Học Làm Người Trưởng Thành Nhân Cách - Bài 51-60
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Đan Vinh
HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH - BÀI 51-60
Xem: Bài 01-10 | Bài 11-20 | Bài 21-30 | Bài 31-40 | Bài 41-50 | Bài 51-60 | Bài 61-70 |
==========
BÀI 51
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ ?
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Cô-lô-xê : “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; Hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người”. (Cl 4,5-6).
2. CÂU CHUYỆN : LỄ TÂN TỬ TẾ NHƯỜNG PHÒNG RIÊNG CHO KHÁCH.
Ở một thành phố nhỏ ven biển, vào lúc đêm khuya, có một đôi vợ chồng cao niên lỡ đường phải đi đến từng khách sạn gần biển hỏi thuê phòng. Nhưng ở đâu cũng không còn phòng trống. Khi đến khách sạn cuối đường, nhân viên lễ tân không đành lòng để đôi vợ chồng già phải lang thang ngoài trời đêm lạnh lẽo, nên đã dẫn họ đến một căn phòng và nói : “Khách sạn hiện không còn phòng trống. Mời hai bác nghỉ tạm tại phòng này. Cháu rất tiếc hiện không còn phòng nào khác tốt hơn”. Hôm sau, khi họ đến thanh toán, anh nhân viên lễ tân liền nói : “Hai bác không cần trả tiền đâu ạ, vì căn phòng đó là phòng riêng của cháu. Chúc hai bác một chuyến du lịch vui vẻ !”
Thì ra, nhân viên lễ tân đó đã sẵn sàng ngủ đêm tại sảnh tiếp tân của khách sạn để nhường phòng riêng cho khách. Cặp vợ chồng hết sức cảm động nói : “Chàng trai trẻ à, cậu là nhân viên lễ tân khách sạn tốt nhất mà chúng tôi đã từng
gặp đấy. Sau này cậu nhất định sẽ được đền đáp xứng đáng !”. Chàng trai cũng chỉ mỉm cười đáp lại và sau khi tiễn họ ra cửa, anh không còn nhớ đến câu chuyện đó.
Bỗng vào một ngày mùa hè, anh ta đã nhận được một bức thư, trong đó có kèm theo một tấm vé mời anh đi du lịch đến New York. Anh đã đi và tìm đến khách sạn theo địa chỉ ghi trong vé mời. Thì ra đây là một khách sạn rất đẹp của hai vợ chồng đã được anh ta tiếp đón trong đêm khuya cách đó ít lâu. Họ là đôi vợ chồng tỷ phú rất giàu có. Sau chuyến đi ấy họ đã mua được một khách sạn mới xây và quyết định chọn anh nhân viên tử tế kia làm giám đốc khách sạn. Nhờ tính tình vui vẻ thân thiện, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, nên anh đã có cơ hội thuận lợi trở thành giám đốc một khách sạn hạng sang tại một thành phố lớn Hoa Kỳ.
3. SUY NIỆM :
- Một người tử tế là “người thân thiện, hào phóng và biết quan tâm đến người khác”. Tử tế còn ám chỉ một người làm việc cẩn thận, chu đáo như câu nói của người trên thường căn dặn nhân viên cấp dưới : “Anh hãy cố gắng làm mọi việc cho tử tế nhé !”.
- Xã hôi chỉ bình an khi người với người biết cư xử tử tế với nhau, biết ứng xử thân thiện và luôn quan tâm đến người khác chứ không chỉ ích kỷ lo cho mình; Trong công việc, nhân viên tử tế sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, làm mọi việc cẩn thận chu đáo và luôn được cấp trên đánh giá tốt.
- Trong giao tiếp xã hội, ngoài một số nhân viên công quyền làm việc nghiêm túc, vẫn còn không ít nhân viên có hành vi sách nhiễu dân chúng khi xử lý các vụ việc lỗi luật an toàn giao thông; Một số nhân viên bệnh viện đã đòi người nhà nạn nhân phải lập tức đóng tiền viện phí trước khi nạn nhân được cấp cứu, khiến nhiều nạn nhân đã bị chết oan vì không đóng tiền kịp thời. Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến việc quản lý các lô đất vàng khiến một số quan chức cao cấp thành phố phải ngồi tù… Các hành vi này đã làm soi mòn lòng tin của dân chúng…
- Như vậy, tử tế không những ám chỉ người ứng xử thân thiện, làm việc nghiêm túc chu đáo… mà còn bao gồm cả những người có tinh thần trách nhiệm, dám can đảm đấu tranh để loại trừ cái xấu cái ác trong xã hội nữa.
4. SINH HOẠT : Giả như bạn ở trong hoàn cảnh nhân viên lễ tân của khách sạn trong câu chuyện trên, bạn sẽ làm gì để cũng được khách hàng đánh giá là một nhân viên tử tế và có tinh thần trách nhiệm cao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi người chúng con biết ứng xử thân thiện với những người chúng con gặp gỡ tiếp xúc. Xin cho chúng con biết luôn nghĩ đến người khác và nhiệt thành đáp ứng nhu cầu của họ. Xin cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ được trao cách nghiêm túc, để gây được thiện cảm với mọi người và góp phần xây dựng xã hội chúng con đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái và hạnh phúc hơn.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
==========
BÀI 52
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - GIÁ TRỊ CỦA THÁI ĐỘ CHÂN THÀNH KHIÊM HẠ
1. LỜI CHÚA : ”Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN : THAY ĐỔI THÁI ĐỘ - BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI.
Một cô gái tên là Mỹ Đình đang làm nhân viên tại phòng quản lý về giao thông công chánh. Cô được hầu hết nhân viên trong phòng quý mến và cũng được cấp trên đánh giá là một nhân viên có năng lực, giải quyết công việc hiệu quả. Cô không khi nào bị khách hàng khiếu nại điều gì. Những người đến liên hệ khi được hỏi đều tỏ ý hài lòng trước cung cách phục vụ vui vẻ ân cần của cô. Khi được phóng viên hỏi cô làm thế nào gây được thiện cảm của nhiều người như vậy, thì cô đã khiêm tốn trả lời như sau :
“Cách đây mấy năm, khi mới được điều về phòng này, tôi thường có thái độ hách dịch và làm chậm trễ công việc của khách đến liên hệ với những lý do không chính đáng như : “Việc đó không thuộc thẩm quyền của tôi”, rồi đùn đẩy trách nhiệm sang cho người khác, hoặc tệ hơn tôi cố tìm ra điều gì đó như : có sự thiếu sót về mặt giấy tờ và trả lại với yêu cầu bổ túc hồ sơ, rồi hẹn tới hẹn lui nhiều lần mới chịu giải quyết. Dù rằng thật ra có ít nhất một nửa công việc nói trên nếu muốn, tôi vẫn có thể giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Dĩ nhiên mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn đối với những người tỏ ra biết điều bằng sự kín đáo bồi dưỡng cho tôi. Hầu hết những ngừơi bị trả lại hồ sơ đều tỏ thái độ bất bình. Thậm chí có người còn công khai chỉ trích thái độ quan liêu cửa quyền của tôi. Sau những lần như thế, tôi cũng áy náy lương tâm vì thái độ bẳn gắt, thiếu thân thiện, và cảm thấy hối hận về lòng tham của mình. Rồi một ngày kia tôi tình cờ đọc được cuốn sách “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie và tôi đã quyết định thay đổi lối ứng xử và kết quả là tôi đã gây được thiện cảm của nhiều người.
Việc đầu tiên tôi làm là học thuộc tên của những người đến liên hệ và nói chuyện thân tình với họ. Rồi tôi cũng vui vẻ chào hỏi người khác trước, mỗi khi gặp mặt. Tôi cũng tỏ ra quan tâm và ân cần lắng nghe những ngừơi đến liên hệ công tác để tìm hiểu nhu cầu của họ và tận tình chỉ dẫn sao cho thuận lợi và nhanh chóng nhất, thay vì hẹn tới hẹn lui như trước. Tôi cũng không còn quan tâm đến phong bì bồi dưỡng của khách. Từ ngày đó, tôi nhận thấy thái độ của các bạn đồng nghiệp đối với tôi cũng bắt đầu thay đổi. Họ thường vui vẻ cởi mở mỗi khi gặp mặt tôi. Còn các khách hàng thì hầu hết đều hài lòng và biết ơn tôi vì đã giúp họ giải quyết công việc nhanh chóng thuận lợi và vô điều kiện. Ngay chính tôi cũng thấy lương tâm yên ổn và hài lòng trước những tình cảm quý mến mà mọi người dành cho mình. Hiện nay tôi luôn tự hứa với lòng là quyết tâm phục vụ tha nhân với hết khả năng, để giữ mãi được tình cảm quý mến và sự tín nhiệm mà mọi người đã dành cho tôi”.
3. SUY NIỆM :
- Trong cuộc sống, chúng ta sẽ thành công hay thất bại là do có nhận được thiện cảm của người khác, có được người khác sẵn sàng cộng tác giúp đỡ hay không. Tuy nhiên để được thiện cảm của người khác thì điều quan trọng nhất là phải cư xử tốt với họ. Một khi chúng ta nhiệt tình giúp đỡ tha nhân thì đến khi chúng ta có việc cần, họ sẽ giúp lại như câu người ta thường nói : “Có đi có lại mới tọai lòng nhau” và “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”... Ngược lại, nếu chúng ta dửng dưng ích kỷ, không nhiệt tình giúp đỡ thì cũng đừng mong được họ giúp lại theo luật nhân quả : “Gieo giống nào gặt giống đó !”; “Ở hiền gặp lành !” ; “Gieo gió gặt bão !”.
- Thái độ vị tha, luôn biết nghĩ tới người khác chính là thái độ của những người có lòng nhân ái : Lòng nhân ái đòi ta phải thắng vượt tính ích kỷ cố hữu là chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ quan tâm bảo vệ quyền lợi của mình hay gia đình mình, và dửng dưng trước nhu cầu của tha nhân. Chính khi vị tha, quên mình để nghĩ tới người khác và sẵn sàng giúp họ hết mình, chúng ta đang gieo những hạt giống tốt trong đời mình. Những hạt giống này sẽ âm thầm mọc lên và sinh hoa kết trái. Rồi tới lúc không ngờ, chúng ta có thể sẽ gặt hái được những hoa thơm trái ngọt của thái độ vị tha nhân ái đó.
4. SINH HOẠT :
Qua câu chuyện trên, hãy cho biết : Cô Mỹ Đình đã chinh phục được thiện cảm của đồng nghiệp và của khách hàng nhờ nguyên nhân nào ? Trong những ngày này bạn quyết tâm sẽ làm gì để gây thiện cảm với tha nhân ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong tha nhân, nhất là trong những người nghèo khổ bệnh tật… để sẵn sàng phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được Chúa ban hạnh phúc Nước Trời đời đời sau này.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=================
BÀI 53
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - TRÁNH THÓI GANH GHÉT ĐỐ KỴ
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy : “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,3-4).
2. CÂU CHUYỆN : HỒ TINH CHỈ SỢ LOÀI HỒ TINH THÔI.
Trong sách Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện về loài hồ tinh như sau : Tại một lầu sách kia có môt con hồ tinh nói chuyện rất lý thú khiến ai nghe cũng đều nể phục. Một hôm, một số bạn bè họp nhau tại lầu sách mang theo cả con hát đến hầu rượu. Khi men rượu đã bừng bừng, cả bọn liền đánh cuộc với nhau rằng : “Ai sợ gì sẽ phải thành thật nói ra. Nếu nói vô lý sẽ bị phạt rượu”. Bấy giờ lần lượt từng người đứng lên phát biểu ý kiến : nào là sợ người học rộng, nào là sợ kẻ giàu có, sợ người làm quan to, sợ kẻ xu nịnh, sợ người khiêm tốn, sợ kẻ lễ phép câu nệ, sợ người cẩn trọng ít nói, sợ kẻ ăn nói lăp lửng… Sau cùng khi đến lượt, hồ tinh liền phát biểu :
- Còn ta chỉ sợ lòai hồ tinh của ta.
Ai nấy đều cười bảo rằng : “Người ta phải sợ loài hồ tinh mới đúng. Ngươi là đồng lọai can chi phải sợ ? Phạt ngươi một chén rượu”. Hồ tinh liền cười và nói rằng : “Thiên hạ duy có đồng lọai là sợ nhau mà thôi : Con cùng cha mới tranh nhau gia sản; Gái cùng chồng mới hay ghen tức nhau; Kẻ tranh quyền tất là quan lại đồng triều; Kẻ tranh lợi tất là lái buôn một chỗ. Bức bách nhau thì sẽ làm trở ngại nhau; Trở ngại nhau thì sẽ làm té ngã nhau. Người bắn trĩ thì dùng con trĩ làm mồi chứ không dùng con gà con ngỗng; Người săn hươu thì dùng hươu làm mồi chứ không dùng con dê con lợn. Phàm những việc hại nhau người ta đều dùng đồng lọai cả. Cứ thế mà suy thì hồ tinh ta sợ loài hồ tinh có gì là vô lý ? “ Mọi người nghe xong đều cho hồ tinh đã nói phải.
3. SUY NIỆM :
1) NGUYÊN NHÂN CỦA THÓI GANH GHÉT ĐỐ KỴ :
- Thói hay ganh ghét đố kỵ đã có ngay từ buổi bình minh của nhân lọai : Sách Sáng Thế Ký đã ghi lại sự ganh ghét của hai anh em là Ca-in và A-ben là con của ông bà nguyên tổ: Thấy lễ vật của em A-ben được Thiên Chúa chấp nhận, Ca-in liền sinh lòng ganh tức và tìm dịp giết chết A-ben ngòai đồng vắng. Rồi chuyện ông Giu-se là con út của tổ phụ Gia-cóp, đã bị các anh ganh ghét hè nhau ném xuống giếng cạn và sau đó bán cho bọn lái buôn sang bên Ai cập làm nô lệ.
Trong Tân Ước các môn đệ cũng tỏ ra ganh tức với hai anh em nhà Giê-bê-đê, khi thấy họ cùng mẹ đến xin Thầy Giê-su cho ngồi hai bên tả hữu sau khi Thầy lên làm vua. Đức Giê-su đã phải dạy các ông bài học khiêm nhường : Ai muốn làm lớn thì hãy ăn ở như người rốt hết và ai muốn cầm đầu thì phải khiêm hạ phục vụ anh em (x Mt 20,24-28). Chính Đức Giê-su cũng bị bọn đầu mục Do thái ganh ghét khi họ thấy dân chúng bỏ họ và lũ lượt đi theo Đức Giê-su. Họ nói : “Kìa xem thiên hạ theo ông ta hết cả rồi”. Chính lòng ganh ghét đã thúc đẩy bọn đầu mục này cáo gian với quan Tổng Trấn Phi-la-tô và đòi ông kết án tử hình cho Người (x Mt 27,18).
- Ganh ghét là do thói kiêu ngạo phát sinh : Người ta hay ganh ghét với những ai có quan hệ gần với mình như: anh em cùng lớp, bạn đồng nghiệp hay cùng nghề, bạn buôn bán cùng một mặt hàng, bạn hàng xóm hoặc ngay cả anh chị em ruột thịt trong một gia đình… Thấy người khác hơn mình về thành tích, địa vị, danh dự, chuyên môn, bằng cấp, giàu có, nhân duyên, hạnh phúc, thành đạt… thì mình cảm thấy kém vui, lo lắng, ngờ vực… rồi căm ghét và muốn đạp đổ… như người ta thường nói : “Giàu nó ghét; Đói rét nó khinh; Mà thông minh thì nó tiêu diệt”. Vậy ganh ghét chính là thái độ ghen ăn tức ở khi thấy bạn bè đồng trang lứa trổi vượt hơn mình. Nguyên nhân dẫn đến ganh ghét là do thói kiêu căng, tự ái cao, háo thắng và óc hẹp hòi thiển cận.
2) HẬU QUẢ CỦA THÓI XẤU GANH GHÉT ĐỐ KỴ :
- Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có câu chuyện Chu Du vì ganh tức với Khổng Minh Gia Cát Lượng có trí thông minh hơn mình, nên nhiều lần tìm cách hãm hại Gia Cát Lượng nhưng không thành. Cuối cùng vì uất hận nên Chu Du đã bị hộc máu mồm ra mà chết.
- Ganh ghét gây hậu quả nghiêm trọng : Ganh ghét làm mất tình đòan kết nội bộ, cản trở tài năng phát triển và cản bước đi lên của tập thể. Nó làm cho tinh thần của kẻ ganh ghét luôn bị căng thẳng và dễ bị “stress”. Nó thúc đẩy họ bỏ vạ cáo gian, nói hành nói xấu và gài bẫy làm hại kẻ hơn mình cho hả dạ… Nhà văn Pháp De Balzac nói : “Người có tính ganh tị khổ sở hơn bất cứ kẻ bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta lại càng nhân lên bấy nhiêu”.
3) PHƯƠNG CÁCH KHẮC PHỤC THÓI GANH GHÉT ĐỐ KỴ:
- Về mặt tự nhiên: Cần ý thức rằng thành công của người khác không phải tự nhiên mà có, nhưng do công sức lao động vất vả của họ, kết hợp với tài năng và trí tuệ mới thành. Hãy luôn bình tĩnh tự tin và lạc quan. Hãy ý thức rằng : “Thất bại là mẹ thành công”. Chỉ cần ta quyết tâm và rút kinh nghiệm làm lại, thì sớm muộn cũng thành công như họ. Hãy học cái hay cái tốt của đối phương để bổ sung hòan thiện cái dở cái xấu của mình. Hãy thành thật khen ngợi thành công của anh em để nên bạn thân của họ như lời người xưa dạy : “Ai khen ta mà khen phải là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải là thầy ta. Ai nịnh hót ta, ấy mới là kẻ thù của ta vậy”.
Nếu bạn gái thấy cô bạn cùng phòng xinh đẹp hơn mình, thay vì ganh ghét, cô nên dành thời giờ tập thể dục hay chơi thể thao để gia tăng sức khỏe. Từ đó sắc diện sẽ nên hồng hào, thân hình sẽ cân đối, dáng đi sẽ thanh nhã gọn gàng hơn… Rồi cô cũng có thể tập ăn nói lưu lóat nhẹ nhàng, học thêm nữ công gia chánh để trang bị thêm phẩm hạnh cho mình… Như vậy dù có thua kém sắc đẹp, nhưng cô lại vượt qua đối thủ về nhiều mặt khác… Nếu người con cả thấy cha mẹ đối xử “con yêu con ghét” : cho đứa em nhiều của cải hơn mình,… Thay vì tỏ thái độ bất mãn ngang ngạnh, xúc phạm cha mẹ và hằn học với em…. thì hãy tìm nguyên nhân để khắc phục nhược điểm và phát huy ưu điểm. Nên nhớ rằng : cha mẹ thường yêu đứa con chăm chỉ hơn đứa lười biếng, thương đứa yếu đuối hơn đứa khỏe mạnh, thương đứa hiếu thảo biết vâng lời hơn đứa ương bướng hỗn láo … Vậy tại sao mình không tu sửa bản thân bằng cách vâng lời cha mẹ để được các ngài thương, mà lại thù ghét hãm hại em mình làm chi ?
- Về mặt siêu nhiên : Hãy xin ơn Chúa trợ giúp ta noi gương Chúa Giê-su, “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, rồi thực hành theo lời Người dạy : “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Cần sống theo lời thánh Phao-lô : “Vui với người vui, khóc với kẻ khóc”. Khi xét đóan cần theo nguyên tắc : “Khoan dung với người, mà nghiêm khắc với mình”.
TÓM LẠI : Khi thấy ai hơn mình, thay vì ganh ghét đố kỵ và tìm cách chống lại họ, ta hãy khiêm tốn tự kiểm xem mình thua họ ở điểm nào, rồi quyết tâm “tu tâm dưỡng tánh” để ngày một nên hòan thiện đáng yêu hơn, như người ta thường nói : “Muốn được người khác thương thì chính mình phải trở nên dễ thương trước”.
4. SINH HOẠT :
Ganh đua và tranh đua khác nhau thế nào ? Bạn nên phản ứng thế nào khi thấy bạn bè tài giỏi thành công và được nhiều người quí trọng hơn mình ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói ganh ghét đố kỵ các bạn bè đồng trang lứa trổi vượt hơn chúng con. Cho chúng con biết thành thật khen ngợi cái hay của họ và quyết tâm đổi mới bản thân để ngày một nên tốt đẹp hoàn hảo như họ, thay vì nói hành nói xấu để hạ giá trị của họ.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=========
BÀI 54
VĂN HOÁ GIAO TIẾP – TRỞ THÀNH NGƯỜI LẠC QUAN
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngọai cũng chẳng làm như thế sao ? Vậy anh em hãy nên hòan thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện” (Mt 5,47-48).
2. CÂU CHUYỆN : SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI.
- Một ngày nọ, BRI-AN đến gặp một khách hàng, nhưng vị khách đã từ chối việc giao dịch thương mại của anh, vì thế anh cảm thấy rất thất vọng. Trở về công ty, anh đã tường trình sự việc cho người quản lý. Sau khi lắng nghe anh, ông ta nói : “Vậy anh hãy thử đến gặp ông khách thêm lần nữa ? Nhưng anh phải thay đổi thái độ bằng việc luôn nở nụ cười khi tiếp xúc. Nếu anh có một nụ cười thân ái thì khách hàng chắc sẽ cảm nhận được thành ý của anh đó”.
- Ngày hôm sau, Brian đã làm theo lời khuyên của viên quản lý là luôn nở nụ cười trên khuôn mặt. Cuối cùng, anh đã chinh phục được tình cảm của ông khách và ông ta đồng ý ký hợp đồng làm ăn với công ty. Từ đó, Brian ý thức được sức mạnh của nụ cười và đã mang nụ cười về nhà với cô vợ yêu quý. Từ hôm đó, mỗi buổi sáng việc đầu tiên anh làm là nhìn vào gương và cười với chính mình thật tươi, rồi mỉm cười với vợ khi ăn sáng khiến vợ anh cũng vui lây. Sau đó, vợ chồng anh đã tìm lại được bầu khí vui vẻ hạnh phúc bên nhau giống như thời kỳ mới cưới.
3. SUY NIỆM :
1) Giá trị của nụ cười :
- Một thái độ không thể thiếu để được sống an vui hạnh phúc với mọi người và cũng là điều kiện để thành công trong mọi việc chính là Nụ Cười. Bạn sẽ làm gì khi muốn bày tỏ sự đồng ý ? Dễ lắm. Hãy cười thật tươi. Nụ cười cần phải vận dụng tới 13 cơ bắp và 112 nếp nhăn trên khuôn mặt. Một nụ cười chân thật là gián tiếp nói : “Bạn là người thế nào thì tôi chấp nhận như thế, nhận vô điều kiện !”.
- Khi bạn cười với một ai đó, người ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc và sẽ đánh giá tốt hơn về bản thân họ. Nụ cười sẽ làm cho người tiếp xúc với ta “nở từng khúc ruột”. Còn bạn, bạn sẽ thu phục được thiện cảm của nhiều người. Bạn nhận được nhiều như vậy mà chỉ phải chi trả với đúng một nụ cười. Do đó, đừng tiết kiệm nụ cười bạn nhé ! (theo Chicken soup).
- Ngạn ngữ Trung Quốc có câu : “Ai không có nụ cười thì không nên buôn bán bất cứ thứ gì”. Nụ cười có thể được ví như một ly nước mát đối với ngươi sắp chết khát trong sa mạc, như ngọn lửa hồng trong đêm đông, sẽ làm tan đi băng giá lạnh lẽo và sưởi ấm lòng mọi người.
- Willy Loman đã từng nói : ”Điều quan trọng nhất để thành công là được nhiều người ưa thích”. Khi có ai ưa thích bạn, họ sẽ cảm thấy dễ chịu khi được cộng tác làm việc với bạn. Nếu bạn muốn được người khác cộng tác thì bạn cần tỏ thái độ thích họ trước bằng cách nở nụ cười tươi khi gặp họ (theo Chicken soup).
2) Làm thế nào để trở thành một người vui vẻ lạc quan ? :
- Đương nhiên thật khó có thể cười với kẻ mà bạn không thích. Dù vậy, nếu bạn luôn giữ nét mặt tươi vui thay vì nghiêm nghị và nếu bạn hơi mỉm cười gật đầu chào họ trước thì hy vọng bạn sẽ có thêm một người bạn tốt sau này.
- Ngòai ra, mỗi buổi sáng trong lúc tập thể dục, bạn đừng quên tập cả động tác cười nữa. Khi cười một mình cách sảng khóai trong vài ba phút, thì bạn sẽ như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới, thêm nhiều nghị lực và niềm tin để vượt qua các khó khăn gặp phải trong ngày. Nhờ nụ cười buổi sáng mà bạn sẽ duy trì được thái độ thân thiện, mở lòng ra đón nhận mọi người sẽ gặp trong ngày như người thân.
3. SINH HOẠT :
Bạn sẽ làm gì để trở thành một người lạc quan yêu đời ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biêt mở rộng vòng tay thân ái và nở nụ cười thân thiện khi gặp gỡ tha nhân. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ gây được thiện cảm với mọi người và thành công trong cuộc sống hiện tại và tương lai.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=======
BÀI 55
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - ÍCH LỢI CỦA NỤ CƯỜI
1. LỜI CHÚA : Thánh Phaolô viết : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : Vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).
2. CÂU CHUYỆN : NỤ CƯỜI MANG LẠI HẠNH PHÚC.
Trong một trại phong kia, hầu hết các bệnh nhân đều sống âm thầm trong sự đau đớn thể xác và cô đơn tâm hồn, duy chỉ có một người đàn ông là luôn vui tươi cười nói hạnh phúc. Chị nữ tu phụ trách phục vụ bệnh nhân thắc mắc không biết do đâu mà bệnh nhân này lại có được tâm hồn vui tươi an bình như vậy. Một hôm chị nữ tu tình cờ chứng kiến một phụ nữ đứng thập thò ở phía bên ngòai hàng rào khu trại. Một lúc sau người đàn ông từ trong nhà đi đến gần hàng rào thì chị kia gật đầu chào và nở nụ cười với ánh mắt thân thương. Từ đó mỗi ngày cứ vào khỏang 8 giờ sáng, chị nữ tu đều thấy người đàn ông ra gần hàng rào để đón nhận nụ cười và nói chuyện vài câu. Chính sự gặp gỡ đã làm tăng thêm sức mạnh giúp ông vui vẻ cả ngày. Một hôm nữ tu đã đến gần hai người nói chuyện và người đàn ông đã giới thiệu như sau : “Vợ tôi đấy”. Rồi ông tiếp tục chia sẻ : “Trước khi tôi vào đây, vợ tôi đã cố tìm thày chạy thuốc chữa bệnh cho tôi. Một thầy lang đã đưa cho tôi một lọ dầu chữa bệnh lở lóet và mỗi ngày vợ tôi đều thoa dầu đó lên da mặt của tôi và bao giờ nàng cũng chừa ra một khỏang nhỏ để đặt lên đó một nụ hôn. Nhưng mọi thứ thuốc men đều vô hiệu và người ta đã phát hiện ra căn bệnh nan y phong cùi của tôi. Họ bắt tôi phải cách ly vào trại phong này để tránh lây lan cộng đồng. Từ khi bị buộc vào đây, tôi vẫn không thấy cô đơn buồn tủi, vì mỗi ngày khi đi làm ngang qua đây, vợ tôi đều dành ít phút để mỉm cười và nói chuyện với tôi. Chính nhờ những nụ cười hằng ngày của nàng mà tôi luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc.
3. SUY NIỆM :
1) Câu chuyện trên cho thấy nụ cười có giá trị như một liều thuốc chữa bệnh hiệu quả, như người ta thường nói : “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nụ cười cũng là một thứ thuốc giúp giảm đau hữu hiệu vì nó làm cho nhịp tim của người ta giảm xuống, hơi thở trở nên điều hòa và các cơ bắp trên khuôn mặt cũng được thỏai mái thư giãn.
- Về mặt tâm lý, nụ cười đem lại cho người ta niềm vui sống để dễ dàng vượt qua nỗi đau thể xác do bệnh tật gây ra. Bác sĩ David Maye Trưởng Khoa Tâm Lý của Đại Học Michigan đã viết trong tác phẩm “Đeo đuổi hạnh phúc” như sau : “Bạn muốn được vui vẻ hạnh phúc ư ? Hãy mỉm cười và mang bộ mặt tươi vui với mọi người có dịp tiếp xúc”. Nụ cười cũng là một phương cách hữu hiệu để gây thiện cảm trong giao tiếp với tha nhân. Trong việc làm ăn buôn bán, nụ cười đặc biệt quan trọng giúp hai bên giao dịch lâu dài về sau. Do đó có người đã nói : “Nếu bạn không biết cười thì bạn đừng làm nghề buôn bán”.
- Riêng các tín hữu hãy tập luôn nở nụ cười, ngay cả những khi đang gặp thử thách. Vì ý thức rằng mọi điều xảy đến cho mình sau khi đã cố gắng hết sức đều không ngòai thánh ý Thiên Chúa quan phòng và đều có ích cho phần rỗi đời đời của mình. Nên nhớ rằng cuộc đời của chúng ta được dệt bằng những niềm vui nỗi buồn đan xen nhau như câu người ta thường nói : “Sau cơn mưa rồi trời sẽ lại sáng” và “Sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai”. Cuộc đời của Đức Giê-su trong Tin Mừng cũng cho thấy điều này : Hết năm sự Vui rồi đến năm sự Sáng; Hết năm sự Thương rồi đến năm sự Mừng. Do đó, sự thánh thiện thực sự phải đi đôi với một tâm hồn bình an vui tươi, luôn biết tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hòan cảnh. Tránh mang nét mặt u buồn dù thực tế bạn đang phải chịu đựng nhiều điều không vui. Đàng khác sự thánh thiện không đi đôi với bộ mặt u sầu, như câu : “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn !”.
4. SINH HOẠT : Bạn có kinh nghiệm gì về giá trị của nụ cười đem lại kết quả trong việc buôn bán hoặc mang lại niềm vui cho người mắc bệnh nan y ? Bạn sẽ làm gì để luôn mỉm cười trong mọi hòan cảnh, nhất là những khi bị thất bại hay gặp phải những điều trái ý cực lòng ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết vui luôn trong Chúa như lời thánh Phao-lô đã dạy. Cho chúng con ý thức giá trị của nụ cười trong các giao tiếp xã hội. Xin cho chúng con luôn mang nét mặt vui tươi dù đang gặp những điều trái ý cực lòng. Xin cho chúng con biết tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, và noi gương Chúa khi xưa đã sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha trước cuộc khổ nạn : “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26,39).- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
==============
BÀI 56
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - HAI THƯƠNG ĂN NÓI MẶN MÀ CÓ DUYÊN ?
1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy : “Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hòan hảo, có khả năng kiềm chế bản thân” (Gc 3,2)
2. CÂU CHUYỆN : TRÚNG TUYỂN NHỜ KHÉO ĂN NÓI.
“Một thương tóc bỏ đuôi gà. Hai thương ăn nói mặn mà có duyên”. Mới đây, trong gần 30 bạn trẻ đăng ký với phòng tuyển dụng để được trở thành nhân viên làm việc cho một công ty nước ngòai tại TP.HCM, người được trúng tuyển lại là một cô bạn gái không hẳn giỏi hơn những ứng viên khác về mặt kiến thức xã hội, về sự thông minh hay về vẻ ngoại hình bên ngoài, nhưng chính là nhờ cách nói chuyện duyên dáng, tự tin, sắc sảo mà lại khiêm tốn và chừng mực, nên đã thuyết phục được hội đồng tuyển dụng khiến họ nhất trí chọn cô.
Sau đây là một số nguyên tắc ứng xử văn hoá về lời nói cần áp dụng khi giao tiếp :
3. SUY NIỆM :
1. Lời nói thể hiện nhân cách : Khi nói chuyện với ai, bạn cần nhắm mục đích tốt, luôn hướng đến điều tích cực, lạc quan, và hướng thiện. Tránh than thân trách phận nói ra những điều tiêu cực, chỉ trích người khác. Riêng các bạn gái lại càng cần phải biết cách ăn nói có duyên như người ta thường nói : “Nếu bạn thông minh, bạn sẽ được người khác quý trọng; Nếu bạn xinh đẹp, bạn sẽ được mọi người để ý; Còn nếu bạn ăn nói có duyên, bạn sẽ cuốn hút được nhiều người yêu
mến bạn”. Như vậy : Duyên là vẻ đẹp tâm hồn, nó làm cho bạn gái thêm phần hương sắc và có sức lôi cuốn được nhiều người đến với mình.
2. Nói chuyện với người mới quen : Cần dè dặt, không nên tỏ ra quá thân mật khi mới gặp lần đầu. Không nói chuyện cách suồng sã hoặc tâm sự quá nhiều về mình. Không nên nói chuyện riêng hai người trong cuộc họp hay trong bữa tiệc chung. Cũng không nên khoe khoang về kiến thức uyên bác của mình.
3. Thái độ khi nói chuyện : Bạn phải để ý thái độ của người đối diện xem họ có muốn nghe bạn không ? Trong câu chuyện, nên trả lời ngắn gọn, chính xác. Nên ôn tồn khiêm tốn khi phát biểu ý kiến. Biết cảm thông chia sẻ nỗi đau của người khác, biết động viên an ủi người đang gặp khó khăn hoạn nạn.
4. Nói ít, nghe nhiều : Chú ý nghe người đang nói, biết gợi chuyện và đề cập đến đề tài thực tế được họ quan tâm. Tránh nói to ở nơi công cộng như tại nhà thờ, chùa chiền, trên xe búyt, trong rạp hát hay viện bào tàng… Phải thành thật khen ngợi để động viên người khác. Nên năng dùng ngôn từ lịch sự như : cám ơn, xin lỗi, không có chi, không sao đâu…
5. Giao tiếp qua điện thoại : Tránh nói chuyện với giọng miễn cưỡng, nhưng cần ăn nói vui vẻ lịch thiệp để gây được thiện cảm với người đang nói chuyện. Cần nói chuyện với giọng nhỏ nhẹ để người nghe cảm thấy dễ chịu.
6. Cách gây thiện cảm khi nói chuyện : Lời nói cần rõ ràng, dễ hiểu, vừa đủ nghe, không nói nhanh hay chậm quá, không nói quá nhiều; Không chêm tiếng “lóng” hoặc chửi thề; Không nói lời thô lỗ, cộc cằn, chua ngoa, vô lễ… vì đó là nguyên nhân làm mất thiện cảm khi giao tiếp. Cũng cần phải xưng hô phù hợp với tuổi tác và địa vị của người đối diện.
7. Cần một chút tinh tế để nói cho sự thật bớt căng thẳng : Tránh đề cập đến khiếm khuyết của cơ thể, lỗi lầm quá khứ, sự thất bại, vì sẽ chạm vào tự ái của người đối diện. Các bạn gái tránh ăn nói với nhau cách sỗ sàng, tránh ám chỉ đến bộ phận nhạy cảm của bạn trai để chọc quê họ.
8. Cách phê bình góp ý : hãy khen trước khi chê. Nên nhớ rằng : Không gì dễ lọt vào lòng người bằng một lời đề nghị giúp đỡ ngọt ngào. Khi phải từ chối một lời yêu cầu thì cũng nên từ chối cách khôn ngoan tế nhị kèm theo lời xin lỗi như người xưa dạy : “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
TÓM LẠI : Nói chuyện có duyên không chỉ do năng khiếu bẩm sinh, nhưng chính kết quả của sự tập luyện. Xã hội sẽ đẹp lên nhiều nếu mọi người đều biết ăn nói có duyên từ gia đình, đến công sở và nơi công cộng. Lời nói có duyên phải xuất phát từ tâm hồn, hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của tha nhân. Nhất là tránh tranh luận về các đề tài tôn giáo và chính trị vì rất dễ gây ra chia rẽ ly tán.
4. SINH HOẠT : Bạn tâm đắc nhất với điều nào trong bài suy niệm trên ? Tại sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết cách ăn nói có duyên; Biết nói ra sự thật lọt vào lòng người khác; Biết tránh đụng chạm đến tự ái của tha nhân; Cho chúng con biết nói năng nhỏ nhẹ, nhất là khi phải góp ý phê bình. Xin cho chúng con biết ăn nói khiêm tốn tế nhị là điều kiện để đạt được thành công trong mọi việc.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
=========
BÀI 58
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - NĂNG NÓI “CÁM ƠN” VÀ “XIN LỖI”
1. LỜI CHÚA : Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : ”Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,15-18).
2. CÂU CHUYỆN : QUÊN NÓI CÁM ƠN.
Trên một chuyến xe buýt đông người, khi đến trạm dừng, một cụ già chống gậy run run bước lên xe. Sau khi đảo mắt nhìn các hàng ghế không một chỗ trống, cụ đành buồn bã đứng dựa vào thành ghế, đang khi chiếc xe từ từ chuyển bánh. Một số thanh niên đang ngồi trên ghế thấy vậy, liền nhìn sang chỗ khác như không thấy cụ già đang phải đứng. Bấy giờ, một bé trai 8 tuổi ngồi ghế gần bên thấy vậy, liền đứng dậy nhường chỗ cho ông cụ vào ngồi chỗ mình. Mắt cụ già sáng lên khi thấy có người nhường ghế và vui vẻ ngồi xuống mà không nói một lời.
Cậu bé vốn được cha mẹ dạy phải biết nói cám ơn người đã làm ơn cho mình và ngỏ lời xin lỗi khi lỡ gây phiền hà cho người khác, thấy cụ già không nói lời cám ơn việc cậu đã hy sinh nhường chỗ thì ấm ức. Cậu ghé sát tai ông cụ hỏi : ”Thưa cụ, cụ vừa bảo gì cháu ạ ?”. Ông lão lắc đầu nói : ”Ta có nói gì đâu”. Cậu bé liền trả lời : ”Thế mà cháu cứ tưởng cụ nói lời để “Cám ơn” cháu chứ”.
3. SUY NIỆM :
- Về những lời nói lịch sự khi giao tiếp bằng tiếng Anh lớp vỡ lòng, bài đầu tiên bao giờ cũng dạy các học viên về cách chào hỏi khi giao tiếp, trong đó những câu nói thông dụng như “Xin chào”, ”Xin mời”, “Xin vui lòng”, “Cám ơn”, “Xin lỗi”… luôn được sử dụng… Đây là bài học nhân bản đầu tiên về văn hóa ứng xử mà các bậc làm cha mẹ cần lưu ý tập luyện cho con cái mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói : Khi được ai đó giúp đỡ điều gì, phải bày tỏ lòng biết ơn bằng lời nói “cám ơn”. Lời “cám ơn” nếu được thốt ra kịp thời sẽ làm cho cả người làm ơn cũng như kẻ chịu ơn đều cảm thấy vui. Từ “Xin lỗi” cũng vậy. Khi làm điều gì vô ý tổn thương đến tha nhân như lỡ va chạm phải ai đó, lỡ đánh rơi vật gì của người khác, hay khi con em mình có thái độ lời nói thiếu tôn trọng người lớn… Các bậc cha mẹ cần mau nói lời “xin lỗi” họ và dạy con biết “xin lỗi” người vừa bị xúc phạm.
- Từ nhiều năm gần đây, nền tảng đạo đức xã hội nơi giới trẻ và người lớn xem ra ngày một mờ nhạt. Những tiếng “cám ơn”, “Xin lỗi” cũng thưa dần do người ta không ý thức hay có ý thức nhưng lại cố tình lờ đi. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp có người hỏi thăm đường đi, hỏi thăm nhà người quen mà sau khi đã được chỉ dẫn cặn kẽ, đã bỏ đi mà không một lời “cám ơn”. Có người đánh rớt một đồ vật được người khác lượm giúp cũng quên nói hai tiếng “cám ơn”. Trong số những người không biết nói cám ơn này không ít người là sinh viên, học sinh hay viên chức nhà nước. Người ta cũng ít dùng hai tiếng ”Xin lỗi”. Nhiều người ngại không muốn mở miệng xin lỗi dù họ biết rõ chính mình đã gây tổn thương cho người khác. Những chuyện lặt vặt đã đành, mà ngay cả những điều lớn lao cũng vậy : một bộ phận không nhỏ người ta đã không biết “văn hóa ứng xử” khi không nói lời “Cám ơn” và “Xin lỗi”…
4. SINH HOẠT :
Hãy cho biết có khi nào bạn đã gặp hoàn cảnh bạn ra tay giúp đỡ cho ai đó một việc gì, mà không những họ không nói “cám ơn”, lại còn trách ngược tại sao bạn đã chậm trễ làm việc đó, như thể đó là trách nhiệm bạn phải làm cho họ ?
Bạn có đồng ý với lối ứng xử sau : ”Nói cám ơn hay xin lỗi có vẻ khách sáo quá. Tôi chỉ cần hành động để tỏ lòng biết ơn hoặc chỉ cần cúi đầu tỏ vẻ nhận lỗi là đủ” ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con biết năng cầu nguyện để tạ ơn Chúa khi vui lúc buồn, khi được thành công cũng như lúc bị thất bại. Xin cho con mỗi buổi tối trước khi ngủ biết dành một hai phút dâng lời cám ơn Chúa vì bao hồng ân Chúa đã ban trong một ngày qua, và dâng lời xin lỗi Chúa vì các sai lỗi và các thiếu sót bổn phận đối với Chúa và tha nhân.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
========
BÀI 57
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - KIỀM CHẾ MIỆNG LƯỠI
1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng (Gc 3,2b-3).
2. CÂU CHUYỆN : BỘ PHẬN NÀO TRONG CƠ THỂ TỐT NHẤT VÀ XẤU NHẤT ?
- Ngày xưa có một vị Pha-ra-on nước Ai Cập gửi tặng nhà hiền triết Bi-as một con vật quí hiếm để làm của lễ tế thần. Thế nhưng nhà vua lại muốn thử tài khôn ngoan của nhà hiền triết, nên gửi kèm theo bức thư có nội dung như sau : “Sau khi cúng kiếng xong, nhà ngươi phải trả lại cho ta cái gì trong con vật quý hiếm này vừa tốt nhất lại vừa xấu nhất”. Nhà hiền triết bèn xẻo ngay cái lưỡi của con vật mà trao cho thị vệ mang về cho nhà vua. Qua việc trả lại cái lưỡi, nhà hiền triết muốn nói rằng : Cái lưỡi là phần tốt nhất nếu biết sử dụng, nhưng đồng thời cũng là phần xấu nhất nếu không biết sử dụng nó.
- Ê-sốp là một nô lệ, nhưng được chủ là ông San-tô tin yêu. Ngày nọ, khi nhà có khách đến chơi, ông chủ sai Ê-sốp ra chợ mua thức ăn đã khách, nhưng lại không dặn phải mua gì. Êsôpe bèn rinh về đủ các thứ lưỡi : nào là lưỡi lợn, lưỡi bò và cả lưỡi ngựa… rồi chế biến nấu nướng. Lạ miệng ăn ngon nên chủ và thực khách đều hài lòng.
- Lần sau nhà lại có khách và chủ tiếp tục sai Ê-sốp đi chợ mà không dặn phải mua gì. Ê-sốp một lần nữa lại mua toàn các lọai lưỡi, chỉ có điều khác là về cách chế biến thêm bớt gia vị và chủ khách đều hài lòng. Ông chủ hỏi lý do tại sao lại mua lưỡi thay vì đổi món khác thì Ê-sốp trả lời rằng : “Thưa ông, phàm trên đời này, mọi sự tốt xấu, lợi hại… đều do cái lưỡi mà ra, và đều do người ta có biết sử dụng cái lưỡi cách khéo léo hay vụng về mà thôi. Vì thế 2 lần tôi đều mua lưỡi về chế biến đồ ăn mà ông chủ và quan khách vẫn không nhàm chán...”
Cũng nhờ khéo nói hợp với ý chủ, nên Ê-sôp ngày càng được chủ tin yêu hơn và về sau còn được giải phóng khỏi thân phận nô lệ lầm than nữa.
3. SUY NIỆM :
Lưỡi là một bộ phận quan trọng của con người để nói cho người khác về suy nghĩ, ước muốn của mình, nên người ta thường định nghĩa : “Con người là một con vật biết nói”.
1) TRÊN BÌNH DIỆN CÁ NHÂN :
- “Lòng đầy thì trào ra ngòai miệng” : Dựa vào lời nói của một người mà người khác có thể đóan biết được phần nào về tâm tính của họ : Một người sẽ được đánh giá là khôn ngoan nếu nói ra những điều hay lẽ phải mang tính xây dựng. Ngược lại sẽ bị coi là khờ dại nếu thốt ra những lời không đúng hay không đúng lúc đúng chỗ như người đời thường nói : “Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự. Mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”. Chúng ta cần nói ra những lời xây dựng và tránh thốt ra những lời thô tục hay thêm điều đặt chuyện nhằm hạ uy tín danh dự của kẻ khác.
- “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” : Ý thức được tầm mức quan trọng của cái lưỡi như vậy, nên chúng ta cần cài đặt một cái “phanh“ vào trong miệng lưỡi, để mỗi khi cảm thấy ngứa mồm, muốn nói những lời có thể gây nguy hại, thì chúng ta cần “sì tốp” lại ngay.
2) TRONG TƯƠNG QUAN XÃ HỘI :
- Ý thức sự tác hại của lời nói xấu : Chúng ta thường hay xúc phạm đến tha nhân bằng lời nói. Người ta có thể dùng lưỡi để phạm tội nói xấu người khác bất cứ tại đâu, khi nào và với ai. Người Anh cũng có câu tục ngữ cho thấy tác hại của lời nói : “Không nọc nào độc hại cho bằng nọc độc của cái lưỡi”. Ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm khi có lần phải chịu đựng những dư luận xuyên tạc ác ý : “Có ít xít ra nhiều !” của người ác cảm với ta. Nhưng ta cần ý thức rằng : “Chuyện đâu còn đó” : Nếu ta thực sự có lỗi thì hãy khiêm tốn tu sửa càng sớm càng tốt. Còn nếu ta bị kẻ xấu hãm hại thì cũng đừng lo, vì “Cây ngay không sợ chết đứng ! ”. Các lời đồn ác ý sẽ mau tan biến như bọt sà bông khi đối diện với sự thật, như lời Chúa phán : “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32) .
- Phương cách hoá giải : Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta sẽ không thể tránh hết những sự buồn phiền do miệng lưỡi thế gian gây ra, vì không ai có thể làm vừa lòng hết mọi người như câu ca dao : “Ở sao cho vừa lòng người : Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Và : “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Khi nghe dư luận sai trái bất lợi cho mình, chúng ta cần bình tĩnh tự chủ. Cần tránh “chêm dầu vào lửa” khi vội phản ứng gay gắt với đối phương. Trái lại nếu ta áp dụng phương thế : “Mật ngọt chết ruồi” : Một lời nói bình tĩnh có tình có lý, kèm theo chứng cứ cụ thể sẽ có sức mạnh thuyết phục người nghe, giúp xóa bỏ thù hận, xây dựng tình hiệp thông đoàn kết và mang lại niềm vui và bình an cho cộng đòan.
4. SINH HỌAT : Người ta thường nói : “Im lặng là đồng loã ? “. Vậy bạn nên im lặng hay nên nói ra sai lỗi của ai đó để tránh hậu quả nghiêm trọng ? Tai sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Trong cuộc sống chung gia đình, cộng đoàn và xã hội, xin cho chúng con tránh nói hành nói xấu tha nhân, hầu duy trì tình đoàn kết nội bộ. Trừ trường hợp tội ác nghiêm trọng cần xử lý, xin cho chúng con biết cầu nguyện và kín đáo góp ý xây dựng người có lỗi theo lời Chúa dạy và bỏ qua các sai lỗi nhỏ bé của anh em đối với chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
==========
BÀI 58
VĂN HOÁ GIAO TIẾP – THẬN TRỌNG VỀ LỜI NÓI
1. LỜI CHÚA : Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu : “Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa.” (1 Pr 3,10).
2. CÂU CHUYỆN : HAY DỞ ĐỀU DO CÁI LƯỠI MÀ RA
Xưa có một anh đồ tể chuyên giết heo. Nghe biết anh có tay nghề cao, đức vua liền cho gọi tới nói chuyện và hỏi :
- Trong con heo, cái gì ăn ngon nhất ?
Anh đồ tể về nhà xẻo ngay cái lưỡi trong xác con heo mới mổ đem dâng cho vua.
Một thời gian sau, đức vua lại cho gọi anh đồ tể đến và hỏi :
- Trong con heo, cái gì ăn dở nhất ?
Anh đồ tể cũng lại trở về lập tức xẻo ngay cái lưỡi của con heo đến dâng cho vua. Thấy vậy, vua ngạc nhiên hỏi :
- Tại sao cũng lại là cái lưỡi ?
Bấy giờ anh đồ tể liền tâu rằng :
- Tâu đức vua : Phàm trên đời này, tốt hay xấu, ngon hay dở đều do cái lưỡi mà ra.
Nghe xong, đức vua liền gật đầu tỏ vẻ tâm đắc và khen anh :
- Khanh nói chí phải !
3. SUY NIỆM :
1) Tầm quan trọng của lời nói : Trong cuộc sống, hậu quả của tư tưởng và lời nói thật khôn lường : Tư tưởng ví như thai nghén, còn lời nói lại như sinh sản. Tư tưởng xấu còn dễ ngăn chặn, nhưng một lời nói khi đã nói ra thì không thể thu hồi lại được (x. Cn 25,11). Tư tưởng chỉ ảnh hưởng đến bản thân, còn lời nói lại có sức lan tỏa trong không gian và tồn tại trong thời gian lâu dài, có ảnh hưởng đến nhiều người, nên Việt Nam ta có câu : “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ !”. Người xưa cũng dạy : “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là : một lời thốt ra, bốn con ngựa khó truy bắt. Nếu không biết kiềm chế miệng lưỡi thì lời nói sẽ có thể gây muôn điều ác hại. Vì thế các bậc khôn ngoan đều dạy : “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Thánh Gia-cô-bê cũng khuyên : “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1,26 ) và ngài còn khẳng định : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân.” (Gc 3,2).
2) Nên cẩn trọng về lời nói như thế nào ?
- Khi gặp những điều trái ý, thay vì tức giận la lối, cần bình tĩnh kiềm chế sự nóng giận và không vội hành động để tránh gây thêm tai hại như lời người xưa : “Giận quá mất khôn” và lời Chúa trong Kinh Thánh : “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm.” (Cn 12,18).
- Cần nói ra những lời nói tích cực lạc quan : Nếu một người luôn mở miệng phàn nàn, và hay nói ra những điều bất mãn với người khác hoặc những rủi ro đang gặp phải, thì sẽ luôn sống trong tâm trạng buồn chán. Cần noi gương thánh Phao-lô
luôn “cảm thấy vui sướng vì Đức Ki-tô”. Nơi khác ngài cũng quả quyết : “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (x 2 Cor 12, 10).
- Cần ăn nói khiêm hạ : Tránh tự cao và nói nhiều về các ưu điểm của mình. Tuy nhiên khi cần cũng có thể chia sẻ ưu điểm của mình, nhưng cho biết là do người khác mang lại. Tùy theo địa vị trong gia đình và xã hội, mỗi người chúng ta sẽ có một ảnh hưởng nhất định đối với người khác. Có những lời trăn trối của cha mẹ hay thày dạy trước khi chết được con cái, học trò ghi nhớ như châm ngôn sống suốt đời.
- Cần tránh lời nói thô tục : Tránh kể những câu chuyện tiếu lâm tục tĩu “nói bé cười to”, vì những lời nói như vậy cho thấy trình độ thiếu văn hóa của mình.
- Hãy năng nói lời khen tha nhân cách thành thật : Lời khen sẽ động viên người khác, an ủi những người đang ưu phiền, giúp họ hăng hái và phấn khởi trở lại.
- Hãy nói những lời động viên tha nhân, giúp người ta vững tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và góp phần hòa giải các tranh chấp nội bộ.
- Cần tín thác vào Chúa : Mỗi ngày khi suy gẫm Lời Chúa, hãy chọn ra một câu Lời Chúa, kèm theo một lời nguyện tắt để thưa với Chúa mọi lúc, mọi nơi. Khi đó Lời Chúa sẽ đem lại niền vui cho mọi người.
4. SINH HOẠT :
Hãy đọc lại đoạn thư Gia-cô-bê sau đây : “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè : dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy : nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao ! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được : nó là sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3, 3-8). - Hãy cho biết cảm tưởng của bạn về lời dạy của thánh Gia-cô-bê nói trên.
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho chúng con luôn tin nhận Chúa Giê-su là Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha, là Lời quyền năng đã sáng tạo và nhập thể làm người để mở ra con đường sống cho nhân loại chúng con. Xin cho chúng con quyết tâm đi theo con đường “mến Chúa yêu người” của Chúa Giê-su và nhiệt tâm giới thiệu Chúa cho mọi người chưa biết Chúa, để họ cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.- Amen.
LM ĐAN VINH – HHTM
=========
BÀI 60
VĂN HOÁ GIAO TIẾP - TRÁNH LỜI KHIẾM NHÃ THÔ TỤC
1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê khuyên : "Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng (Gc 3,2b-3).
2. CÂU CHUYỆN : LÂY NHIỄM GƯƠNG XẤU NÓI TUC TỪ NGƯỜI LỚN.
Một hôm có một ông Viêt Kiều về Việt Nam và đi tìm nhà của một người bạn thân lâu ngày không gặp mặt. Ông ta tìm đến đúng ngôi làng cũ nhưng không sao tìm ra ngôi nhà của ông bạn thân, vì nhà cửa hiện đã thay đổi khang trang hơn trước đây hai mươi năm. Thấy mấy đứa trẻ đang nô đùa ở đầu hẻm, ông Việt kiều lên tiếng hỏi : "Này các cháu, các cháu có biết nhà của ông giáo Tân trong làng này ở đâu không ?" Một cậu bé khoảng mười tuổi đưa mắt nhìn ông khách lạ bằng ánh mắt xấc xược và trả lời cộc lốc : "Biết, nhưng… đéo chỉ !". Ông Việt kiều cảm thấy ngỡ ngàng và sau đó tiếp tục đi sâu vào làng. Gặp một thanh niên ngồi bên hông nhà đang phì phèo điếu thuốc lá trên môi, ông tiếp tục hỏi : "Này anh bạn. Anh có biết nhà của ông Tân, trước đây dạy học, là căn nhà nào không ?" Gã thanh niên chẳng thèm nhìn lên và trả lời cộc lốc : "Đéo biết !".
Sau đó rồi cũng tới lúc ông tìm thấy nhà của ông bạn thân. Sau khi gặp nhau tay bắt mặt mừng, ông Việt kiều liền kể lại câu chuyện vừa xảy ra cho ông giáo nghe kèm theo lời than thở : "Anh ạ. Các bậc cha mẹ ở cái làng này dường như không biết cách dạy dỗ con cái hay sao, mà để chúng ăn nói với khách lạ bằng những lời thô lỗ tục tĩu như vậy hả anh ?" Chẳng cần suy nghĩ, ông giáo liền trả lời : "Có dạy đấy chứ. Nhưng chúng nó… đéo nghe !"
3. SUY NIỆM :
- Việc giáo dục giới trẻ cần phải ưu tiên về nhân bản, nghĩa là giáo dục trưởng thành về nhân cách : thận trọng để tránh nói những lời thô tục.
- Về việc giáo dục con cái, nhiều khi có những chuyện nghịch lý đáng buồn như : cha mẹ thường dạy con cái phải nghiêm túc trong lời nói, tránh nói những lời cộc cằn thô lỗ và tục tĩu. Thế nhưng nhiều khi chính cha mẹ lại làm ngược lại lời dạy của mình. Một ông bố kia dạy thằng con trai như sau : "Mày nhớ nhé, không được nói tục nghe con. "Đủ mẻ ! Mày đã nghe rõ chưa hở thằng khốn ?"
- Về việc nói năng thận trọng thì người xưa cũng có câu : "Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Nghĩa là phải thận trọng trước khi chửi thề tục tĩu. Vì khi chửi người khác thì chính mình phải nghe lời chửi ấy. Đàng khác, người ta sẽ đánh giá kẻ nói tục là người ấu trĩ về tinh thần, thiếu văn hóa và không lương thiện.
4. SINH HOẠT :
Ta cần làm gì để khắc phục thói xấu hay nói lời thô tục của bản thân ? Cần giáo dục con em tránh nói tục bằng cách nào và từ khi nào ?
5. LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp con luôn làm chủ miệng lưỡi để không bao giờ nói ra những lời tục tĩu khó nghe, để chúng con trở thành người trưởng thành về nhân cách, xứng đáng là con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha trên trời.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM