Nhảy đến nội dung

Suy bên mộ, gẫm bên đời

Suy BÊN MỘ, Gẫm BÊN ĐỜI

Lm. Bosco Dương Trung Tín

  Mỗi mùa Phục Sinh về, thì hình ảnh của cô Ma-ri-a Madalena lại được tỏa sáng. Vì cô đã được thấy Đức Giê-su Phục Sinh đầu tiên.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Chúa không hiện ra với Đức Mẹ trước hay với tông đồ Phê-rô hay Gio-an, mà lại với cô Madalena ? Phải nói chính xác là Đức Giê-su không hiện ra với Madalena trước mà là cô Madalena được gặp Chúa Phục Sinh trước. Điều đó cho thấy, đúng là Chúa không thiên vị ai. Ai cũng nghĩ, đáng ra Chúa phải hiện ra với Đức Mẹ trước. Nhưng đó là ý nghĩ của con người mà thôi.

Có những lý do chính đáng khiến cho cô Ma-ri-a Madalena được gặp Chúa Phục Sinh trước. Cô Madalena là người chung tình và can đảm. Từ khi gặp Chúa và được Chúa trừ cho khỏi bảy quỉ, thì cô đã bỏ đàng tội lỗi và theo Chúa. Cô theo Chúa trên con đường truyền giáo, cho đến dưới chân thập giá và cho tới ngôi mộ.

Ai cũng sợ, nào là sợ lạnh, sợ ma; lại còn ham ngủ. Còn cô Madalena, chắc là không ngủ được và mong trời mau sáng, để ra thăm mộ. Mục đích của cô là chỉ ra thăm mộ, thăm Chúa; muốn thấy thân xác Chúa, dù biết rằng thân xác đó đã chết. Cô muốn gần, muốn xức thuốc thơm thôi. Thế là mờ mờ sáng, cô đã vội vã ra thăm mộ, không sợ lạnh, không sợ ma và cô đã gặp được Chúa Phục Sinh. Lòng can đảm của Cô đã chiến thắng.

Lại một câu hỏi nữa đặt ra, là cô Madalena có nhận được lời báo trước rằng Chúa sẽ sống lại không? Nếu Chúa báo trước thì Chúa thiên vị. Nhưng thực ra Chúa đã loan báo trước điều đó đến 3 lần: “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị giết chết và ngày thứ 3 sẽ sống lại”(x. Mt 16,21; Mt 18, 22-23; Mt 20, 18-19). Các tông đồ đều nghe lời tiên báo này; còn Madalena không chắc có được nghe không ?

Tại sao các tông đồ lại không ra mộ để được thấy Chúa Phục Sinh ? Đúng là Chúa không thiên vị ai. Ai làm thì người đó được hưởng; ai ra mộ trước thì được gặp Chúa trước. Cô Madalena không ra mộ để được gặp Chúa trước mà chỉ đơn thuần là muốn thăm mộ, muốn thăm xác Chúa thôi. Với tấm chân tình đó, cô đã được gặp Chúa sống lại đầu tiên và được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ. Cô được mang danh hiệu là “Tông đồ của các Tông Đồ”.

Trong Phúc Âm chỉ thấy nhắc đến việc cô Madalena đi báo tin cho tông đồ Phê-rô và Gio-an thôi, không thấy nói đến báo tin cho Đức Mẹ.

Như chúng ta biết, ngay từ khi được Truyền Tin, Đức Mẹ đã biết Đấng Mẹ cưu mang là Con Thiên Chúa rồi. Khi làm phép cắt bì cho con trẻ, được ông Si-mê-on loan báo và cuộc đi lạc của Đức Giê-su lúc 12 tuổi, Đức Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng”(x.Lc 2,51). Rồi trong suốt hành trình truyền giáo, Đức Mẹ cũng đã âm thầm theo Con Mẹ và theo cho đến tận chân thập giá. Quả thật Đức Mẹ đã biết và đã hiểu Con Mẹ là ai. Khi ôm xác con vào lòng Mẹ đã đau đớn trong lòng, nhưng vẫn tin Con Mẹ là Thiên Chúa, sẽ sống lại. Đức Mẹ biết thế nên …. không ra mộ. Chỉ có Phê-rô và Gio-an là chạy ra mộ thôi. Chắc Đức Mẹ và hai ông Phê-rô và Gio-an không ganh tị gì với cô Madalena cả.Quả thực người mà Chúa muốn gặp là các tông đồ cơ, để các ngài tiếp tục sự mạng của Chúa trên trần gian này.

Suy như thế, ta lại gẫm nghĩ đến ta. Suy bên mộ, ta lại gẫm bên đời. Nhiều khi trong cuộc sống ta lại hay có sự ganh tị vô lý và vô duyên. Thấy người khác được yêu, được thương ta lại ghen, lại tức lồng lộn lên. Tại sao không ai yêu tôi, không ai thương tôi mà lại đi thương, đi yêu người đó ? Người đó có gì hơn tôi chứ ? Người đó đâu có đẹp hơn tôi; đâu có giỏi hơn tôi đâu ?

Tại ta không chịu coi lại mình đấy chứ. Mình đẹp mà mình kiêu; mình giỏi mà mình khinh người. Trên đời này đâu có ai yêu người kiêu; đâu có ai thương người khinh người bao giờ. Người ta yêu là yêu cái nết; người ta thương là thương cái chân tình. Còn mình đẹp mà mất nết; mình giỏi mà hỗn láo thì ai thương mình cho được.

Hơn nữa, mình yêu nhưng không được yêu lại. Vì mình yêu mà muốn trèo lên đầu lên cổ người ta; muốn gì là phải được nấy; không cho là nói không yêu. Thực sự, không biết mình yêu gì ? Yêu người hay yêu của ? hay yêu chính mình ? Lúc nào cũng cho là mình đúng, mình hơn, đến nỗi không nói được gì, cũng không trao đổi được gì với mình. Có nói thật thì mình không tin; có nói chơi mình lại tưởng thật. Bó tay !!! Như vậy làm sao mà hợp. Cứ như hai đường thẳng song song, nên không bao giờ gặp nhau, không có một điểm chung nào.

Thế thì đường ai nấy đi. Có yêu thì cũng yêu đơn phương thôi, chứ là sao được yêu lại. Người ta nói “yêu và được yêu thì không có hạnh phúc nào bằng”. Muốn được yêu thì ta phải chân tình, đơn sơ và can đảm như cô Madalena ấy. Đơn sơ và chân tình để tỏ tình và can đảm để bỏ mình, bỏ ý riêng, bỏ cái tôi, ta sẽ được yêu, được quí trọng và được hạnh phúc.

Ngoài ra, nhiều khi ta ganh tị với người khác, tại sao người kia giỏi vậy và làm tốt thế ? So với người đó, tôi còn có nhiều lợi thế hơn mà. Ta có bằng này bằng kia mà ! Ta có bằng cấp này nọ nhưng ta không chịu tập, không chịu luyện. Ta không nghe ông bà ta nói sao: “Trăm hay không bằng tay quen”. “Hay” cái miệng mà không “quen” làm thì vất đi. Ta có nhiều lợi thế nhưng ta không biết dùng. Bằng cấp là một chuyện, đi vào thực tế lại là chuyện khác chứ. Đâu có phải ta có bằng tiến sĩ là ta làm được hết mọi việc cách ngon lành và thành công đâu.

Thực tế đã trả lời. Có người chẳng có bằng cấp gì, chẳng có lợi thế gì, thế mà người ta lại giỏi dang, lại làm được việc, làm cho ta phải so bì đấy. Đời hơn nhau là sự kiên trì. Kiên trì như cô Madalena ấy. Kiên trì sửa đổi, kiên trì theo Chúa.

Họ kiên trì học, họ siêng năng học, họ học nữa, học mãi, học hoài. Họ học ở trường, học ở đời; Học ở trường phải có thầy và chỉ là kiến thức; Học ở đời thì phải tự học và đó chính là những kinh nghiệm sống. Học hoài thì giỏi hoài thôi.Còn mình thì mới học được một tí cứ tưởng là nhiều lắm rồi, không thèm học nữa. Có thầy thì học, không thầy thì chỉ đi chơi, đi đây đi đó, đi hóng gió thôi thì ta có được gì. “Đi một ngày học một sàng khôn” mà. Nhưng ta có học đâu mà được “sàng khôn”.

Không những siêng năng học mà người ta còn chăm chỉ thực tập, thực hành nữa. Người ta làm tốt vì người ta đã luyện, đã tập biết bao lần. Rồi người ta biết chuẩn bị trước chuẩn bị sau; chuẩn bị xa chuẩn bị gần. Có làm sai mà được góp ý thì người ta vui mừng đón nhận; có thất bại thì người ta làm lại, làm cho tới khi nào thành công. Bởi đó mà người ta giỏi thì đâu có gì lạ. Còn mình thì cứ tới đâu hay tới đó, cứ “nước đến chân mới nhảy”; ai mà góp ý thì ta cau có, có khi ta thù hằn.Vậy thì ai mà muốn góp ý gì cho mình nữa. Nên ta mãi vụng về, luôn làm thiếu và hằng làm sai thôi.

Rồi ta cũng làm, cũng nói mà tại sao không có ai quí, không có ai trọng ta hết vậy ? Phải, ta làm nhưng ta làm không hết lòng, ta làm cho qua, ta làm giả bộ. Ta nói thì hay mà làm thì dở; nói thì nhiều mà làm thì ít. Còn người ta làm với hết tấm chân tình và hết lòng hết sức. Nói thì ít mà làm thì nhiều, nên được người ta quí, người ta trọng thôi.

Vậy thì tại ai ? Ta có lý gì để so bì, để ganh tị không ?

Trong Mùa Phục Sinh, ta hãy suy gẫm và noi gương cô Ma-ri-a Madalena để rút ra bài học cho mình. Cô Madalena thì bên mộ, còn ta thì bên đời.

Muốn được gì thì ta hãy cố gắng, ta sẽ có. Muốn được yêu thì ta phải đơn sơ, chân tình và cam đảm. Chúa không thiên vị ai đâu. Ai làm thì người đó hưởng. Đối với Chúa, ai cũng như ai, dù là nam hay nữ; dù tu hay không tu, tất cả đều được Chúa mới gọi đến gặp Chúa. Nên ta hãy nhanh chân, nhanh tay và với lòng yêu thương chân tình mà chạy ra MỘ; mà chạy đến gặp Chúa. Đó là cuộc đua trên thao trường trần gian này. Thực ra Chúa không còn ở ngôi mộ nữa, Chúa đã sống lại và lên trời rồi, ta không ở BÊN MỘ, không ra MỘ làm chi, nhưng hãy rút ra bài học để ta sống BÊN ĐỜI. Ta mà sống tốt lành, thánh thiện ta sẽ được gặp Chúa; ta mà thiết tha, chân tình và cố gắng bao nhiêu ta sẽ được thương, được yêu và được hưởng bấy nhiêu. Ta sẽ nhận được những gì tương xứng với công sức ta bỏ ra. Ta làm thì ta hưởng, không phải so bì hay ganh tị với ai; cũng không kêu ca hay than trời trách đất gì hết. Người ta gọi là Suy BÊN MỘ, Gẫm BÊN ĐỜI là vậy.

Tác giả: