Chân Lý của Sự Sống; Mầu Nhiệm của Đau Khổ
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật Lễ Lá
Chân Lý của Sự Sống; Mầu Nhiệm của Đau Khổ
“Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa. Chúc tụng triều đại đang đến; triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời”(Mc 11,9-10).
“Khi đã tới ngày Đức Giê-su được đưa ra khỏi thế gian, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người nhất quyết như thế, Đức Giê-su muốn nói là Người lên Giê-ru-sa-lem để sẵn sàng chịu chết ở đó. Người loan báo đến ba lần cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người. Khi tiến về Giê-ru-sa-lem, Người nói: Chẳng lẽ một Ngôn Sứ lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem”(x. GLCG, số 557).
“Việc Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem loan báo Nước Thiên Chúa đến. Nước mà vua Mê-si-a sắp thực hiện bằng cuộc Vượt Qua, từ cái chết đến Phục Sinh của Người. Hội Thánh long trọng khai mạc Tuần Thánh với việc cử hành biến cố Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem vào ngày Chúa nhật Lễ Lá”(x. GLCG, số 560).
Dường như có sự tương phản giữa cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem và bài Phúc Âm. Bài Phúc Âm lại nói về cuộc thương khó của Người. Một bên là hoan hô; một bên là đả đảo. Cái lạ là cũng đám người đó, hôm trước thì hoan hô; hôm sau lại đả đảo. Hôm trước thì “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”; hôm sau thì “Đóng đinh nó vào thập giá; đóng đinh nó vào thập giá”.
Dù sao thì đó cũng là ý muốn của Chúa Cha và cũng là ý muốn của Đức Giê-su. Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem là để chịu chết. Thế nên, không có sự tương phản nào cả; mà đó lại là sự thật; là chân lý. Có chết mới được phục sinh; có chịu thương khó mới được vinh quang. Ai theo Chúa thì phải chấp nhận và sống chân lý này. Do đó, chúng ta cùng tìm hiểu về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su. Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su có ý nghĩa gì?
Trong Bài đọc 1, nói đến Người Tôi Tớ Đau Khổ: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn; giơ má cho người ta giựt râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”(x. Is 50, 6). Đó là hình ảnh của Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn: “Người đã đưa lưng cho người ta đánh đòn; giơ má cho người ta giựt râu. Người đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”. Hơn nữa, Người còn bị đóng đinh vào thập giá. Điều đó được nói đến trong Bài đọc 2: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(x. Pl 2,6-8).
Qua đó, cho chúng ta thấy Đức Giê-su không phải là tội nhân, mà phải chịu khổ, chịu chết. Nhưng vì Vâng Lời Chúa Cha và để cứu độ chúng sinh, Người đã bằng lòng chịu khổ và chịu chết. Đức Giê-su chịu đau khổ vì loài người chúng ta; Đức Giê-su chịu chết vì tội lỗi loài người chúng ta. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô là CHÚA”(X. Pl 2, 9 và 11).
Qua cuộc khổ hình thập giá, Đức Giê-su đã nêu gương khiêm nhường cho chúng ta noi theo, chúng ta hãy noi gương để biết chấp nhận và bằng lòng chịu đau khổ, để chúng ta được thông phần vinh quang phục sinh với Đức Ki-tô. Đó là chân lý của SỰ SỐNG. Đó cũng là mầu nhiệm của ĐAU KHỔ. Có thế, ở đời này chúng ta thu được những kết quả tốt; ở đời sau chúng ta được chia sẻ vinh quang trên trời. Ai không chấp nhận chân lý đó sẽ bị đau khổ đè bẹp và ai không đón nhận mầu nhiệm đó sẽ bị sự chết không chế.
Lm. Bosco Dương Trung Tín