Biết ơn - Mong manh lắm phận người
- T4, 04/12/2024 - 13:06
- Lm Anmai, CSsR
BIẾT ƠN !
Cảm ơn cố nhạc sĩ Thy Yên đã gợi lên tâm tình : Có lúc nào đó người thầm nghiền ngẫm suy tư. Cảm thấy đời ta chứa chan hồng ân Chúa ban. Còn chờ gì nữa không vang tiếng hát tri ân. Lạy Chúa! Con xin cảm tạ, lạy Chúa con xin cảm tạ.
Vâng ! Cuộc đời của chúng ta nhiều khi do ồn ào quá, náo nhiệt quá để rồi ta quên nói lời cảm ơn Thiên Chúa cũng như tất cả những ai đã đi ngang qua đời mình. Ngày mỗi ngày, mình nhận được nhiều ơn lắm chứ ! Thế nhưng nhiều khi mình nhận như một thói quen hay là “quen quá hóa nhàm” để mình không trân trọng những món quà nhưng không đến từ Thiên Chúa.
Thứ mà ta nhận nhưng không hàng ngày đó chính là khí oxy. Thiên Chúa trao tặng nhưng không cho con người, cho mỗi người chúng ta. Có lẽ vì quá bình thường để rồi ta không trân quý. Thử hỏi khi con người không còn không khí, không còn oxy nữa thì liệu rằng con người còn sống hay không.
Cơ bản nhất và căn bản nhất vẫn là sinh mạng của mỗi người. Thiên Chúa đã tạo dựng con người từ bụi tro. Ngài đã cho con người giống hình ảnh của Ngài. Và cũng thế ! Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc đời ta không nhìn nhận cũng không công nhận rằng ta hiện diện giữa cuộc đời này là nhờ ơn Chúa.
Và như thế, lời tạ ơn Chúa, tâm tình biết ơn của chúng ta xem chừng ta thật là chính đáng và phải đạo : Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con.
Như vậy, ta thấy tạ ơn Chúa không thêm gì cho chúng ta nhưng mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Phần ông bà, cha mẹ, anh chị em, thân bằng quyến thuộc, ân nhân, bè bạn thì sao ? Chắc chắn ta phải biết ơn tất cả những người đó vì những người đó có công sinh thành và dưỡng dục chúng ta thành người. Cạnh đó, quá nhiều tương quan như thầy cô, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng ... ta cũng phải biết ơn họ. Tất cả những người dó đã thêu dệt nên cuộc đời của chúng ta.
Một thành phần mà ta cũng cần biết ơn nữa đó chính là những người thù ghét ta, những người làm cho ta đau khổ, những người manh tâm hại ta. Những người đó khi ở góc cạnh khác, ta cảm ơn họ vì chính họ đã giúp ta biết thế nào là tình người chân thật và lòng chân thành với nhau. Những người không ưa không thích và hại ta giúp ta vững chãi hơn trong cuộc sống. Hay nhất có lẽ là chính những người thân quen hay ruột thịt phản bội ta. Đau nhưng vẫn là bài học hay trong cuộc sống. Không có những người đó làm sao ta trải nghiệm được cuộc đời.
Những người thù ghét tôi dạy cho tôi biết tha thứ và yêu thương. Những người hãm hại tôi dạy cho tôi bài học là đừng bao giờ đi làm hại người khác.
Bản thân tôi, dường như chẳng có giây phút nào là không tạ ơn Chúa và cảm ơn mọi người.
Dẫu mang trong mình những hèn mọn, yếu đuối của phận người đó nhưng rồi Chúa vẫn thương. Dẫu còn đó những hạn hẹp của cách hành xử, của tính cách nhưng rồi nhiều người vẫn thương và vẫn đón nhận tôi như người nhà, người thân hữu của họ. Những người đó đã vượt qua giới hạn của con người để trân quý, chia sẻ và đồng hành với tôi trong cuộc sống.
Thật thế, không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến là cứ phải tự nhắc mình biết ơn. Biết ơn lắm lắm vì tất cả những chia sẻ thật âm thầm và kín kẽ. Có khi họ là người ở đâu đâu đến nhưng trong lòng tin thì họ chính là quà tặng mà Chúa đã ban cho kẻ mọn.
Đặc biệt, trong tháng 11, hình ảnh của tất cả các vị ân nhân lại hiện rõ nét trong cuộc đời. Ông bà nội ngoại, cha mẹ, thân tộc ... quý Cha, quý Thầy thân quen trong và ngoài Dòng cùng với những vị ân nhân đã về với Chúa. Tất cả vì tình thương, những người này đã nâng đỡ cho tôi trong suốt chặng đường dài của họ, lẽ nào tôi quên.
Tôi luôn xác tín rằng những gì tôi có ngày hôm nay từ hình hài, trí khôn, kiến thức và tất cả những gì tôi có trong cuộc sống chính là ơn Chúa qua tấm lòng của nhiều người. Tôi biết nhiều người âm thầm cầu nguyện cho tôi. Thật dễ thương khi nghe những câu nói : “Cha ơi ! Không có ngày nào là con không cầu nguyện cho Cha”. Không dừng ở đó, ông anh bạn kết nghĩa nói : “Ngày nào con cũng cầu nguyện cho gia đình con, cho ông bà cố và nhất là cho Cha nữa !”
Hay quá đi chứ ! Sống nhờ vào sự chia sẻ vật chất lẫn tinh thần thì còn gì bằng. Chính những sự chia sẻ và lời cầu nguyện là những động lực sống trong cõi nhân sinh này. Nếu không có chia sẻ, không nhờ lời cầu nguyện của người khác thì e rằng mình sẽ mệt mỏi và loay hoay với những chật vật của cuộc sống.
Làm sao mà không biết ơn được chứ ! Sống cùng, sống chung và sống với người nghèo cũng phải biết ơn họ. Họ đã dạy cho tôi biết thế nào là đủ, họ đã dạy cho tôi biết thế nào là phó thác cho Chúa, họ đã dạy cho tôi biết thế nào là buông bỏ và bình an. Tôi đến với người nghèo tôi học được nơi họ nhiều điều và có lẽ họ cho tôi hơn là tôi nhận từ người nghèo.
Biết ơn mãi mãi là tâm tình của tôi trong cuộc sống.
Xin tạ ơn Chúa ! Xin cảm ơn tất cả những ai đã chung chia trong cuộc đời của tôi, kể cả những người thù ghét tôi.
Lm. Anmai, CSsR
***********
MONG MANH LẮM CÁI PHẬN NGƯỜI
Cách đây vài tuần, một chàng trai trạc tuổi tôi ở gần ngã 3 Dầu Giây (anh có vợ và 1 con trai) nhắn tin : “Cha ơi ! Bạn con vừa ra đi ở độ tuổi 51. Con thấy phận người mong manh quá. Thấy như vậy nên con tự nhắc mình luôn tỉnh thức”.
Nghe như vậy thì tôi chia sẻ với anh về sự mong manh của kiếp người. Thật sự kiếp người xem chừng như hoa kia sớm nở chiều tàn.
Trước khi dừng cuộc trao đổi, anh gửi thêm dòng tin nhắn : “Cảm ơn Cha nhiều ! Nhờ Cha sửa dạy mà con thay đổi nhiều. Từ ngày biết Cha, qua Cha con đã nhìn ra mình và con sửa đổi”.
Tiếp lời anh : “Không có gì đâu anh ! Tạ ơn Chúa đi anh. Tất cả chúng ta trong thân phận làm người ai ai cũng yếu đuối cả. Phận em cũng thế thôi. Em dù là linh mục nhưng cũng mang trong mình sự mỏng giòn, yếu đuối và dễ vỡ như cái bình sành lọ đất mà thôi ...”
Thật tình là như thế ! Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời và nhất là những biến cố ngày mỗi ngày xảy ra xung quanh chúng ta, chúng ta cần lắng đọng tâm hồn để xem như Chúa muốn nói gì với ta.
Nhìn vào con người, ta thấy con người xem chừng ra thông minh lắm. Con người có thể tạo dựng ra được nhiều thức, con người cũng có thể tìm thuốc để kéo dài sự sống nhưng sự sống ấy không kéo dài mãi mãi để rồi đến ngày nào đó con người cũng phải chết.
Những năm tháng đại dịch qua đi chắc có lẽ để lại trong lòng người sự hoảng sợ, sự khủng hoảng vì sự ra đi của biết bao nhiêu người thân. Dịch xem chừng đã qua đi rồi nhưng di chứng của nó vẫn còn đó để rồi con người vẫn còn sợ về sinh mạng của mình. Điều đó chứng tỏ qua nhiều sự ra đi thật bất ngờ với tuổi đời còn quá trẻ.
Cạnh sự ảnh hưởng di chứng của dịch bệnh, có những cái chết đến thật vất ngờ như sự ra đi của Cha Giuse Nguyễn Văn Nam thuộc dòng Vinh Sơn.
Màn đêm xuống dần trên cõi thế, chiều tà bóng ngả ngày 19 tháng 11, thật bất ngờ khi phải đón nhận dòng tin không ai muốn nhận : Cha Giuse Nguyễn Văn Nam về nhà Cha. Cha Giuse ra đi quá nhanh và quá vội với tuổi đời linh mục chỉ tính được chưa tròn 3 tháng.
Cái chết đến với con người thật sự bất ngờ để rồi bất cứ lúc nào con người cũng phải sống trong tâm trạng tỉnh thức.
Sự ra đi của Cha Giuse Nguyễn Văn Nam chưa nguôi ngoai sự đau buồn của Hội Dòng, của gia đình, của những người thân tộc thì cộng đoàn dân Chúa lại đón nhận tin buồn từ giáo phận Đà Nẵng. Cha Phêrô Nguyễn Quí Khôi là một linh mục trẻ thuộc giáo phận Đà Nẵng đã về nhà Cha. Cha Phêrô thụ phong linh mục được 1 năm, 1 tháng và 1 ngày.
Một Cha bạn của Cha Phêrô thuộc Giáo Phận Kontum phải thốt lên lời thật đắng lòng : “Người anh em ... ! Chú đi rồi ! Đi quá vội vàng, đi quá bất ngờ ! Có lẽ với chú, đó là cuộc trở về, về với Cội Nguồn, nhưng với người ở lại, là luyến tiếc, là nhung nhớ. Chú ra đi than thản bình an ...”
Sự ra đi của bất cứ ai cũng để lại trong lòng người thân một nỗi trống vắng, một niềm tiếc thương vô hạn.
Phận con người là như vậy đó ! Tưởng chừng như oai phong lẫm liệt lắm nhưng phải quy phục trước cái chết. Dù là ai đi nữa cuối cùng cũng phải nhắm mắt xuôi tay và ra đi với đôi bàn tay để lại tất cả.
Nay người – mai ta là quy luật của cuộc sống và không ai tránh khỏi cái quy luật ấy. Xem qua màn hình vi tính những nghi thức nhập quan, những Thánh Lễ an táng cũng như những nghi thức tiễn biệt làm cho tôi nghĩ đến chuyện ngày nào đó mình cũng sẽ như thế trong chiếc quan tài ly biệt. Ngày của tôi cũng như ngày của mỗi người chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi.
Đứng trước những sự ra đi bất ngờ như thế cách nào đó cũng nhắc nhớ cho chính bản thân tôi về thân phận con người để rồi mình cần phải tỉnh thức hơn dẫu rằng đã tỉnh thức. Có lẽ khi dừng lại để nhìn lại những sự ra đi bất ngờ với tuổi đời và tuổi linh mục quá trẻ để nhắc nhớ mình cách hành xử, lời nói và suy nghĩ trong cuộc đời của mình.
Tôi vừa đọc được đâu đó dòng cảm nghĩ : Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là s.inh m.ệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có ý nghĩa mới là quan trọng nhất. Quý trọng duyên phận, quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình.
Trân trọng mỗi phút giây được sống, trân trọng mỗi một tấm chân tình, trân trọng lấy những gì mình đang có… để tránh những tiếc nuối muộn màng.
Ý thức được những điều đó cùng với cuộc sống mau qua chóng tàn, tôi luôn tự nhủ mình hãy sống đẹp nhất từng giây từng phút trong cuộc đời và nhất là hãy đối xử nhân hậu với bất cứ ai sống cùng, sống chung và sống với mình. Hy vọng với những ý thức như vậy, một ngày nào đó tôi ra đi sẽ đi trong thanh thản và bình an.
Lm. Anmai, CSsR