Đôi nét về lòng tôn kính Thánh Cả Giu-Se
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Xuân Hy Vọng
ĐÔI NÉT VỀ LÒNG TÔN KÍNH THÁNH CẢ GIU-SE
Tuy Kinh Thánh nhắc đến sự hiện diện của Đức Mẹ và Chúa Giê-su trong tiệc cưới Ca-na, mà nơi đây, phép lạ nước hoá thành rượu ngon hảo hạng được diễn ra. Nhưng điều ngạc nhiên là Thánh Giu-se dường như chẳng được nói tới. Phải chăng ngài không được mời dự tiệc cưới Ca-na?
Theo văn hoá Do Thái, tiệc cưới của một ai trong làng đều là niềm vui của cả làng, vì vậy chắc hẳn mọi người đều được mời tham dự. Trong số đó, dĩ nhiên cũng sẽ có Thánh Giu-se. Chứ chẳng lẽ, Đức Mẹ và Chúa Giê-su được mời, mà Thánh Giu-se không được mời sao? Nói về phép lạ tại tiệc cưới Ca-na, Đức Giám Mục Pi-e cho biết: Sự âm thầm, lui về phía sau, nhưng đầy nồng thắm, mặn mà của Thánh Cả Giu-se như thể rượu ngon được biến hoá trong niềm vui chia san tình làng nghĩa xóm thân quen vậy.
Thật sự, chúng ta không biết chính xác ngày Thánh Giu-se lìa đời, nhưng tương truyền trong khoảng thế kỷ V cho đến thế kỷ IX. Và cứ thế, người người truyền miệng cho nhau, cuối cùng ngày 19 tháng 3 trở thành ngày mừng kính đặc biệt Thánh Cả Giu-se. Tuy nhiên, mãi cho tới thế kỷ XII, việc tôn kính Thánh Giu-se mới bắt đầu được lan rộng; đặc biệt, các Thánh tiến sĩ Hội Thánh đều viết sách ca ngợi, tán dương về quyền thế bầu cử của ngài. Điển hình, từ khoảng thế kỷ XIV trở đi, Thánh I-si-đô đã nghĩ về việc tung hô Thánh Cả Giu-se là Quan thầy của Giáo hội hoàn vũ. Sau đó, làn sóng tôn sùng và giảng thuyết về ngài ngày càng được mở rộng, lan toả. Thậm chí, trong những câu chuyện của các Thánh, mà được thấy Chúa hiện ra, cũng nhắc đến Thánh Cả Giu-se, nhất là chuyện Thánh Ma-ga-ri-ta vùng Cor-tô-na (Ý) thuộc dòng ba Phan-xi-cô. Một lần nọ, Chúa hiện ra, thỏ thẻ với ngài: “Này con gái yêu dấu! Nếu con muốn làm đẹp lòng Ta, thì đừng quên dâng những hy sinh mỗi ngày cho dưỡng phụ của Ta, là Thánh Cả Giu-se nhé!” Hơn nữa, vào năm 1471, Đức Hồng y Phan-xi-cô đel-la Rô-vê-rê trở thành Giáo hoàng Sis-tô IV, đã công bố cho toàn thể tín hữu khắp nơi về việc đạo đức: tôn kính yêu mến Thánh Giu-se cách đặc biệt. Kể từ đó, người người, nhà nhà khi chịu phép Thanh tẩy, đều mong muốn nhận tên Thánh Giu-se làm bổn mạng.
Quay trở lại thế kỷ III, một bộ phận không nhỏ trong thành phần giáo dân đã có lòng tôn kính Thánh Giu-se rồi, nhất là khi được nghe các Thánh Âu-gus-ti-nô, Thánh Gio-an Kim khẩu giảng về nhân đức của ngài; riêng Thánh Bê-na-đô, Thánh Bê-na-đi-nô miền Si-ê-na còn viết sách đề cập đến lòng tôn kính Thánh Cả Giu-se.
Khi nói đến việc yêu mến Thánh Giu-se vừa thâm cung sâu thẳm, vừa rộng lớn bao la, chúng ta không thể nào quên chuyện đời và mối tương quan thân tình của Thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la. Đến nỗi Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII còn thốt lên rằng: “Thiên Chúa ước mong việc đạo đức tôn kính Thánh Giu-se được lan toả khắp nơi, nên Ngài mời gọi Thánh nữ cách đặc biệt”. Nhờ sự hy sinh, nhiệt huyết, lòng tin cậy nơi Cha Thánh Giu-se, mà Thánh nữ đã thay đổi, cũng như cải cách tích cực lối sống, tu luật và mọi mặt liên quan đến dòng Kín. Sau khi ngài qua đời, các bề trên thượng cấp muốn đặt để ngài làm quan thầy thay cho Thánh Cả Giu-se (lúc ấy, Thánh Tê-rê-sa A-vi-la mới là Chân phước hoặc Á Thánh). Nhưng khi các mẹ bề trên thượng cấp dòng Kín họp lại bàn hỏi, thì một câu chuyện được kể lại: Thánh nữ hiện ra, khẳng khái nói với các mẹ bề trên như một mệnh lệnh: “Cha Thánh Giu-se mãi mãi là quan thầy của dòng Kín. Vì vậy, chị em đừng bao giờ thay thế Thánh bổn mạng hội dòng”.
Các phép lạ qua lời chuyển cầu của Thánh Giu-se âm thầm được diễn ra, lan rộng như cuộc đời trầm lặng nhưng sâu sắc của ngài vậy. Tại dòng U-su-la ở Ba-lan, một nữ tu tên là Gio-han-na, bị viêm màng phổi nghiêm trọng. Hằng ngày, sơ phải chịu cảnh đau đớn thể xác kinh hoàng, sốt cao, có khi mất cảm giác đau, nhưng tâm trí vẫn minh mẫn. Những lúc ấy, sơ hết lòng sốt sắng cầu nguyện với Thánh quan thầy của các Thánh, đó là Cha Thánh Giu-se, và mong ngài từ trời cao xuống viếng thăm mình. Liền ngay lúc ấy, căn phòng nhỏ tối tăm của sơ rực rỡ ánh sáng, hình dáng điềm tĩnh nhẹ nhàng của Thánh Giu-se hiện rõ dần, và ngài nói với giọng đầy trìu mến: “Ta được lãnh nhận sức mạnh, quyền năng nơi Thiên Chúa, vì thế, con đừng nghi ngờ, đừng đánh mất niềm tin tưởng nơi Ta. Chắc chắn, con sẽ được khoẻ mạnh trở lại”. Lời này được ứng nghiệm trong sự ngỡ ngàng, nhưng đầy lòng trông cậy, cảm tạ Cha Thánh Giu-se của sơ. Được chữa lành, sơ khoẻ trở lại và tiếp tục sống hăng say trong sứ vụ.
Có lẽ, chúng ta chưa có lòng kính mến Thánh Giu-se, xứng tầm với vị thế của ngài! Đôi lần chúng ta chạy đến cầu xin ngài bầu chữa, nhưng còn ngờ vực, đa nghi trong lòng! Có lẽ chúng ta cũng nghe theo người này người kia chịu khó làm Tuần cửu nhật kính Thánh Giu-se, nhưng thật sự chúng ta đã toàn tâm chạy đến với ngài, dâng mọi hy sinh hằng ngày cho ngài chưa? Đây là điều chúng ta cần tự hỏi bản thân và suy ngẫm!
Lm. Xuân Hy Vọng