Trước ta chẳng ai sánh bằng và sau ta chẳng ai bì kịp
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 17 QN
Trước ta chẳng ai sánh bằng và sau ta chẳng ai bì kịp
“Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng ai sánh bằng và sau ngươi chẳng ai bì kịp” (1V 3,12).
Thiên Chúa nói với Sa-lô-mon: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho” (x. 1V 3,5).
Sa-lô-mon xin : “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (x. 1V 3,9).
Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-mon đã xin điều đó(x.1V 3,10) và Chúa phán : ““Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng ai sánh bằng và sau ngươi chẳng ai bì kịp” (1V 3,12).
Sa-lô-mon đã không xin cho được sống lâu; không xin cho kẻ thù mình phải chết, nhưng xin cho được tài phân biệt để xét xử. Sống lâu mà chẳng nên khôn ngoan; chẳng giàu kinh nghiệm; chẳng trưởng thành về nhân cách thì có ích chi? Việc sống chết là quyền của Chúa, mình có xin cũng chẳng được, khỏi xin thì tốt hơn; nếu là người có trách nhiệm, thì xin cho mình sáng suốt để xét xử cho đúng người đúng tội.
Chúng ta là những “dân ngu khu đen”, nên chúng ta chỉ cần xin Chúa ban cho chúng ta có được một tâm hồn biết lắng nghe để phân biệt phải trái mà sống và làm việc là tốt quá rồi; không cần để xét xử. Việc xét xử để cho Chúa.
Quả thật, ai có được một tâm hồn biết nghe sẽ biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Theo tôi, đó là điều quan trọng và cần thiết nhất. Một tâm hồn biết lắng gnhe, không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe với tất cả tâm hồn của mình. Nghe bằng tai không, thì có thể nghe tai này ra tai kia; nghe cứ như không nghe vậy. Nghe mà chẳng chú ý, chẳng hiểu gì. Còn nghe bằng tâm hồn thì ta sẽ chú ý, suy gẫm, từ đó nhận ra được đâu là phải đâu là trái. Không có một tâm hồn biết lắng nghe, ta dễ tự ái và nổi sung lên lắm.
Người mà không phân biệt đâu là phải, đâu là trái là người không biết đến lý lẽ gì hết. Cứ cho ý mình là đúng và bắt người khác phải theo ý mình. Đó là người ấu trĩ, như con nít. Con nít nó chẳng biết gì, nên cứ thích gì là đòi cho bằng được. Còn người trưởng thành mà lại hành xử ấu trĩ như vậy thì làm sao mà sống với người khác được; làm sao mà yêu thương ai được. Có yêu thì cũng coi người ta như một “đồ vật” thuộc quyền sở hữu của mình, mình muốn làm gì thì làm. Đâu có ai chịu được với cách hành xử như thế đâu.
Như trong những dụ ngôn Chúa nói trong bài Phúc Âm hôm nay:
Người có tâm hồn biết lắng nghe, là người khi gặp được một kho báu ở trong ruộng, thì sẽ chôn giấu lại, rồi về nhà vui mừng đem bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng đó. Khi mua được rồi, thì kho báu kia sẽ về tay mình thôi. Rất chân chính; rất khôn ngoan; danh chính ngôn thuận, không ai bắt bẻ được gì.
Nếu chỉ nghe bằng tai không, thì sẽ tìm cách chôm chỉa; rình rập để vào thửa ruộng để lấy trộm. Làm như vậy là ăn cắp, ăn trộm, sẽ bị người ta truy bắt; có lấy được đi nữa, cũng chẳng đường đường chính chính và an tâm mà xài được. Cứ trốn trui, trốn nhủi thôi.
Thế thì ai khôn hơn ai? Người nghe bằng tai, có khôn mà không có ngoan; khôn mà khôn lỏi; khôn ranh; cái khôn của ma quỉ; chỉ biết đi chôm, đi chỉa. Còn người có tâm hồn biết lắng nghe vừa khôn lại vừa ngoan, biết dùng sự khôn ngoan Chúa ban để suy điều hơn thiệt và biết được chính tà. Điều hơn, điều chính thì làm; điều thiệt, điều tà thì bỏ.
Người có tâm hồn biết lắng nghe, như người tìm được một viên ngọc quí, nên bỏ tiền ra để mà mua. Thuận mua vừa bán, viên ngọc quí đó sẽ thuộc về mình, không ai thắc mắc. Đương nhiên, ông ta đã phải bỏ công, bỏ sức để tìm và bỏ tiền ra để mua, nên mới có được viên ngọc đẹp và quí.
Điều đó cũng cho thấy rằng, người có một tâm hồn biết lắng nghe, biết siêng năng làm việc; biết tìm tòi, học hỏi; không ngại khó, không sợ khổ; không sợ cực. Làm việc gì cũng suy nghĩ trước sau; tính toán cẩn thận; biết mở lòng để đón nhận những góp ý cũng như sự chỉ bảo của người khác.
Siêng năng làm việc thì lúc nào cũng có việc để mà làm, không ở không bao giờ và ta sẽ phát huy những khả năng Chúa ban.
Ham tìm tòi, ta sẽ gặp được những điều thú vị.
Say mê học hỏi ta sẽ có được nhiều bài học, nhiều những kinh nghiệm sống; bởi đó mà luôn có tinh thần học hỏi, đi đâu cũng học; thấy gì không biết thì hỏi; tự lực, tự giác không cần ai nhắc nhở hay thúc giục. Vì mình học cho mình chứ cho ai đâu. Lớn rồi, trưởng thành rồi thì phải tự giác mà học hỏi, đâu có ai chỉ dạy cho mình nữa. Tinh thần học hỏi đó là học nữa, học mãi, học hoài, học cho đến khi tắt thở mới thôi. Sống ở đời ta cần phải học hỏi nhiều lắm; đừng bao giờ cho mình giỏi mà không chịu “học nữa”.
Làm việc gì; học cái gì; tìm tòi cái gì cũng khó, cũng cực, cũng khổ hết, nên khỏi sợ làm chi. Ta phải vận dụng đầu óc để suy trước tính sau xem lợi hại thế nào. Nếu thất bại, biết rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình, cũng như đón nhận những lời góp ý và chỉ bảo của người khác. Ta phải khoan buồn và đừng tự ái. Nếu thành công thì cũng không “nở mũi” quá đáng, luôn luôn tự nhủ là mình cần phải cố gắng nữa.
Có như thế cuộc sống của ta sẽ đầy sôi động; đầy say mê; đầy nhiệt huyết; những công việc ta làm sẽ đầy hứng thú, phấn khởi và chắc chắn, ta sẽ thu được những kết quả tốt. Những kết quả đó, không ai lấy được của ta đâu, họ chỉ thấy mà thèm nhỏ giãi thôi !!!!!!!
Điều chúng ta nên biết là : “Thiên Chúa làm mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người”(x. Rm 8,28). Nên chúng ta đừng sợ khó; đừng ngại làm và không chê bai; chúng ta sẽ có một tiến trình tất yếu là : “Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (x. Rm 8, 30).
Cũng thế, ta cũng có thể diễn dịch như sau: Những ai có tâm hồn biết lắng nghe thì hiểu; những ai hiểu thì biết phân biệt phải trái; những ai biết phân biệt phải trái thì làm đúng; những ai làm đúng thì thành công; những ai thành công thì được hưởng; những ai được hưởng thì hạnh phúc.
Vậy chúng ta hãy đi và cũng làm như vậy, để chúng ta có được một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ta chẳng ai sánh bằng và sau ta chẳng ai bì kịp.
(Lm. Bosco Dương Trung Tín)