Hãy lật tảng đá tội lỗi của ta để chờ đón Chúa Phục Sinh
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Huệ Minh
Thứ Bảy Vọng PS
Mt 28, 1-10
HÃY LẬT TẢNG ĐÁ TỘI LỖI CỦA TA ĐỂ CHỜ ĐÓN CHÚA PHỤC SINH
Chiều hôm nay, chiều thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội dừng chân suy tư bên mộ Chúa. Tại một số giáo phận có các thừa sai thuộc dòng Đaminh, quen gọi là “Địa phận dòng”, Tuần Thánh được cử hành với những nghi thức truyền thống của các thừa sai Đaminh Tây Ban Nha. Sau khi tháo đanh, Chúa Giêsu được an táng trong hang đá, suốt đêm thứ Sáu và cả ngày thứ Bảy. Từng nhóm tín hữu đến viếng và “hôn chân Chúa” trong tiếng ca vãn bi ai. Mọi người tham dự nghi thức “ngắm đàng Thánh Giá” chiều thứ Bảy đều mang vành tang trắng trên đầu, như để thương tiếc một người thân đã khuất.
Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Bằng chứng của sự chết là khi một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, máu và nước chảy ra. Người được an táng trong huyệt mộ. Những kỳ mục Do Thái cũng như những người đòi lên án tử cho Chúa đều nghĩ họ đã thành công. Bởi lẽ, loại trừ được vị Ngôn sứ thành Nagiarét, họ như trút được gánh nặng. Chúa Giêsu bị họ coi là một người phản loạn, một người hay bắt bẻ và phê phán họ trước quần chúng. Những người dân thành Giêrusalem, sau khi chứng kiến cái chết của Chúa, cũng trở về với những bận rộn của ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua. Sự kiện một người bị lên án tử đối với họ cũng dần trôi vào dĩ vãng. Cũng có những người thương cảm trước một người tử tội theo lẽ tình đồng loại, nhưng sự thương cảm ấy cũng phải nhường chỗ cho những âu lo của cuộc sống thường ngày.
Thế nhưng rồi, đàng sau nấm mộ Chúa đó lại là sự phục sinh của Ngài. Giản đơn, ta thấy từ kinh nghiệm tình thương, thánh Phaolô đã quả quyết rằng, nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì tất cả những người Kitô hữu bị xem là không bình thường. Căn cứ vào đâu để mà nói tới sống-chết ? Sự kiện “ngôi mộ trống”, trả lời tất cả, đã giúp cho đức tin của chúng ta thực sự phong phú hơn. Tuy không làm nam giới, không tài giỏi, hoặc có công trạng to lớn gì với Thầy – Trò Giêsu, không mưu trí, không có điều kiện các phục nữ thời nay, nhưng các chị em ấy luôn ý thức sứ mệnh theo Thầy Giêsu là gì.
Sự kiện Chúa sống lại, mặc dù đã được Chúa nói trước nhiều lần, song đây vẫn là một điều vượt quá sức tưởng tượng, chưa bao giờ thấy. Vì thế, các phụ nữ này vô cùng sợ hãi và không dễ dàng chấp nhận. Trong tâm hồn các bà, Chúa đã chết, đã chấm dứt tất cả, không còn hy vọng gì nữa. Các bà ra mộ với một mục đích duy nhất là đi thăm và chăm sóc một cái xác đã chết. Ý nghĩ này bao trùm tâm trí các bà khiến tâm hồn các bà chìm ngập trong sự ám ảnh về cái chết của Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, hòn đá lấp cửa mộ cũng đồng thời là hòn đá đang đè nặng trên tâm trí các bà và đè bẹp mọi hy vọng của các phụ nữ này. Các bà bảo nhau : Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm chúng ta ?
Chắc chắn không ai có thể lăn tảng đá ra khỏi tâm hồn, trừ khi có bàn tay của Thiên Chúa. Khi các phụ nữ đến nơi, ngước mắt lên, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mộ. Điều này cho thấy : Tin Mừng Phục sinh vượt quá lẽ tự nhiên của con người, nếu chúng ta cứ mãi cắm mặt xuống đất, nuôi dưỡng những lý luận theo kiểu dưới đất, thì chúng ta sẽ bị chôn vùi trong ngôi mộ chết chóc của nó. Ngược lại, biến cố phục sinh đòi chúng ta phải ngước mắt lên, chỉ khi ngước mắt lên chúng ta mới thấy và nhận ra quyền năng của Thiên Chúa ; ngước mắt lên để chúng ta có sức mạnh đẩy lui hòn đá chết chóc ra khỏi tâm hồn.
Tại nơi “mộ trống”, các phụ nữ năm xưa thấy mất xác Thầy, họ đồng lòng muốn tìm cái xác ấy thôi, Tin Mừng Phục Sinh đã gạt bỏ khỏi nơi tâm trí họ ý nghĩ đó. “Ngôi mộ trống”, chẳng mấy chốc đã được “người thanh niên mặc áo dài trắng” lấp đầy lòng các bà niềm hân hoan vui mừng Chúa sống lại.
Các chị phụ nữ xưa kia không nhìn thấy Chúa bằng con mắt thường, nhờ đức tin đơn sơ, tai các bà sung sướng được nghe Tin Mừng Phục Sinh : “Người đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa”. Đúng, không có ánh sáng, thế gian sẽ tối tăm bao trùm. Không có sự thiện : vũ khí tối tân nhất cũng không thắng được sự dữ. Không có Phục Sinh, thì chỉ có sự chết, chẳng cần đến niềm tin làm gì.
Để có Phục Sinh, tất cả phải qua thập giá mới tới vinh quang, Tin Mừng Phục Sinh đã và đang tiếp tục chiếu soi. Chắc hẳn các tông đồ không muốn mình bị gọi là người hèn nhát, sợ chết, nhưng đối diện với cuộc thương khó của Thầy, các ông phải nhận ra các ông thật yếu đuối, tội lỗi, bất lực. Các ông rất cần đến Tin Mừng Phục Sinh, đến tình yêu và ơn tha thứ của Thầy Giêsu. Chính những người tội lỗi đã từng chối Chúa, và tất cả những ai hôm nay theo Chúa làm tông đồ, đều được Tin Mừng Phục Sinh biến đổi, nếu như chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa.
Chúa phục sinh hẹn gặp các tông đồ tại Galiêa. Ngài vẫn hẹn chúng ta đến để được gặp Ngài. Ngài hẹn gặp chúng ta nơi Thánh lễ mỗi ngày. Nơi đây, chúng ta sẽ được gặp Đấng Phục sinh một cách sống động, cụ thể qua Lời của Ngài, qua giáo huấn của Giáo hội. Đặc biệt, chúng ta sẽ gặp Ngài qua bí tích Thánh Thể. Nhờ gặp gỡ Chúa Phục sinh mỗi ngày, chúng ta sẽ được biến đổi nên con người mới.
Chúa Giê su đã sống lại, Chúa mở đường cho chúng ta đi. Chúa mời gọi chúng ta đi theo con đường ấy. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta nhìn ngắm cây nến Phục Sinh. Đó là biểu tưởng hết sức ý nghĩa. Thế giới tăm tối này, nếu không có ánh sáng của Chúa thì vẫn chìm ngập trong bóng đêm, vẫn là tăm tối, vẫn là tội lỗi, vẫn là chết chóc. Nhưng ánh sáng của Chúa đã thắp lên để chiếu soi thế giới, chiếu soi cuộc đời của mỗi người chúng ta. Anh chị em hãy nhìn lên ánh sáng của Chúa Giêsu để mà tiến bước. Ánh sáng này, ánh sáng của chân lý, ánh sáng của tình thương Phúc Âm, luôn luôn bị những cơn lốc, những cơn gió của tội lỗi tìm cách làm tắt đi. Cơn gió của trào lưu tục hóa, luôn luôn muốn thổi mạnh lên thành bão táp để làm tắt ngúm cây nến Phục Sinh, là Lời Chúa, là tình thương của Chúa. Thánh Gioan lại khẳng định, bóng tối tìm cách trấn áp ánh sáng nhưng mà không bao giờ lại có thể làm tắt được ánh sáng của Chúa Giêsu. Ánh sáng của Chúa, một khi đã được đốt lên thì chúng ta cứ tin tưởng mà bước theo Chúa. Hôm nay Chúa Giêsu đã sống lại, đó là lời bảo đảm cho chúng ta rằng Ánh sáng của Chúa Giêsu sẽ còn mãi.
Khi Chúa Giêsu sống lại, Chúa đã đưa chúng ta sang bờ bên kia của biển Đỏ. Chúa Giêsu dẫn đưa chúng ta từ cõi chết tới cõi sống. Chúa Giê su đã đặt thế giới này trong tình trạng “bất khả hồi”, không bao giờ có thể chịu thua quyền lực của sự chết. Như thánh Phaolô nói: “Chúng ta đã được cùng chết với Chúa và cùng sống lại với Chúa qua bí tích Rửa tội”( x. Cl 2,12). Chúng ta ngồi đây, theo qui luật tự nhiên, chúng ta sẽ phải chết. Nhưng trên nguyên tắc, nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đang ngồi đây, chúng ta đã có sự sống lại của Chúa Giêsu rồi. Đức Kitô Phục Sinh đang ở trong chúng ta. Thần Khí của Thiên Chúa là chính Chúa Thánh Thần đang ở trong chúng ta. Chúng ta được đưa vào thế giới của sự sống, thế giới của ánh sáng. Hãy giữ lấy ngọn nến mà anh chị em đã thắp lên ở trong tay của mình, ngọn nến của linh hồn. Chúng ta hãy để cho Tin Mừng của Chúa chiếu soi chúng ta, và cho dù chúng ta có phải chết về phần xác, nhưng đừng để tâm hồn của chúng ta chết trong tội lỗi.
Để đón nhận được Tin mừng phục sinh, chúng ta phải lật tảng đá chết chóc đang đè nặng tâm hồn. Cần lật bỏ hòn đá tội lỗi, đang làm chúng ta xa tránh Thiên Chúa, dửng dưng với Tin mừng Phục sinh, trở nên vô cảm với lời chứng của Giáo Hội. Bên cạnh đó còn có những tảng đá lớn mà xã hội và con người ngày nay đang cố ý dè trên chúng ta. Đó là lối sống duy khoa khọc, tư tưởng duy vật vô thần, những trào lưu sống thực dụng, tiêu dùng, hưởng thụ đang là những hòn đá lớn cản trở, khiến nhiều người nghi ngờ về Mầu nhiệm Phục sinh.