Sống đạo giữa đời đầy biến động - Trở nên chứng nhân tình yêu
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Xuân Hy Vọng
SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI ĐẦY BIẾN ĐỘNG
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Kể từ khi cơn dịch bệnh cô-vi bùng phát, chúng ta đã phải bỏ hàng triệu ngôn từ, trang giấy để nói về nó. Đặc biệt tại xứ sở truyền giáo Nhật Bản này, bình thường các nhà thờ vẫn thưa thớt giáo dân vào các Thánh lễ trọng hay lễ hằng ngày, và từ khi các Thánh lễ cộng đồng bị ngưng lại, thì các giáo xứ càng vắng lặng, yên tĩnh vô cùng!
Nhìn chung, thành phần giáo dân Nhật Bản hầu như đã lớn tuổi nên họ không thể nào tham dự Thánh lễ trực tuyến trên các trang mạng xã hội hiện đại; còn đài phát thanh (radio) hầu như không được dùng để phát Thánh lễ như trước kia cho hầu hết các bệnh nhân không thể tham dự Thánh lễ trực tiếp nữa!
Khi nói đến đây, chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ lại thời cấm đạo, dù các nhà truyền giáo phương Tây bị trục xuất khỏi nước Nhật, nhưng giáo dân bản xứ thuộc thế hệ đầu tiên đã kiên tâm cầu nguyện giữ đạo cho bản thân, cho gia đình và cho lối xóm, giáo họ, giáo xứ, rồi dần dần lan rộng khắp cả nước, đặc biệt tại vùng Goto, Nagasaki. Tuy nhiên, đó là khí phách, lòng nhiệt thành, tâm huyết của các thế hệ giáo dân xưa; còn hiện nay, những điều này dần dần mất đi và trở nên lãng quên. Thời ông bà, cha mẹ hết lòng sống đạo, nhưng đến thời con cháu, thế hệ sau thì như thế nào? Điều này khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở!
Hôm nay, cùng với Giáo Hội cử hành Phụng Vụ mừng kính Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh vinh quang về trời, kết thúc sứ mạng của Ngài tại trần gian, chúng ta xác tín lại rằng: Ngài về trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Ngài không bao giờ xa chúng ta. Ngài luôn hiện diện bên ta trong mọi biến cố: trong Thánh lễ và các Bí tích, qua mọi việc bác ái, cũng như qua mọi công cuộc của Chúa Thánh Thần (Đấng Bảo Trợ khác mà chính Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đệ khi Ngài về trời), và qua việc chúng ta sống chứng tá, thực hiện sứ mệnh đã được trao phó cho mỗi người Ki-tô hữu “các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15) hoặc nói một cách khác “các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong tất cả xứ Giu-đê-a, Sa-ma-ri-a, và cho đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1, 8). Tuy có nhiều cách nói khác nhau, nhưng điều Chúa trao cho các Tông đồ và cho mỗi người chúng ta không gì khác hơn là làm chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Nói một cách đơn giản hơn là sống và làm chứng vì đạo, nhất là trong thời điểm cam go như lúc đại dịch vừa qua; mọi người khắp nơi hạn chế di chuyển, hạn chế ra ngoài đường, hạn chế tụ tập đông âu cũng vì sự an toàn tính mạng và tránh lây nhiễm bệnh.
Dù như vậy đi chăng nữa, sứ mệnh làm chứng hay sống đạo vẫn luôn được tiếp diễn trong mọi hoàn cảnh, mọi thời, mọi lúc và mọi nơi; có thể chỉ khác phương cách thực hiện mà thôi. Trong tâm tình ấy, thiết nghĩ chúng ta có thể tóm gọn cách thức sống đạo theo hai cách, dựa trên linh đạo đan viện dòng Biển Đức, đó là: Cầu nguyện và Làm việc (ora et labora). Riêng Làm việc chia làm hai phần: làm việc phục vụ nhu cầu thể lý, và làm việc cho nhu cầu tinh thần/thiêng liêng. Dĩ nhiên, hai điều này không thể tách rời, vì trong thực tế có người chỉ cầu nguyện mà không làm việc hoặc chỉ làm việc mà không cầu nguyện!
