Đừng phạm tội nữa
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- M. Hoàng T Thùy Trang
ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA
Thói đời người ta thường hay thích đấu đá, kèn cựa lẫn nhau. Câu chuyện “Người đàn bà ngoại tình” hôm nay cũng vậy, nhóm kinh sư và Pharisêu đem đến cho Đức Giêsu người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình để tra vấn Ngài về việc phải xứ trí tội danh ấy thế nào. Thật ra họ không có tâm ý tốt mà chỉ muốn mượn cơ hội này tố cáo Ngài mà thôi. Người đàn bà vô tình đã trở thành cái cớ để họ cài Đức Giêsu vào cuộc, khiến cho thanh danh bà thêm ô nhơ trước mặt nhiều người. Cái bẫy của họ phải nói là không hề đơn giản. Vì có trả lời thế nào Đức Giêsu cũng bị bắt chẹt. Nói không thì vướng phải luật Môsê, nhưng nói có thì trái với lời rao giảng yêu thương tha thứ của Ngài.
Im lặng đôi khi lại là câu trả lời hay nhất cho mọi hoàn cảnh. Trong bối cảnh này Đức Giêsu đã chọn phương án thinh lặng. Ngài không nói gì chẳng phải không có gì để nói. Mà Ngài dùng phương tiện ngôn ngữ khác, với hình thức viết để chuyển tải thông điệp. Và kỳ lạ hơn tất cả, thông điệp ấy lại có sức mạnh thay đổi cả một đám đông. Chẳng biết khi tách rời đoàn dân ra đi để về nhà, họ nghĩ thế nào nhưng ít ra họ cũng đã bỏ rơi viên đá đang lăm le trên tay chực chờ để ném chết người đàn bà tội lỗi: “Họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.” (Ga 8, 9)
Sức mạnh ngôn ngữ rõ ràng không hệ tại bởi lời nói nhưng còn chính những thông điệp được bày tỏ qua chữ viết, nó đã có sức mạnh khiến lay động được lòng người thì không thể xem thường. Trong cuộc sống thường nhật cũng vậy, đôi khi một thông điệp được viết ra cho người ta xem thấy và đọc được cũng khiến họ thay đổi cả một não trạng, cả một cuộc sống.
Có ý kiến cho rằng Đức Giêsu đã viết, đã liệt kê tất cả những lỗi mà con người thường mắc phải, cho nên người càng già thì phạm càng nhiều, đơn giản vì thời gian nhân lên cấp số cộng mà thôi. Vậy mới có câu nói “người trẻ thì diễm phúc hơn kẻ già bởi được họ cõng đi trên vai”. Lỗi lầm của người lớn tuổi cũng chính là kinh nghiệm khiến tuổi trẻ không vướng phải sai lầm trên vết chân ông cha họ đã đi.
Và ai mà chẳng vậy, nào cứ là già hay trẻ, đã làm người ai chẳng mang tội. Cái khuynh hướng ngả về điều xấu là chuyện không của riêng ai. Con người dễ làm điều xấu hơn việc thiện, đơn giản vì điều xấu không khiến họ phải hy sinh nhưng ngược lại còn làm cho họ thỏa mãn dục vọng nữa. Muốn làm việc thiện chắn chắn chúng ta phải bỏ mình.
Người đàn bà kia cũng vậy, đã hướng chiều về điều xấu khiến chị ta đánh mất bản thân. Thanh danh không chỉ bị bôi nhọ trước đám đông nhưng ngay cả tính mạng cũng đang trong vòng đe dọa, chỉ trong tích tắc nữa thôi là cuộc sống của chị xem như chấm dứt. Và chính Đức Giêsu Ngài đã xuất hiện kịp thời để cứu giúp chị. Không, mà chính xác hơn, chính những kẻ đưa chị đến cái chết lại cho chị cơ hội được cứu thoát. Quả thật, ai muốn tiêu diệt người khác cũng là hủy diệt bản thân mình. Thay vì muốn người khác phải chết thì chính mình lại không thể sống.
Cái nghịch lý trong câu chuyện hôm nay là điểm này, không chỉ kẻ bị tố cáo hay người tố cáo phải chết nhưng cả hai đều được cứu sống. Chính Đức Giêsu đã cứu sống tất cả bọn họ. Quan trọng là tự thân mỗi người biết nhận ra mình và nhận biết tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa mà thôi. Ngài đã làm cho kẻ phạm tội cũng như người tố tội được cơ hội tìm lại chính mình, và trở về cùng Thiên Chúa: “Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8, 11)
Ai để tâm phân tích tâm tình của Đức Giêsu đối với phụ nữ, cách riêng với phụ nữ tội lỗi mới thấy điểm này thật quá xúc động. Ngài không ra lệnh, cũng chẳng áp đặt, mà chỉ khuyên nhủ với lời lẽ hết sức nhẹ nhàng, khoan dung. Ngài không lấy quyền hành để đặt để hay kết án nhưng trong lời nói vẫn gửi thông điệp muốn con người thay đổi, muốn họ từ bỏ “từ nay đừng phạm tội nữa”, “đừng phạm” chứ không phải là “không được phạm”. Ngài tôn trọng tự do của chị và chỉ khuyên, trong lời khuyên ấy nghe như có vẻ tha thiết, van lơn.
Thiên Chúa yêu con người như thế đấy, khi phạm tội Ngài không những không quở trách mà còn tha thiết mong chờ họ hồi tâm hoán cải và trở về. Tình thương ấy chỉ xuất phát nơi trái tim của Thiên Chúa hay của những con người đã biết làm cha làm mẹ, luôn sẵn sàng tha thứ cho những lỗi phạm của con mình cho dù tội lỗi của nó có cao lớn đến chừng nào. Đơn giản chỉ vì đó là con của họ
Chúng ta cũng vậy, chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Ngài yêu thương và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi tội của mình, quan trọng là chúng ta có biết hối lỗi, nhận ra tình yêu của Ngài và hoán cải quay trở về hay không mà thôi.
Chỉ một câu nói: “Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8, 7) đã thay đổi cả một đám đông người thật đông, hùng hùng hổ hổ mang người đàn bà ngoại tình đi ném đá cho đến chết. Nếu như câu nói ấy được mọi người trong thế giới hôm nay ý thức Ngài đang nói với chính mình thì có lẽ cuộc sống sẽ bớt thương đau mà con người đã rất hạnh phúc.
Lạy Chúa, con là người có cả hai mặt của hai hạng người trên, nhóm người tố cáo và cả tội nhân. Câu nói và hành động của Ngài đã đánh động vào tâm linh con để từ nay con biết buông rơi những viên đá ích kỉ nặng nề, đoán xét, kết án tha thân và một tâm hồn được cứu thoát nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Từ nay xin Ngài giúp con thôi đừng, thôi đừng phạm tội nữa.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.