Nhảy đến nội dung

Chúa Kitô đã dạy chúng ta điều gì trong Vườn Giệtsimani

Chúa Kitô đã dạy chúng ta điều gì trong Vườn Giệtsimani

Sứ điệp mà Chúa Kitô trong Vườn Giệtsimani mang đến thế gian có vẻ không thực tế, nhưng lịch sử đã chứng minh điều đó là chân lý.

Chúa Kitô trong Vườn Giệtsimani (ảnh: Paolo Veronese / Public Domain)

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói: “Trong vở kịch về nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, về nỗi thống khổ của cái chết, về sự đối lập giữa ý chí không muốn chết của con người và ý chí thần linh hiến mình cho cái chết, trong vở kịch Vườn Giệtsimani này, toàn bộ vở kịch của con người, vở kịch về sự cứu chuộc của chúng ta, được diễn ra” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, buổi tiếp kiến chung, thứ tư, ngày 25 tháng 6 năm 2008). 

 

Vườn Giệtsimani, nằm ngay phía đông Núi Đền thánh Giêrusalem, là nơi diễn ra một số sự kiện vô cùng quan trọng  - và là nơi truyền đạt những bài học kịch tính sâu sắc cho nhân loại.

Tên gọi “Giệtsimani” (gath shemani), có nghĩa là “máy ép dầu” trong tiếng Do Thái, gợi ý sự hiện diện của một vườn cây dầu ô liu. Không có gì lạ khi những cây hiện nay mọc ra từ gốc của những cây ô liu già, điều đó có nghĩa là những cây ô liu được những người hành hương tôn kính trong nhiều thế kỷ, và vẫn đứng trên địa điểm này ngày nay, có thể bắt nguồn từ những cây còn sống vào thời Chúa Kitô.

Dưới tán cây cổ thụ này, Chúa Giêsu đã bảo các môn đồ của mình “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26: 41). Quay sang ba tông đồ - Phêrô, Giacôbê và Gioan - đã cùng Ngài vào vườn, Ngài thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được!” (Mátthêu 26:38-39).

Ở đây, nhân tính của Chúa Giêsu có vẻ dễ bị tổn thương hơn bình thường, do đó gây ra ba nỗi đau khổ lớn. Sau đó, Chúa Giêsu kêu lên: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Máccô 14:36).

Đây có phải là xung đột của hai ý chí không? Nếu được tự mình lựa chọn, Chúa Kitô sẽ từ chối chén đau khổ. Nhưng có một lựa chọn cao hơn, khó khăn hơn cần phải thực hiện, để cứu chuộc nhân loại đang bị đe dọa.

Chúng ta thường thấy bản thân mình trong một tình huống đòi hỏi sự lựa chọn khó khăn hơn. Trong những lúc như vậy, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ thử thách của Chúa Kitô trong Vườn Giệtsimani. Chúa Kitô nhận ra rằng sự lựa chọn khó khăn hơn cần phải được thực hiện. Ngài không thể không tuân theo ý muốn của Chúa Cha. Ngài không thể từ chối nhân loại đang cần được cứu khỏi tội lỗi.

Tội lỗi của nhân loại lóe lên trong tâm trí của Chúa Giêsu. “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Luca 22:44). Cơn hấp hối kéo dài và dữ dội đến mức không một người phàm nào có thể hiểu thấu được.

Chúa Giêsu dẫn ba nhân chứng mệt mỏi của mình trở lại nơi tám người kia đang còn ngủ. Lần này, Ngài ở trong một tâm trạng khác: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!” (Mc14: 41-42). Kẻ phản bội, tất nhiên, là Giuđa, cùng với một đội quân đông người với gươm giáo và gậy gộc. Họ được các thầy thượng tế và kỳ mục phái đến để bắt Chúa Giêsu. Giuđa nói: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận” (Mc 14: 44).

Phêrô, trong một hành động bốc đồng, đã rút kiếm và chém người hầu của vị thượng tế, cắt đứt tai phải của anh ta. Gioan xác định nạn nhân: “Người đầy tớ ấy tên là Mancô” (Ga 18:10). Chúa Giêsu đã chữa lành tai bị thương của người đầy tớ ấy chỉ bằng một cái chạm tay đơn giản: “Ngài sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành” (Luca 22:51). Đó sẽ là phép lạ cuối cùng của Ngài. Đấng đáng kính Fulton Sheen nhận xét rằng “Dù là một ngư dân, Phêrô đã chứng tỏ mình là một tay kiếm xuất sắc" - gợi ý rằng Phêrô có ý định giết người hầu. Nhưng Chúa Giêsu đã khuyên răn vị tông đồ vốn sẽ trở thành “tảng đá”, thành vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội, rằng “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26: 52). Chúa Giêsu còn nói thêm: “Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Ngài sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy” (Mt 26: 53-54).

“Giáo Hoàng à? Vậy thì Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn?” Thật điên rồ, trong tâm trí của Joseph Stalin, khi nghĩ rằng những người theo Giáo Hoàng không vũ trang làm sao có thể đánh bại một tiểu đoàn lính vũ trang. Nhưng, như Chúa Kitô đã nhắc nhở Phêrô, Ngài có thể triệu tập hơn mười hai đạo quân thiên thần để chiến đấu thay mặt mình: “Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Ngài sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy” (Mt 26: 53-54).

Vì vậy, loại chiến thắng mà Chúa Kitô nghĩ đến sẽ đạt được không phải bằng sức mạnh mà bằng tình yêu. Và Phêrô đã hiểu. Theo lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

  • Cho đến hơi thở cuối cùng, Thánh Phêrô hiểu rằng cả Ngài và anh em của Ngài đều không thể chiến đấu bằng kiếm; bởi vì vương quốc mà Ngài được kêu gọi chỉ giành được bằng sức mạnh của tình yêu và sức mạnh của chân lý, và chỉ theo cách này mà thôi” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 23 tháng Hai năm 1980).

 

Thật vậy, đối với lối suy nghĩ thực tế, chiến thắng thuộc về những người mạnh mẽ nhất. Sứ điệp mà Chúa Kitô mang đến thế gian có vẻ không thực tế, nhưng lịch sử đã chứng minh đó là chân lý. Chúng ta do dự, thậm chí hoài nghi, vì chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tình yêu. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, và lý do thúc đẩy Ngài sáng tạo muôn loài là tình yêu. Sức mạnh của tình yêu là công cụ qua đó tình yêu của Ngài được thể hiện. Và chính qua tình yêu mà các Kitô hữu thăng tiến mạnh mẽ.

Trong Vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu dạy những bài học căn bản của cuộc sống: tầm quan trọng của việc cầu nguyện, sự cần thiết của hy sinh, giá trị cứu chuộc của đau khổ và tình yêu thương người khác. Nếu chúng ta cùng Chúa Giêsu bước vào Vườn Giệtsimani tâm linh, chúng ta sẽ không bao giờ còn như cũ.

Tác giả: Donald DeMarco

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Danh mục:
Tác giả: