Một Lần Vào Ngân Hàng
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Bùi Trọng Khẩn
MỘT LẦN VÀO NGÂN HÀNG
Cả ngày phải đếm tiền và làm việc với tiền bạc, chắc những nhân viên của ngân hàng cũng chẳng thấy thú vị lắm. Nhìn thấy và được cầm một nắm tiền mà mình chẳng được sử dụng nó theo ý mình muốn thì cũng chẳng sung sướng gì, có khi còn đau khổ thêm! Dĩ nhiên họ vẫn say mê và được…sáng mắt thêm nữa! Nguồn gốc của tiền bạc có từ lâu. Người ta trao đổi với nhau bằng tiền bạc để mua bán, để đổi chác các giá trị vật chất, tinh thần, công sức lao động….Bởi thế, tự bản chất tiền bạc có một giá trị rất hấp dẫn, vì nó dùng để mua bán đổi chác lấy bất cứ thứ gì. “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhân viên ngân hàng được đếm, được cầm trong tay đủ loại tiền khác nhau, tới độ thuộc lòng từng loại tiền và ngón tay cũng bị mòn đi vì đếm tiền! Mắt họ cũng trở nên tinh sáng hơn để biết phân biệt loại giả và thật. Vì thế, người chậm chạp và kém mắt quá thì đâu có được tuyển vào đây. Nghĩa là đặc tính của nhân viên ngân hàng phải phù hợp và gắn chặt với tiền bạc. Nguy hiểm ở chỗ, nhiều khi họ coi người khác chẳng ra gì cả. Vì tiền bạc đã chi phối họ quá mạnh. Giá trị của đồng tiền đã phủ lấp cái nhìn của con mắt tự nhiên. Quan hệ với đồng tiền trở nên quan trọng hơn tương quan con người. Vì vậy, rất dễ coi thường kẻ nghèo đi vào ngân hàng. Mình chỉ có một chút tiền gửi vào ngân hàng thì chắc không được họ “nể” bằng người gửi nhiều. Đúng là tiền của làm tăng hoặc giảm phẩm giá con người. Tuy nhiên không hẳn nhân viên ngân hàng nào cũng vậy, nhưng ít nhiều đều bị ảnh hưởng và họ có cái nhìn khác với chúng ta. Có việc vào ngân hàng, quan sát chung quanh mới thấy, đúng như người ta nói: “lạnh như tiền”. Lạnh không khải do chất của đồng tiền vì băng tuyết còn lạnh hơn nhiều ; nhưng lạnh do nội dung của đồng tiền và người bảo vệ nội dung ấy. Đây là một nét rất thường thấy không chỉ trong ngân hàng mà ở bất cứ đâu, nơi bất cứ ai làm việc nhiều trên tiền bạc. Dù tiền bạc có một sức mạnh ghê gớm chinh phục người ta nhưng cũng đừng để cho nó làm chủ lòng mình. Đừng để cho nó điều khiển con người mình. Đừng để cho nó làm chúa của mình. Đừng để cho nó dẫn ta đi tới chỗ hạ phẩm giá mình hoặc phẩm giá tha nhân. Nhân viên ngân hàng không chủ trương bất cứ một điều gì xấu khi phải làm việc với tiền bạc, nhưng thời gian đã làm cho đồng tiền ngấm vào xương máu họ lúc nào không hay, làm họ có thể coi nhẹ những giá trị khác nào đó quan trọng gấp mấy tiền bạc. Nhân viên ngân hàng nhiều khi rất muốn đối xử và nhìn khách hàng vào đây với cái nhìn thiện cảm và... thương xót nhưng có thể do công tác nghề nghiệp hoặc “chất lạnh” của đồng tiền chi phối. Làm sao giải thích hơn được? Làm sao chữa được tình trạng này? Khó lắm. Đồng tiền ngự trị và thống trị lòng người một cách rất tế nhị và "duyên dáng" nên người nào cũng yêu mến, say mê nó. Có ai không thích tiền đâu. Đứa bé mới biết chữ là thích tiền bạc. Xưa nay người ta xâu xé, ẩu đả, đánh chém, chiến tranh cũng quy về tiền bạc. Người ta mua chuộc, lừa đảo nhau cũng vì mục đích tiền bạc. Muốn thăng quan tiến chức cũng nhắm tới tiền bạc. Sự đời là thế. Ta được quyền thích thú và sử dụng tiền bạc. Ta được quyền dùng nó theo ý mình. Nhờ vậy ta mới cảm thấy hạnh phúc, chứ cứ phải theo ý kẻ khác thì thấy không hạnh phúc lắm. Lúc này xảy ra cuộc chiến nội tâm giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. Có quyền sở hữu mà không được quyền sử dụng thì nhiều khi trở thành vô nghĩa trong một số trường hợp, trong một số phạm vi nào đó. Nhân viên ngân hàng có quyền sở hữu tiền bạc trong tay nhưng quyền sử dụng bị hạn chế. Bề ngoài xem ra họ có tất cả tiền bạc trong tay. Họ được quyền đếm, được quyền trao cho người khác mà. Còn quyền sử dụng thì khác. Thế mà, vô tình họ đã để cho cái quyền sở hữu lấn chiếm, điều khiển lòng họ khiến họ tưởng rằng họ có quyền này quyền nọ, và đối xử với người khác như là kẻ có nhiều tiền bạc trong tay vậy. Giả sử có nhiều tiền bạc trong tay với quyền sử dụng của mình thì mình cũng có quyền đối xử với người khác theo như tiền bạc mình đang có. Thực tế, người ta dùng tiền bạc để điều khiển người khác rất nhiều. Nhưng đàng này mình không có quyền sử dụng theo ý mình mà nhiều khi lại cứ đối xử với người khác như là mình có quyền sử dụng tự do vậy! Thật là nghịch lý và đáng trách lắm.Nói vậy, nhưng chúng ta không dừng lại ở những nhân viên trong ngân hàng với tiền bạc ở đấy, mà mình phải đặt mình khi đối diện với những hoàn cảnh, tình huống thực tế. Lúc mình làm việc cho một tập thể, một cơ quan, một cộng đoàn, một gia đình hay với một ai đó… cũng xảy ra những điều tương tự như thế. Tính kiêu căng, hống hách, trịch thượng, nhìn người khác bằng nửa con mắt, coi người ta dưới chướng của mình về vật chất hoặc tinh thần là bởi vì mình đặt mình quan trọng trong cái tập thể ấy. Nhưng thực ra mình lại không phân biệt quyền trong tập thể ấy cho rõ ràng.
Lạy Chúa, chúng con rất say sưa tìm kiếm tiền của. Chúa chẳng cấm chúng con điều ấy. Nhưng Chúa ơi, rất nhiều khi chúng con không để cho lòng mình và tiền của có một khoảng cách. Chúng con cứ để lòng nơi tiền của chứ không phải là tiền của nơi lòng. Chúng con cứ loay hoay và lo âu vì thiếu tiền bạc chứ không lo về cách sử dụng nó. Chúng con đặt tiền của lên trên con người. Chúng con đặt tiền của làm chúa cho mình mà quên đi Thiên Chúa là Chúa của tiền của. Xin cho con biết nhìn tiền của và sử dụng tiền của theo ý Chúa muốn. Amen. Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn ==========================================