Khó Nghèo Thánh Thể - Ác Nhân Không Ngơi Nghỉ
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Trầm Thiên Thu
KHÓ NGHÈO THÁNH THỂ
Chúng ta đã tìm hiểu bốn nhân đức Thánh Thể: Khiêm Nhường, Bác Ái, Vâng Phục, và Thanh Khiết. Bây giờ là nhân đức Khó Nghèo Thánh Thể.
Rất ít người sẵn sàng tìm kiếm sự khó nghèo. Đức Khó Nghèo mang đặc tính tiêu cực trong văn hóa Tin Mừng bảo vệ quyền người dùng và quyền sở hữu ngày nay. Chưa hết, Chúa Giêsu còn cho thấy điều ngược lại – sự khó nghèo là cửa ngõ dẫn đến sự giàu có của Thiên Đàng. Nếu chúng ta muốn trở nên nghèo tinh thần và giàu nhân đức, chúng ta phải nghiên cứu Sự Khó Nghèo Thánh Thể của Chúa Giêsu và thường xuyên lãnh nhận Ngài. Thánh Phêrô Julian Eymard, được một số giáo hoàng tuyên bố là Tông đồ Thánh Thể, nhắc nhở chúng ta về nhân đức khó nghèo quý giá như thế nào qua những lời này:
Trong mọi việc Ngài làm và thu được, Ngài đều tìm kiếm điều khó nghèo nhất. Hãy nhìn Ngài trong cuộc đời tông đồ của Ngài. Ngài luôn mặc quần áo lao động và tiếp tục sống như người nghèo. Ngài quỳ trên nền đất trống để cầu nguyện. Ngài chỉ ăn bánh – loại bánh của người nghèo. Ngài sống bằng lòng từ thiện. Ngài đi như người nghèo, và cũng trải qua cơn đói khát mà không thể thỏa mãn theo ý Ngài. Sự khó nghèo khiến Ngài trở nên hèn hạ trước mắt những người giàu có và quyền thế; mặc dù vậy, Ngài vẫn không ngần ngại nói với họ: “Vae vobis divitibus! – Khốn cho các người, hỡi những người giàu có trên thế gian!”
Ngài chọn những môn đệ nghèo như Ngài, và cấm họ có hai chiếc áo hoặc lương thực cho tương lai, tiền bạc hoặc cây gậy để tự vệ. Ngài chết trong sự bỏ rơi và bị lột bỏ cả quần áo tồi tàn của Ngài. Ngài được chôn cất trong tấm vải liệm vay mượn và được đặt trong một ngôi mộ do lòng từ thiện của bạn bè. Ngay cả sau khi phục sinh, Ngài đã hiện ra cùng các môn đệ trong trang phục khó nghèo.
Cuối cùng, trong Bí Tích Cực Thánh, tình yêu khó nghèo khiến Ngài che giấu vinh quang thiên tính của Ngài và sự huy hoàng nhân tính vinh quang của Ngài. Trong Bí tích Thánh Thể, Ngài tự tước đi mọi tự do và hành động bên ngoài cũng như mọi quyền sở hữu để trở nên khó nghèo hơn và không có gì có thể gọi là của riêng Ngài. Theo cách nào đó, Ngài ở trong Thánh Thể như trong cung lòng của Thánh Mẫu Ngài, được bao bọc trong các dạng thánh và ẩn mình bên dưới chúng, chờ đợi từ lòng bác ái của loài người, vấn đề về bí tích và những vật cần thiết để thờ phượng. [1]
Người Pharisêu và Sađốc kỳ vọng Đấng Mêsia là một nhà cai trị chính trị đầy quyền lực. Chúa Giêsu đến làm đảo lộn thế giới của họ và của chúng ta. Tình yêu khó nghèo của Ngài được thể hiện suốt đời Ngài và tồn tại cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta nhìn lên Bánh Thánh, chúng ta phải tin chắc rằng Thiên Chúa Hoàn Vũ thích sự khó nghèo của tâm hồn chúng ta hơn Ngai Thánh của Ngài. Câu hỏi chúng ta nên tự vấn: “Tại sao Chúa Giêsu say mê sự khó nghèo đến vậy?” Thánh Phêrô Julian Eymard đề cập điều này một cách tuyệt vời bằng những lời này:
Thứ nhất, vì như là con của Ađam, Ngài chấp nhận tình trạng bản chất lưu đày của chúng ta, vốn đã bị tước bỏ các quyền đối với các thụ tạo thấp hèn. Thứ hai, vì Ngài muốn thánh hóa mọi hành vi khó nghèo bằng sự khó nghèo của Ngài được thực hiện trong Giáo Hội. Ngài trở nên khó nghèo để qua việc không quan tâm của cải trần thế, Ngài có thể tách chúng ta ra khỏi chúng và truyền cho chúng ta sự giàu có của Thiên Đàng. Ngài trở nên khó nghèo để sự khó nghèo, vốn là điều kiện của chúng ta, sự sám hối và phương tiện đền tạ của chúng ta qua Ngài mà có thể trở nên vinh dự, đáng ao ước và đáng yêu. Ngài trở nên khó nghèo để chúng ta thấy và chứng minh cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Ngài vẫn khó nghèo trong Bí tích Thánh Thể, bất chấp tình trạng vinh hiển của Ngài, để luôn là mẫu mực sống động và hữu hình cho chúng ta. [2]
Chúa đến để đồng cảm với chúng ta, những kẻ tội lỗi, và chỉ cho chúng ta con đường đến với Chúa Cha. Trong khi nhiều người tìm cách tích lũy của cải trong thế giới chóng qua này, Chúa Thánh Thể nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là kho tàng lớn nhất, Đấng không bao giờ qua đi. Thật ngạc nhiên khi Chúa Giêsu trở nên khó nghèo trong Bí tích Thánh Thể, để có thể ban mọi nhân đức và ân sủng của Ngài cho bất cứ ai sẵn sàng. Chúng ta càng dành nhiều thời gian để chiêm ngưỡng Bí tích Thánh Thể và đón nhận Ngài một cách xứng đáng, chúng ta càng ít quan tâm đến của cải trần thế. Với ân sủng của Chúa, chúng ta có thể dần dần tách mình ra khỏi việc theo đuổi của cải trần thế: tiền bạc, của cải và địa vị. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên tập trung vào kho tàng duy nhất và bền vững, đó là Bí tích Thánh Thể, “vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó.” (Mt 6:21) Nếu lòng chúng ta tìm kiếm điều gì khác ngoài Chúa thì sẽ bị lừa dối và bị áp bức. Nhưng nếu chỉ tìm kiếm Chúa Thánh Thể, chúng ta sẽ tìm thấy sự thanh thản giữa những mùa thay đổi và những đau khổ của cuộc sống này.
PATRICK O'HEARN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
[1] St. Peter Julian Eymard, The Real Presence: Eucharistic Meditations (New York: The Sentinel Press, 1938), 229-230.
[2] St. Peter Julian Eymard, The Real Presence: Eucharistic Meditations (New York: The Sentinel Press, 1938), 231.
*********
ÁC NHÂN KHÔNG NGƠI NGHỈ
Một cách để chẩn đoán một người có lương tâm xấu là tìm kiếm một dạng bồn chồn nào đó. Nếu lương tâm là trọng tài của Chúa trong chúng ta, công bằng, không thiên vị những gì chúng ta mong muốn thì chúng ta không thể đơn giản loại bỏ nó.
Nó không thuộc về chúng ta. Chúng ta có thể cố gắng lấn át tiếng nói của nó bằng rất nhiều tiếng ồn của chính chúng ta, những lời huyên thuyên và lảm nhảm của những cách bào chữa và lảng tránh. Chúng ta có thể bịt tai hoặc chuyển sự chú ý sang nơi khác. Đó là hành động của những người trong thâm tâm biết rằng họ đang làm sai và nửa mong muốn mọi chuyện diễn ra cách khác.
Nhưng khi bạn phạm sai lầm bằng một quyết định không thể thay đổi, khi bạn làm nhiều hơn là bào chữa, khi bạn đề cao cái sai là đúng, rồi điều gì sẽ xảy ra? Bạn không thể bãi bỏ trọng tài đó, và bạn không thể lật đổ quy luật đạo đức. Khi đó, sự bồn chồn đặc biệt xuất hiện, còn hơn cả sự khó chịu: một động lực được xác định, một cú thúc giục, một cơn thịnh nộ, một tinh thần báo thù lương tâm và chống lại chính điều tốt.
Satan của Milton trải nghiệm điều đó khi nó đưa anh ta đến thế giới mới được tạo ra, để trả thù “thứ giống như một động cơ ma quỷ rút lui hoặc tác động lên chính mình,” trong khi niềm đam mê kinh hoàng và nghi ngờ của anh ta “khuấy động từ đáy lòng hoặc địa ngục trong anh ta.” Nghịch lý thay, anh ta bất lực để mủi lòng, bất lực trong việc ngừng tìm kiếm quyền lực, mặc dù anh ta biết – và anh ta thừa nhận điều đó khi không có ai xung quanh để nghe lỏm – rằng trong khi tất cả ma quỷ đều tôn thờ anh ta trên ngai địa ngục thì “điều thấp kém hơn vẫn là sa ngã, chỉ có tối cao trong đau khổ.”
Những câu chuyện kể về cơn giận dữ đó là gì? Sự cường điệu khủng khiếp. Hãy xem xét những ngày mà gia đình Clinton và các đồng minh của họ nói rằng việc phá thai phải “an toàn, hợp pháp và hiếm hoi.” Đó là dấu hiệu của sự bất an. Vì câu hỏi hiển nhiên là “Tại sao nó lại hiếm?” Chúng ta không đề cập những điều thờ ơ về mặt đạo đức khác, chẳng hạn như việc loại bỏ một cái mụn cóc hoặc cắt tóc, rằng chúng rất hiếm.
Tính từ đó tương đương với việc thừa nhận có điều gì đó tồi tệ khi tước đi mạng sống của một đứa trẻ chưa chào đời. Nhưng nó có gì xấu? Ở đây gia đình Clinton không có câu trả lời mạch lạc.
Vị trí bất ổn. Cuối cùng, để quyết định rằng phá thai là một quyền, chứ không phải là điều đáng tiếc cần thiết do hoàn cảnh, cuối cùng những người bảo vệ đã phải nhấn mạnh rằng chính nó là đúng, thậm chí là tốt, để được tôn vinh. Họ đã phải phóng đại. “Tôi thích phá thai” là câu tôi đã đọc trong phần tự mô tả của ai đó trên mạng xã hội, người đó rất vui mừng khi trẻ em đang khám phá ra “chúng thực sự là ai” bằng cách thử nghiệm đặc điểm giới tính.
Sự hỗn loạn là một dấu hiệu khác. Khi một miệng núi lửa sụp đổ, vẫn còn một số nền đá lửa có thể ngăn chặn nó. Không phải như vậy với con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Sau đó, chúng ta bắt gặp điều mà anh bạn Rene Fortin đã phân tích sắc sảo về các nhân vật phản diện của Shakespeare, gọi là “sự siêu việt tiêu cực,” như thể là nếu không có hành động nhân từ và chữa lành của Chúa, có thể sẽ có những sự sụp đổ nối tiếp nhau, xoắn ốc vào ngày càng sâu hơn trong trạng thái không mạch lạc và không tồn tại.
Richard III nói: “Tôi ở trong trong máu, tội lỗi đó sẽ đè lên tội lỗi.” Khi gần kết thúc sự nghiệp độ ác của mình, Macbeth nghe thấy tiếng thét của phụ nữ trong lâu đài, và bị sức hấp dẫn bên dưới, không thể nhớ lại: “Tôi đã ăn tối với nỗi kinh hoàng. Sự tàn khốc, quen thuộc với những ý nghĩ tàn sát của tôi, không thể bắt tôi.”
Tuy nhiên, những vị vua độc ác này không thuyết giảng cho người khác rằng họ nên tham gia cùng họ trong tham vọng. Suy cho cùng, họ muốn có vương miện, và điều đó có nghĩa là những người khác không nên có nó. Satan luôn sẵn sàng phục tùng và vâng phục khi chính hắn là kẻ mà các thiên thần sa ngã khác phải tuân theo, và hắn không ngại khiến họ rơi vào trạng thái sợ hãi.
Nhưng có thể nói, khi tội lỗi mang tính chất xã hội hơn, tội nhân sẽ muốn người khác cũng tham gia vào tội đó; và khi bước định mệnh đó được thực hiện để tuyên bố rằng tội lỗi là tốt, thậm chí là thánh thiện, và khi lương tâm vẫn lên tiếng, khi không phải ai trên thế giới cũng đồng ý làm và nghĩ như bạn thì bạn sẽ bị thúc giục đến những tuyên bố hỗn loạn, cấp tiến và vô nghĩa hơn về cái thiện của cái ác.
Sự sa ngã vô hạn như vậy không phải là sự chơi đùa hợp lý của những tiền đề sai lầm. Đó là tâm lý bồn chồn khi phải cam kết với những gì không có. Chúng ta thấy điều này trong sự điên rồ ngày càng tăng của Đức Quốc Xã, những kẻ đã đi từ hành vi hận thù và bất công cá nhân đến giết người trên quy mô đáng kinh ngạc.
Chúng ta đã thấy điều đó trong cuộc cách mạng tình dục, với sự thoái hóa ngày càng gia tăng trong thời đại chúng ta: ngay cả trẻ em cũng không được yên thân, chúng phải đối mặt với việc người lớn thực hiện những trò cuồng dâm của họ, được mời vào “khám phá,” trí tưởng tượng của chúng bị tha hóa bởi sự hỗn loạn của khiêu dâm, và cơ thể chúng dễ bị tổn thương bởi thuốc độc của phù thủy và con dao của bác sĩ phẫu thuật.
Kẻ ác không ngơi nghỉ: chúng ta phải đi từ việc nhận biết rằng thiến là lựa chọn tồi tệ nhất đối với Johnny, đến việc tôn vinh nó và bị coi là ác độc đối với bất kỳ ai dám đặt câu hỏi về điều đó.
Không có kết thúc trong tầm nhìn ư? Không, không có. Đó là vấn đề. Thiên nhiên có những giới hạn lành mạnh của nó. Cái siêu nhiên thì không, và cái phi tự nhiên, cái bắt chước cái siêu nhiên, cũng không có. Cái siêu nhiên không như vậy, bởi vì sự thiện luôn mở rộng và phát triển dưới những hình thức tốt đẹp ngày càng cao hơn và phức tạp hơn. Cái phi tự nhiên cũng không, ít nhất là ở con người và thiên thần, bởi vì không bao giờ có thể đạt được điểm cuối của số không.
Nó giống như viễn cảnh của C.S. Lewis về Địa Ngục trong Cuộc Ly Hôn Vĩ Đại, một thành phố xám xịt luôn phân đôi, dường như đang mở rộng để cư dân của nó có thể ngày càng tạo ra nhiều khoảng cách giữa chính họ và những người khác, nhưng thực tế lại không chiếm nhiều không gian hơn cái lỗ nhỏ nhất trong mặt đất.
Đã được cảnh báo trước. Hãy tỉnh thức!
ANTHONY ESOLEN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)