Cầu Nguyện: Nền tảng của đời sống thiêng liêng là cầu nguyện; hơn nữa, cầu nguyện không ngừng trong mọi nơi mọi lúc là điều cần thiết hầu duy trì mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Trong thời gian dịch bệnh cô-vi, mọi người không thể tập trung đông đảo tại nhà thờ, nhà nguyện hay phòng hội hoặc từng nhà để đọc kinh liên ái/liên khu được; nhưng chúng ta có thể sử dụng các chương trình truyền thông như Viber, Line (dĩ nhiên nên tìm hiểu chương trình nào phù hợp và an toàn bảo mật tính riêng tư khi truy cập) tạo thành nhóm cầu nguyện mỗi ngày. Ngoài ra, thời gian cách ly vì dịch bệnh tạo cho chúng ta bên nhau với gia đình nhiều hơn trong giờ kinh nguyện chung. Thay vì, chúng ta dành nhiều thời giờ để lướt mạng xem tin tức hoặc theo dõi thông tin trên truyền hình, chúng ta nên dành nhiều thời gian cùng đọc kinh nguyện chung trong gia đình. Thêm nữa, chúng ta có thể cùng lần chuỗi liên kết Mân Côi hoặc chuỗi liên kết Lòng Chúa Thương Xót trong trường hợp chúng ta cách xa về mặt địa lý không thể nguyện gẫm trực tiếp với nhau. Chúng ta có thể tham dự buổi hồi tâm, tĩnh tâm, hoặc học hỏi chuyên đề về đời sống đức tin, Giáo Hội…trên các trang mạng Công giáo có uy tín. Cùng với cầu nguyện, chúng ta Làm việc phục vụ nhu cầu thể lý và tinh thần của tha nhân. Sức mạnh của cầu nguyện giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi, lo âu, hoang mang trong cơn bệnh dịch, cũng như thúc giục chúng ta dám hành động (làm việc) bác ái cho nhu cầu thể lý và thiêng liêng.
Làm việc bác ái về mặt thể chất: Trong mối tương thân giữa con người với nhau, chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ đồng cảm, thấy thương những người khốn khổ, thiếu thốn vật chất…, mà chúng ta còn được mời gọi yêu thương họ một cách cụ thể, tuỳ theo khả năng của bản thân. Với tâm hồn quảng đại, lòng bác ái sẽ giúp chúng ta có nhiều sáng kiến phục vụ lợi ích cho tha nhân, dĩ nhiên cũng nên nắm rõ luật lệ, quy định của nơi đang sinh sống hầu tránh những gì ngăn trở việc lành thánh hướng tới tha nhân. Trong mùa dịch cô-vi, mặt trái cũng như mặt phải của xã hội, của từng quốc gia hầu như đều được lộ diện rõ ràng trước mắt chúng ta; nào là tình trạng người vô gia cư, những ai khốn khó với thu nhập thấp, những bạn trẻ vì nhiều lí do mà bỏ gia đình, sống lang thang, mưu sinh với công việc liên quan đến JK (Joshi Kosei - kỹ nghệ tình dục vị thành niên)…, kể cả những người có tài sản kết xù hành xử ra sao khi đối mặt với đại dịch này. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta đều có xu hướng nghĩ rằng: ngoài xã hội kia cũng có nhiều tổ chức thiện nguyện làm rồi, nên không cần chúng ta nữa! Ý nghĩ này sẽ lấn át tư tưởng, kiềm hãm đôi chân chúng ta sống bác ái cụ thể, trước hết với nhu cầu căn bản đầu tiên của tha nhân, đó là nhu cầu thể chất! Không chỉ dừng lại ở khía cạnh thể lý, mà chúng ta cũng không quên làm việc bác ái hướng tới khía cạnh thiêng liêng/tinh thần của tha nhân.
Làm việc bác ái về mặt tinh thần: Trong chúng ta, có người được Chúa ban dư dật về vật chất, có người chỉ đủ dùng, và cũng có người phải chật vật mới sống qua từng ngày. Làm việc bác ái không chỉ giản lược trong khía cạnh vật chất hay thể lý, nhưng còn chú tâm đến chiều kích thiêng liêng nữa, điều mà chúng ta thường xem nhẹ hoặc lãng quên. Trong đại dịch này, chúng ta không thể tham dự Thánh lễ trực tiếp như trước. Hầu hết chúng ta tham dự Thánh lễ trực tuyến (được phát trực tiếp hoặc thu lại) tại bất cứ trang web của Giáo phận nào hoặc trang chính của Vatican, nơi đó chúng ta được tham dự Thánh lễ Giáo triều mà chính Đức Thánh Cha chủ sự, cũng như lãnh nhận được phép lành Toà Thánh ngoại thường trong thời điểm bệnh dịch cô-vi. Ý nghĩa mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ trực tuyến, chúng ta rước lễ thiêng liêng, chúng ta xưng tội thiêng liêng (trong trường hợp không thể xưng tội trực tiếp với Linh mục), và đều không khác gì khi chúng ta cử hành hay tham dự trực tiếp cả, nếu có khác, chỉ ở cách thức thực hiện mà thôi. Chính vì vậy, chúng ta nên tham dự một cách sốt sắng, với tâm tình tín thác, và để Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Chúa thẩm thấu con người chúng ta, mọi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, giúp chúng ta bỏ qua cho anh chị trong gia đình và dòng tộc, giúp chúng ta tha thứ thật lòng anh chị em, giúp chúng ta biết dùng an ủi, khuyến khích, động viên…anh chị em. Mỗi khi chúng ta hành động thê này, tức là chúng ta đang làm việc bác ái hướng tới chiều kích thiêng liêng của tha nhân.
Trên đây chỉ là một số gợi ý sống đạo và làm chứng cho Chúa trong thời gian cam go này. Xin Chúa hằng gìn giữ và đoái thương đến mỗi người chúng ta và toàn thế giới đang phải đối mặt với thời đại đầy biến động. Xin giúp chúng ta đang mãi lo chống chọi với những thay đổi chóng mặt, cũng không quên tỉnh thức trước ‘virus thờ ơ, ích kỷ, khép kín’, và luôn luôn sống đức tin, can trường trở nên chứng tá giữa thời đại này. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU
Anh chị em rất thân mến, chúng ta đã cùng Giáo hội hân hoan mừng đón Chúa Phục Sinh và giờ đây giống như mười một Tông đồ, có lẽ chúng ta lòng cũng buồn rười rượi, bịn rịn phải nói lời chia tay với Chúa Giê-su vì hôm nay Người lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Nhưng con thiết nghĩ nỗi buồn này được lấp đầy với niềm vui chan chứa, và ngôn từ chia tay này được thay thế bằng lời trấn an xác tín của Chúa Giê-su Ki-tô với các môn đệ và với mỗi người chúng ta: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Các bài đọc hôm nay chúng ta vừa nghe, đặc biệt trình thuật ngắn gọn của Thánh Sử Mác-cô về sự kiện Chúa Thăng Thiên cho chúng ta thấy: Mác-cô không đơn thuần thuật lại chuyện Đức Giê-su được đưa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, mà còn nhắn nhủ mỗi người chúng ta hãy nhớ “bài sai” của Chúa Giê-su gửi cho mọi người tin nhận vào Người rằng: “Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Nói cách khác, mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi và được sai đi làm chứng nhân cho Chúa tình yêu trong mọi hoàn cảnh sống, mọi thời đại và mọi lãnh vực.
Trước tiên, chúng ta nên hỏi bản thân: ai là chứng nhân cho Thiên Chúa tình yêu? Và chứng nhân cho Chúa là người như thế nào? Thông thường, anh chị em nghe quý cha, quý sơ, quý thầy được nhận bài sai đi truyền giáo, phục vụ ở nơi này hay nơi khác, ở quê hương hay trên một vùng đất xa lạ nào đó, chứ ít ai nghe giáo dân được sai đi?!! Nghĩ như vậy cũng là điều dễ hiểu, nhưng chúng ta nên biết rằng: khi được chịu Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên người thuộc về Chúa Ki-tô (Ki-tô hữu), người được thông phần vào sứ vụ tiên tri, tư tế và vương đế của Ngài; còn nữa, chúng ta cam kết từ bỏ mọi âm mưu đen tối của tội lỗi, ma quỷ và hứa sống tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa qua việc sống đức tin và làm chứng cho Chúa qua đời sống hằng ngày. Như vậy, chứng nhân cho Thiên Chúa tình yêu chính là mỗi một người Ki-tô hữu chúng ta, là những người được khắc sâu trong tâm khảm mình ấn tín thánh thiêng không bao giờ phai mờ, là người mặc lấy thánh danh Ki-tô hay là người mang tên Ki-tô hữu. Như bài đọc 1 trích trong sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Giê-su khẳng định: các tông đồ sẽ được lãnh nhận sức mạnh của Thánh thần khi Người ngự xuống trên các ông. Bấy giờ các ngài sẽ là chứng nhân của Thầy Chí Thánh Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri-a cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Chứng nhân của Thiên Chúa tình yêu là người được Thánh thần thúc giục, nâng đỡ, ban sức mạnh, can đảm, quả quyết, dũng cảm ra khỏi con người yếu đuối, sợ sệt, nhút nhát của mình, vứt bỏ những thú vui trần tục, thói quen đam mê mà dám tuyên xưng vào Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban Con Một yêu dấu của mình để cứu độ con người tội lỗi (x. Ga 3, 16). Còn gì đẹp hơn, cao cả hơn tình yêu của một Thiên Chúa trao ban chính sự sống mình cho chúng ta dù chúng ta bất xứng, vô ơn!
Như vậy, anh chị em chúng ta phải khẳng định một điều là: đã là người Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều là chứng nhân của Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, chúng ta sẽ làm chứng cho ai và cho điều gì? Một câu hỏi dường như không cần thiết và có lẽ hơi dư thừa, nhưng nếu nhìn vào cuộc sống gia đình, lịch sử bản thân, và những thăng trầm, bước ngoặc lớn trong đời sống đức tin của mỗi người, chúng ta sẽ nhận ra rằng: lắm lúc chúng ta không làm chứng cho Chúa tình yêu và cho Chân lý. Lý do thì ôi thôi vô số, hơn cả 1001 lý chứng để biện hộ, biện minh hay giải trình. Thay vì làm chứng cho Chúa Ki-tô đã yêu thương tôi, đã chết cứu chuộc tôi, tôi lại làm chứng cho “cái tôi”, cho “bản ngã” tự kiêu, hõm hĩnh của mình. Thay vì làm chứng cho lòng thương xót, lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa dành cho tôi, tôi lại làm chứng cho sự cứng nhắc, hành vi lên án và ghen ghét đối với chính mình và đối với tha nhân. Thay vì làm chứng cho cử chỉ khoan dung, chờ đợi và vòng tay rộng mở của Chúa dành cho con người tội lỗi như tôi, tôi lại làm chứng cho lối suy nghĩ kết án, xua đuổi và tách biệt của mình đối với anh chị em trong cộng đoàn; và còn vô vàn nhiều điều khác mà đáng lẽ chúng ta phải làm chứng, nhưng vì sự yếu đuối, chúng ta đã nhiều lần thỏa hiệp với điều bất chính hay cho tư lợi cá nhân mình. Là con cái Chúa, chúng ta phải sống trong sự thật, làm chứng cho chân lý, nhưng lắm lúc chúng ta lại làm chứng gian. Chính vì nhận biết con người thật mỏng manh, yếu đuối và dễ sa ngã như vậy, thánh Phao-lô đã nhắn nhủ chúng ta qua bài đọc 2, thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô: “Anh em được ban thần khí khôn ngoan và mạc khải để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh...” (Ep 1, 17-18). Lời nguyện xin của thánh Phao-lô cho tín hữu Ê-phê-sô cũng chính cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta. Thật không sai khi chúng ta nhận mình yếu đuối, nhưng với ơn Chúa, chúng ta trở nên can đảm làm chứng cho Ngài. Chẳng chút gì sai khi chúng ta nhận biết mình mù quáng trước lợi danh, tiền, tài, tình, tham vọng và đam mê, nhưng với thần khí khôn ngoan, đôi mắt tâm hồn của chúng ta sẽ trở nên sáng suốt, can trường đứng về phía chân lý và làm chứng nhân cho tình yêu đích thật, làm chứng tá cho Thiên Chúa.
Anh chị em rất thân mến, chúng ta đã biết mỗi một người trong chúng ta được Thiên Chúa mời gọi trở nên chứng nhân cho tình yêu Chúa và cho chân lý. Tuy nhiên, sống trong một thế giới đầy chuyển biến như ngày nay, chúng ta phải sống chứng tá như thế nào? Một niềm vui an ủi chắc chắn cho các Tông đồ, cho Giáo hội và cho chúng ta, đó là: mặc dù Chúa Giê-su vinh hiển lên trời, nhưng Người luôn đồng hành, ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Bằng chứng cụ thể, mỗi ngày Ngài hiện diện qua bí tích Thánh thể, trao ban chính sự sống Người cho chúng ta. Trong mọi phút giây, những khi ta quỵ ngã vì phạm tội, Ngài đồng hành với chúng ta qua bí tích Giải hòa để ban ơn tha thứ và bình an cho ta. Khi ta ốm đau bệnh tật phần hồn cũng như phần xác, Ngài đỡ nâng và cảm thông với ta, v.v...Những cảm nghiệm này, tiên vàn các Tông đồ là nhân chứng hùng hồn nhất “...phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo” (Mc 16, 20). Trong đời sống mục vụ và truyền giáo ở xứ sở hoa anh đào này, con cũng được nhiều anh chị em chia sẽ: làm sao sống, giữ vững đức tin ở đất nước phồn thịnh Nhật Bản này; làm sao sống chứng tá cho Tin Mừng và rao truyền Nước Chúa cho những người chưa tin nhận Chúa, v.v...Và câu chuyện đó luôn kết thúc bằng 4 chữ “khó lắm cha ơi” Thật sự, bản thân con cũng đồng cảm với quý ông bà, anh chị em; nhưng cũng nên khẳng định một điều là “khó không có nghĩa là không thực hiện được”. Nếu mỗi người chúng ta cố gắng bắt đầu làm chứng tá cho Chúa từ những việc làm bé nhỏ nhất, cử chỉ yêu thương, vị tha, hài hòa và hiệp thông với nhau. Và rồi từ tình yêu thương trong cộng đoàn dù bé nhỏ ấy sẽ như hương hoa lan tỏa khắp nơi. Hơn nữa, nếu chúng ta luôn tin tưởng rằng: chúng ta không ‘đơn thân độc mã’ sống chứng tá cho Tình yêu, nhưng các anh chị em khác đang cùng với ta và nhất là Chúa Ki-tô Phục Sinh luôn đồng hành, nâng đỡ ta trên bước đường trở nên nhân chứng Tình yêu như tâm tình trong một bài hát sinh hoạt “Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, Thiên Chúa sẽ cho mọc lên. Tôi trồng, anh tưới, Thiên Chúa cho bông lúa vàng”.
Với niềm tin xác tín vào Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa đã chịu chết cho nhân loại vì tình yêu. Và hôm nay Ngài lên trời, về cùng Chúa Cha, nhưng Ngài luôn ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế, chúng ta xin Chúa giúp sức mỗi người biết ý thức, can đảm trở nên chứng tá cho tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta.
Chung lời ngợi khen Chúa Con,
Hân hoan thờ kính một mình Ngài thôi.
Ứng viên của Chúa tình yêu
Nhiệt tâm, nhiệt huyết, nhiệt thành chẳng ngơi,
Gần gũi, gắn bó keo sơn
Nghị lực Thần khí ơn trên tuôn trào.
Hoạt động hăng hái vun trồng,
Ân sủng chan chứa, cậy trông không sờn
Người người góp sức truyền rao
Khắp nơi dân nước hoà ca vang trời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng