Sứ điệp ơn thứ tha - Thừa tội nhưng thiếu tình
- T4, 02/04/2025 - 10:34
- Lm Xuân Hy Vọng
Sứ Điệp Ơn Thứ Tha
Đa số chúng ta đều được cảm nhận sự tha thứ mỗi khi đến với Bí tích Hoà giải. Ngược lại, trong đời sống, không ít lần chúng ta đã từng lên án, kết tội anh chị em dù chỉ nơi tư tưởng, có khi bằng lời nói và qua hành động. Nhưng thực tế này đã xảy ra ngay cả thời Đức Giê-su, chứ chẳng phải chỉ mới diễn ra thời nay!
Vào bối cảnh chẳng mấy thuận tiện cho lắm “từ sáng sớm…” (Ga 8, 2), Đức Giê-su phải đối mặt với thói đời vô lối, tình trạng bất công xã hội, tập tục cổ hữu phân biệt vì nhóm “luật sĩ và biệt phái dẫn đến Ngài một thiếu nữu bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt trước mặt mọi người” (Ga 8, 3) nhằm chất vấn theo luật Mô-sê, nhưng lại có ý “gài bẫy để có thể tố cáo Ngài” (x. Ga 8, 6).
Thông thường, khi nhìn vào biến cố “người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” này, ai ai trong chúng ta cũng không khỏi thắc mắc ‘tại sao người đàn ông dan díu vào cuộc vụng trộm này chẳng được nhắc tới, hoặc bị bắt đưa đến cùng với người phụ nữ’?! Vì lẽ nào mà cuộc ngoại tình xảy ra được nếu không có sự tham gia của đàn ông! Như vậy, nếu để chất vấn hỏi tội, thì cả hai người đều phải bị bắt chứ?! Trong một xã hội bất công ăn sâu vào tâm trí, tư tưởng họ, Đức Giê-su đã đối diện với thực trạng này ra sao? Ngài hành động thế nào trước hành vi kết án tha nhân và cõi lòng mưu mô đen tối muốn gài bẫy nhằm tố cáo của nhóm người chẳng bao giờ ưa thích Đức Giê-su?
Trước hết, chúng ta có thể nhận ra ngay hành động kỳ lạ của Đức Giê-su “cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất” (x. Ga 8, 6), khi nghe câu hỏi của nhóm luật sĩ và biệt phái “…Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8, 5). Thiết nghĩ đây không phải hành động của một vị quan toà khắt khe, nắm quyền phân xử sống chết; nhưng đúng hơn là cử chỉ của người bạn hữu thật bình tĩnh, bình tâm, bình thản, không gì hấp tấp vội vã luận tội hay kết án hoặc đồng loã hùa theo đám đông. Hơn thế, đây có thể là cử chỉ kéo dài thời gian hầu cho người khác cơ hội suy nghĩ lại quyết định của mình, hoặc suy xét thói quen kết án tha nhân dễ dàng! Thực ra, chúng ta chẳng biết Đức Giê-su viết những gì trên đất, nhưng cử chỉ này khiến chúng ta nghiền ngẫm như thể: chớ vội chạy theo số đông lên án anh chị em! Chớ hấp tập kết tội tha nhân, và tệ hơn không cho người khác cơ hội suy xét, sửa mình, hoán cải!
Ngoài ra, qua biến cố “từ sáng sớm” chẳng mấy thuận lợi này, Đức Giê-su lột tả chân tướng của thực trạng dường như bị quên lãng nơi đám đông dân chúng, cũng như trong mỗi người chúng ta qua câu hỏi hết sức căn tính: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8, 7). Ngài biết rõ: chẳng ai trong chúng ta sạch tội cả! Không tội nặng thì tội nhẹ, không tội to thì tội nhỏ. Và thực tế: tuổi đời càng tăng, cần phải tỉnh thức hơn trước tình cảnh phạm tội của mình, “…họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất…” (Ga 8, 9). Đây chính là thực trạng mà chúng ta luôn bị sa lầy, tệ hơn chúng ta thể hiện như thể ‘trong sạch, vô tội, cao quý…’ hơn người khác, và rồi mắc vào xu hướng dễ dàng lên án, kết tội tha nhân trong tư tưởng, ngôn từ, lời nói, hành động. Đức Giê-su giúp đám đông và cả chúng ta nữa biết nhận ra rằng: hết thảy chúng ta đều là kẻ tội lỗi, cần phải chân thành thú nhận lầm lỗi của mình và cần được nhận ơn thứ tha.
