Nhảy đến nội dung

Tính cấp thiết của hoán cải : Cầu nguyện

CN II MC                  

Tính cấp thiết của hoán cải : Cầu nguyện

  “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người nên trắng tinh như ánh sáng” (x. Mt 17,1-2).

    Theo trình thuật của thánh Lu-ca, thì Đức Giê-su lên núi để cầu nguyện và trong khi cầu nguyện thì Đức Giê-su biến đổi hình dạng (x. Lc 9,28-36). Chúng ta sẽ đào sâu ý nghĩa này trong số 2, của thông điệp Mùa Chay năm 2020 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.

    Tiêu đề của số 2 này là : Tính cấp thiết của hoán cải. Nội dung của số 2 này lại để cập đến việc cầu nguyện. Vậy theo tôi, Tính cấp thiết của việc hoán cải mà Đức Phan-xi-cô muốn nói chính là việc cầu nguyện. Cầu nguyện là một việc tốt lành và “Điều tốt lành là suy ngẫm sâu sắc hơn về mầu nhiệm Vượt Qua mà qua đó, Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Thật vậy, kinh nghiệm thương xót chỉ có thể xảy ra khi mối liên hệ “mặt đối mặt” với Chúa bị đóng đinh và phục sinh, “Đấng đã yêu tôi và đã phó mình cho tôi” (Gl 2:20), trong một cuộc đối thoại chân thành giữa bạn bè. Đó là lý do tại sao cầu nguyện rất quan trọng trong Mùa Chay. Thậm chí hơn cả một bổn phận, cầu nguyện phát biểu việc chúng ta cần phải đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu luôn đi trước và nâng đỡ chúng ta. Các Kitô hữu cầu nguyện trong khi biết rằng, mặc dù không xứng đáng, chúng ta vẫn được yêu thương. Cầu nguyện có thể có bất cứ con số các hình thức khác nhau nào, nhưng điều thực sự quan trọng trong con mắt của Thiên Chúa, là nó thâm nhập sâu trong chúng ta và đẽo dần sự cứng lòng của chúng ta, khiến chúng ta hoán cải, mỗi ngày mỗi hoàn toàn hướng về Thiên Chúa và Thánh ý của Người hơn.”

   Qua đó, chúng ta thấy việc cầu nguyện là một việc quan trọng và việc cầu nguyện đó chính là suy gẫm về lòng thương xót của Chúa. Do đó, việc cầu nguyện không chỉ gói gọn trong việc đọc kinh mà quan trọng là suy gẫm đến tình yêu thương của Chúa; suy gẫm đến lòng thương xót của Chúa, để chúng ta hoán cải.

   Làm sao chúng ta có thể làm được chuyện đó, nếu chúng ta không nghe và suy gẫm Lời Chúa ?

    “Như thế, trong mùa thuận lợi này, chúng ta có thể cho phép mình được dẫn dắt vào sa mạc như Israel (xem Hôsê 2:14), để cuối cùng chúng ta có thể nghe tiếng nói của Phu quân chúng ta và cho phép nó vang lên mỗi ngày một sâu hơn trong chúng ta. Chúng ta càng gắn bó với lời nói của Người, chúng ta sẽ càng trải nghiệm được lòng thương xót mà Người tự do ban cho chúng ta. Mong sao chúng ta không để thời gian ân sủng này trôi qua vô ích, trong ảo ảnh dại dột rằng chúng ta có thể kiểm soát thời gian và phương tiện cho việc hoán cải của mình hướng về Người.”

   Thật vậy, chỉ trong thinh lặng cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta mới có thể trải nghiệm được lòng thương xót Chúa, cũng như chúng ta có cơ sở vững chắc cho lòng tin tưởng đó.

   Ví dụ như : “Đức Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, vì chính điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (x. Ed 18, 26-27).

   Chúng ta nghĩ gì về điều này? Có phải đường lối của Thiên Chúa như thế là không chính trực, không công bằng chăng?

   Chúng ta thường nghĩ là trước kia chúng ta đã làm được những điều tốt; giờ chúng ta làm điều xấu, thì chúng ta sẽ được du di chứ; nếu chúng ta bị phạt vì tội sau này thì những điều tốt chúng ta làm trước đây thì sao, không có giá trị gì ư? Như thế là không công bằng.

  Và nếu một người nào đó gian ác, làm những điều xấu xa, đê tiện; sau đó họ làm điều tốt, điều hay, họ lại được khoan hồng, được thưởng. Như vậy là không chính trực.

   Chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện và suy gẫm xem thế nào.

   Một người trước đây tốt lành, lập được nhiều công trạng, được ban tặng nhiều huân chương, bằng khen. Thế mà một thời gian sau, lại làm những điều sai quấy, tình trạng sẽ thế nào đây? Người ta sẽ tước bằng khen; sẽ tịch thu huân chương. Vì sao? Vì thấy người đó không xứng đáng nữa và người đó sẽ bị xử phạt vì điều sai quấy đã làm. Người ta gọi đó là “BIẾN CHẤT”. Bị xử như vậy có công bằng không? Công bằng quá đi chứ!!!! Ai cũng đồng tình mà.

   Lý do là con người chúng ta sống phải nên tốt lành và thánh thiện cho đến cùng, chứ không nửa chừng rồi bỏ. Bởi đó, đừng có ai cho là mình đã tốt lành, đã thánh thiện rồi, kẻo có ngày “biến chất” hay xuống cấp thì nguy. Mọi công lao, mọi cố gắng đều “đổ xuống sống xuống biển hết” thì uổng phí biết chừng nào. Tốt hơn hãy cố gắng mãi cho đến khi tắt thở.......

    Ngược lại, có người trước đây gian ác, tồi tệ, thế nhưng một thời gian sau họ bỏ những việc làm bất chính, bất lương mà làm những điều tốt lành; người ta gọi là hoàn lương ấy mà- thì người đó sẽ được ca tụng và nếu người đó cứ cố gắng làm điều đó cho đến chết thì sao, họ có được hưởng lòng thương xót của Chúa không? Chắc chắn là được hưởng rồi. Điều đó có chính trực không, có đúng không, có được không? Quá được đi phải không bạn !!!!!

    Chẳng ai hay Thiên Chúa sẽ không còn nhớ những việc gian ác họ làm. Đương nhiên, họ cũng phải đền vì những việc xấu họ làm chứ.  Và trên kia cũng vậy, chẳng ai còn nhớ đến những điều tốt đã làm, có chăng chỉ còn là những hoài niệm, những luyến tiếc mà thôi. Vậy là chúng ta đã tìm ra được cái lý, để lý giải rồi phải không và công nhận đường lối của Thiên Chúa là chính trực, có lý có tình.

   Do vậy, nếu chúng ta đang là những người tốt lành, chúng ta đừng bỏ những việc tốt lành chúng ta đã làm mà cố gắng làm nữa, làm tiếp và làm mãi nhé bạn; không được dừng, không được bỏ đấy, kẻo chúng ta mất hết mọi sự đấy.

   Và nếu, chúng ta cảm thấy mình chưa tốt lành, đừng cố chấp nữa, hãy hoán cải, ăn năn mà chừa bỏ những việc xấu xa, gian ác đã làm mà tập làm điều tốt, điều thiện đi. Không có muộn đâu. Cũng đừng có chần chừ, vì thời gian không còn nhiều; vả lại cũng không biết mình còn sống bao lâu. Còn sống ngày nào, chúng ta phải cố gắng ngày đó.

   Hãy ăn năn hối cải và đền tội mình ngay bây giờ, ngay ở đời này đi. Hãy cầu nguyện với Chúa để chúng ta lãnh nhận lòng thương xót của Chúa; hãy nghe và thực hành Lời Chúa dạy để chúng ta nên thánh nên thiện mỗi ngày một hơn. Có như thế, chúng ta nên giống như Đức Giê-su, nhờ việc cầu nguyện; nhờ việc suy gẫm Lời Chúa mà chúng ta được biến đổi: dung nhan của chúng ta trông hiền lành; tâm hồn của chúng ta nên trong sáng. Con người của chúng ta nên thánh và cuộc đời của chúng ta nên thiện.

                                                                           Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: