Một điều còn thiếu - Sự khôn ngoan vì Nước Trời
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Xuân Hy Vọng
“MỘT ĐIỀU CÒN THIẾU!”
“Sống ở trên đời, khó lắm ai ơi
Sáng nắng, chiều mưa, chuyện của ông trời
Chẳng phải chuyện người, chuyện lạ, chuyện chơi
Mà lòng canh cánh, ruột gan rối bời.
Thà rằng chọn lựa cho xong một lần,
Nhưng hồn xao xuyến, chong vênh phân trần.
Dù biết lựa chọn là phần của ta
Không nhờ cậy dựa, một mình song pha...”
(Lm. Xuân Hy Vọng cảm tác)
Một khi sống trên gian trần này, đầu đội trời, chân đạp đất, không một ai trong chúng ta không khỏi đối diện với sự chọn lựa và quyết định, dù là việc nho nhỏ hay lớn lao, tầm thường hay vĩ đại. Chẳng phải những bậc hùng anh mới đưa ra những lựa chọn xác quyết, mà dân thường lại không thể! Chẳng phải ai có học vị cao mới có nhiều quyết định đúng đắn, mà các ông bà bô lão – những người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm thực tế hay dân gian – chẳng quyết được chi?!
Các bài đọc Phụng vụ hôm nay giúp chúng ta không những biết chọn lựa điều gì phải đạo, mà còn giúp chúng ta mở tầm nhìn, hướng về việc lựa chọn thiêng liêng, và những điều không thể hư mất, nhưng tồn tại muôn đời. Vua Sa-lô-môn trong thời Cựu ước được mệnh danh là vị vua khôn ngoan, thông thái nhất. Chẳng phải nhờ trí khôn loài người, mà bởi lẽ ông đã không cầu xin Thiên Chúa những thứ khác ngoài sự khôn ngoan, thông hiểu để ông hết lòng lo cho dân tộc. Với lí lẽ của một con người thuần tuý, chắc hẳn, vua Sa-lô-môn cũng rất đắn đo, cẩn trọng khi đưa ra quyết định, lựa chọn giữa sự khôn ngoan với danh vọng, tiền tài, chức vị, sắc đẹp, sức khoẻ v.v...Nhưng thiết nghĩ, ông không nuối tiếc gì khi chọn lựa đồng hành với sự khôn ngoan như lời bài đọc I diễn tả: “Ðức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng, còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Ðức Khôn Ngoan” (Kn 7, 8); và hơn thế, ông sống chết với quyết định của mình “Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt đẹp đến cùng tôi, và nhờ Đức Khôn Ngoan, tôi được đoan chính không kể xiết” (x. Kn 7, 10-11). Đối với chúng ta thì sao? Có lẽ chúng ta có ‘khôn', nhưng chưa ‘ngoan’, có ‘khôn lỏi, khôn lanh’ nhưng chưa phải là khôn ngoan theo đường lối Chúa, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, theo giảng huấn của Giáo hội!
Trái với hình ảnh vua Sa-lô-môn, chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay lại do dự, rồi thoái lui trước sự lựa chọn mà có thể nói đánh đổi cả hoài bão, viễn cảnh, mơ ước, cuộc sống giàu sang, sung túc của anh, v.v...hầu được hưởng trọn niềm vui hạnh phúc viên mãn với Đấng Khôn Ngoan, và được thông phần vào suối nguồn sự sống vô biên như Thánh sử Mác-cô kể lại: “...nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (x. Mc 10, 22). Không ít người trong chúng ta nghĩ rằng: theo Chúa là giữ giới răn, đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là đủ rồi! Điều này chẳng sai, nhưng chưa đủ, vì những việc đó rất hữu ích, tốt đẹp và phải đạo, giúp chúng ta đến gần với Chúa và tha nhân hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể hành động như anh thanh niên khi đón nhận ánh mắt trìu mến, thân thương của Chúa Giê-su, và khi nghe lời thổ lộ của Người: “Con chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Thầy” (x. Mc 10, 21). Để được diễm phúc hưởng phần gia nghiệp Nước Trời, chúng ta được mời gọi đánh đổi, chọn lựa phải hy sinh những gì có lẽ chúng ta đang đánh giá rất quý giá, cao sang, hầu sẻ chia, ra tay trợ lực bất cứ ai đang cần đến chúng ta. Không nhất thiết phải là chia san của cải vật chất, đồ đạc, thức ăn, mà còn san sẻ, dành thời giờ cho anh chị em nữa. Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện. Một sơ đến hỏi tôi rằng: “Thưa cha, con đã bỏ hết mọi sự, của cải, vật chất, bạn bè, gia đình để đáp lời Chúa mời gọi con bước vào đời sống thánh hiến, phục vụ. Thế nhưng lời Chúa Giê-su nói với chàng thanh niên như nói với con rằng: “Con còn thiếu một điều?” Vậy điều con còn thiếu là việc gì ạ?” Nghe câu hỏi đó, tôi liền mỉm cười và trả lời: “Chúa nói với con, thì con phải hỏi Chúa, chứ sao hỏi cha…!” Nói thì nói vậy thôi, nhưng chúng ta cũng biết, nhiều lúc chúng ta viện dẫn không có thời giờ cho anh chị em, nào là: “Tôi bận lắm! tôi còn phải làm nhiều việc!….” Lắm lúc, chúng ta bỏ hết như lời sơ kia nói, nhưng để chia san, sống đức bái, chúng ta còn có thể dành thời gian cho anh chị em, dành tiếng nói động viên, hỗ trợ, an ủi, nâng đỡ anh chị em nữa, chứ không chỉ san sẻ của cải, vật chất, đồ đạc…Thực tế cho chúng ta thấy, nhiều người sẵn sàng cho đi thứ họ có, nhưng lại do dự dành thời gian cần thiết cho gia đình, cho giáo xứ, cho hội dòng, cho những người cần đến mình. Ngược lại, cũng không ít người lại phung phí thời gian cho những việc vô bổ như: bàn tàn, ngồi lê đôi mách, đồn thổi, nói chuyện về người khác (nhất là người vắng mặt)…, mà không biết dùng thời gian, những gì mình có (như khả năng, tài năng, nguồn liệu…) để cùng nhau cầu nguyện, học hỏi-chia sẻ Lời Chúa, cùng nhau chung tay làm việc bác ái, vì chưng tác giả thư Do Thái xác quyết: “Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn” (Dt 4, 12).
Tóm lại, đời sống đạo không chỉ giới hạn ở việc cầu nguyện, đi lễ, lãnh nhận các Bí tích mà thôi, song song với những việc thiết yếu và quan trọng đó, chúng ta còn cần tín thác, bước theo Đấng Khôn Ngoan (Chúa Thánh Linh), dám ra đi sẻ chia, trung thành với con đường mà Chúa Giê-su đã đi, bằng cách sống bác ái, chia san với hết mọi người. Không những san sẻ của cải vật chất, điều mình có, mà còn biết dành thời giờ cho anh chị em cần đến mình, dành lời nói khuyến khích động viên, yên ủi tha nhân. Như vậy, sự việc lãnh nhận đời sống muôn đời “đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự” (Mc 10, 27).
Ôi ánh mắt nhân từ, chạm vào lòng con
Ôi Lời Chúa sắt bén, ghi khắc tâm trí con
Ôi Đức Khôn Ngoan hằng luôn dẫn lối con!
Xin cho con biết đón nhận đôi mắt ấy,
Xin cho con sống trọn vẹn Lời hằng sống,
Xin cho con mãi theo con đường Yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
***********
SỰ KHÔN NGOAN VÌ NƯỚC TRỜI
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ, Lời Chúa hôm nay đòi buộc chúng ta phải nhìn lại tâm tư, cùng mọi khía cạnh của cuộc sống đức tin – tu đức – cộng đoàn – cầu nguyện, cũng như đời sống xã hội, gia đình.
Trong một thế giới luôn chuyển mình đổi thay, con người chúng ta cũng chịu ảnh hưởng không ít về quan niệm sống, cách nhìn nhận về sự khôn ngoan đích thật, về quyền năng hoán đổi tâm hồn con người của Lời Chúa, v.v...Vừa rồi có một loạt câu hỏi: tại sao Thiên Chúa quyền năng không can thiệp vào biến cố 9/11 hoặc các sự cố thiên tai lũ lụt, chết chóc do nhân tai, do sự độc tài, chuyên chế của con người gây ra? Và dĩ nhiên, dù câu trả lời ra sao đi chăng nữa cũng không thể nào thích đáng và đáp ứng hết sự truy tầm chân lý vô hạn định của con người chúng ta! Tuy nhiên, một điều chúng ta thấy chắc chắn và cảm nghiệm sâu sắc đó là: trong thời đại ngày nay, chúng ta có xu hướng đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời, ra khỏi trường học, ra khỏi cộng đoàn mình với nhiều chương trình đồ sộ mang tính lợi nhuận, thương mại, xã hội...Một vị Thiên Chúa luôn tôn trọng và lặng lẽ bước ra khỏi cuộc đời con người nếu con người không đón tiếp. Dĩ nhiên, Ngài không bỏ mặc con người, nhưng Ngài cũng không bắt con người phải đón nhận Ngài một khi họ không muốn! Và chuyện gì xảy ra nếu mọi biến cố trong đời, trong xã hội, trong thế giới vắng đi Thiên Chúa, thì chúng ta đang trải qua hằng ngày đấy thôi!
Con người chúng ta thường chạy theo sự khôn ngoan trần thế, sự khôn khéo, lương lẹo mà quên đi Sự khôn ngoan đến từ chân lý, đến từ chính Lời của Thiên Chúa. Bài đọc I hôm nay cho ta thấy sự tương phản tâm tưởng thời đại, xu hướng của con người chúng ta: giữa vương trượng, ngai vàng, giàu sang và khôn ngoan, ta chọn điều gì? Giữa sức khoẻ, sắc đẹp và sự khôn ngoan, ta yêu quý cái gì? Tác giả sách Khôn ngoan đã khẳng định rõ ràng: “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như cát bụi, và bạc đem để trước nó thì kể như bùn đất...Cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi” (x. Kn 7, 8 – 11).
Thứ đến, Sự khôn ngoan này hướng con người chúng ta đến cuộc sống đặt Lời Chúa làm trọng tâm cho đời mình. Tôi không phải là tâm điểm, để Lời Chúa xoay quanh tôi! Trái lại, tôi là người xoay quanh và soi vào tâm điểm là Lời Chúa để tâm tư, tình cảm, cách sống, động thái, động cơ, hành vi, lời nói, mối tương tác, tương quan, mọi khía cạnh con người tôi, mọi chiều kích đời sống tôi nhờ Lời Hằng Sống ấy biến đổi và thúc giục tôi đổi thay sao cho đẹp lòng Ngài. Vì một lẽ “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4, 12 – 13).
Sau cùng, người thích thú đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì luôn hy sinh vì Nước Trời. Qua trình thuật người thanh niên giàu có đã giữ và sống Mười điều răn từ thuở nhỏ, Chúa Giê-su còn chỉ cho anh ấy và cả chúng ta biết “chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta” (x. Mc 10, 21). Thật sự, Chúa Giê-su không quá hà khắc đòi buộc anh thanh niên giàu có hay chúng ta phải bán hết gia tài, gia sản của mình để chia cho người nghèo, rồi bản thân của anh ta hoặc chúng ta cũng chẳng còn gì để sống đúng với nhân vị của một con người! Mà đúng ra, Ngài mời gọi anh thanh niên giàu có và chúng ta dám hy sinh những gì quý giá nhất của bản thân vì Nước Trời, dám ‘đánh cược’ những gì khó thực hiện trong đời sống bản thân để ra khỏi ‘căn phòng tiện nghi, tiện lợi’ của mình hầu chia sẻ, chia san với người khác tất cả mọi thứ vì Nước Trời. Và lợi ích của việc đánh đổi này không dựa trên vật chất chóng qua, không quy thuộc về những việc đời này chỉ hào nhoáng, vinh hoa phú quý tạm thời, mà được “sự sống vĩnh cửu” (x. Mc 10, 30) nhờ vào lòng thương xót của Chúa “đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự” (Mc 10, 27).
Giờ đây, xin mời cộng đoàn Phụng vụ chúng ta đặt mình trước Lời Chúa và cùng dâng lên lời cầu tha thiết với tất cả tâm tư tin tưởng, tín thác của mình:
Lạy Chúa, nguồn mạch sự khôn ngoan
Xin cho lòng con luôn rạng ngời
Lời ban sự sống, mời gọi con
Dù tâm tư mãi còn ngu muội
Dù lòng vẫn ngủ vùi đam mê
Xin đưa con trở về bên Chúa
Cõi vĩnh hằng có Chúa trông mong…Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng