Nhảy đến nội dung

Sinh nhật Gioan Tẩy Giả - Nội tâm Chúa Giê-su Thánh Thể

SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

Chúa Giêsu nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” (Mt 11:11) Hằng năm, vào ngày 24 tháng 6, Giáo hội Công giáo tôn vinh sự ra đời của Thánh Gioan bằng cách suy ngẫm về vai trò độc nhất của ngài là người đến trước của Chúa Giêsu. Lễ trọng này ca ngợi Thánh Gioan là tấm gương xứng đáng về ý nghĩa của việc trở thành môn đệ của Chúa Kitô.

Lễ trọng là ngày lễ quan trọng nhất mà Giáo Hội thiết lập. Trong khi các vị thánh khác được tưởng nhớ bằng những ngày lễ tưởng nhớ cái chết của các ngài thì Thánh Gioan Tẩy Giả, giống như Đức Mẹ, được tôn kính với những ngày long trọng để tưởng nhớ cả ngày sinh và ngày chết của ngài.

Tại sao Thánh Gioan và Đức Mẹ nhận được vinh dự như vậy? Giáo Hội mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ như thừa nhận rằng Mẹ sinh ra vô tội. Còn Thánh Gioan thì sao? Với lễ sinh nhật của ngôn sứ này, Giáo Hội dường như nói rằng Thánh Gioan cũng sinh ra vô tội, mặc dù không có giáo huấn dứt khoát nào về vấn đề này.

Trong trình thuật Tin Mừng Luca, Đức Mẹ đang mang thai Chúa Giêsu và đến thăm người chị họ Êlidabét cũng đang mang thai Thánh Gioan được sáu tháng. Trước lời chào của Đức Maria, bà Êlidabét “được tràn đầy Thánh Thần” (Lc 1:41) và đứa con chưa chào đời của bà “đã nhảy mừng” (Lc 1:44) trong bụng bà. Cả mẹ và con đều phản ứng trước thực tế tuyệt vời khi được ở trước sự hiện diện của Chúa bằng xương bằng thịt.

Sự kiện này dường như ứng nghiệm lời tiên tri đã được sứ thần Gabriel nói với người cha của Gioan trước đó rằng Hài nhi sẽ “được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ.” (Lc 1:15) Quả thật, niềm tin đã được phổ biến từ thời cổ đại rằng vào thời điểm đó Thánh Gioan đã được thánh hóa – nghĩa là đã được tẩy sạch tội nguyên tổ, như thể Gioan đã được “rửa tội” trong bụng mẹ vậy.

Lưu ý rằng điều này có nghĩa là Thánh Gioan đã được giải thoát khỏi tội nguyên tổ trong bụng mẹ, và sau đó được sinh ra vô tội, nhưng không phải là Thánh Gioan được thụ thai mà vô tội. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một đặc ân duy nhất của Đức Mẹ giữa các thánh, Đức Mẹ đã được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu.

Dĩ nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa Thánh Gioan và Đức Mẹ là Mẹ cũng thực sự được bảo vệ khỏi mọi tội lỗi suốt đời, trong khi Thánh Gioan thì không. Vì vậy, vào lễ sinh nhật Gioan Tẩy Giả, chúng ta tôn vinh ngài là người được tràn đầy Chúa Thánh Thần khi còn trong lòng mẹ, được Thiên Chúa chọn để loan báo Con Chúa, sống một đời thánh thiện gương mẫu và tử đạo vì đức tin.

SINH NHẬT

Mặc dù không bao giờ làm lu mờ Chúa Cha hay Chúa Con, nhưng các mầu nhiệm về sự ra đời của Thánh Gioan và vai trò nổi bật của ngài trong cuộc đời của Chúa Kitô được Giáo Hội coi trọng đặc biệt.

Thông thường, khi lễ kính hoặc lễ trọng của một vị thánh rơi vào Chúa Nhật thì phụng vụ Chúa Nhật được thay thế. Nhưng lễ trọng mừng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nếu lễ rơi vào Chúa Nhật, các lời cầu nguyện, bài đọc và Thánh Vịnh liên quan lễ Thánh Gioan Tẩy Giả không được thay thế bằng một phụng vụ Chúa Nhật khác.

Thánh Gioan đã chết như một vị tử đạo, đã làm chứng cho sự thật về ý định của Thiên Chúa rằng hôn nhân phải là một cam kết trọn đời giữa một người nam và một người nữ. Cuộc tử đạo đó được Giáo Hội cử hành với lễ tưởng niệm vào ngày 29 tháng 8. Tuy nhiên, ngay cả khi Thánh Gioan không phải là vị tử đạo, chắc chắn Giáo Hội vẫn cử hành cuộc đời và sứ vụ của ngài với tư cách là người loan báo Chúa của ngài.

Lễ trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả là một trong những lễ kỷ niệm lâu đời nhất của Giáo Hội được đưa vào cả phụng vụ Đông phương (Hy Lạp) và Tây phương (Latinh) để tôn vinh một vị thánh. Lễ này đã được cử hành công khai ngay từ thế kỷ IV.

CHỌN NGÀY

Ngày 24 tháng 6 cuối cùng đã được chọn làm ngày cử hành lễ trọng vì Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Gioan được thụ thai trước Chúa Giêsu sáu tháng. (x. Lc 1:36) Khi đó Gioan sinh ra trước Chúa Kitô khoảng sáu tháng, và lễ giáng sinh Chúa Kitô được cử hành vào đêm 24 tháng 12.

Còn một yếu tố quan trọng khác trong việc ấn định ngày sinh của Thánh Gioan. Nhiều thế kỷ trước thời Chúa Kitô, một số nền văn hóa ngoại giáo hằng năm tổ chức ngày hạ chí – ngày dài nhất trong năm, diễn ra vào cuối Tháng Sáu. Họ nhận ra rằng sau ngày hạ chí, ngày bắt đầu ngắn lại. Vì nhiều lý do, theo truyền thống họ thừa nhận sự thay đổi của các mùa bằng cách đốt những đống lửa cháy suốt đêm.

Việc đốt lửa này là một nghi lễ phổ biến giữa các nhóm người không theo Kitô giáo khác nhau di cư vào Âu châu trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội. Giáo Hội thừa nhận tầm quan trọng của việc này bằng cách nào đó chấp nhận truyền thống cổ xưa và rất phổ biến này trong số những người mà họ đang tìm cách cải đạo, nhưng Giáo Hội không muốn nó gắn liền với một nghi lễ ngoại giáo.

Các sự kiện trong cuộc đời Chúa Kitô không có mối liên hệ rõ ràng với lễ hội giữa mùa hè này, vì vậy các nhà lãnh đạo Giáo Hội thời kỳ đầu đã chuyển sang cuộc đời Thánh Gioan Tẩy Giả. Vì ngày sinh của Chúa Kitô được tổ chức ngày đông chí vào cuối tháng 12, nên ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy Giả được tổ chức vào ngày hạ chí.

Điều đó đã và đang hoàn toàn phù hợp: Sinh nhật Thánh Gioan báo trước sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Lễ sinh nhật Thánh Gioan được chính thức thiết lập tại Công Đồng Giáo Hội Agde năm 506. Từ đó trở đi, người Công giáo cử hành lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 6.

Để biết lễ kỷ niệm này từng được đánh giá cao như thế nào, hãy xem xét hoàn cảnh xung quanh Trận Fontenay năm 841, nơi mà ngày nay là Pháp quốc. Hai đội quân Frank đối đầu nhau, mặt đối mặt ngày 23 tháng 6, không muốn mạo hiểm chiến đấu vào ngày lễ Thánh Gioan. Vì vậy họ đồng ý hưu chiến cho đến ngày hôm sau.

MỪNG LỄ

Ngày nay, phong tục đốt lửa lâu đời vào đêm trước ngày Thánh Gioan có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Âu châu. Bằng cách này, họ thừa nhận Thánh Gioan và việc ngài loan báo Chúa Giêsu, Đấng là “ánh sáng thế gian.” (Ga 8:12) Những đám lửa này có nguồn gốc từ một nghi lễ ngoại giáo không làm mất đi niềm vinh dự mà hầu hết những người tham gia ngày nay dành cho ngôn sứ Gioan Tẩy Giả.

Các cuộc diễu hành và lễ hội thường được tổ chức bên cạnh việc đốt lửa, kéo dài cho đến rạng sáng. Những người theo Kitô giáo ở một số quốc gia té nước vào nhau hoặc đi bơi vào lúc nửa đêm để tưởng nhớ lễ rửa tội của họ, tất cả đều nhằm tôn vinh Thánh Gioan Tẩy Giả.

Ở các nơi khác, vị chủ tế đặt cành cây linh sam trong nhà của họ, nhớ lại thời gian Gioan ở trong hoang địa chuẩn bị giới thiệu Chúa Kitô. Các nghi lễ của nhà thờ thường bao gồm việc ăn chay và cầu nguyện vào đêm hôm trước. Ở một số quốc gia, ngày này là ngày lễ buộc.

GƯƠNG THÁNH THIỆN

Thánh Gioan là người loan báo Chúa Kitô: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3:3) Nhưng còn hơn thế nữa. Thánh Gioan Tẩy Giả đã đưa ra mẫu mực về sự thánh thiện anh hùng, công khai lên án thói đạo đức giả và vô đạo đức, kêu gọi mọi người ăn năn. Ngài thách thức lòng tham và chủ nghĩa vật chất vào thời đó, theo đuổi một cuộc sống nghèo khó, giản dị và vị tha đã truyền cảm hứng không chỉ cho những người cùng thời mà còn cả những người tiên phong của đời sống tu trì Kitô giáo về sau.

Bất cứ đến nơi nào Gioan đều được đám đông và tín đồ vây quanh, một số người nghĩ rằng Gioan là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, Gioan không lợi dụng những người này. Đúng hơn, ngài nói với họ một cách rõ ràng rằng ngài không phải là người mà họ nghĩ, và họ phải trải qua một sự hoán cải tâm hồn để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai. (x. Ga 1:19-27)

Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, Gioan sai các môn đệ đến với Chúa Giêsu rồi lùi dần về phía sau, khiêm nhường chấp nhận vai trò nhỏ bé của mình: “Ngài [Đức Kitô] phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.” (Ga 3:30) Thánh Gioan quên mình và sống cho Chúa Giêsu.

Thông điệp của Thánh Gioan gửi đến mọi người cách đây nhiều năm rằng Chúa sắp đến, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị. Giáo Hội lặp lại sứ điệp đó dịp lễ trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả.

D.D. EMMONS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả – 2024

 Tháp lửa mừng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả tại Bắc Scandinavia năm 2010, cao 155 ft (hơn 47m), chuẩn bị trong 3 tháng, lửa cháy trong 2 ngày – https://www.youtube.com/watch?v=vt3d3yTjlkQ

*************

NỘI TÂM CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

Rất ít người Công giáo từng suy ngẫm về những gì Chúa Giêsu làm suốt ngày trong Bí tích Thánh Thể. Ngoài việc chờ đợi chúng ta đến thăm Ngài, Ngài còn đốt cháy tình yêu thương đối với Cha của Ngài. Thánh Phêrô Julian Eymard, Tông Đồ Thánh Thể, cung cấp những hiểu biết sâu sắc đáng kinh ngạc về Đời Sống Nội Tâm Thánh Thể của Chúa Giêsu bằng những lời này:

Trong Bí Tích Cực Thánh, Chúa Giêsu sống đời sống hoàn toàn nội tâm. Cuộc đời Ngài là sự tôn kính vĩnh viễn đối với tình yêu và vinh quang của Chúa Cha, Đấng mà linh hồn Ngài chiêm ngưỡng sự hoàn hảo. Trong trạng thái bí tích, Chúa Giêsu tiếp tục các nhân đức tự hạ mình trong cuộc sống trần thế, sự khiêm nhường đã khiến Ngài hạ mình xuống làm một nô lệ, ở đây Ngài tự hạ mình xuống dưới hình bánh, Ngài kết hợp chính mình với vẻ ngoài của hữu thể, Ngài đạt đến giới hạn cuối cùng của hư vô. [1]

Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục đời sống cầu nguyện. Hơn thế nữa, cầu nguyện trở thành công việc duy nhất của linh hồn Ngài. Chúa Giêsu chiêm ngắm Chúa Cha, sự cao cả và lòng nhân lành của Chúa Cha. Ngài tôn thờ Chúa Cha bằng sự hạ mình sâu sắc của Ngài, điều mà Ngài liên kết với trạng thái vinh quang của Ngài. Ngài không ngừng cảm tạ Chúa Cha về các tặng phẩm và lòng nhân từ của Chúa Cha dành cho loài người. Ngài cầu xin Chúa Cha ban ân sủng của lòng thương xót và sự kiên nhẫn dành cho các tội nhân. Ngài liên tục cầu xin lòng nhân ái của Chúa Cha cho những người được cứu chuộc nhờ Thập Giá. [2]

Trạng thái bị che phủ này đem lại vinh quang lớn nhất cho Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đổi mới và tôn vinh mọi điều kiện của cuộc sống trần thế của Ngài. Những gì Ngài không thể làm trong vinh quang Thiên Đàng thì Ngài làm bằng trạng thái bị hủy diệt trên bàn thờ. Cái nhìn đầy yêu thương của Chúa Cha hướng xuống trần gian, nơi Ngài nhìn thấy Con Ngài, Đấng mà Ngài yêu thương như chính Ngài, đang trong tình trạng nghèo khó, khiêm nhường và vâng phục.

Chúa chúng ta đã tìm được phương tiện để duy trì và không ngừng đổi mới hy lễ trên Đồi Canvê. Ngài mong muốn Cha Ngài luôn luôn để mắt đến hành động anh hùng mà qua đó Ngài thể hiện vinh quang vô tận của Ngài, bằng cách hy sinh để tiêu diệt triều đại Satan, kẻ thù của Ngài.

Chúa Giêsu Kitô vẫn tiếp tục đặt niềm hãnh diện vào cuộc đấu tranh chinh phục nó. Vì không có gì đáng ghét đối với Thiên Chúa bằng sự kiêu ngạo, nên không có gì tôn vinh Ngài bằng sự khiêm nhường. Vinh quang của Chúa Cha là lý do đầu tiên cho trạng thái ẩn mình của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. [3]

Một trong những thực tại Thánh Thể đáng ngạc nhiên nhất và bị lãng quên nhất là điều này: “Chúa Giêsu chiêm ngưỡng Chúa Cha.” Trong Nhà thờ Công giáo có Chúa Giêsu đang tôn vinh Chúa Cha từ Bí tích Thánh Thể giống như Ngài đã làm trên trái đất. Thật không thể tin được! Chúa Thánh Thể của chúng ta sống cuộc đời không ngừng tạ ơn và ca tụng Chúa Cha. Thánh Tâm Chúa Giêsu đập vì Chúa Cha.

Khi chiêm ngắm Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có nhận ra tình yêu sâu xa của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha hay không? Ngài hoàn toàn quên chính mình và hạ mình xuống “giới hạn của hư vô.” Khi chiêm ngưỡng Bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ phải nhìn thấy Chúa Giêsu mà còn phải nhìn thấy Chúa Cha, Đấng mà Ngài đang tôn vinh qua Chúa Thánh Thần.

Khi thấy Chúa Con Thánh Thể vâng phục, nghèo khó và khiêm nhường như vậy, Chúa Cha đã từ trời lên tiếng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5) Người ta có thể lập luận rằng Chúa Giêsu tôn vinh Chúa Cha nhiều hơn trong việc hạ mình trong Thánh Thể – bởi vì Ngài hầu như không còn gì cả – hơn là trong trạng thái vinh quang của Ngài trên Thiên Đàng. Trong Bí tích Thánh Thể, Canvê được tồn tại vĩnh viễn, nơi Chúa Giêsu vẫn ngự trên Thập Giá một cách huyền nhiệm, để tôn vinh Chúa Cha.

Bạn có nhận ra rằng công việc duy nhất của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là cầu nguyện, thậm chí còn hơn cả cuộc sống trần thế của Ngài (theo Thánh Phêrô Julian Eymard) hay không? Trên trái đất, Chúa Giêsu có nhiều sứ mệnh, bao gồm giảng dạy, rao giảng và chữa lành, nhưng trong Bí tích Thánh Thể, sứ mệnh duy nhất của Chúa Giêsu là cầu nguyện. Nếu chúng ta đến gần Thánh Thể, Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta những bí mật của Thánh Tâm Ngài và những bí mật của việc chiêm niệm, vì Ngài là Thầy của Đời Sống Nội Tâm. Để trở nên giống Chúa Giêsu, gương mẫu của việc cầu nguyện, đời sống nội tâm của chúng ta phải là nền tảng của đời sống bên ngoài. Chúng ta phải tìm cách quên chính mình và cầu nguyện với lòng biết ơn sâu sắc, ca ngợi và chuyển cầu bằng cách bước vào việc Chúa Giêsu chiêm ngưỡng Chúa Cha. Cầu nguyện phải là sứ mệnh lớn nhất của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được đánh mất sự hư vô của mình trước sự uy nghiêm của Thiên Chúa. Trên hết, chúng ta phải đánh mất chính mình trong vẻ huy hoàng của vinh quang, sự tốt lành, sự cao cả và lòng thương xót của Thiên Chúa được tìm thấy trong Thánh Thể, đó là tham dự vào Thiên Đàng rồi.

Ngoài việc tôn vinh Chúa Cha, Chúa Giêsu Thánh Thể còn “cầu xin ân sủng của lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa cho các tội nhân. Ngài liên tục cầu xin lòng nhân ái của Chúa Cha cho những người được cứu chuộc nhờ Thập Giá.” Thánh Tâm Thánh Thể của Ngài đập vì các tội nhân khi Ngài không ngừng theo đuổi chúng ta mọi lúc bằng cách dâng công nghiệp Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Ngài lên Chúa Cha. Quả thật, Nhà Tạm là ngai của Lòng Chúa Thương Xót. Ngài mời gọi chúng ta cầu xin cho tội nhân hoán cải.

Có một bài học quan trọng khác. Chúng ta dâng lên Chúa Cha vinh quang lớn nhất khi chúng ta giống Con Ngài trong Bí tích Thánh Thể: “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3:3) Chúa chúng ta đã dành 30 năm, phần lớn cuộc đời Ngài, ẩn giấu khỏi con mắt loài người để mặc khải cho chúng ta sự cần thiết của đời sống nội tâm và việc trở nên nhỏ bé. Bây giờ và cho đến tận thế, Chúa Giêsu vẫn ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể. Trong khi sự kiêu ngạo bảo chúng ta phải nên cao cả và được người ta chú ý, thì Chúa Giêsu Thánh Thể nhắc nhở chúng ta phải trở nên bé nhỏ và bị người khác lãng quên, chỉ được Chúa Cha biết đến. Đúng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn vinh Chúa Cha hơn là được loài người tôn vinh bằng cách đi theo con đường sống nội tâm.

PATRICK O'HEARN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

[1] St. Peter Julian Eymard, Eucharistic Handbook (New York: The Sentinel Press, 1958), 126.

[2] St. Peter Julian Eymard, Eucharistic Handbook (New York: The Sentinel Press, 1958), 127.

[3] St. Peter Julian Eymard, The Real Presence (New York: Fathers of the Blessed Sacrament, 1907), 118-119.

Tác giả: