Thiên Chúa Chá nhân lành
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Jos Hồng Ân
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY C
THIÊN CHÚA CHA NHÂN LÀNH (Lc 15, 1-3.11-32)
Bài Tin Mừng CN 4 mùa chay (C) cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài yêu thương hết mọi người, một tình yêu bao la không bờ bến, tình yêu vô vị lợi, không so đo tính toán, không phân biệt sang hèn, không phân biệt màu da tiếng nói; không phân biệt tội phúc. Chúa sẵn sàng đón tiếp hết thảy những ai đến với Người.
Tin Mừng Thánh Lc đã cho ta thấy rõ: “Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giêsu mà nghe Người” (Lc 15,1).
Chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, Ngài đã không ngần ngại tiếp đón hết mọi người, tiếp đón cả những con người tội lỗi, hơn thế nữa, Ngài còn ăn uống với họ, để cảm hóa họ, dạy cho họ biết chân lý, bỏ đường tội lỗi, quay trở về với Thiên Chúa, sống công chính để được hưởng ơn cứu độ của Ngài.
Còn những người Pharisêu và các Kinh Sư tự cho mình là công chính, không cần nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Họ sống tách biệt với mọi người, nhất là những người thu thuế và người tội lỗi thì họ lại càng xa cách. Vì thế, thấy Chúa Giêsu đón tiếp những người tội lỗi đến nghe Người giảng dạy thì họ lẩm bẩm kêu trách Chúa: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". (Lc 15,2).
Nhân cơ hội ấy, Chúa Giêsu đã dạy cho họ bài học, Ngài làm cho họ phải tẩy não, loại bỏ lối suy nghĩ cổ hủ, lối sống bảo thủ và tự nãn, tự cho mình là tốt, khinh bỉ người đồng đạo, đồng hương. Qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Chúa Giêsu cũng mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết mực khoan dung.
Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, Thánh Sử Luca muốn diễn tả ba khuôn mặt: Người Cha tiêu biểu cho Thiên Chúa; người con cả tượng trưng cho nhóm Pharisêu và các Kinh Sư; còn người con thứ tượng trưng cho con người tội lỗi.
1. Người Cha: Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa qua người cha mà Thánh Luca trình bày. Đặc điểm của người Cha này tôn trọng tự do của con cái, có lòng yêu thương và quảng đại sẵn sàng tha thứ, kiên nhẫn chờ đợi, luôn luôn hy vọng. những người con tội lỗi ăn năn sám hối mà quay trở về nhà cha. Trước hành vi của đứa con thứ muốn được tự do lo liệu cuộc sống của mình và tự do sử dụng của cải, người cha không phản đối, không ngăn cản, chấp nhận chia gia tài cho các con mà ông đã chắt chiu nhiều năm, không so đo tính toán thiệt hơn. Dù ông biết là nó không tôn trọng ông và như vậy cũng có thể gây nguy hiểm cho con, nhưng ông vẫn thương để cho con quyền tự do lựa chọn, để con mình ra đi, chấp nhận quyết định của nó. Ông hy vọng nó sẽ chịu khó làm ăn, gặp nhiều may mắn, cuộc sống được ấm no hạnh phúc. Khi người con thứ đã ra đi, người cha ngày đêm thương nhớ, trông chờ đến mất ăn, mất ngủ vì con.
Thiên Chúa cũng yêu thương, luôn tôn trọng tự do của con người. Ngài để con người hoàn toàn tự do hành động, tự do quyết định theo ý riêng. Nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa luôn để mắt nhìn, xem xét mọi lời nói và hành động của con người. Thiên Chúa không can thiệp vào đời sống riêng tư của con người, nhưng Thiên Chúa mời gọi con người tích cực cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài.
2. Người con thứ: Anh ta được sống trong một gia đình bề thế, không phải làm lụng vất vả, được yêu thương, được tôn trọng, được yên vui hạnh phúc… Nhưng anh ta lại nghĩ quẩn, anh cho rằng sống trong nhà cha, anh không được tự do làm việc và sử dụng của cải theo ý mình, nên anh đã xin với cha: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng” (Lc 15, 12). Người cha đã đồng ý chia của cải cho các con. Thế rồi nó thu góp của cải và trẩy đi phương xa, không muốn cha xen vào cuộc sống riêng tư của mình, để mình được tự do ăn chơi, tiêu sài nên anh quyết định ra đi. Việc ra đi của người con là một sự xúc phạm rất nặng, đó không phải chỉ là hành động thiếu tôn trọng, mà là sự phản bội. Đó là sự bạc ác, cắt đứt tận căn mối dây liên hệ tình phụ tử, từ bỏ người cha đã hết mực yêu thương anh, từ bỏ tình ruột thịt, từ bỏ mái ấm gia đình nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng… Anh ta ra đi đến một nơi xa xôi, ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15, 13). Chỉ trong thời gian ngắn anh ta đã tiêu sài phung phi hết số gia tài mà anh đã đem theo. Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như anh nghĩ, người ta chỉ thân và làm bạn với anh khi anh có tiền của, khi hết tiền chẳng ai làm bạn với anh. Anh đem tiền của vào chốn ăn chơi, nướng vào cờ bạc đỏ đen, tửu sắc, nhà hàng quán xá, hộp đêm thì biết bao nhiêu cho vừa, tục ngữ Việt Nam có câu “miệng ăn núi lở”. Và cuối cùng anh cũng trắng tay, bạn bè xa tránh, anh phải sống trong cảnh cô đơn, buồn tủi. Nguyễn Đơn Giản trong bài thơ “Thú lỗi” có câu:
“còn tiền, còn bạn, còn tình
hết tiền, hết bạn, một mình bơ vơ”.
Gặp cơn túng quẫn anh phải đi chăn heo thuê, anh phải sống trong điều kiện tồi tệ. Hơn thế nữa, anh ta còn “ao ước” được ăn thức ăn dành cho heo, để nhét cho đầy bụng cũng chẳng ai cho. Anh ta bị khinh miệt, ăn mặc bẩn thỉu, mất hết phẩm giá của một con người.
Quá khổ cực, bị dồn đến tận chân tường, nên “anh ta hồi tâm và tự nhủ: biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư, gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói” (Lc 15,17) nên anh ta quyết định trở về. Trước khi quyết định trở về với cha, anh ta chuẩn bị sẵn một bài rất chu đáo để thưa với cha “thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa, xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15, 19). Khi đã thuộc bài, anh ta quyết định đứng lên trở về cùng cha.
Người thanh niên ra đi trong sự kiêu hãnh, tự do, mang theo nhiều của cải, ăn mặc lịch sự. Sau một thời gian ăn chơi, anh đã mất tất cả. Anh ta trở về mang theo những con số không: không tự do; không tiền bạc; không bạn bè; không sức khỏe; không dày dép; không danh dự…
Anh ta còn đi thất thểu từ đàng xa “Thì người cha đã trông hấy. Ông trạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Cha anh đã chờ đợi anh từ ngày anh bỏ nhà ra đi, nên anh còn đi từ đàng xa ông đã trông thấy, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để. Cử chỉ của người cha thật là bao dung, đại lượng, không một lời trách mắng, tha thứ vô điều kiện. Ông cũng không để ý để nghe con xin lỗi và trình bày sự thể, anh ta chưa nói hết câu mà anh đã chuẩn bị sẵn: “thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa …”. Người cha không cần trình bày dài dòng, chỉ cần hành vi sám hối quay trở về là quá đủ rồi. Nên anh chưa nói hết câu người cha đã ngắt lời và thúc dục các đầy tớ: “mau mang áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cho cậu” (Lc 15, 22). Cậu con trai của ông đã mất tất cả: mất tiền bạc; mất tự do; mất phẩm giá… Vì tình thương nên người cha sai đầy tớ lấy áo đẹp nhất mặc cho cậu, xỏ nhẫn, xỏ dép vào chân để phục hồi phẩm giá cho anh mà anh đã đánh mất khi bỏ nhà ra đi. Rồi ông ra lệnh mở tiệc ăn mừng. “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 24).
3. Người con cả: Ích kỷ, hẹp hòi, so đo tính toán, hờn giận, ghen ghét, tự phụ, biết tin em trở về thì anh khó chịu, thấy đàn hát nhảy múa, tiệc tùng linh đình thì “nổi giận không chịu vào nhà” (Lc 15, 28). Anh không chấp nhận ngay cả đứa em ruột của mình, khi nó phải cố gắng vùng dậy trong vũng bùn tội lỗi, của các tệ nạn xã hội để trở về với cha và với anh. Nhưng người anh lại không chấp nhận sự đoàn tụ của gia đình. Thực ra xét về mặt tình cảm anh cũng chẳng hơn gì người con thứ, cũng đối xử cạn tàu ráo máng với cha của anh. Anh không bao giờ trái lệnh cha chỉ là để cầu lợi, anh hăng say làm việc là vì nghĩ đến một gia tài kích sù mà anh được kế thừa, anh còn nghĩ đến sự hưởng thụ, anh mơ tới “một con bê béo để ăn mừng với bạn bè” (Lc 15,29). Nhìn hình thức bên ngoài, thì anh là người con cả gương mẫu: vâng lời, cung kính, trung thành, không lầm lỗi. Nhưng khi đối diện của người cha đón em trở về, một cú sốc bao phủ anh, bỗng chốc anh bị lột mặt nạ ngay giữa ban ngày, để lộ chân tướng của một kẻ kiêu ngạo, hận thù, độc ác, tham lam, ích kỷ, những điều lâu nay anh đã cẩn thận giấu kín. Anh sống bên cạnh cha “hầu hạ cha” (Lc 15, 29), nhưng trong lòng anh thật xa cách người cha, xa đến nỗi hờn giận, oán trách cha, vì cha đối xử tốt với em mình, xa đến nỗi không nhận cả em ruột của mình “còn thằng con của cha đó” (Lc 15,30), muốn giết chết, muốn loại trừ cả ruột thịt máu mủ của mình… Người con cả đã không cùng cha để xây dựng hạnh phúc gia đình, không muốn giúp đứa em hư hỏng và dạy dỗ cho nó nên người, muốn phá vỡ tất cả. Thái độ đó đã đưa anh đến chỗ ngụp lặn trong sự căm tức, buồn chán, hờn giận, ghen ghét.
Dụ ngôn “người Cha nhân hậu” đã để lại cho chúng ta một bài học vô cùng quý giá. Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà Cha của chúng ta, được hưởng tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, được tôn trọng, được sống tự do và được hạnh phúc. Thế mà chúng ta không nhận ra, chúng ta lại bỏ nhà ra đi, tưởng rằng được tự do hơn, được mọi người tôn trọng hơn, được hạnh phúc hơn. Nhưng thực tế, đọc dụ ngôn “người cha nhân hậu” chúng ta mới thấy rõ. Bỏ nhà ra đi là đánh mất sự liên đới, không được hưởng tình yêu thương, mất tự do, mất phẩm giá, phải làm nô lệ, đi chăn heo, phải khổ sở, phải ăn đói mặc rách, tức là làm nô lệ cho tội lỗi. Trong mùa chay thánh này, chúng ta cũng hãy hồi tâm, nhìn lại mình, mà quyết tâm đứng lên và trở về với Chúa, để được hưởng tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, để chúng ta được tự do hơn khi ta sống thánh ý Chúa, để được phục hồi phẩm giá là con cái Chúa. Mỗi khi chúng ta ăn năn hối cải quay trở về nhà Cha, chúng ta được Thiên Chúa là Cha luôn quảng đại, tha thứ hết mọi lỗi lầm thiếu xót của chúng ta. Ngài mở rộng vòng tay từ ái đón nhận chúng ta về nhà Cha trên trời và mở tiệc ăn mừng, thật là một bữa tiệc “agape”, bữa tiệc của tình thương. Và “trên trời cũng thế , ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7).
Trong con người chúng ta, chúng ta không chỉ mang khuôn mặt của người con hoang đàng, mà nhiều khi chúng ta cũng mang bộ mặt của người con cả, bộ mặt của những người Pha-ri-sêu và của các kinh sư, sống hình thức, tự cho mình là tốt. Chúng ta tưởng rằng mình thánh thiện, công chính, không bỏ nhà đi xa, nhưng tấm lòng của chúng ta sống xa cách Chúa, không đọc kinh cầu nguyện, không đi lễ, không giúp đỡ tha nhân mỗi khi họ cần, không trái lệnh Cha nhưng sống ích kỷ, hẹp hòi, hờn giận, ghen ghét, oán thù không muốn người khác bằng mình, khinh chê đồng loại. Oán trách Chúa vì đã đón tiếp những người tội lỗi.
Lạy Chúa, Chúng con cũng là những người con hoang đàng, bỏ nhà Cha ra đi, sống xa lìa tình thương của Cha, chúng con đánh mất nhân phẩm, mất tự do, phải làm nô lệ cho tội lỗi, nô lệ cho ma quỷ. Xin Chúa ban ơn giúp chúng con biết hồi tâm suy nghĩ, ăn năn hối cải, quyết tâm trở về cùng Chúa là Cha nhân từ, để chúng con được sống tự do trong tình yêu Chúa, được làm con Chúa, được sống hạnh phúc trong nhà Cha trên Trời. Amen.