Của hẹp chẳng phải vì Nước Trời hẹp
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Xuân Hy Vọng
‘CỬA HẸP’ CHẲNG PHẢI VÌ ‘NƯỚC TRỜI HẸP’
Một lần nọ, trong lớp học giáo lý. Sau khi được cô giáo lý viên trẻ chia sẻ về chủ đề “Qua cửa hẹp vào Nước Trời”, em Nô-bi-ta bèn đứng lên hỏi:
- Thưa cô, vậy trong Thiên Đàng, toàn là người Việt Nam và Á Châu đúng không cô?
Giáo lý viên sững sờ:
- Sao em có suy nghĩ thú vị vậy?
Nô-bi-ta trả lời không chút do dự:
- Dạ, vì cửa Thiên Đàng hẹp và nhỏ, nên người cao to, lực lưỡng như Mỹ Châu, Âu Châu thì làm sao đi qua được. Chỉ những người vóc dáng bé nhỏ, chiều cao khiêm tốn mới qua cửa hẹp đấy ạ!
Giáo lý viên: !!!!!!
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng ‘cửa hẹp không phải vì Nước Trời hẹp’. Nước Thiên Chúa rộng mênh mông, có thể đón tiếp hết thảy mọi người; nhưng chẳng phải ai cũng vào được, vì nếu không “cố gắng vào qua cửa hẹp” (x. Lc 13, 24).
Chắc hẳn, Đức Giê-su đề cập đến ‘cửa hẹp’ trên phương diện thiêng liêng, chứ không hệ tại nơi ý nghĩa vật lý hay thể lý. Tuy nhiên, chúng ta cần xác tín: Thiên Chúa “tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ngài” (x. Is 66, 18). Tất cả mọi dân nước đều được mời gọi thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời, nhưng phải hội đủ điều kiện ‘đi qua cửa hẹp’ như Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa đã tự nguyện bước trên con đường hẹp, con đường Thập giá, con đường Tử nạn-Phục sinh, con đường tự khiêm tự hạ sâu thẳm, và con đường vâng phục.
Noi gương Ngài, chúng ta cùng nhau lắng nghe, thực hành Lời Chúa và trung tín bước theo chân Đức Giê-su mỗi ngày, dám can đảm rèn luyện-đồng hành với nhau trên ‘con đường hẹp’ hoặc ‘bước qua cửa hẹp’. Con đường của sự từ bỏ mình, con đường hy sinh-chịu sửa dạy, con đường bác ái-tha thứ, và con đường vâng phục Thánh ý.
Trước hết, Con đường hẹp là con đường của sự từ bỏ mình. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng mà theo” (x. Lc 9, 23). Đi qua con đường hẹp hoặc cửa hẹp đồng nghĩa với việc từ bỏ cái tôi, sự kiêu ngạo, thái độ hóng hách, chèn ép, chà đạp người khác. Bước trên con đường hẹp cũng là hành vi từ bỏ tất cả những gì đi ngược lại với phẩm giá và lương tâm của con người dù nó mang lại lợi lộc nhiều đến mấy đi chăng nữa! Sống theo linh đạo ‘qua cửa hẹp’ cũng chính là việc từ bỏ những quyến luyến vật chất, tình cảm mộng mị, những thói quen xấu, hay tôn thờ ngẫu tượng lệch lạc như thần tài, bói toán, sắc dục, mê tín, dị đoan, v.v…
Thứ đến, Con đường hẹp là con đường của lối sống hy sinh. Hết thảy những ai bằng lòng bước qua cửa hẹp, đều sẵn sàng dành thời gian, tài năng, công sức, tiền của, vật chất của mình cho tha nhân, vì muốn mang lại niềm vui cho anh chị em. Hơn nữa, vui mừng khi được Chúa sửa dạy, không nản lòng khi Ngài khiển trách vì “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Ngài mới cho roi cho vọt” (x. Dt 12, 6). Theo thói thường, chẳng mấy ai lấy làm vui thích khi được sửa dạy, có chăng chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, “những ai chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công bình” (Dt 12, 11), bởi lẽ “Thiên Chúa răn dạy vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài” (x. Dt 12, 10). Người bước qua ‘cửa hẹp’ biết cảm thông chứ không ganh tị, biết cảm thương chứ không ác cảm, biết đồng cảm chứ không đồng loã hoặc đồng minh làm những việc xấu xa, biết động viên-khuyến khích nhau chứ không dèm pha hay đặt điều, v.v…
Ngoài ra, Con đường hẹp là con đường của bác ái và tha thứ.Hễai khao khát vào Nước Trời, chắc hẳn phải gieo bước trên con đường yêu thương Giê-su. Ngài đã tự khiêm tự hạ, trở nên nhỏ bé, mặc lấy xác phàm, cúi xuống rửa chân cho môn đệ, “yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1), chịu khổ hình vác Thập giá, chịu tử nạn vì tội lỗi chúng ta, ngay lúc ‘thập tự nhất sinh’ trên Thập giá, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ ra tay giết mình, trong bữa tiệc Ly, Ngài trao ban chính sự sống Ngài cho các Tông đồ, và sự sống này tiếp tục được hiến trao cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể - bí tích tình yêu, Ngài sống lại, lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha khẩn cầu cho chúng ta. Con đường Giê-su chính là nẻo đường tình yêu và tha thứ, là con đường tuyệt mỹ, nhưng đầy chông gai. Bởi lẽ, yêu thương vô vị lợi và sống bác ái vị tha chính là hạ mình xuống tận cùng,ngõ hầu nâng người khác lên; hơn thế, con đường yêu thương là nẻo đường của tâm hồn sẵn sàng đón nhận như Đức Giê-su đã chịu nhục nhã, bị chỉ trích, v.v…, nhưng Ngài vẫn một lòng thứ tha.
Sau cùng, Con đường hẹp là con đường vâng phục Thánh ý. Ở đời, ai ai cũng muốn phấn đấu vươn lên, hoàn tất ý muốn cá nhân, hoặc nỗ lực phấn đấu để thành đạt. Thế nhưng, vào Nước Trời thì ngược lại: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 14,11). Lẽ dĩ nhiên, Thánh ý Chúa trong cuộc đời ta khác xa với ý ta muốn. Nhưng, khi chấp nhận Thánh ý Chúa trong đời chúng ta cũng là lúc biết chấp nhận bỏ mình, biến mình ra không để Chúa tự do hành động trong ta. Và rồi sẵn sàng bước theo Chúa trên những nẻo đường dẫu có mới lạ, gập ghềnh, chông gai và chẳng mấy ai đi. Nhờ vậy, Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vào ‘xa lộ’ huyền nhiệm yêu thương và cho chúng ta dự phần vào sự sống vĩnh hằng.
Tóm lại, ‘đi qua cửa hẹp’ hoặc ‘gieo bước trên con đường hẹp’ chính là chấp nhận con đường Thập giá mà Đức Giê-su đã đi. Tuy vậy, con đường hẹp thế này chẳng mấy hấp dẫn đối với nhiều người trong thế giới hôm nay, khi cuộc sống đã quá đầy đủ, tiện lợi, tiện nghi và giàu sang! Theo lẽ thường, không ai không thích bước đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu và dễ dãi; nhưng con đường này khiến họ hưởng thụ bất chấp hậu quả, chứ chẳng phải con đường dẫn tới sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin thương giúp con
Sẵn sàng đi qua cửa hẹp
Theo chân Giê-su Ki-tô
Bước trên nẻo đường yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng