Nhảy đến nội dung

Chấp nhận đau thương để được an bình

CHẤP NHẬN ĐAU THƯƠNG ĐỂ ĐƯỢC AN BÌNH

Chúa Giêsu nơi trang Tin Mừng hôm nay muốn nói với chúng ta hai điều quan trọng trong đời sống cộng đoàn, đó là phải tránh làm gương xấu và tránh xa các dịp tội. Chúng ta cùng tìm hiểu về hai điều quan trọng này.

Trang Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui. Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc. “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi… ”Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không? Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không? Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn. 

          Trước hết, đó là phải tránh làm gương xấu. Chúa Giêsu nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển thì hơn” (Mc 9,42). Quả thật, thiên chức của người tông đồ rất cao quí, nên Chúa Giêsu dạy các Tông đồ không được làm gương xấu cho những kẻ bé mọn. Vậy “những kẻ bé mọn” là ai?

Ở đây Chúa Giêsu muốn ám chỉ những người hèn kém, khờ dại, dốt nát, không được học hỏi những vấn đề luật pháp. Những kẻ bé mọn có lòng tin này là những người thuộc giai cấp bình dân có thiện chí muốn học hỏi Kinh Thánh, luật pháp, và thường được các thầy thông luật giải thích Thánh Kinh, luật pháp, nhưng lại bị giải thích sai lạc vì những gương xấu. Về gương xấu, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã răn đe rất nghiêm ngặt những ai gây gương mù gương xấu: “Thà buộc cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”. Ở đây, Chúa Giêsu muốn nói đến sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.

Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là tính chất quyết liệt của những lời đó, có nghĩa là phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Quả thật, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào đều tồn tại những điều xấu. Đó là những lề thói những đức tính không tốt, có hại cho bản thân, cho mọi người xung quanh và cao hơn nữa cho cả cộng đoàn. Nếu những điều xấu ấy cứ tồn tại, phát triển, lây lan khó mà thay đổi được, lúc đó có thể trở thành tội. Phải ngăn chặn ngay từ đầu, nếu không sẽ khó mà cứu vãn được mạng sống.

Điều mà Chúa Giêsu muốn chuyển tải chính là giá trị tối hậu mà Chúa muốn chúng ta coi trọng đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47). Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác. Hơn nữa, chúng ta lại càng phải từ bỏ hy sinh những gì cản trở khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi. Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. Chúng là những chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường. Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã. Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời, nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn.

Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta ngày hôm nay, đó là phải tránh xa dịp tội. Chúa Giêsu nói: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi, thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục” (Mc 9, 43).

Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết nhất, hơn là phạm tội mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc mắt, không thể hiểu theo nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ một phần thân thể, nhưng qua cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân, chặt tay. Chẳng hạn, hy sinh của cải vật chất cho sự sống và hạnh phúc của đồng loại, cũng đau đớn như hy sinh một phần thân thể, nhưng sẽ chiếm hữu được Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã nói: Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà trú ngụ, người ấy sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp.

Chúa Giêsu nói một cách cường điệu như thế là muốn cho chúng ta thấy sự trầm trọng của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại rất lớn mà nó gây ra cho mọi người. Ở đây chúng ta không được hiểu cách nói cường điệu của Chúa Giêsu theo nghĩa đen, nghĩa sát mặt chữ.

          Thực ra, những lời nói của Chúa Giêsu không thể được hiểu sống sượng theo nghĩa đen. Ý mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chúng ta phải tránh xa tội nặng bằng bất cứ giá nào. Chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để loại trừ điều ác ra khỏi đời sống chúng ta. Chúng ta phải làm mọi cách để tránh dịp tội, nếu không chúng ta sẽ phạm tội và sẽ phải chết.

Thế giới chúng ta đang sống có rất nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Chính vì thế chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ để khử trừ các dịp tội, các cơn cám dỗ. Nếu thân xác cần phải cắt bỏ khối u ung thư để cứu lấy mạng sống thì tương tự như thế linh hồn cũng cần phải cắt bỏ những thói quen tội lỗi để cứu lấy sự sống linh hồn. Chúng ta có thể "cắt bỏ" một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông thả, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính v.v… Cắt bỏ như thế có thể đau đớn như "móc con mắt, chặt cánh tay". Thế nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa.

Rất thực tế khi chúng ta chịu phẫu thuật, cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống. Vậy khi Chúa bảo ta phải chặt tay, chặt chân, móc mắt không phải muốn hành hạ ta, mà trái lại chính Ngài yêu thương ta, Ngài muốn ta được hạnh phúc, nên Ngài dạy ta phải dứt khoát với tội lỗi. Nhiều khi vì nhẹ dạ, ham vui, đã đưa đẩy chúng ta đến chỗ sống trong tội lỗi, đam mê dục vọng, để rồi sống một đời khổ sở. Chúng ta hãy chọn chấp nhận đau đớn một lần để được cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Tác giả: