê-su đã thực sự phục sinh, Ngài là Đấng Ki-tô; là con Thiên Chúa và nhờ lòng tin đó mà chúng ta được sống nhờ Danh của Người. Với niềm xác tín đó, chúng ta mang lấy để sống vui, sống khỏe trong đại dịch cô-vít 19 này. Dù không thấy vi-rút, nhưng chúng ta cố gắng hết sức để tránh lây nhiễm và tránh làm lây lan vi-rút cho mọi người bằng cách đeo khẩu trang và cách ly xã hội, nhằm bảo vệ sự sống của mình cũng như tôn trọng sự sống của người khác; Làm cho Đại Dịch Cô-vít 19 này trở thành Đại Lễ Phục Sinh của chúng ta.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: