Nhảy đến nội dung

Cảnh báo về vấn đề giữ vệ sinh

Cảnh báo về vấn đề giữ vệ sinh

 

 

Thời đại này đang có nhiều bệnh dịch lây lan, đặc biệt dịch cúm A/H1N1. Cả thế giới đang đề phòng. Đã có nhiều trường hợp bị nhiễm virút tại Việt Nam, mấy trường hợp tử vong. Bộ y tế đưa ra nhiều lời khuyến cáo, biện pháp phòng tránh, trong đó có hình thức rửa tay kỹ thường bằng xà bông (xà phòng).

Mấy người Pharisêu và kinh sư thời Chúa Giêsu thì giữ cái khoản này hết chê luôn. Nhưng không phải để phòng bệnh cúm, mà họ cho đó là luật lệ thánh nên nó mang tính tôn giáo. 'Họ không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận, thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước rồi mới ăn...'. Quả là trưởng ban vệ sinh ! Chắc được bộ y tế chấm điểm cao lắm đây? Không ngờ lại bị vị 'bộ trưởng bộ y tế thế giới' chấm điểm quá thấp. Ông chấm theo hình thức và tiêu chuẩn khác là từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Ông chấm theo ý hướng làm chứ không phải là hình thức làm. Ông thấy bệnh từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Nguyên nhân truyền nhiễm bệnh xuất phát từ cõi lòng con người ta chứ không phải là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc vệ sinh chân tay, các đồ dùng ăn uống. Theo ông 'bộ trưởng bộ y tế' bấy giờ cho biết : "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho người ta ra ô uế. Vì từ trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ trong xuất ra, và làm cho người ta ra ô uế" (x. Mt 15, 17-20). Hỏi thử từ các cháu thiếu nhi cho đến cụ già sắp chết có những tư tưởng xấu xa đó ít nhiều hơn kém?

Quả thật, Chúa Giêsu là bác sỹ nội soi thấy hết bằng đó (12) con virut trong lòng người ta. Thấy được điều đó mới là quan trọng. Có những con virut đó mới là đáng sợ, chứ còn rửa tay chân, lau chùi bát đĩa chưa quan trọng.

Tệ hơn là mấy ông Pharisêu và kinh sư còn dám bỏ điều răn Thiên Chúa mà duy trì tập tục của tiền nhân. Cái nào quan trọng hơn thì phải biết chứ. Môsê đã nói :"anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa"(Đnl 4, 1-2.6 - 8). Hôm nay cái kiểu 'lệnh vua thua lệ làng' mà áp dụng vào lãnh vực nhà đạo xem ra không ổn rồi. Chẳng hạn, chúng ta thích bày ra nhiều thứ tập tục trong làng xã, rồi cố gắng duy trì nó hết mức mà lại không để ý giữ luật Thiên Chúa, luật giáo hội ; thích phô trương những hình thức bề ngoài như: quần áo, nghi thức, công trình, đồ đạc đẹp đẽ nhưng tâm hồn thì bê bết, choe choét xấu xa. Vẻ bề ngoài nó cũng tốt cần giữ nhưng đấy không phải là điều chính yếu. Cốt lõi bên trong mới là điều quan trọng. Sống đạo không phải là giữ lề luật suông, mà là tình yêu mến bên trong việc giữ luật. Khi người ta không còn tình yêu tình cảm nữa thì thường dùng tới luật. Những hình thức bên ngoài cũng cần thiết và quan trọng nhưng nó phải giúp chúng ta thực hành luật Chúa tốt hơn, giúp ta nâng tâm hồn lên với Chúa dễ dáng hơn, giúp ta gặp gỡ tha nhân cách chân thành hơn. Đạo Chúa là đạo tình yêu chứ không phải là đạo của những lễ nghi, lề luật máy móc vô hồn.

Hà Nội mấy năm trước có cuộc triển lãm 'hàng thật hàng giả'. Chúa Giêsu tố giác một lối sống đạo đức giả hình của những người Pharisêu và kinh sư, qua đó Chúa dạy bảo một lối sống trong đạo đức đích thực. Tục ngữ dân gian mình có câu 'khẩu Phật tâm xà' hay 'miệng thưa thớt dạ ớt ngâm' hay trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu 'Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà lòng nham hiểm giết người không dao'. Sợ thật.

Vấn đề hàng giả, thuốc giả gây tác hại lớn trong cuộc sống con người. Bằng cấp giả, người giả, đạo đức giả, lối sống đạo giả thì tác hại ghê gớm thế nào nữa. Phim sạch và phim đen, mặt trái và mặt phải ...đó là những hiện tượng, vấn đề chúng ta phải đối diện hằng ngày. phải làm sao đây? Có biện pháp nào để khắc phục và sửa chữa? Phải sửa từ bên trong cõi lòng người ta, gọi là 'chữa bệnh tận căn'. Rửa bên ngoài không bằng rửa bên trong. Rửa tay không bằng rửa tâm hồn. Sống đạo không phải là bằng nghi thức mà là bằng con tim.

Chúng ta cần xem lại cõi lòng mình xem có cái gì cần phải tẩy rửa không? Có chỗ nào dơ bẩn không? Chúng ta đề cao những loại luật lệ, nghi thức nào? Chúng ta duy trì những tập tục nào của tiền nhân? Cái gì còn tốt, cái gì đã lỗi thời, cái gì lệch lạc cần sửa chữa chỉnh đốn?

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

www.trongkhan.net