Nhảy đến nội dung

Giả giả , thật thật - Cẩn ngôn


 

GIẢ GIẢ, THẬT THẬT

           Ở đời, ta thấy một nguyên tắc rõ ràng rằng không ai thích mình mua phải đồ giả và nhất là phải gặp đồ giả.

           Ra chợ, chắc chắn ta sẽ tìm đến cử hiệu tốt để ta mua. Đó là tâm lý hết sức bình thường vì ta tin nhãn hiệu, ta tin cửa hàng đó rồi. Hễ cứ mua cái gì cần thiết là ta nghĩ ngay đến cửa hàng đó chứ không phải suy nghĩ thêm. Bi đát ở chỗ có khi người ta đặt hết niềm tin vào cửa tiệm đó người ta mua về nhưng lại gặp hàng giả. Tôi cũng đã bị như thế vì đã đặt hết niềm tin nơi đó. Âu cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống, nhất là giữa xã hội ngày hôm nay khi đồ giả lên ngôi.

           Con người cũng thế, trong tương quan giữa người với người, không ai muốn mình phải quen biết hay thân cận hay nhất là tin tưởng người giả bao giờ. Thế nhưng cũng chả biết đường mà lần. Có khi người mình trao hết niềm tin và trao cả cuộc đời nhưng dần dần lộ diện ra người mà mình trao niềm tin ấy lại là người giả. Và những cú sốc không nhẹ ập đến khi người mình tin tưởng lại là người giả.

           Ngày hôm nay, thế giới mạng phát triển, ta thấy thật thật giả giả lẫn lộn chả biết đường mà mò. Giả giả thật thật ngày hôm nay cứ nhan nhãn để rồi làm cho con người ta không tin tưởng nhau nữa. Mạng xã hội xem chừng là giả nhưng nó là thật và cũng có những người được mạng xã hội tung hứng nhưng cuối cùng lại là giả.

           Mấy ngày nay và nhất là từ trưa đến nay, nhiều và rất nhiều người điện thoại, nhắn tin cho tôi hỏi thăm tôi về chuyện đời. Câu chuyện những người đó hỏi xoay quanh về niềm tin về người mà họ cho là thật và bao lâu nay họ tin tưởng.

           Thương cho họ. Họ là những người lớn tuổi hơn tôi. Họ nhắn tin mà tôi đọc xem chừng rơi nước mắt : “Con không tin điều đó Cha ơi !”. “Con không tin sự thật là như vậy Cha ơi !”. “Làm sao mà có chuyện đó được Cha ơi !”. Phải nói rằng rất nhiều dòng tin nhắn mà tôi đọc tôi thấy chạnh lòng và phải nói là không chạnh lòng nữa mà là đau thật đau.

           Những người trước mắt của nhiều người khác là lung linh, là chói lọi cũng như đầy quyền lực, danh dự và vinh quang đều quy về người đó nay coi như bị sụp đổ. Nhiều và rất nhiều người nuối tiếc khi thần tượng của họ sụp đổ.

           Tôi thì khác ! Tôi chả có gì sụp đổ cả ! Đơn giản vì tôi xác tín đời tôi, tôi chỉ đi theo một mình Đức Ki tô và tin vào Đức Kitô mà thôi. Đơn giản, Đức Kitô khẳng định Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Ai đến với Ngài sẽ được sống và không phải chết bao giờ”. Chính vì lẽ đó cứ đường tôi tôi đi, tôi chả bận tâm ai khác. Tất cả cũng chỉ là phàm nhân :

Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình
và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?
Mạng người dù giá cao mấy nữa,
thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.
Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số?
Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết. (Tv 49)

            Tất cả cũng chỉ là phàm nhân. Chỉ tội nghiệp cho con người khi người ta tin tưởng cũng như thậm chí phong thánh cho ai đó quá sớm. Chỉ một mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh mà thôi.

           Chả biết phải nói làm sao nữa. Nhiều và nhiều người đến “méc” tôi và như xưng tội kiểu tòa trong. Họ nói cho tôi quá nhiều đến độ tôi bị bão hòa về những khuôn mặt mà nhiều người tôn vinh và xem chừng ra rất thánh thiện. Họ kể ra những nhân vật mà xem chừng ra khi nói ra người ta bảo mình dựng chuyện hay chuyên gia ngồi đó bới móc người khác.

           Mới sáng hôm nay thôi, một người em linh mục nọ bị khủng hoảng đời sống đức tin. Anh chàng ấy cũng là cựu tu sinh. Anh theo đường tu nhưng không trọn. Bạn bè linh mục cùng thời của Anh rất nhiều. Chả hiểu sao Anh lại tìm đến tôi và kể hết sự tình. Nghe xong về chuyện Anh nói về linh mục, tôi xin phép đại diện cho những linh mục đó xin lỗi Anh và nói Anh hãy bình tĩnh và giữ vững đời sống đức tin.

           Câu nói mà Anh nói tôi nghe nhói cả lòng : “Cha ! 2 tuần nay con không đến Nhà Thờ. Con không thể nào nghe lời của các cha giảng nữa. Đều giả dối hết Cha ơi ! Con đến Chùa. Mấy ngày nay con đến đó con nghe tiếng chuông chùa và lòng con bình an lắm !”.

           Thật sự khi gõ lại những dòng này tôi đau đớn ! Đau vì giáo dân đã bị mất niềm tin vào những vị đại diện cho Đức Kitô ở trần gian. Thế nhưng rồi hình ảnh của những vị lẽ ra sống trở thành Đức Kitô khác cho người ta noi theo nhưng rồi họ lại sống khác với Đức Kitô mà họ đã từng tuyên hứa là nói, sống những lời họ đọc và họ  tin trong Kinh Thánh. Tiếc thay họ sống ngược lại và để rồi những người tin tưởng họ mất niềm tin.

           Chiều nay, trong điện thoại, tôi chia sẻ về chuyện giáo dân mất niềm tin vào linh mục, một vị tôi rất quý mến là em của một Đức Giám Mục chia sẻ mà tôi thấy đau lòng : “Cha ơi ! Con cũng bị rồi Cha ơi! ...”

           Nghe sao mà buồn quá ! Tiếc và thật tiếc thay khi người giáo dân bị mất niềm tin vào những người mà họ coi trọng và tin tưởng. Sau một thời gian, niềm tin của họ bị sụp đổ vì phát hiện ra con người mà bấy lâu nay họ tin đó lại là giả.

           Thật sự không đơn giản để sống thật với con người giữa cuộc đời này. Trước hết là ai ai cũng thích cái vẻ bề ngoài, lung linh và khéo ăn khéo nói. Thứ đến là người ta không chấp nhận lời thật và thù ghét lời thật.

           Tôi vừa bị một giáo dân mạt sát : “Cha đừng phá Giáo Hội nữa ! Cha đăng bài để người ta vào người ta chửi Giáo Hội ! Xin Cha đừng phá Giáo Hội nữa ...”.

           Nghe lời nhận định đó, tôi tự vấn lòng mình rằng tôi có phá Giáo Hội không ?

           Nghĩ cũng buồn cười. Một số Đức Cha vẫn đọc bài của tôi, Mộ số website đăng bài của tôi để đăng thì làm sao nói tôi phá Giáo Hội Và chính bản thân tôi cũng đang phụ trách 1 trang web của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thì làm sao Đấng Bản Quyền để tôi làm chủ trang nếu tôi phá Giáo Hội (có điều trong trang này tôi cực ít đăng bài do tôi viết vì tôi không muốn mình vừa đá bóng vừa thổi còi hay khoe mẽ. Trang này tôi lấy tin tức Giáo Hội đăng cùng với những bài suy niệm và nghi thức Thánh lễ do tôi biên soạn mà thôi).

           Tôi ở trong trạng thái sống thật nhưng bị người ta nghi ngại và thậm chí còn rủa. Tôi không ngán vì tôi mãi mãi vẫn là tôi. Ai tiếp xúc với tôi đều biết rõ con người của tôi : hèn yếu, nhỏ bé và ngày mỗi ngày cố gắng nên hoàn thiện. Tôi luôn bộc bạch con người chuệch choạc của tôi chứ không đánh bóng để người khác tin.

           Tiếc thay người ta thích cái lung linh, cái lóng lánh để một ngày nào đó sự thật lộ diện thì họ mất niềm tin. Thôi thì sống ở đời, bớt bớt tin vào những cái lung linh và lóng lánh lại. Chưa chắc cái gì nhình lóng lánh đã là vàng đâu. Và, chỉ một mình Đức Kitô là mới chính là Sự Thật mà thôi. Và, Sự Thật sẽ giải thoát anh em (Ga 8, 32).

Lm. Anmai, CSsR

 

*********

 


 

CẨN NGÔN !

Trong cuộc sống thường ngày, ta thấy ngôn luận của một người thể hiện rõ nét nhân cách của bản thân người ấy. Cẩn ngôn nghĩa là nói năng phải cẩn trọng, lời quan trọng phải nghĩ thật kỹ ngẫm thật sâu mới nói ra miệng. Không nói lời làm tổn thương tới người khác, không nói chuyện chẳng thể với tới. Lời nói ắt phải có chữ tín, phải làm được mới hay, nếu không thà rằng đừng nói.

Và đọc tôi đọc trong “Luận Ngữ – Vi Chính” có chép rằng: Tử Cống hỏi Khổng Tử làm thế nào mới có thể trở thành một người quân tử. Khổng Tử bảo rằng: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, nghĩa là hãy thực hiện trước khi nói, khi công việc hoàn tất rồi hãy nói.

Làm người chân thật, người đó cần cố gắng giữ được ngôn hành đồng nhất, tâm khẩu như một. Người có thể quản được cái miệng của mình ắt là bậc trí huệ. Bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra, lời đã nói ra như mũi tên đã bắn, chẳng thể thu hồi. Vậy nên nghĩ kỹ rồi mới nói, xem lời nào nên nói, lời nào không.

Ta dễ thất một người nào đó khi họ có nội tâm phong phú thì họ vẫn thường trầm ổn. Những người thích ca ngợi tán tụng người khác lên mây thường là người không có nội hàm. Thế cho nên nên cẩn ngôn là một cách thể hiện học thức và tầm nhìn của bản thân.

Với kinh nghiệm của cuộc sống, ta thấy rất rõ, ai nào đó biết cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, sẽ không động một chút là nói tôi thế nọ tôi thế kia, như vậy sẽ bất cẩn bộc lộ ra hư vinh và sự tự ti của bạn. Nên nhìn lại bản thân của mình để ta càng không nên chỉ trích người khác quá nhiều, nói lắm ắt lỡ lời, những lời đàm luận thô tục chỉ chứng tỏ sự nông cạn của bản thân mà thôi.

Trong đời sống hàng ngày, ta vẫn thường gặp một số người không ngừng oán trách. Họ oán trách cuộc sống chẳng như ý, oán trách người khác đối xử với mình không tốt, oán trách số phận bất công, hễ gặp ai cũng than vãn không dứt. Kỳ thực người đó không chỉ không ước chế được cảm xúc tiêu cực của mình, mà còn khiến nó trở thành một gánh nặng với người khác. Mỗi người đều có một quỹ đạo cuộc sống, đều sẽ gặp phải những phiền muộn, hà tất cứ phải thở than? Chẳng ai có nghĩa vụ thay bạn gánh vác bất cứ điều gì.

Và hẳn ta còn nhớ, tục ngữ có câu: “Thiện ngôn một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, sẽ có một số người cả ngày chuyên bới lông tìm vết, đổi trắng thay đen, khiến mọi chuyện rối tung cả lên. Những người như vậy họ nghĩ và e rằng thiên hạ không loạn thì chẳng có trò vui. Người như vậy thường khiến người khác phải tránh xa. Bởi vì những lời bàn luận không phù hợp, những cách nói chẳng hợp thời, đôi khi giống như mũi dao găm vô tình làm người khác bị thương. Họ kéo theo những người giống như họ để châm chích người khác.

Và rồi cẩn ngôn còn thể hiện khi ta tranh luận với người khác điều gì đó trong cuộc đời. Nếu có thể, hãy lấy tình bác ái, đức yêu thương làm gốc bởi ta là Kitô hữu, ta mang trong mình Đạo Yêu Thương, đừng làm tổn thương tới bản thân, cũng đừng cố tình làm tổn thương tới người khác, thì đã là cẩn ngôn rồi. Thế nhưng không phải dễ để có cái tâm thiện cũng như không làm tổn thương người khác vì dòng đời xô đẩy

Với kinh nghiệm của mỗi người, ta sẽ thấy rằng đôi khi một lời khích lệ, một lời yêu thương ngọt ngào của ta có thể khơi dậy khả năng tiềm ẩn của một ai đó, một câu nói đầy bác ái yêu  thương của ta thậm chí có thể thay đổi số phận của một con người Nếu trong nội tâm mỗi người đều gieo xuống hạt giống từ bi và nhân ái như Chúa dạy. Tâm hồn của chúng ta sẽ như gió mát vây quanh, mỗi bước chân đi hoa hồng nở cho mọi người chung quanh được thấy, được chiêm ngưỡng. Và tại sao ta không chọn kích lệ mà đi gây tổn thương cho người khác để rồi có khi bản thân ta cũng chẳng có được chút bình an.

Những người khôn ngoan thật sẽ là những người thích nhìn vào gương sáng của người khác và biết cách tán dương người khác, ở gần họ ta cũng sẽ cảm thấy ấm áp. Lời nói, cử chỉ bác ái yêu thương như những tia nắng, chiếu sáng bản thân, cũng khiến người khác rạng ngời. Với người Kitô hữu, khi sống như thế thì sẽ trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian như Chúa mời gọi.

Làm người ở trên đời này, ở trên cái cõi tạm này đâu cứ phải vì một ý nghĩa lớn lao nào đó hay làm ông này bà nọ. Nếu làm ông này bà nọ mà không “sống tử tế” thì lại làm khổ cho người khác và kinh nghiệm đã cho ta thấy bao nhiêu ông này bà nọ làm khổ dân rồi.

Hãy nỗ lực làm một người tốt, dốc toàn lực hoà nhập với mọi người, không ngừng bồi dưỡng đời sống thiêng liêng, mở rộng tầm nhìn và lòng bao dung của bản thân. Để cho tâm được bình an, ta không lo phiền vì chuyện vặt vãnh, không so đo tính toán vì việc nhỏ nhặt, thời thời khắc khắc luôn chú ý lời nói và hành vi của bản thân mình. Nói năng cẩn thận, làm việc thiết thực, thì sẽ được người khác yêu mến mà bản thân lại vui vẻ, hạnh phúc.

Thật thế :

Một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm, gây ra bất hòa.

Một lời độc ác có thể làm tổn thương một tâm hồn.

Một lời đúng lúc có thể mang lại bình an.

Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc thật sự.

Và có những lời nói có thể cứu được một con người

Lm. Anmai, CSsR


 

Danh mục:
Tác giả: