Nhảy đến nội dung

Đối thoại

ĐỐI THOẠI

Sống với nhau cần phải đối thoại. Khi đối thoại là biết suy nghĩ. Đối thoại tạo nên mối tương quan. Đối thoại tạo ra một sự bình đẳng để nhìn nhận một sự thật.

Giữa một xã hội đang đề cao quyền tự do cá nhân như ngày nay thì xem ra việc đối thoại càng cần thiết hơn. Nhưng lại là điều khó khăn, bởi vì khi quyền tự do cá nhân được đặt ở vị trí quá quan trọng khiến người ta ngại; thậm chí không thèm đối thoại. Bởi thế, khi tự do quá thì không bảo được nhau. Tài giỏi, kiêu căng quá cũng không bảo được nhau là vậy.

Con người mang yếu tố xã hội, tức là luôn phải sống với người khác. Việc đối thoại của con người chính là một yếu tố khẳng định bản chất của họ. Việc đối thoại ấy bộc lộ một xu hướng cần có tha nhân trong cuộc đời. Cần có tha nhân để lắng nghe, để được góp ý, để nhận định, để sửa chữa cho ta. Vậy ra, việc đối thoại còn là một tác động tâm lý trị liệu và có giá trị cả về luân lý nữa. Do đó, nếu không chịu đối thoại là một thiệt thòi cho bản thân; là một sự cố chấp trong sai lầm và sẵn sàng bằng lòng không chịu tiến triển thêm.

Chúng ta luôn luôn mang sẵn những tâm tư, tình cảm muốn được bộc lộ bằng mọi cách qua: lời nói, chữ nghĩa, âm nhạc, hình ảnh, cử chỉ….đây là một điều hết sức tự nhiên tạo cho ta thế quân bình và lấy lại được niềm vui trong tâm hồn. Nét đặc biệt của con người chính là bộc lộ và khám phá ra những điều hay điều mới mỗi ngày. Hằng ngày người ta phấn đấu, tranh giành nhau cũng vì chuyện này mà thôi. Muốn có nhiều tiền, có tiếng tăm, có địa vị chức quyền thì cũng phải tìm cách tự bộc lộ cho người khác biết; đôi khi dùng đủ mọi thủ đoạn xấu xa để đạt được những mục đích ấy nữa. Đây chính là lúc mà việc đối thoại không được diễn ra tử tế, khách quan; họ chỉ tìm độc thoại để tự khẳng định mình thôi. Một hình thức rất nguy hiểm đã diễn ra trong xã hội kinh tế thị trường. Một xã hội không được xây dựng trên cơ sở của nền luân lý mà chỉ cần tiền bạc và danh vọng. Một dấu hiệu đáng lo ngại, nếu không cảnh giác thì sớm muộn chúng ta sẽ tự phá hoại nhau và đưa đến chỗ tự huỷ diệt lẫn nhau trong đất nước, dân tộc, gia đình mình.

Nỗi bi đát của những gia đình có con cái bỏ nhà ra đi lao vào chốn tiêu cực hay cảnh vợ chồng lục đục, ly dị, anh chị em xô xát, chà đạp nhau cũng xuất phát từ việc không có đối thoại, không biết đối thoại. Tiếc thay, người ta không biết vận dụng các phương tiện khoa học ngày nay để thăng tiến giá trị con người, để biết đối thoại, để biết sống liên đới.

Thế giới sẽ thật là cằn cỗi nếu nơi ấy chỉ toàn có những người máy hiện đại tối tân, chỉ toàn có âm thanh của máy móc tự động mà thiếu vắng tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát của con người. Sự xuất hiện của những con người là một “chất xúc tác” biến đổi thế giới cằn cỗi thành sinh động và ấm áp tình thương. Điều ấy chỉ xảy ra khi người ta biết đối thoại với nhau; khi người ta cởi mở chan hoà và biết nhìn nhận người khác là một giá trị duy nhất và hơn hẳn ta về nhiều mặt.

Giá trị của con người được bộc lộ khi đối thoại. Trong phạm vi này, nhân cách con người được phát triển nhất là khi ấy người ta thống nhất trên một quan điểm để nhìn về sự thật. Con người ta chỉ giá trị thực sự khi được nhìn nhận trong sự thật khách quan. Điều mà không phải ai cũng đánh giá được. Phải có một cái nhìn. Cái nhìn này xuất phát từ nội tâm, xuất phát từ trái tim nhiều hơn là bộ óc. Vì thế ta phải tập bộc lộ trong đối thoại bằng trái tim với tất cả sự chân thành. Chính yếu tố này sẽ tác động nơi người nghe một cách tự nhiên.

Môi trường ta đang sống là một sự gặp gỡ của tất cả mọi loài thụ tạo, đỉnh cao là con người. Nơi ấy, sự liên đới được thực hiện khi mọi loài biết “đối thoại” với nhau. Chúng đối thoại với nhau bằng đủ mọi cách. Đấy chính là sự hài hoà giữa các tạo vật để chúng được tồn tại. Sự xung khắc sẽ xảy ra khi có sự đối lập giữa chúng với nhau, gây phản tác dụng làm cho con ngừơi phải lãnh hậu quả. Vì thế, trong vũ trụ này trật tự giữa các thụ tạo rất quan trọng. Và con người được trao cho trách nhiệm giữ gìn và phát huy công tác này. Nhưng nếu nơi bản thân con người không có trật tự, không tôn trọng đối thoại thì sẽ ra sao? Kẻ lãnh đạo lại sống vô kỷ luật, không nghe đối thoại, không thèm đối thoại thì không tưởng tượng nổi !

Lạy Chúa, cuộc sống chúng con đan kết với nhau như những mắt xích để làm thành một vòng tròn.

Mỗi người chúng con là một viên gạch để xây thành toà nhà khi có chất hồ keo, vôi vữa là sự cảm thông, đối thoại.

Giữa muôn mặt của đời thường, của mọi tình huống, Chúa vẫn luôn đặt chúng con làm nhịp cầu, làm người thông ngôn, làm hoà giải viên cho nhau.

Xin cho chúng con luôn quên đi địa vị, chức quyền, danh dự, cái tôi của mình để biết lắng nghe, biết đối thoại với anh em để loại trừ tự ti, mặc cảm, kiêu căng. Amen.

LẮNG NGHE

 

Người ta có đôi tai để nghe. Loài vật cũng vậy. Đôi tai được đặt ở vị trí quan trọng nơi cơ thể là cái đầu. Tai thường hướng về phía trước, trừ trường hợp đặc biệt.

 

Người ta bảo là Thượng Đế cho mỗi người có hai lỗ tai và một cái miệng để dạy người ta tập nghe nhiều hơn là nói. Điều này cũng đúng lắm. Và cần phải áp dụng cho mỗi người tùy từng hoàn cảnh.

 

Trong cuộc sống, chúng ta phải nghe biết bao nhiêu điều. Dù mình không để ý thì vẫn nghe thấy, đây gọi là sự phải nghe! Nhiều khi phải nghe điều ta không thích, không ưa cũng đành chịu vậy, chẳng lẽ thỉnh thoảng lại lấy tay bịt tai! Nhất là khi đau ốm, nhức đầu thì chẳng thiết nghe sự gì dù điều ấy có hay ho bổ ích thực sự đi nữa. Như vậy, nghe vừa là nhu cầu, vừa là nhiệm vụ vừa là bổn phận vừa là sự áp đặt. Chúng ta có thể thấy được và phân biệt từng loại khi nó ảnh hưởng  tới đời sống mình như thế nào. Và cũng có thể nhận thấy bằng cách khác dựa vào tâm lý của mình hay của người ta.

 

Con người biết nói nhờ biết nghe. Nói ở đây được hiểu ở cả hai phương diện: nói là ngôn ngữ của con người và nói cho đúng cho hay là một loại nghệ thuật; thành ra các cụ mới dạy phải "học ăn học nói, học gói học mở". Tất cả những gì chúng ta có được trong tư tưởng và tâm hồn như là: tri thức, quan niệm, suy đoán, tình yêu, niềm tin...đều do một quá trình đã được lắng nghe. Lắng nghe cuộc sống và lắng nghe người khác dạy dỗ hướng dẫn. Vì vậy, một con người bách khoa thì phải học nhiều, nghe nhiều. Nhưng đừng vội đồng hóa khi bảo rằng: nghe là học; vì có nhiều khi phải nghe nhiều mà không phải là học, giống như "vịt nghe sấm"!

Thời buổi này, con người được tiếp nhận nhiều loại thông tin, quảng cáo. Thời buổi rộ lên những hình thức, phong trào tuyên truyền, rao giảng, thuyết pháp đủ thứ...cũng đang hấp dẫn nhiều người; thì cần phải biết tỉnh táo đề phòng, cảnh giác và phân biệt đâu là cái cần nghe, đâu là cái cần học, đâu là cái cần áp dụng, cần tin. Thời đại khoa học tiến bộ với bao nhiêu phương tiện hiện đại phục vụ con người giúp nhau phát triển thì đồng thời cũng là lúc lộ ra hiện tượng "vàng thau lẫn lộn". Lúc này không phải là chỉ lắng nghe bằng đôi tai của mình mà bằng đôi tai của người khác nữa; không phải là chỉ nghe bằng tai mà nghe bằng cả con người mình nữa.

 

Trong xã giao hằng ngày, người biết lắng nghe người khác nói là người có tâm lý và được người ta quý trọng, thích gần gũi. Ngược lại, kẻ không biết nghe ai cả được gọi là hạng kiêu căng, khinh người. Trong đời sống lứa đôi, biết lắng nghe nhau là một nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu và giữ lấy tình bạn. Trong đời sống đức tin, biết lắng nghe để nhận ra ý Chúa.

 

Thường thì người thông minh, tài giỏi khi truyền đạt điều gì là muốn người khác phải lắng nghe họ và nhớ điều họ dạy. Nhưng nhiều khi người truyền đạt lại không để ý cách truyền đạt và nội dung truyền đạt của mình khiến người khác không chịu nghe. Đây là một thực tế vẫn thấy. Khi ấy người ta nói là "bằng mặt chứ không bằng lòng". Như thế, nói và nghe đều phải có nghệ thuật, vì nói để mà nghe và nghe để mà nói.

 

Có những điều chỉ được nghe một lần thôi mà nhớ đến chết. Vì điều ấy ám ảnh, day dứt tâm hồn người ta rất mạnh mẽ. Như là một nghe một câu nói hay, một lời ca đẹp, một chuyện lý thú....Ngược lại, có những điều phải nghe hoài mà thực tế người ta không nhớ đến nó, vì nó chẳng cần thiết đối với họ. Hành động lắng nghe chỉ được diễn ra khi chủ thể có sự chú ý, đặt mối quan tâm vào; nếu không thì nghe cũng như là không, gọi là bỏ ngoài tai nhưng thực sự là vẫn nghe thấy âm thanh.

 

Người bị điếc dù có chú ý mấy cũng không nghe thấy, khác hẳn người không bị điếc có kèm theo sự chú ý. Người điếc nặng phải đeo tai nghe để khuếch đại tần số âm thanh cho họ nghe thấy. Chắc chắn lần đầu tiên được nghe thấy thế giới âm thanh họ sung sướng lắm; cũng giống như người mù lần đầu tiên được nhìn thấy. Tuy nhiên không hẳn người điếc nào cũng muốn được nghe thấy hết, người mù nào cũng muốn được xem thấy cả. Thậm chí ngay cả người đang được nghe và đang được xem thấy như chúng ta đây cũng có đôi khi dám nói: thà điếc, thà mù còn hơn. Hoặc bị người khác nguyền rủa là: điếc, mù! Đó là việc người ta phản ứng trước nỗi bất bình nào đó, hay một sự việc không tốt, không hợp với họ nên không thèm nghe, không thèm nhìn tới gọi là làm ngơ hay là bỏ ngoài tai. Nhưng nếu ta phản ứng một cách quyết liệt là không thèm nghe khi mình không vững lập trường, khi mình không đủ xác tín thì đó là một quyết định mù quáng, nguy hiểm gây đau khổ cho mình. Nếu đó là một phản ứng hoàn toàn chính xác thì nên làm và phải làm ngay.

 

Cuộc sống này đặt mỗi người chúng ta vào tình trạng phải đối phó và quyết đáp bằng tiếng lương tâm của mình. Đây là lúc con người phải đối diện với sự thật và tự hỏi: "sự thật là gì?" Đây là lúc cần có đôi tai nhạy bén.

 

Lạy Chúa, cuộc sống này dạy chúng con phải lắng nghe. Lắng nghe để học hỏi, để kinh nghiệm, để tiến bộ. Lắng nghe để biết chia sẻ, biết yêu thương và biết gắn bó. Lắng nghe để biết mình và biết người. Lắng nghe để biết cầu nguyện và tin tưởng. Và lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa và bước đi. Amen.

 

CÁI NHÌN

Cái nhìn rất quan trọng. Tâm trạng con người được thể hiện qua cái nhìn. Nhìn đời, nhìn người, nhìn vật. Cái nhìn như là một sự đi vào trong tương quan, như là sự bộc bạch cái tâm.

 

Cái nhìn được hình thành do tập quán, môi trường, tâm lý, quá trình luyện tập. Nên, có cái nhìn xoi mói. Có cái nhìn ác ý. Có cái nhìn cởi mở. Có cái nhìn thiện cảm. Có cái nhìn lạc quan. Có cái nhìn bi quan….Đó một thực tế xuất phát từ những yếu tố trên. Do đó, ta phải rất tỉnh táo với cái nhìn của mình và của người. Tỉnh táo bằng phán đoán của lương tâm. Tỉnh táo bằng chính hành động của mình.

 

Có những cái nhìn mang tính xấu đã tạo nên hậu quả xấu cho mình và cho người khác. Sự ám ảnh từ cái nhìn ban đầu tạo ra một tương quan rất nhạy bén trong lòng người. Tương quan ấy sẽ kéo dài mãi mãi và in ấn tượng sâu đậm trong ta. Khó mà gột rửa được ấn tượng này. Song có cái nhìn tốt sẽ đem lại hậu quả tốt bất ngờ. Có thể thay đổi được lòng người. Biến thù thành bạn. Chuyển hoá được tình huống…. Đó là điều mà ai cũng đã từng kinh nghiệm.

 

Đôi khi ta cố chấp “phát huy”cái nhìn tiêu cực bởi đó là lập trường của ta rồi ! Ta không thèm biết đến sự tiến bộ của con người và xã hội. Ta không nắm được tâm lý của đối tượng. Ta cứ thắt nút lại tất cả thay vì phải cởi mở. Cái “phát huy” của ta đã sai cơ bản trầm trọng. Sự “phát huy”này vẫn len lỏi vào hết mọi lãnh vực, hết mọi giới người để rồi hình thành một tầng lớp, một thế hệ cổ hủ đáng buồn.

 

Thường thì ai cũng muốn người khác nhìn mình bằng cái nhìn thiện cảm. Bản thân mình cũng muốn tránh gây nên ấn tượng xấu trong cái nhìn của người khác. Thế mà ngược lại, mình không nhìn người khác cách thiện cảm và tạo ấn tượng xấu cho người ta. Dù sao thì cuộc sống vẫn là một sự pha trộn giữa nhiều màu sắc cá tính đòi hỏi ta phải tập đón nhận hoàn cảnh và con người. Tự thân cuộc sống này không cho phép ta là một hòn đảo. Vậy nên điểm quy chiếu của tất cả mọi người chính là cái nhìn rộng rãi. Cái nhìn thật tốt đẹp và sáng sủa để đón nhận những tia sáng chân lý của mặt trời vẫn toả sáng không ngừng.

 

Cần phải tiếp cận với môi trường, với công việc, với con người càng đòi ta phải có nhiều cái nhìn và phải nhìn cách chính xác. Nhất là khi ta có chức có quyền thì càng phải thận trọng trong vấn đề này, vì sai một ly sẽ đi một dặm. Nếu đã nhìn sai lạc thì quyết định cũng lệch lạc. Thường ta hay dựa vào uy thế, chức vị của mình mà cho đó là một tiêu chuẩn hàng đầu rồi quên đi dư luận, tệ hơn là quên đi tiêu chuẩn khách quan, quên đi mực thước muôn thuở trong trời đất.

 

Ai đó đã chạm chán với cái nhìn sai lầm mà sau đó lương tâm không thấy hối hận thì quả là có một sự lì lợm đáng tiếc, đáng khiển trách. Cuộc sống này không cho phép ta nằm lỳ và cũng không cho phép ta tung hoành quá chớn. Cuộc sống như một toà án tố cáo ta về những gì ta đã để lại trong cái nhìn, lời nói, quyết định, hành động. Điều ấy luôn phải làm ta nhức nhối , ưu tư. Đừng đổ trách nhiệm cho ai. Đừng vội kết án ai. Hãy đổ cho mình trước. "Tiên trách kỷ hậu trách nhân". Hãy luôn tự vấn bản thân mình vì quá khứ và hiện tại của ta. Hãy tập chiếm lĩnh lòng người bằng cái nhìn tốt. Đừng biến đối tượng (người khác, hoàn cảnh, công việc) thành một pháo đài để ta nguyền rủa, bắn phá theo lệnh của bản năng ta. Hãy tập mang theo thứ tình cảm chân thành nhất để tạo lấy một sự gắn bó trong hợp nhất để yêu thương và xây dựng, hiệp nhất.

 

Sống trong xã hội hôm nay rất cần cái nhìn. Nếu không tập nhìn sẽ chẳng biết hay dở. Nếu không tập nhìn sẽ chẳng biết cảm nghiệm, chẳng biết tưởng tượng. Nếu không tập nhìn sẽ hay phán đoán lệch lạc. Nếu không tập nhìn sẽ lạc hậu, ấu trĩ vì mình không biết cập nhật hoá, không biết thức thời với những giá trị chợt đến bất ngờ và mau qua hàng ngày. Đây chính là tiêu chuẩn để đánh giá một ngươi trưởng thành về sự nhạy bén trong tình cảm và tâm linh; một người có bề dầy kinh nghiệm; một người cởi mở và biết lãnh đạo. Hơn nữa, nếu ta cứ khăng khăng với lập trường cổ điển của mình thì tất cả mọi tương quan và chiều kích nơi con người ta không phát triển được.

 

Lạy Chúa, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần gian. Chúa thấy hết tất cả. Như thế chưa đủ và chưa thoả mãn dù là một Thiên Chúa đầy uy quyền và thấu suốt mọi sự.

 

Con Chúa đã phải nhập thể làm người. Ngài đã tập sống và tập nhìn trong thân phận người.

 

Ngài đã nhìn cảnh vật, môi trường, công việc, con người theo đúng bản chất của nó.

Ngài đã đón nhận tất cả không phải vì miễn cưỡng nhưng là vì tình yêu.

Tất cả đã trở nên tốt đẹp đối với Ngài bởi Ngài chỉ biết yêu.

Tất cả đều phục vụ cho Ngài vì Ngài đã biết nhìn và biết đón nhận.

Xin cho con cũng tập sống và tập nhìn như vậy, để không một điều gì làm cho con bực mình mà tất cả sẽ trở thành bàn đạp giúp con tôn vinh Chúa và tiến về quê trời cách nhẹ nhàng hơn. Amen.

 

Lm Phêrô Bùi Trọng Khẩn
Gp. Bùi Chu