Nhảy đến nội dung

2 Bài Suy Niệm Chủ Nhật 7 TN NC

Ơn Gọi Ki-tô Hữu: Nên Trọn Lành, Chứ Không Cần Nên Hoàn Hảo

Kính thưa quý cộng đoàn phụng vụ! Vừa rồi, con được tình cờ chuyện trò với một sơ bạn cùng thời học đại học mà mất liên lạc khá lâu. Được biết, hiện nay sơ ấy đang phục vụ với tư cách là một giáo viên mầm non ở một nước phát triển cũng như xứ sở Phù Tang đây. Đã lâu không được hàn thuyên, nên dường như cuộc trò chuyện không có hồi kết! Nhưng điều làm con ngạc nhiên là sơ ấy vẫn còn mang tư tưởng: một linh mục (nhất là linh mục triều) phải để lại dấu ấn của riêng mình qua ba việc sau: xây một nhà thờ, viết một cuốn sách và ít nhất có một đứa con tinh thần. Vừa nghe đến đây, thì con liền cười và nói vỏn vẹn một câu ‘chuyện này xưa như quả đất rồi sơ ơi!’ Dĩ nhiên, câu chuyện vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng sau đó con ngồi ngẫm nghĩ, tự hỏi lòng mình: ‘nếu tư tưởng ấy xưa rồi, thì bây giờ nên nghĩ thế nào cho phải đây?’

Lẽ thường, mỗi thời đại có một lối suy nghĩ, tư tưởng khác nhau. Hoặc nói theo cách khác, tư tưởng thế nào đi chăng nữa cũng có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh và thời đại; nhưng một điều trong vô số nhiều điều không hề thay đổi, đó là ơn gọi căn tính của người Ki-tô hữu: hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Tắt một lời, hãy trở nên Thánh trong từng việc thường nhật của bản thân. Và đây có lẽ là lời giải đáp cho dòng suy tư như trên của con! Đã là Linh mục, người sống đời sống Thánh hiến đi chăng nữa, thì căn tính của bản thân Linh mục vẫn là người thuộc về Chúa Ki-tô, một Ki-tô khác, hay Ki-tô hữu. Cho nên ơn gọi căn bản và nền tảng của các Linh mục vẫn giống như mọi giáo dân, đó là trở nên Thánh trong sứ vụ của riêng mình.

Tin Mừng ngày hôm nay không đề cập đến ơn gọi nên Thánh một cách trực tiếp, nhưng được Thánh sử Lu-ca trình bày một cách chi tiết cụ thể về cách thức trở nên trọn lành “các con hãy có lòng nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đọc lướt qua, thì thiết nghĩ ít ai trong chúng ta ưa thích, để tâm nhớ và sống những điều trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nhất là trong thời đại hiện nay ‘mạnh ai nấy sống’, ‘sống chết mặc bây’, ‘hiền quá người khác cưỡi đầu, cưỡi cổ’, v.v...Sống trong một xã hội hiện nay, thì chuyện ‘yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho kẻ vu khống, hiền lành tha thứ cho kẻ dùng bạo lực chiếm đoạt, gây hấn...’ (x. Lc 6, 27–29) chẳng phải là chuyện phi lí, khó xảy ra hay sao? Hơn nữa, đối với những người Công giáo nói chung, và giới kinh doanh, người hành nghề cho vay mượn, cầm đồ nói riêng, sẽ có rất ít người lưu tâm đến chi tiết này ‘nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được thì còn gì là ân với nghĩa?...trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả...’ (x. Lc 6, 34–35). Hơn nữa, có thể nhiều người trong số chúng ta cũng có ít nhiều ý nghĩ này trong tâm tưởng: chuyện khó thế này mà Chúa Giê-su cũng dạy và kêu mời chúng ta thực hành sao? Chuyện không thể thế này mà Chúa lại dùng Thánh sử Lu-ca ghi chép lại sao? Chưa hết, một quan niệm không biết bắt đầu từ bao giờ mà có thể nói: nó vẫn được lưu lại, in hằn trong tâm tư của nhiều người Công giáo chúng ta, đó là: chuyện nên Thánh không phải dành cho bản thân tôi, đó là việc của Chúa dành tặng cho một số người (như các Thánh đã được Giáo hội tôn phong và kính nhớ hằng năm)! Và tôi tội lỗi như thế này, làm sao có thể trở nên Thánh được!!? Về quan niệm này, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã dành tâm huyết, thời gian, cảm nghiệm đức tin, mục vụ của ngài mà giáo huấn, hướng dẫn mọi Ki-tô hữu trên toàn thế giới qua các cuộc yết kiến chung, qua buổi đọc Kinh Truyền Tin (hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong Mùa Phục Sinh), cũng như trong các Tông huấn, Sứ điệp của Ngài, rằng: “Ơn gọi nên Thánh không phải được dành cho những bậc ưu tú, hay được tuyển chọn, mà là ơn gọi cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta”, và hơn nữa, “Không một vị Thánh nào mà không có một quá khứ; ngược lại, không người tội lỗi nào mà không có một tương lai”. Thật sự, khi đọc lại tiểu sử các Thánh được tôn phong, chúng ta nhận ra: các Thánh cũng là những con người yếu đuối, tội lỗi, cũng có quá khứ không được sáng sủa cho lắm, nhưng nhờ ơn Chúa và sự bỏ mình liên lỉ, sống trung thành trong bậc sống, sứ vụ của mình từng giây phút, mà các ngài được ghi danh trong hàng ngũ các Thánh trên trời. Chính vì thế, người tội lỗi, yếu đuối như các ngài cũng không phải không có một tương lai: được nên Thánh, như Thánh Phao-lô đề cập trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô “cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1Cr 15, 49).

Giờ đây, trong giây phút ngắn ngủi sâu thẳm tâm hồn, chúng ta cùng thinh lặng và đặt mình trước Lời Chúa hôm nay, cầu nguyện: 

           Chúa ơi, (con) cám ơn vì lời mời gọi: 

           Trở nên nhân từ như Cha trên trời!

           Nhưng Chúa ơi, Chúa biết lòng con rồi:

           Yếu đuối, bảo thủ vương trong tội lỗi,

           Chạy theo dễ giải, lánh xa ơn trời.

           Xét đoán, định kiến tha nhân, Chúa ơi!

           Nay cho con mãi ghi nhớ một đời

           Sống sao nên trọn như Cha trên trời! Amen!

 Lm. Xuân Hy Vọng

 

*********

 

Thách Đố Nên Trọn Lành

Trong chúng ta, ít nhất một lần đã đọc đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay (x. Lc 6, 27-38) và tự hỏi khá nhiều rằng: “Tại sao tôi phải yêu kẻ thù, tại sao làm ơn cho những kẻ ghét mình, tại sao chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình?” Và danh sách câu hỏi có thể kéo dài cả trang giấy!

Nếu chúng ta chỉ nhìn với đôi mắt thể xác, thì những gì Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay thật sự là điều không thể đối với chúng ta! Vì chưng, thế gian này hầu như làm ngược lại những gì Đức Giê-su chỉ dẫn. Cụ thể, “người người yêu kẻ thương mình, chứ chẳng bao giờ yêu kẻ ghét mình, huống chi thương kẻ thù! Tránh xa hoặc trả thù những kẻ hại mình, ghét mình, chứ chẳng ai chúc phúc cho họ, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình, cũng như làm ơn, cho vay mượn mà không trông báo đền!” Hơn thế, nếu ai vả má mình, thì ‘ăn miếng trả miếng’ chứ ‘đời nào đưa cả má bên kia’ cho người ta vả! Ai lột áo ngoài mình, thì chống cự lại chứ chẳng bao giờ cho họ lấy áo trong luôn! Ai lấy gì của mình, thì phải đòi lại, chứ sao mà bỏ qua được!

Tuy nhiên, như Thánh Phao-lô quả quyết: “Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới (A-đam cũ, người có sự sống), thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc (A-đam mới, người có thần trí ban sự sống) như vậy” (1Cr 15, 49), thì chúng ta không chỉ làm theo tính năng xác thịt, mà còn vâng nghe và làm theo thần trí nữa. Dẫu biết rằng bước theo con đường Chúa đi nhiều chông gai, thách thức, nhưng chúng ta không đơn côi ‘một mình một nẻo’, mà Chúa luôn đồng hành với chúng ta qua gia đình, cộng đoàn, hội đoàn, giáo xứ, Giáo hội. Ngài cùng ta gieo bước hành trình trở nên trọn lành qua ơn phúc, ân sủng, đoàn sủng, đặc sủng, biết bao ơn thánh thiêng liêng trợ lực, nâng đỡ và thánh hoá chúng ta.

Vậy, với sức lực con người, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh giống như thế gian, chỉ biết ‘yêu những kẻ thương mình, làm ơn cho những ai làm phúc cho mình, v.v…’, và chẳng bao giờ thực hiện giới răn yêu thương, cũng như những gì Chúa răn dạy trong bài Tin Mừng hôm nay đầy thách thức. Dù biết rằng khó khăn, nhưng không phải là điều bất khả thi với lời mời gọi “trở nên nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Chúa mời gọi chúng ta nên trọn hảo, nên trọn lành, nên thánh thiện, vì chúng ta là con cái của Ngài, con cái của ánh sáng. Cũng nên biết rằng: Chúa không kêu gọi chúng ta nên hoàn hảo, vì Ngài biết con người chúng ta ‘vô nhân thập toàn’ (chẳng ai hoàn hảo); mà Ngài gọi mời chúng ta nên hoàn thiện, và sống tốt lành. Ở đây, chúng ta có thể áp dụng ý nghĩa tích cực của câu ‘cha nào con nấy’. Cha chúng ta là Thiên Chúa, Đấng trọn lành, thì chúng ta là con cái Ngài cũng nên tốt lành, vì chưng “Ngài nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác” (Lc 6, 35). Dĩ nhiên, Thiên Chúa bao dung, khoan nhân với họ, không phải Ngài nhún nhường, đồng loã với thói bội bạc, với sự gian ác, tội lỗi của họ, mà đúng hơn, Ngài cho họ cơ hội ‘quay đầu vào bờ’ vì Ngài biết rõ họ có thể trở nên tốt hơn như ngôn sứ Ê-zê-ki-en đã từng xác quyết: “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez 33, 11). Hơn thế, Thiên Chúa hằng yêu thương, xót thương, tha thứ chúng ta thế nào, thì Ngài mời gọi chúng ta cũng làm như vậy với tha nhân.

Chúng ta có thể thấy bằng chứng sống động này nơi Vua Đa-vít trong bài đọc I: “Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu” (1Sm 26, 23). Như chúng ta biết rõ, Sa-un (hoặc Sao-lê) vị vua đầu tiên của dân Is-ra-el đã bày mưu tính kế giết hại Đa-vít thế nào, cũng vì sự ghanh ghét, đố kỵ sau khi thiếu niên tóc hoe, thân hình nhỏ bé Đa-vít chiến thắng trước gã tướng khổng lồ vạm vỡ Gô-li-át, chẳng phải nhờ sức lực con người, mà do bởi ơn Chúa. Thế nhưng, Đa-vít chẳng hề trả thù, báo oán, ngay cả khi mạng sống của vua Sa-un được trao vào tay Đa-vít. Vượt hơn cả bằng chứng này, Đức Giê-su trên cây thập tự, đã kêu xin Thiên Chúa Cha tha tội cho những người giết hại Ngài “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Dù đứng trước cuộc khổ nạn, nhưng Đức Giê-su không ngừng tỏ lộ lòng bao dung, nhân từ như Thiên Chúa Cha là Đấng hằng nhân từ vì “Thầy với Cha là một” (Ga 10, 30). Noi gương Thầy Chí Thánh Giê-su, biết bao nhiêu gương sống Tin Mừng, vượt mọi thách đố dường như ‘khó nhai’, đã và đang sống đời trọn lành; trước hết không thể không kể đến các Thánh Tông Đồ, chư Thánh mọi thời đại, đặc biệt thời đương đại như: Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã tha thứ cho kẻ ám sát ngài; Bậc Đáng Kính Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận chẳng một lời lên án hay kết tội những người vì một học thuyết vô thần mà gây biết bao ưu phiền, sầu muộn cho ngài, và rất nhiều gương thánh nhân khác, v.v…

Tóm lại, con đường nên thánh, con đường sống trọn lành như Cha trên trời, thật lắm chông gai, gian nan, thử thách, nhưng tiên vàn với ơn Chúa và sự nỗ lực dù nhỏ bé nhưng liên lỉ của chúng ta, chắc chắn từng ngày chúng ta sẽ được trở nên ‘giống Chúa’ hơn, trong lối sống theo khuôn vàng thước ngọc “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31).

Thế gian bảo con: chớ yêu kẻ thù,

Nhưng Chúa dạy con: yêu thương kẻ thù.

Thế gian bảo rằng: báo oán kẻ hại ta,

Nhưng Chúa răn dạy: làm phúc cho họ.

Thế gian muốn con trả đũa kẻ nguyền rủa ta,

Nhưng Chúa mời con chúc phúc, cầu nguyện cho họ.

Ôi Chúa ơi, sao nhọc nhằn

Ngài luôn thấu tỏ, đỡ nâng con hèn.

Đành rằng lắm nỗi truân chuyên

Với ơn thánh Chúa, mãi liên thực hành. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng 

 

 

Danh mục:
Tác giả: