Nhảy đến nội dung

Tam Nhật Thánh

    Hãy yêu như Giê-su   Có ai đó nói rằng: sống cho mình thì dễ, cho người khác mới khó. Khó ở chỗ bạn có thực sự dám hy sinh hay không? Vì khi hy sinh bạn có thể tự hỏi: Tại sao mình lại phải hy sinh cho họ? Tại sao mình không có quyền sống cho mình?   Đây là câu hỏi của muôn người hôm nay. Khi mà người ta tôn thờ cá nhân chủ nghĩa cũng đồng nghĩa hai chữ hy sinh bị hạn hẹp trên thế gian. Người ta thường sống ích kỷ lo cho bản thân mà bỏ rơi đồng loại. Người ta thường tính toán với nhau hơn là hy sinh cho nhau.   Mới đây trên cộng đồng mạng loan truyền nhau thông điệp: "Phụ nữ ơi! Hãy ngừng hy sinh". Họ lý giải cho lời hiệu triệu này là: "Từ ngàn năm dưới lũy tre làng, 'con trâu đi trước, cái cày theo sau', người ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, ngay từ khi cất tiếng khóc oe oe thì thân phận của người phụ nữ đã gắn chặt với hai từ 'hy sinh'".   Sự hy sinh vô bờ bến ấy như được "mặc định" trong xã hội. Nó bám riết trong tâm tưởng của người phụ nữ xưa cũng như nay, có lúc sự vất vả khiến đôi chân "phái yếu" quỵ xuống, nhưng rồi họ lại cam chịu. Nhiều gương người chị, người mẹ phải sống cả cuộc đời hy sinh tảo tần lo cho cha mẹ, anh, chị, em mà bỏ mặc bản thân mình cũng được nhắc đến.   "Nghĩ cho cùng, khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục 'hy sinh', đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên vai em gầy guộc mà thôi", tác giả nhắn gửi. Thông điệp này ngay sau đó được cư dân mạng truyền tay nhau như một "lời hiệu triệu" xuất hiện trên hàng trăm diễn đàn, trang mạng xã hội, blog...   Thực ra phụ nữ hay nam giới đều phải  hy sinh. Mỗi giới mỗi vẻ. Mỗi giới đều thể hiện sự hy sinh, lòng quảng đại của mình khác nhau. Hình ảnh người nữ thêu thùa, người chồng gánh nước bổ củi vẫn là những nét đẹp của gia đình. Hình ảnh người chồng cầy ruộng, người vợ cấy lúa vẫn là những bức tranh thập đẹp về sự hy sinh tần tảo của mái ấm gia đình. Thế nên, bình đẳng giới tính không có nghĩa là làm cho phụ nữ biến thành đàn ông, mà quan yếu mỗi người đều phải biết sống hết mình với giá trị của mình trong hai chữ hy sinh.   Điều quan trọng là mỗi người biết sống đẹp trong phận mình bằng cách chu toàn tốt bổn phận. Khi chu toàn bổn phận thì đương nhiên phải có hy sinh, phải dám vượt lên trên sự lười biếng, ích kỷ để cống hiến hết mình thì mới làm nên cuộc đời đẹp. Một cuộc đời có ích cho tha nhân mới là cuộc đời đáng sống, đáng được vinh danh.   Khi Chúa Giê-su cầm bánh và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Dường như Ngài cũng nhắc tới hai chữ hy sinh cần phải có trong đời người ky-tô hữu. Một cuộc đời không có hy sinh thì không phải là cuộc đời đẹp. Một cuộc đời thiếu hy sinh như cây xanh thiếu lá nó sẽ trơ trụi và héo khô. Cuộc đời người ky-tô cũng cần phải có hy sinh để sống có ích cho đời, để sống phục vụ một cách quảng đại mà không nề gian khó.   Chúa Giê-su là tấm bánh bẻ ra để mang lại sự sống cho con người. Cuộc đời người ky-tô hữu cũng chỉ có ý nghĩa khi biết bẻ cuộc đời mình ra để yêu thương và phục vụ tha nhân. Hay có thể nói, đặc tính của người tín hữu là bác ái, là yêu thương. Đây là hiệu kỳ mà người tín hữu phải có trong cuộc đời mình để làm chứng cho tình yêu của Đức Ky-tô. Đây là căn tính không thể mất đi trong phẩm chất người tín hữu.   Hôm nay Thứ Năm tuần thánh, là dịp nhắc nhở chúng ta về tình yêu cao vời của Thầy Chí Thánh Giê-su. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu không so đo tính toán nhưng chỉ biết yêu là cho đi, cho đi đến cùng. Ngài cho đi không chỉ sức lực, trí tuệ để phục vụ mà còn cho đi chính bản thân mình làm của ăn của uống cho con người. Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu là “chết cho người mình yêu”.   Tình yêu ấy Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy làm việc “Này” mà nhớ đến Ngài. Hãy làm lại tình yêu dâng hiến mà Ngài đã hiến thân vì nhân loại. Hãy làm lại tình yêu hy sinh mà Ngài đã cống hiến cho nhân trần. Hãy sống một cuộc đời như Chúa để tình yêu của Ngài mãi ở lại trên thế gian.   Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục, chúng ta hãy cầu cho các linh mục luôn trở thành một Ky-tô khác giữa anh. Xin cho các linh mục luôn vượt lên tính ích kỷ bản thân để cống hiến cuộc đời phục vụ anh em một cách quảng đại. Xin cho các linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa mong ước là dám sống hy sinh hết mình vì đàn chiên. Amen   Lm. Jos Tạ Duy Tuyền     **************************     Thập Giá quà tặng tình yêu       Có nhiều lần chúng ta đã từng tặng quà, hay đã từng nhận quà. Mỗi quà tặng đều có một thông điệp nào đó gửi đến người nhận quà. Có thể là tình yêu. Có thể là sự quan tâm, sự đồng cảm, hay đơn thuần chỉ là quan hệ xã giao  . . .   Khi chọn quà ta ôm ấp hình ảnh người ta tặng trong lòng để có thể hiểu được họ muốn gì, họ cần điều gì? Thế nên, món quà nó gói trọn cả một tấm lòng dành cho người mình tặng quà.   Có một bà lão nói với tôi: “Con để dành cho cha một trái xoài rất lâu rồi, khi nó vừa ra trái con đã nhớ đến cha. Con định bụng khi nó chín sẽ hái biếu cha. Thế mà, chưa kịp hái, đứa nào nó ăn trộm mất rồi, nên con chẳng còn gì biếu cha! Tôi nói rằng: Cụ đã biếu tôi cả tấm lòng rồi. Tấm lòng trải dài rất nhiều ngày luôn nghĩ đến tôi, khi cụ ôm ấp ý tưởng biếu tôi trái xoài.   Hóa ra khi tặng quà người ta đã luôn nhớ đến chúng ta từ trước. Người tặng quà luôn có một tình yêu thực sự dành cho ta. Cuộc sống luôn mang đến cho chúng ta rất nhiều những món quà. Món quà nào cũng hay, cũng ý nghĩa vì nó là tình yêu của người trao tặng chúng ta. Món quà nhận được từ một người đặc biệt thì càng ý nghĩa, càng làm cho ta hạnh phúc. Món quà ấy có khi theo ta suốt đời.   Người ta rằng kể rằng: khi George Nixon Biggs làm Thống Đốc bang Massachusetts, có 3 người bạn của ông đi viếng thánh điạ. Họ leo lên đỉnh núi Golgotha, bẻ một nhánh cây làm gậy. Khi trở về, họ tặng vị Thống Đốc cây gậy và nói: “Chúng tôi muốn Ngài biết cho rằng, khi đứng trên đỉnh đồi Calvê, chúng tôi đã nghỉ tới ngài”. Thống Đốc hết lòng cảm ơn họ, ưu ái nhận quà tặng và nói thêm: “Nhưng thưa các bạn, tôi còn nghĩ xa hơn: ở đó, có một Đấng khác cũng đã nghĩ tới tôi”.   Vâng, Chúa Giê-su trên thập giá đã nghĩ đến chúng ta. Ngài đã làm điều mà người ta cho là điên rồ vì chúng ta. Ngài chết để tặng cho ta món quà sự sống đời đời. Món quà ấy được biểu trưng qua cây thập tự giá. Một thập tự giá là biểu tượng cho tình yêu trọn vẹn dành cho chúng ta. Khi tặng cho chúng ta món quà ấy, Ngài đã luôn nghĩ đến chúng ta. Trong tâm tưởng Ngài luôn nhớ đến chúng ta, và hằng ao ước món quà này sẽ được trao tặng đến từng người chúng ta qua mọi thời đại.   Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh không đơn thuần là chúng ta tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà quan yếu là sống lại tâm tình tri ân về tình yêu quá cao vời mà Ngài đã dành tặng cho chúng ta. Tri ân món quá thập giá mà Ngài đã tặng vì yêu chúng ta. Ngài đã yêu chúng ta đến nỗi bằng lòng chết trên cây Thập Tự. Ngài đã yêu là yêu cho đến cùng để rồi tình yêu của Ngài sẽ mãi muôn đời bất diệt vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu dám chết cho người mình yêu”.   Món quà tình yêu thường vô giá. Món quà đổi cả tính mạng mình càng vô giá hơn. Thế nên, món quà mà Chúa Giê-su ban tặng là món quà vô cùng vô giá, chúng ta nhận lấy bằng cả một tâm tình tri ân thôi chưa đủ, mà còn phải bái quỳ cảm tạ tình yêu cao vời mà Ngài đã dành cho chúng ta.   Thế nên, hôm nay chúng con ta có nghi thức suy tôn Thánh Giá. Chúng ta khiêm cung bái lạy Thánh Giá Cứu Chuộc của Chúa. Vì chính nhờ Cây thánh giá này mà quả phúc sự sống đã được ban đến cho chúng ta. Chúng ta bái lạy Thánh Giá vì thánh giá còn có chính thân thể của Chúa chịu hiến tế vì chúng ta đang hiện diện trên cây thánh giá. Ước gì chúng ta luôn biết sống trong tâm tình tri ân tình yêu cao vời của Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết trân trọng quà tặng tình yêu của Chúa bằng việc trung thành với giao ước của Chúa, và biết noi gương Chúa mà tận hiến hy sinh cho tha nhân.     Lạy Chúa, Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Xin giúp chúng con luôn sống trong ân nghĩa của Chúa. Amen       Lm.Jos Tạ Duy Tuyền     *********************      Niềm tin Phục Sinh       Có một người đố tôi thế này: Thưa cha, người ta kể rằng sau khi Chúa Giê-su về trời, các thiên thần và các thánh đều nghe nói Chúa Giê-su khi còn ở dương thế có thể đi trên mặt nước, liền đề nghị Chúa Giê-su biểu diễn. Nhưng Chúa Giê-su đã bất lực không thể đi trên mặt nước được nữa! Đố cha lý do tại sao?   Tôi còn suy nghĩ thì người ấy nói: Bởi vì đôi chân của Chúa đã bị lỗ đinh xuyên thủng nên nước tràn qua chân rồi! Quả thực, nếu nhìn biến cố Phục sinh bằng con mắt phàm trần có lẽ chúng ta khó có thể hiểu được những gì đã diễn ra trong cái chết và phục sinh của Chúa. Chúng ta không thể hiểu được người chết sống lại sẽ như thế nào?   Có người còn đố nhau nếu mai sau sống lại thì mình sẽ sống lại ở lứa tuổi nào để có thể nhận ra nhau? Sống lại với dung nhan ở tuổi 20 đầy sức sống, ở tuổi 40 với vẻ quý phái, hay ở tuổi 60 đầy phúc hậu . . . Có người còn đố nhau sau khi sống lại sẽ ăn gì, mặc gì . . .?   Những câu hỏi thực tiễn ấy đều được trả lời qua biến cố Chúa Giê-su phục sinh. Ngài đã phục sinh nhưng không còn trong thân xác hữu hạn của con người. Thế nên, các môn đệ đã không nhận ra Người. Sự phục sinh đưa Ngài vào cõi sống trong Thiên Chúa không còn lệ thuộc bởi không gian và thời gian, càng không lệ thuộc bởi cái ăn, cái mặc. Ngài có thể hiện diện ở nhiều nơi cho nhiều người khác nhau. Các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem cũng từng thấy Người hiện ra, và hai môn đệ trên đường Emmau cũng từng thấy Người. Họ gặp nhau và kể lại về những cuộc hiện ra của Người.   Hôm nay chúng ta vui mừng cử hành lễ Chúa Giê-su phục sinh. Chúng ta cùng nghe những chứng nhân kể lại việc Chúa đã sống lại thế nào? Và chính họ đã dùng cả tính mạng mình để làm chứng cho điều mà các ngài đã nghe và đã thấy về sự phục sinh của Chúa. Cho dù có bị cấm đoán, bị đe dọa đến tính mạng các ngài vẫn can đảm nghe lời Thiên Chúa hơn là nghe lời phàm nhân.   Sự kiện Chúa Giê-su phục sinh cũng khơi lên trong chúng ta niềm vui về cuộc đời này. Cuộc đời chúng ta không có tận cùng. Chúng ta sinh ra đã là bất tử vì được tạo dựng giống hình ảnh Chúa vĩnh hằng. Cái chết không là tận cùng mà là cửa ngõ đưa ta vào cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên, trong cõi vĩnh hằng ta sống trong hồng phúc với Chúa hay chịu luận phạt trong biển lửa đời đời? Điều này tùy thuôc vào lối sống của chúng ta hôm nay. Chọn Chúa hay chọn theo ma quỷ? Đi theo lẽ phải hay đi theo tà tâm? Làm việc thiện hay làm điều gian ác? Mọi việc chúng ta làm đều được Chúa phân xử công minh. Thế nên, muốn có được sự sống đời đời hãy theo gương Đức Ky-tô. Hãy sống một cuộc đời như Đức Ky-tô là tìm kiếm và thi hành ý Chúa. Hãy can đảm từ khước những ước muốn tội lỗi, những cám dỗ mà ma quỷ bày ra để ta phản nghịch cùng Chúa. Xin đừng vì những thú vui trần thế mà đánh mất ơn nghĩa cùng Chúa, đánh mất thiên đàng mai sau.   Ước gì niềm tin Chúa phục sinh sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta như đã từng biến đổi các tông đồ. Biến đổi từ con người nhút nhát trở thành con người kiên cường. Từ con người yếu đuối trở thành mạnh mẽ trong ơn thánh của Chúa. Từ con người tầm thường trở thành những con người làm thay đổi thế giới nhờ văn hóa ky-tô giáo mà các ngài rao giảng. Xin Chúa cũng biến đổi tâm tư và cuộc sống chúng ta theo giáo huấn của Chúa. Xin Chúa cũng dùng chúng ta như khí cụ loan báo tin vui Chúa Phục Sinh đến tận cùng thế giới. Amen   Lm.Jos Tạ Duy Tuyền    
Tác giả: