Nhảy đến nội dung

Vươn tới sự phục vụ đích thực

    Vươn tới sự phục vụ đích thực     Cuộc sống con người là một cuộc tranh đua không ngừng để vươn lên mỗi ngày, nhờ đó mới có sự tiến bộ về mọi mặt. Sự cố gắng ấy là tốt nhưng không thiếu những cái xấu, nguy hại khi người ta dùng mọi mưu mô để chức tước, danh dự và địa vị.    Chúa Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng về quan điểm lối sống đầy bất ngờ, khó chấp nhận, đó là :"Ai muốn làm lớn thì phải làm người đầy tớ phục vụ mọi người". Chúa Giêsu đã trông thấy những con người muốn thống trị người khác thích ăn trên ngồi chốc. Ngài không chấp nhận khuynh hướng xấu ấy. Ngài đã nói cho các môn đệ rằng : "Thầy sống giữa anh em như một người đầy tớ".   Thật vậy, chức vụ, chức vị, chức tước hay chức quyền là để phục vụ giúp đỡ tha nhân. Nhiều người bị hư hỏng vì lạm dụng quyền hành trong chức vụ tổng thống, chủ tịch, giám đốc,...và nhiều cuộc cãi vã, ẩu đả, đánh chém phần lớn là do tranh chấp địa vị, ngôi thứ, bổng lộc, danh dự. Bản thân các môn đệ theo Chúa nhiều năm bây giờ cũng bộc lộ tính xấu ấy : dọc đường họ cãi nhau, tranh luận xem ai là người lớn hơn cả (x. Mc 9, 31-35). Giống một đám trẻ con cãi nhau, không chịu nhau, lườm nguýt khinh bỉ nhau bởi vì có một đứa được bầu làm tổ trưởng, lớp trưởng!   Văn hoá thời đại này làm người ta nghiêng về vấn đề thành công, quyền hành, vinh quang và chiến thắng. Có khi dùng mọi cách để đạt thành tích, huy chương, huy hiệu. Nền giáo dục VN đang ra sức chống lại bệnh thành tích là vậy. Ai cũng có khuynh hướng, tham vọng làm lớn. Lịch sử nhân loại xưa nay đã minh chứng : Luxiphe kiêu ngạo đòi làm lớn đã bị phạt thành ma quỷ. Ađam, Evà đòi làm thần linh nên bị phạt chết. Còn Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả quyền năng, lại muốn hạ mình làm người tôi tớ phục vụ con người trong sự khiêm nhường, đơn sơ, khiến thiên hạ không nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa cao cả nữa. Các môn đệ tưởng Chúa Giêsu sẽ xuất hiện uy nghi, lẫm liệt nhưng Ngài lại rất hiền lành và khiêm nhường.   Tưởng Chúa là vua trên cao nhưng lại hết sức gần gũi với mọi hạng người, đặc biệt Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa xong Ngài nói : "Nếu Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em"(Ga 13, 14-15).   Chúa Giêsu đã nói, đã làm, sống điều Chúa dạy con người. Còn chúng ta nói mà không làm. Các trường học ngoài đời không dạy người ta khiêm nhường, hiền lành, phục vụ, hy sinh chịu đựng. Chỉ có trường học của Chúa Giêsu mới dạy điều này mà thôi. Quả vậy, thế giới, xã hội này sẽ an vui, hạnh phúc nếu mọi người biết sống quên mình phục vụ nhau như Chúa dạy. Cho nên, những người nắm quyền, những nhà lãnh đạo phải biết quan tâm đến nhu cầu, quyền lợi hoặc sự thăng tiến của cộng đoàn. Quyền hành, chức vụ cần cho đạo cũng như đời nhưng khi bị lạm dụng thì các phần tử, bề dưới sẽ bị tổn thương, thiệt thòi.   Các thánh là những người tiếp nối và theo sát con đường yêu thương phục vụ như Chúa. Ví dụ : thánh Gioan Bosco chuyên phục vụ những thanh thiếu niên lang thang, mồ côi. Mẹ Têrêxa Calcutta chuyên phục vụ những người nghèo đói, bệnh tật, già cả,...Thánh Gioan Maria Vianey đã phục vụ người nghèo hết mình. Thánh Phêrô cảm nghiệm điều Chúa dạy, nên đã khuyên tín hữu của mình rằng :"Anh em đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em nhưng hãy nêu gương sáng cho họ"(1Pr 5,3).Vì ở đời người ta thường nói "quan nhất thời dân vạn đại" 'lên voi xuống chó' là chuyện thường xảy ra.    Nơi này nơi kia đã xảy ra bạo động, xuống đường, biểu tình, đả đảo vì đã có sự bất công, bóc lột, hống hách, cường quyền, đế quốc, áp đặt của người cầm quyền. Giá trị của một con người không phải là địa vị, áo quyền, mũ đai hay quyền hành mà là sự phục vụ. Có địa vị mà không phục vụ là người vô ích, nguy hại cho người khác. Ai biết phục vụ là người làm lớn. Ai không chịu phục vụ là người làm nhỏ. Theo Chúa Giêsu, đối tượng để phục vụ đó là đón tiếp một em nhỏ: tượng trưng cho người thấp cổ bé miệng, nghèo hèn, dốt nát, quê mùa, đói khát, bệnh tật, bị khinh thường, bị bỏ rơi,...Chính Chúa đã đồng hoá mình với họ khi nói : "Ai cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây uống dù chỉ là một chén nước...là làm cho chính Ta vậy". Hoá ra, điều quan trọng không phải là làm lớn mà là phục vụ với tinh thần nào? Phục vụ ai?   Sở dĩ Thiên Chúa lớn lao vì Ngài quảng đại, yêu thương, phục vụ. Vì tình yêu thương làm cho ta lớn mãi vô cùng. Mà kết quả của sự yêu thương là phục vụ. Bài học Chúa dạy thật là bất ngờ, lạ lùng, ngược đời, khó thực hiện và đầy mâu thuẫn nữa. Nhưng đấy lại là con đường đem lại sự sống và bình an đích thực.   Đã có những cuộc hội họp, tổ chức tranh giành quyền hành làm hại cho sự hiệp  nhất của cộng đoàn ; bộc lộ tính ích kỷ và ghen tương cá nhân. Tính ghen ghét, cạnh tranh có thể xảy ra ở bất cứ người nào, hoàn cảnh nào. Nó là một trong bảy mối tội đầu, mà thánh Giacôbê đã giải thích đó là những thứ ham muốn bất chính trong lòng người ta.    Xã hội hôm nay càng văn minh, đất nước càng phồn thịnh thì khoảng cách con người càng xa, có sự chênh lệch giàu nghèo, thành công thất bại, quyền lợi địa vị danh dự, làm cho người ta càng ngại đến với nhau. Làm lớn càng ít bạn là vậy.    Người kitô hữu không chỉ nghĩ và sống như thế. Chúng ta tin và theo Chúa Giêsu hãy đến với nhau, sống với nhau đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi địa vị, mà hãy phục vụ nhau trong sự khiêm tốn để làm cho khoảng cách con người gần nhau hơn, thấy đời đáng sống hơn, làm cho đạo Chúa được sáng mỗi ngày qua đó người nhận biết Thiên Chúa thật đáng mến, đáng yêu và đáng tôn thờ.            Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn www. trongkhan.net