Bánh Thánh Thể, làm cho ta sống vui, sống khỏe và sống hạnh phúc
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN Lễ Mình và Máu Đức Ki-tô
Bánh Thánh Thể, làm cho ta sống vui, sống khỏe và sống hạnh phúc
“Tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống nơi mình”(x.Ga 6,53).
Và Đức Giê-su còn khẳng định thêm: “Thịt Tôi thật là của ăn và Máu Tôi thật là của uống”(x. Ga 6,55). Vậy, Đức Giê-su kêu mời chúng ta ăn thịt “người”; uống máu “người” à? Trên đời này có ai ăn thịt người và uống máu người đâu. Người ta có ăn thịt bò, thịt heo, thịt gà và ăn tiết canh vịt, tiết canh heo thôi. Điều Đức Giê-su nói có nghĩa gì, chúng ta cùng tìm hiểu.
Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì, “Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế khổ giá kéo dài qua các thời đại, cho tới khi Người lại đến. Và cũng ủy thác cho Hiền Thê yêu quí của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người. Đây là bí tích Tình Yêu, dấu chỉ Hiệp Nhất, mối dây Bác Ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong Bữa Tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Ki-tô làm của ăn; được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm tương lai”(x. GLCG, số 1323).
Của ăn đó chính là Mình và Máu của Đức Ki-tô. “Hội Thánh nhận ra các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa Giê-su đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát để nuôi đám đông, tiên báo sự phong phú của tấm Bánh duy nhất là Thánh Thể. Phép lạ hóa nước thành rượu ở Ca-na, là dấu chỉ báo trước “Giờ Con Người được tôn vinh”. Dấu chỉ này còn loan báo Tiệc Cưới trong Nước Thiên Chúa, nơi các tín hữu sẽ uống rượu mới đã trở thành Máu Chúa Ki-tô”(x. GLCG, số 1335).
Chính qua các lần Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng; cùng với việc Đức Giê-su biến nước thành rượu trong tiệc cưới tại Ca-na, mà Giáo Hội nhận ra đó chính là dấu chỉ cho việc truyền phép bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa.
“Trong Thánh Lễ, nhờ Lời của Đức Ki-tô và lời Hội Thánh kêu cầu Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Ki-tô. Vâng lệnh của Chúa và để tưởng niệm Chúa cho đến ngày Người quang lâm, Hội Thánh làm lại điều Chúa đã làm hôm trước ngày chịu nạn: “Người cầm lấy Bánh....; Người cầm lấy chén rượu...”. Bánh và rượu dù đã trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô cách mầu nhiệm, vẫn là dấu chỉ cho sự thiện hảo của công trình sáng tạo”(x. GLCG, số 1333).
Qua đó chúng ta thấy, không phải do lời của cá nhân vị Linh Mục, mà do với tư cách là người thay mặt Chúa Ki-tô, trong chức vị Tư Tế, vị Linh Mục đọc chính “Lời của Đức Ki-tô” và lời kêu cầu của Hội Thánh, mà sau lời truyền phép, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô.
“Cách thức Đức Ki-tô hiện diện dưới hai hình Thánh Thể là độc nhất vô nhị. Người đặt bí tích Thánh Thể trên mọi bí tích để trở nên “Như sự trọn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích của mọi bí tích”. Trong bí tích cực thánh, “Có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là có Đức Ki-tô trọn vẹn”(x. GLCG, số 1374).
Qua đó, chúng ta hiểu một cách rõ ràng rằng, bánh và rượu sau lời truyền phép, thực sự là Mình và Máu của Đức Ki-tô: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này là Máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.
“Đức Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại. Trong hình bánh cũng như hình rượu, Đức Ki-tô hiện diện trọn vẹn. Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa. Việc bẻ Bánh không phân chia Đức Ki-tô”(x. GLCG, số 1377).
Bởi đó, Giáo Hội tin rằng, khi bánh và rượu, trước và sau khi được truyền phép không còn là bánh và rượu nữa thì Đức Ki-tô không hiện diện ở đó. Nghĩa là nếu bánh mốc meo và rượu chua trước khi truyền phép hoặc Bánh đã truyền phép mà để lâu, Bánh mốc meo; Rượu hư chua, khi đó Bánh và Rượu không còn là của ăn, của uống nữa, thì Đức Ki-tô không có ở đó nữa.
Do đó, những ai coi phòng Thánh và dọn lễ phải chú ý xem bánh có mốc meo và rượu có hư chua gì không. Và Linh Mục coi xứ cũng phải xem Mình Thánh trong nhà tạm, đừng để số Bánh đã truyền phép tồn tại quá nhiều và quá lâu. Tốt nhất là hàng tuần mỗi Chúa Nhật phải có Bánh Mới truyền phép, để bảo đảm Đức Ki-tô luôn hiện diện. Kẻo Mình Thánh mốc meo, Chúa Ki-tô không còn ở đó nữa, mà giáo dân thờ lạy, đó là thờ lạy ngẫu tượng.
Bánh đã được truyền phép là Mình Chúa Ki-tô, nên chỉ những người có chức thánh là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế mới được cầm. Ngoài ra còn có những người được gọi là thừa tác viên ngoại lệ khi cho rước lễ mà thôi.
Lại nữa, có khi thiếu Bánh Thánh Thể, mà Bánh được bẻ ra nhiều phần cho giáo dân rước, thì Giáo Hội dạy chúng ta tin rằng, dù là một phần nhỏ hay được bẻ ra nhiều phần, Đức Ki-tô vẫn không bị chia ra, vẫn hiện diện các trọn vẹn. Điều này chúng ta có thể kiểm chứng được. Như một cái gương soi. Khi còn nguyên vẹn, chúng ta thấy đầy đủ khuôn mặt mình. Nhưng khi tấm gương bị bể thành nhiều phần nhỏ, chúng ta soi mặt mình vào thì chúng ta vẫn thấy nguyên khuôn mặt mình trong phần gương nhỏ đó, chứ không bị phân chia. Đức Ki-tô trong Thánh Thể cũng vậy. Nên chúng ta yên tâm khi rước Chúa với phần nhỏ đó.
Qua những điều xác tín và các lời dạy của Giáo Hội trên, chúng ta hiểu được ý nghĩa của Lời Đức Giê-su nói: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người”, không phải theo nghĩa đen là ăn thịt người và uống máu người, mà là qua dấu chỉ bánh và rượu, cùng với chính Lời của Đức Ki-tô. Bởi đó, chúng ta không chướng tai khi nghe Lời đó, mà chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa. Theo Giáo Hội, Lời nói đó của Đức Giê-su là “Chúa khẩn thiết kêu mời chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể”(x. GLCG, số 1384). “Rước lễ là đón nhận chính Chúa Ki-tô, Đấng tự hiến vì chúng ta”(x.GLCG, số 1382).
Có thể nói, Bánh Thánh Thể là của ăn cho linh hồn của chúng ta. Như thân xác ta sống nhờ cơm bánh thế nào thì linh hồn của chúng ta cũng sống nhờ Bánh Thánh Thể và Lời Chúa như vậy. Không ăn cơm bánh, thân xác chúng ta sẽ chết; cũng vậy, không rước Thánh Thể; không sống Lời Chúa, linh hồn của chúng ta cũng sẽ còm cõi, khô đét, không có sức sống; không có sức bò lên trời đâu.
Vậy, trong niềm xác tín vào sự hiện diện của Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ, để được nghe Lời Chúa và được rước Chúa vào lòng. Thánh Thể, với tư cách là bánh vật chất, sẽ biến thành thịt máu của ta, sau này ta sẽ được phục sinh; với tư cách là Thịt và Máu Đức Ki-tô, sự sống đời đời của linh hồn ta sẽ được bảo đảm. Bánh Thánh Thể, làm cho ta sống vui, sống khỏe và sống hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau.
Lm. Bosco Dương Trung Tín