Nhảy đến nội dung

Được giương cao - Ở lại trong lời

ĐƯỢC GIƯƠNG CAO

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”.

“Thiên đàng quan tâm đến thập giá Chúa Kitô! Địa ngục khiếp hãi nó! Đang khi loài người - những sinh vật duy nhất - ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của nó! Ơn cứu độ thế giới chỉ đến khi Chúa Kitô được giương cao, nghĩa là từ thập giá của Ngài! Chúa Kitô đã đến để trả một món nợ không mắc; bởi lẽ, chúng ta nợ Thiên Chúa một món nợ không bao giờ trả nổi!” - Oswald Chambers.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với Chambers, Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật: ơn cứu độ chỉ đến từ thập giá của Chúa Kitô khi Ngài ‘được giương cao!’. Bởi lẽ, sẽ không có sự cứu rỗi nào chỉ trong các ý tưởng viển vông, trong ước muốn hay trong sự sẵn lòng của một ai đó; nó phải phát xuất từ lòng thương xót vô bờ của một ‘Ai đó’ - Thiên Chúa!

Rắn lửa - tượng trưng cho tội lỗi - bò ra cắn chết nhiều người khi Israel kêu trách Chúa; Môsê van xin, Ngài bảo, “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống!” - bài đọc một. Rắn đồng được treo lên đã cứu một dân - tượng trưng cho Chúa Kitô - Đấng ‘được giương cao’ sẽ cứu muôn dân. Ngài chuốc lấy mọi độc tố của tội; nhờ đó, nhân loại được chữa lành.

Thật thú vị, ‘được giương cao’ không chỉ đề cập đến việc Chúa Kitô chịu treo trên thập giá mà còn bao hàm việc Chúa Cha tôn vinh Ngài, “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!” - Tin Mừng hôm nay. “Tôi Hằng Hữu!”, một danh hiệu chỉ dành cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho phép chúng ta chiêm ngắm Ngài trong vinh quang khi Ngài ngự bên hữu Chúa Cha. Dẫu vậy, với Gioan, thập giá vẫn là khoảnh khắc vinh hiển, đỉnh điểm chiến thắng trong sứ mệnh Chúa Cha trao cho Ngài.

Rồi đây, trước thượng hội đồng, Phêrô sẽ lên tiếng, “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ!”. Như thế, ơn cứu độ của nhân loại chỉ đến từ thập giá Chúa Kitô. Chân lý này mời gọi chúng ta rướn mình lên khỏi mọi tầm thường, noạ tính và tội lỗi, để với tới Ngài, Đấng ‘được giương cao’ để chữa lành và ban ơn tha thứ. Chạm được Ngài, bạn và tôi chạm được ơn cứu độ!

Anh Chị em,

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”. “Từ thập giá, Chúa Kitô nâng tất cả chúng ta lên. Vì lý do này, tượng chuộc tội - Chúa Kitô chịu đóng đinh - không phải là một vật trang trí, không phải là một tác phẩm nghệ thuật. Tượng chuộc tội là mầu nhiệm về sự ‘hủy diệt’ của Thiên Chúa mà Ngài đã làm vì tình yêu. Trong sa mạc, con rắn đã “nói tiên tri về sự cứu rỗi”. Thật vậy, nó được “nâng lên và bất cứ ai nhìn thấy nó đều được chữa lành”. Nhưng sự cứu rỗi thế giới không được thực hiện “bằng cây đũa thần của một vị thần tạo ra mọi thứ”; thay vào đó, nó được thực hiện bằng sự đau khổ của Con Thiên Chúa và bằng chính cái chết của Ngài!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con là ‘sinh vật duy nhất’ ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của thập giá Chúa, cũng đừng để tội lỗi ghì con xuống; cho con biết rướn lên để trổi dậy mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

Ở LẠI TRONG LỜI

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi!”.

Hudson Taylor, ‘một Phaolô của thế kỷ 19’, truyền giáo 51 năm tại Trung Hoa lục địa; ông đem về cho Chúa hàng vạn linh hồn. Những ngày cuối đời, ông nói với một người bạn, “Tôi rất yếu, tôi không thể đọc Thánh Kinh; thậm chí, không thể cầu nguyện. Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé và hạnh phúc ở lại trong lời Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy, ‘Ở lại trong lời’ - trải nghiệm của Taylor - cũng là trải nghiệm của những bạn trẻ thời Đaniel hoặc trải nghiệm của chính Chúa Giêsu.

‘Ở lại trong lời’ của ai, giả thiết bạn phải tin vào người ấy! Niềm tin sẽ không có thật cho đến khi nó chạm đến một thái độ, một xác tín; và trên hết, chạm đến một lựa chọn cụ thể của một con người. Đaniel cho thấy thái độ anh hùng và sự lựa chọn kiên cường không phải của một nhưng của những ba người bạn của ông - bài đọc một. Họ chọn chịu ném vào lò lửa khi tỏ thái độ bất tuân lệnh vua Nabucôđônosor, người buộc họ bái lạy tượng thần. Chúa đã cứu họ! Thật tuyệt vời, như vua nhận xét, “Con của thần minh” đã đến, cùng đi với họ giữa lửa, đến nỗi vua đã phải ngưỡng mộ và hẳn, đã cùng họ ca khen, “Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Nếu các ông ‘ở lại trong lời’ của tôi, các ông thật là môn đệ tôi!”. Với Ngài, ‘ở lại trong lời’ Ngài là làm cho cuộc sống của bạn và tôi phù hợp với cuộc sống của Ngài; là nên giống Ngài, nói như Ngài, làm như Ngài và nhất là làm những gì Chúa Cha muốn như Ngài đã làm. Tắt một lời, ‘ở lại trong lời’ là thuộc về Ngài, nên môn đệ Ngài. Nó còn là một điều gì đó thánh thiêng, đòi hỏi kiên trì mỗi ngày; đồng thời, biết cách trổi dậy, ‘phủi bụi’ bản thân để bắt đầu lại mỗi khi chùn bước hay vấp ngã.

Chúa Giêsu còn nói, “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông!”. Sự thật ở đây chính là tự do Ngài ban; nó sâu sắc hơn nhiều so với tự do thế gian. Ở đây không chỉ đơn giản là tự do chính kiến, tự do chọn bất cứ điều gì tôi muốn, khi nào tôi muốn và theo cách tôi muốn. Tự do ở đây là tự do làm điều lành với một lương tâm chính trực; và nhất là ‘tự do hy tế’, nghĩa là sẵn sàng trở nên lễ dâng như Ngài đã nên “Lễ Dâng!”.

Anh Chị em,

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi!”. Nếu xác tín Lời Chúa là Ánh Sáng và là Sự Sống, thì khi ‘ở lại trong lời’ của Ngài, chúng ta “nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé”; coi Lời Ngài như “nhà” của mình. Bấy giờ, bạn và tôi sẽ tự do thoát khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi những ràng buộc bản năng hầu sống theo các phẩm tính thần linh; chính xác hơn, tự do trở nên con cái Chúa, nên giống Chúa Giêsu và làm theo ý Ngài. Lúc đó, dù ‘đi qua lửa’ hay ‘lao vào giông bão’ cuộc đời, chúng ta vẫn bước đi ung dung, tự do, với phong thái của một người con trai, con gái của Cha trên trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chiều theo những gì bản năng muốn, hoặc phô diễn những gì thế gian chuộng. Dạy con luôn yêu điều Chúa muốn, làm điều Chúa thích!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

Tác giả: