Lời cầu nguyện hằng ngày của ta
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lời cầu nguyện hằng ngày của ta
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”(Ga 20,22).
Theo sách Giáo Lý Công Giáo, “THÁNH THẦN là danh xưng của Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh đã nhận Danh xưng này từ Chúa Giê-su và tuyên xưng Danh này trong bí tích rửa tội”(x. GLCG, số 691). “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(x. Mt 28, 19).
“Trong ngày lễ Ngũ Tuần, mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh được mặc khải trọn vẹn”(x. GLCG, số 732) và “Việc Thánh Thần tỏ hiện, được ban tặng và thông truyền như là Ngôi Vị Thiên Chúa và ngày lễ Ngũ Tuần, hoàn tất cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô”(x.GLCG, số 731). Do đó, Mùa Phục Sinh được kết thúc vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Hội Thánh đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, “nên Hội Thánh là nơi chúng ta nhận biết Thánh Thần: Chúng ta nhận biết Thánh Thần trong Thánh Kinh được Người linh hứng; trong Thánh Truyền, mà các Giáo Phụ là chứng nhân cho mọi thời đại; trong Huấn Quyền được Người trợ lực; trong Phụng Vụ Bí Tích, mà qua các lời nói và biểu tượng, Thánh Thần giúp chúng ta hiệp thông với Đức Ki-tô; trong Kinh Nguyện, lúc Người chuyển cầu cho chúng ta; trong các đặc sủng và thừa tác vụ xây dựng Hội Thánh; trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và thừa sai; trong chứng từ của các thánh, nơi Người biểu lộ sự thánh thiện của Người và tiếp tục công trình cứu độ”(x. GLCG, số 688).
Những biểu tượng của Chúa Thánh Thần.
- Nước. “Trong bí tích rửa tội, Nước là một biểu tượng đầy ý nghĩa
về tác động của Thánh Thần. Vì sau khi kêu cầu Thánh Thần, Nước trở thành dấu bí tích hữu hiệu của việc tái sinh”(x. GLCG, số 694).
- Xức Dầu. “Biểu tượng Xức Dầu cũng chỉ về Thánh Thần, đến nỗi
trở thành đồng nghĩa với Thánh Thần”(x. GLCG, số 695). Do đó, có câu nói là Dầu Thánh Thần. Có nghĩa là Dầu là Thánh Thần; Thánh Thần là Dầu.
- Lửa. “Lửa tượng trưng cho năng lực biến đổi do tác động của
Thánh Thần: dưới những hình giống như lưỡi lửa, tản ra đậu trên từng người một và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”(x. GLCG, số 696).
- Áng mây và Ánh Sáng. “hai biểu tượng này luôn đi đôi với nhau
trong các lần Thánh Thần xuất hiện” trong Cựu Ước cũng như Tân Ước(x. GLCG, số 697).
- Ấn Tín. “Hình ảnh Ấn Tín đã được dùng trong một số truyền thống
thần học, để diễn tả Ấn Tích không thể xóa được mà 3 bí tích: Thanh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh để lại”(x. GLCG, số 698).
- Bàn Tay. “Đức Giê-su đặt tay để chữa lành bệnh nhân và chúc
lành cho trẻ nhỏ và Thánh Thần được thông ban nhờ việc đặt tay của các Tông Đồ”(x. GLCG, số 700).
- Ngón Tay. “Đức Giê-su nhờ Ngón Tay Thiên Chúa mà trừ quỉ. Nếu
xưa kia, Thiên Chúa lấy Ngón Tay ghi Lề Luật trên bia đá, thì ngày nay, Thiên Chúa hằng sống dùng Thánh Thần, để viết “bức thư của Đức Ki-tô” được giao phó cho các Tông Đồ, trên tấm bia bằng thịt, tức là lòng người”(x. GLCG, số 701).
- Chim Bồ Câu. Trong ngày chịu phép rửa của Đức Giê-su do Gio-an
Tẩy Giả thực hiện, Thánh Thần, dưới hình Chim Bồ Câu, đáp xuống và ngự trên Người. Trong các ảnh tượng Ki-tô giáo, hình Chim Bồ Câu là biểu tượng truyền thống để chỉ Thánh Thần”(x. GLCG, số 702).
Mỗi người tín hữu Công Giáo chúng ta, khi chịu phép Thêm Sức, chúng ta cũng đã “Lãnh nhận Thánh Thần”. Cụ thể là chúng ta lãnh nhận 7 ơn Chúa Thánh Thần, đó là : ơn Khôn Ngoan và Thông Hiểu; ơn Lo Liệu và Sức Mạnh; ơn Suy Biết và Đạo Đức; ơn Kính Sợ Thiên Chúa.
Theo tôi, ứng với 7 ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta có 7 việc phải làm, đó là: Học và Dạy; Nói và Làm; Yêu Mến và Phục Vụ; cuối cùng là Chu Toàn Bổn Phận.
Ơn Khôn Ngoan và Việc Học. Muốn được khôn ngoan, chúng ta phải học; phải học nữa, học hoài, học mãi; học cho tới khi nào tắt thở mới thôi. Chúng ta học ở trường học hay ở trường đời; chúng ta học bởi Thánh Thần hay bởi các Thầy Cô; chúng ta học cho đời này cũng như học cho đời sau. Có thể nói, nhờ ơn Khôn Ngoan của Thánh Thần mà chúng ta siêng năng học hỏi. Chúng ta học những gì là Chân-Thiện-Mỹ; những gì là chân thật, chân tình; những gì là thiện hảo, tốt lành; những gì là đẹp đẽ, mỹ miều.
Ơn Thông Hiểu và Việc Dạy. Khi chúng ta thông hiểu điều gì, chúng ta mới dạy dỗ; mới chia sẻ cho người khác được. Đức Giê-su đã nói: Mù mà dẫn mù thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố đó sao?(x. Mt 15,14). Nói cách khác, việc giảng dạy là việc của Chúa Thánh Thần. Nên các Giáo Viên và Giáo Sư; các Giám Mục và Linh Mục, với tư cách là những người giảng dạy, phải giảng dạy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để làm cho người ta nên người tốt lành và thánh thiện.
Ơn Lo Liệu và Việc Nói. Ông bà ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không chỉ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, mà còn phải Liệu lời mà: “có nói có; không nói không”(x. Mt 5,37). Nói làm sao cho người khác hiểu và chấp nhận, đó là ơn của Chúa Thánh Thần. Dù nói thẳng, “Nói thật thì hay mất lòng” đấy, nhưng điều đó làm cho người nên tốt lành, nên thánh thiện là OK.
Ơn Sức Mạnh và Việc Làm. Chúng ta làm không chỉ riêng sức mình mà còn bởi ơn Chúa nữa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta kiên trì làm việc cho đến cùng; không sợ khó khăn; không sợ gian nan; không sợ thử thách. Kiên trì, nhẫn nại làm việc cho đến cùng, chúng ta sẽ nhận được những kết quả tốt; những thành công mỹ mãn.
Ơn Suy Biết và Việc Yêu Mến. Người ta có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Ơn Chúa Thánh Thần giúp Biết người để chúng ta yêu, chúng ta mến; chúng ta đối xử cho phù hợp; Chúng ta không ghen ghét; không ganh tị; cũng không khinh khi; không chà đạp; Nhưng chúng ta tôn trọng, trân quí, những người đã yêu chúng ta hết lòng, hết sức; đã thương chúng ta chân thành và chân tình.
Ơn Đạo Đức và Việc Phục Vụ. Nhờ Ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta phụng thờ Thiên Chúa trong nhiệt thành, hăng say và phục vụ anh chị em của mình trong nhiệt tình, vui tươi; không vì một mục đích lợi lộc hay một ý đồ xấu xa nào.
Ơn Kính Sợ và Việc Chu Toàn Bổn Phận. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta chu toàn các bổn phận của mình với lòng kính sợ Chúa. Chúng ta chu toàn bổn phận của một người con thảo hiếu đối với Chúa; một người con thảo hiền với mọi người; cũng như chu toàn bổn phận của một người quản lý trung tín và trung thành.
Vậy, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể làm được những việc tốt lành và sẽ giúp chúng ta trổ sinh “Hoa quả của Thánh Thần” là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. Thánh Thần là sự sống, là sức mạnh của chúng ta, nên chúng ta hãy sống và làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần luôn nhé !!!!
“Lạy Chúa, xin cho con được khôn ngoan và đơn sơ, để con học, con dạy; để con nói, con làm; để con yêu mến, để con phục vụ và để con chu toàn các bổn phận của con. Amen”. Đó phải là lời cầu nguyện hằng ngày của mỗi người tín hữu chúng ta.
Lm. Bosco Dương Trung Tín