Thứ đến, câu hỏi nhẹ nhàng khe khẽ của Đức Giê-su vạch trần thói đời phán xét, kết tội anh chị em, khắc nghiệt với tha nhân, nhưng lại quá ư dễ dãi với bản thân: “Những người kết án chị đi đâu cả rồi?…” (Ga 8, 10). Những con người vừa mới mạnh miệng đòi kết tội người phụ nữ đáng thương này đâu cả rồi? Sao họ không kiên quyết với thái độ lên án chị cho bằng được, hay vì họ đã nhận ra điều gì sau một loạt câu hỏi đầy căn tính của Đức Giê-su chăng? Quả thật, Lời Chúa như chiếc gương soi chiếu giúp cho họ và cho chúng ta nhận ra con người tội lỗi của mình, cũng cần được tha thứ, cần có cơ hội ‘đổi đời, hoán cải’, cần tiếp nhận-lãnh hội thái độ cảm thông với tha nhân, chứ chẳng phải đồng loã hay nhúng nhường hoặc thoả hiệp với tội lỗi và sự ác.
Sau cùng, trước thực trạng dễ vấp ngã, rơi vào thói đời kết án người khác nơi tâm tư mỗi người chúng ta, Đức Giê-su loan báo sứ điệp tin mừng cho chúng ta như Ngài đã khẳng định với người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình rằng: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Thật hạnh phúc dường nào khi được Chúa khoan nhân thứ tha! Ôi hạnh phúc thay khi được Chúa trao ban cơ hội hoán cải, tặng ban ơn thánh, gửi trao sứ điệp tha thứ! Làm sao có thể diễn tả hết niềm vui được Chúa đoái thương, dủ tình âu yếm như lời ngôn sứ I-sai-ah trình bày trong bài đọc I: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan…” (x. Is 43, 18-19). Nhờ sứ điệp cứu rỗi, tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta được đổi mới, được thứ tha, được trở nên công chính, biết cảm thương-cảm thông-khoan dung với tha nhân như chính Ngài là Đấng hằng xót thương. Và điều này không ai cảm nghiệm sâu sắc hơn Thánh Tông đồ Phao-lô như ngài xác quyết: “Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giê-su Ki-tô” (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyện:
Chúa không kết tội chúng ta,
Vì Ngài muốn cứu rỗi và thứ tha.
Chúa nào ưa thích sự chết
Chỉ mong kẻ tội lỗi sám hối trở về,
Và ‘từ nay đừng phạm tội nữa’! Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
+++++++++++++
THỪA TỘI nhưng THIẾU TÌNH
Hẳn chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc thanh trừng ngoài đời vì tội ngoại tình! Nào là mượn bọn xã hội đen ra đòn, chơi khăm, xỉ nhục trước thanh thiên bạch nhật. Thiết nghĩ, thời nào cũng xảy ra những bất cập khi bắt quả tang người ngoại tình, đặc biệt trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Họ bắt người phụ nữ ngoại tình, nhưng chẳng đề cập gì đến người đàn ông ngoại tình!
Theo sách luật Do Thái: “Phụ nữ có chồng bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình phải bị ném đá cho chết cùng với người đàn ông đang phạm tội ngoại tình với bà” (Đnl 22, 22; Lv 20, 10). Vậy, rõ ràng có gì khuất tất khi đọc những tình tiết câu chuyện người đàn bà bị bắt và được điệu đến chỗ Chúa Giê-su. Thánh Gio-an viết rõ: “Họ nói thế nhằm thử Ngài, để có bằng cớ tố cáo Ngài” (Ga 8, 6). Như thế, chúng ta có thể nhận ra thực tế cay đắng này là: Nhóm kinh sư và biệt phái mượn vụ án mang tính biểu tượng (ném đá người phụ nữ ngoại tình) nhằm kết liễu Đức Giê-su vì theo họ Ngài mắc tội phạm thượng.
Vụ án biểu tượng
Bị cáo: Một người phụ nữ
Người tố cáo: Kinh sư và những người Pha-ri-siêu
Tội phạm: Ngoại tình, bị phạt theo luật Mô-sê.
Bản án: Tử hình (ném đá đến chết)
Vụ án thực sự
Bị cáo: Đức Giê-su
Người tố cáo: Nhóm kinh sư và Pha-ri-siêu
Tội phạm: Phạm thượng
Bản án: Tử hình
Quả thật, tâm địa ghê gớm ấy không dừng lại, mà nhóm kinh sư và biệt phái còn muốn ‘dương đông kích tây’, ‘mượn gió bẻ măng’ nữa. Họ thực sự chẳng biết mình, nên dễ dàng lầm tưởng về bản thân và đi xa hơn nữa với ý nghĩ biết rõ người khác. Chính vì vậy, chuyện đời thường chê nhau, như ca dao tục ngữ Việt Nam đúc kết:
‘Con chó chê khỉ lắm lông,
Khỉ lại chê chó ăn dông ăn dài.
Lươn ngắn lại chê trạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm’.
hoặc
‘Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm!’
hay
‘Cú lại chê vọ rằng hôi,
Giẻ cùi chê khách dài đuôi vật vờ’.
Nếu nhóm kinh sư và biệt phái thử mở mắt to ra nhìn, thì chân họ có sạch hơn ai, ‘vẫn ăn’ (vẫn cố cựu lên án, kết án người khác) như thường, không ‘ăn nổi’ (công khai) thì ‘ăn chìm’ (lén lút, bí mật). Học giả W. Goethe nói rất xác thực: ‘Có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm, nhưng không thể đi nửa đường chân lý, yêu bằng nửa trái tim’. Sửa dạy, huấn dụ và thực hành luân lý đạo đức là điều cần làm, nhưng đối với Chúa Giê-su: tỏ lộ lòng nhân ái thì cần thiết hơn. Trình thuật về người đàn bà ngoại tình cho chúng ta thấy rõ ràng: theo gương Chúa Giê-su, điều cần làm hơn hết khi phải đối mặt với một lỗi phạm luân lý (đặc biệt trong lãnh vực khiết tịnh) là hãy tỏ lòng thương xót, từ bi và khoan nhân. Chắc chắn đây chẳng phải là thái độ xuề xòa, nhún nhường, dễ dãi cho qua, mà là “thôi chị cứ về đi, từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8, 11), và còn đi xa hơn thế, đó chính là thái độ thương cảm của chính Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét qua lời của Đức Giê-su: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!” (x. nt). Qua đây, chúng ta thấy lời ngôn sứ I-sai-ah được thành sự: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43, 19). Thiên Chúa ‘mở đường nhân từ’ giữa ‘sa mạc xét đoán, lên án, kết tội’, ‘khơi nguồn thương xót’ tại ‘cung lòng khô cằn, chai xạm’ của con người.
Tuy nhiên, trên thực tế, lời cảnh báo của Đức Giê-su: “Ai trong các ông/bà sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7) chưa được chúng ta để tâm chú ý đúng mức. Chính vì vậy, đâu đó vẫn còn ‘ném đá xét đoán, xử phạt’ tha nhân một cách thô thiển, phi lý như ‘ném đá trên mạng xã hội’, ‘like dạo’…Thánh Mác-cô khổ tu khuyên nhủ và giải thích: ‘Ai đã phạm tội thì đừng thất vọng. Đừng bao giờ thất vọng. Chúng ta không bị đoán phạt vì số lượng tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và học biết những phép lạ của Chúa Ki-tô”. Tương tự, nhà hóa học người Mỹ gốc Ca-na-đa, và là một tín hữu Công giáo thánh thiện, Orlando Aloysius Battista (1917-1995) nhận xét: ‘Điểm yếu nhất của hầu hết người ta chúng ta là do dự nói lời yêu thương người khác khi họ còn sống’. Nhìn lại đời sống bản thân, chúng ta thiếu tình yêu, thiếu lòng thương xót, thiếu lòng cảm thông, thiếu nhân từ khoan dung, v.v…, nhưng lại thừa tội lỗi, thừa đam mê chán chường, thừa thói hư tật xấu, thừa hành vi lên án, xét đoán, kết tội anh chị em, v.v…Ước gì trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta ‘trở về với Chúa’!
Cầu nguyện: Đứng trước lòng xót thương của Chúa, người đàn bà khốn khổ bị bắt phạm tội ngoại tình được kín múc hồng ân tha thứ. Xin cho con từ nay thêm tình yêu và lòng mến, bớt tội lỗi và đoán phạt tha nhân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng