Nhảy đến nội dung

Người thân cận của tôi là ai?

NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI LÀ AI?


 

Lắm lúc, cụm từ ‘người thân cận’ khiến chúng ta chỉ liên tưởng đến ‘người thân của ta’ và ‘người gần gũi hoặc người cạnh bên ta’! Đặt trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay ‘dụ ngôn người Sa-mi-ri-a nhân hậu’, thì hạn từ ‘thân cận’ vượt lên trên ý nghĩa Hán từ hẹp này.

Như chúng ta biết, người Do Thái và người Sa-ma-ri-a không ưa nhau. Có thể nói họ như ‘mặt trời với mặt trăng', chẳng bao giờ giáp mặt, và không muốn giao thiệp hoặc không muốn tiếp xúc. Trong một trình thuật khi Chúa Giê-su đến xin người phụ nữ Sa-ma-ri-a nước uống tại giếng Gia-cóp ngay giờ ngọ, thì phản ứng đầu tiên của cô ta: hết sức ngỡ ngàng “ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Sa-ma-ri-a, cho ông nước uống sao?” (Ga 5, 9). Đã chẳng giao thiệp với nhau, thì không thể nói đến việc ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ nhau khi hoạn nạn! Tuy nhiên, người Sa-ma-ri-a tốt lành đã vượt thắng định kiến, quy tắc ấy, mà cứu giúp người bị cướp đánh nửa sống nửa chết trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-kô. Qua đây, Chúa Giê-su lột tả định nghĩa ‘người thân cận’ là ai, hầu đáp lời người thông luật, mặc dù ông ấy hỏi thử Ngài (x. Lc 10, 25), cũng như chứng tỏ ông ta có lý (x. Lc 10, 29).

Trong dụ ngôn, Thánh sử Lu-ca không cho biết người bị nạn là người Do Thái hay người Sa-ma-ri-a, nhưng cho dù là người Do Thái chăng nữa, người Sa-ma-ri-a đi đường tận mắt thấy tha nhân bị nạn, liền bỏ hết mọi suy nghĩ đố kị, não trạng định kiến, tư tưởng so đo tính toán, v,v…, chỉ tập trung cứu giúp người bị rơi vào tay kẻ cướp. Rõ ràng, người Sa-ma-ri-a này sống điều răn ‘mến Chúa, yêu người’ không chỉ trên đôi môi, hoặc bằng lời nói, ngôn từ, mà chắc hẳn đã thực hành giới răn “yêu tha nhân như chính mình” (x. Lv 19, 18; Mt 5, 43 và 22, 39). Đúng như lời tác giả sách Đệ Nhị Luật xác quyết trong bài đọc I “…mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành’” (Đnl 30, 11-12). Giới răn yêu thương Chúa dạy chẳng xa xôi, chẳng phải trên chín tầng trời, vạn tầng mây, mà nó trước mắt chúng ta, ngay trong lòng chúng ta. Vì vậy, “miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Ngài, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” (Đnl 30, 10). Tắt một lời, thực hành giới răn bác ái cách cụ thể trong suốt cuộc đời của mình!

Thứ đến, định nghĩa ‘ai là người thân cận của tôi’ mà Chúa Giê-su giải đáp rất ư rõ ràng, không chút mơ hồ hay khó hiểu, rằng: người thân cận của tôi là người cần đến sự giúp đỡ của tôi. Họ có thể là những người tôi chẳng hề biết, hoặc chưa bao giờ gặp, nhưng họ cần đến sự giúp đỡ của tôi, thì họ là người thân cận của tôi. Vì thế, người thân cận của tôi có thể là người tôi biết hoặc không biết, có thể là người bên cạnh tôi hoặc người ở xa tôi, có thể là người thân của tôi hoặc không thân, miễn là họ đang cần đến sự giúp đỡ của tôi, “người thân cận của tôi chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp” (x. Lc 10, 37). Vì thế, giáo huấn “hãy yêu thương kẻ thù, và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” (Mt 5, 44) cũng là một phần trong giới răn yêu thương và ‘kẻ thù, kẻ ngược đãi, người không ưa mình hoặc mình không ưa’ có thể là ‘người đang cần đến chúng ta, đang cần sự giúp đỡ của chúng ta’, và như vậy, họ là ‘người thân cận của ta’. Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh ‘kẻ thù, người chẳng ưa’ thì quá khó cho chúng ta ‘yêu thương họ và cầu nguyện cho họ’! Thế nhưng, nếu nhìn với lăng kính theo dụ ngôn Sa-ma-ri-a nhân hậu, thì chúng ta có thể tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho những ai theo thói thường chẳng thể nào tha thứ, yêu thương hay cầu nguyện cho!

Bên cạnh người Sa-ma-ri-a tốt lành, chúng ta cũng không thể nào bỏ qua hai nhân vật vĩ vọng, có thế giá trong dân Is-ra-el, đó là: thầy tư tế (lo việc tế tự, phụng tự trong Đền thờ, người đại diện dân chúng dâng hương cho Thiên Chúa trong nơi Cực Thánh), và thầy Lê-vi (dòng dõi được tuyển chọn chuyên lo việc tế tự). Nhìn vào chức vụ của họ, chúng ta cũng biết: họ đang trên đường lên Đền thờ để thực thi việc phụng tự, cho nên họ phải giữ gìn bản thân sạch trong kể cả tâm hồn lẫn ngoài thể xác. Tuy nhiên, Chúa “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt 9, 13). Ngài mong chúng ta thực thi bác ái, sống giới răn yêu thương, chứ đâu cần lễ tế! Ngài nào muốn chúng ta viện dẫn những quy định, lề luật để không sống mến yêu! Ngài nào muốn chúng ta lấy trách vụ làm cớ tránh thực hành đức ái! Ngài nào muốn chúng ta lệ luật hòng biện minh, lấy cớ không sống yêu mến người thân cận! Ngay cả Chúa Giê-su dạy: “khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (x. Mt 5, 23-24). Việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa là điều hết sức quan trọng, nhưng cho dù vậy đi chăng nữa, ‘hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ’, mà tiên vàn ‘đi làm hoà’, sống thực thi đức ái, sống giới răn yêu thương, trợ giúp người thân cận đang cần giúp đỡ, rồi sau đó ‘trở lại dâng lễ vật của mình’. Trên thực tế, không ít người trong chúng ta rơi vào tình trạng như thầy tư tế và thầy Lê-vi! Chúng ta nại vào phận vụ hoặc dựa vào lối suy nghĩ ‘tôi không giúp thì ắt có người khác sẽ giúp!’ hoặc ‘tôi cũng đang cần giúp mà có ai giúp tôi đâu’, hay tệ hơn ‘tôi không giúp được họ vì ngoài khả năng’, nhưng thực chất ‘dư khả năng!’ Lắm lúc, chúng ta viện dẫn rằng ‘không có thời gian’, hoặc ‘bận rộn với công việc’ mà không trở nên ‘người Sa-ma-ri-a nhân lành’!

Để kết thúc, xin mượn lời xác quyết của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi giáo đoàn Cô-lô-xê: “Nhờ máu Thánh Tử (Đức Giê-su Ki-tô) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (x. Cl 1, 20) một lần nữa khẳng định: chúng ta được cứu độ nhờ bửu huyết châu báu của Con Một Thiên Chúa, chứ chẳng bởi chức vụ, vai vế, trọng trách, điều lệ, tài năng, thành quả bản thân, tiền tài, danh vọng v.v…! Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi sống bác ái cách cụ thể, trở nên người Sa-ma-ri-a nhân lành, vượt lên mọi rào cản hay vách ngăn do não trạng, đầu óc cục bộ, định kiến, lề thói, tập tục, thói quen, ngỏ hầu nhận ra người thân cận, những ai đang cần giúp đỡ ngay trong đời sống hằng ngày nơi gia đình, cộng đoàn, hội dòng, giáo xứ, giáo phận, và ngoài xã hội, như lời Chúa Giê-su nói với người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy (làm như người Sa-ma-ri-a tốt lành)” (x. Lc 10, 37).

Lạy Chúa, bao lần con tự hỏi:

Người thân cận của con là ai?

Ngài xoa đầu, đáp lại nhỏ nhẹ:

Bất kể ai đang cần giúp đỡ!

Nào dang rộng đôi tay thương yêu

Chia san lòng trìu mến lân ái

An ủi cõi lòng với tâm can. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

Tác giả: