Nhảy đến nội dung

Chương hai: Tin mừng của việc sáng tạo

  • T7, 07/12/2024 - 01:23
  • admin1

CHƯƠNG HAI

TIN MỪNG CỦA VIỆC SÁNG TẠO 

       62. Tại sao trong bản văn này, được gởi đến cho mọi người thiện chí, lại đưa vào một chương trưng dẫn nhiều xác tín đức tin ? Tôi biết rõ rằng trong các lãnh vực chính trị và tư tưởng, một số người mạnh mẽ loại bỏ ý tưởng về một Đấng Tạo Hóa, hay xem đó là không quan trọng, đến độ đẩy vào trong lãnh vực phi lý sự phong phú mà các tôn giáo có thể cống hiến cho một sinh thái học trọn vẹn và cho một sự phát triển nhân loại tròn đầy. Nhiều lần khác, người ta xem các tôn giáo chỉ là một thứ văn hóa thấp kém, chỉ đáng được chiếu cố khoan dung. Tuy nhiên, khoa học và tôn giáo, vốn đề ra nhiều kiểu tiếp cận thực tại khác biệt nhau, có thể bước vào một cuộc đối thoại quan trọng và phong phú cho cả hai.

       I. ÁNH SÁNG DO NIỀM TIN MANG ĐẾN

       63. Khi tính đến sự phức tạp của cơn khủng hoảng sinh thái học và vô vàn nguyên nhân của nó, chúng ta phải công nhận rằng các giải pháp không thể đến từ một cách thế giải thích và biến đổi thực tại duy nhất. Cũng cần nhờ tới các tài sản văn hóa khác nhau của các dân tộc, đến nghệ thuật và thi ca, đến đời sống nội tâm và linh đạo. Nếu chúng ta thật sự tìm cách xây dựng một sinh thái học cho phép chúng ta khôi phục những gì mình đã hủy hoại, thì lúc ấy không một ngành khoa học nào và không một hình thức khôn ngoan nào được bỏ qua, cả khôn ngoan tôn giáo với ngôn ngữ riêng của nó. Hơn nữa, Giáo hội Công giáo sẵn lòng đối thoại với tư tưởng triết học và điều đó đã giúp Giáo hội sản sinh được nhiều tổng hợp khác nhau giữa đức tin và lý trí. Về những gì liên quan đến các vấn đề xã hội, điều ấy có thể nhận thấy trong sự phát triển giáo huấn xã hội của Giáo hội; giáo huấn này được mời gọi phong phú hóa thêm mãi từ những thách thức mới.

       64. Mặt khác, cho dẫu Thông điệp này mở lòng đối thoại với tất cả mọi người để cùng nhau tìm những con đường giải thoát, ngay từ đầu tôi vẫn muốn cho thấy rằng làm sao các xác tín của đức tin cống hiến cho các Kitô hữu cũng như các tín đồ khác nhiều động lực quan trọng để bảo vệ thiên nhiên và các anh chị em yếu đuối nhất. Nếu nguyên sự kiện làm người đã thúc đẩy loài người phải chăm sóc môi trường mà mình thuộc về, thì các Kitô hữu càng biết rõ rằng bổn phận của họ bên trong tạo vật và trách nhiệm của họ đối với thiên nhiên và đối với Đấng Sáng Tạo là một thành phần của đức tin họ”[36]. Vì thế, một điều tốt lành cho nhân loại và cho thế giới là chúng ta, những tín hữu, nhận rõ hơn nữa các dấn thân sinh thái học xuất phát từ các xác tín của chúng ta.

       II. SỰ KHÔN NGOAN CỦA CÁC TRÌNH THUẬT KINH THÁNH

       65. Không lập lại ở đây toàn bộ thần học về Sáng tạo, chúng ta tự hỏi các đại trình thuật Thánh kinh nói gì về sự sáng tạo và về liên hệ giữa con người với thế giới. Nơi trình thuật đầu tiên về công trình sáng tạo trong sách Sáng thế, chương trình của Thiên Chúa bao gồm việc sáng tạo con người. Sau khi tạo dựng con người, có câu nói : “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Thánh kinh dạy rằng mỗi con người đều được sáng tạo từ tình yêu, theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26). Khẳng định này cho chúng ta thấy phẩm giá rất lớn lao của từng con người, “vốn không chỉ là một vật nào đó, nhưng còn là một ai đó. Nó có khả năng biết mình, làm chủ mình, hiến mình cách tự do và bước vào thông hiệp với những người khác” [37]. Thánh Gioan-Phaolô II đã nhắc nhớ rằng tình yêu rất đặc biệt mà Đấng Sáng Tạo dành cho từng con người, ban cho họ một phẩm giá vô biên [38]. Những ai dấn thân bảo vệ nhân phẩm có thể tìm được trong niềm tin Kitô giáo những luận cứ sâu xa nhất cho sự dấn thân này. Tuyệt vời biết bao niềm xác tín rằng sự sống của mỗi con người không chìm đi trong một hỗn mang vô vọng, trong một thế giới bị cai quản bởi ngẫu nhiên thuần túy hay bởi những chu kỳ cứ lặp đi lặp lại cách phi lý! Đấng Sáng Tạo có thể nói với mỗi người trong chúng ta : “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5). Chúng ta đã được cưu mang trong trái tim của Thiên Chúa, và vì thế, “mỗi người trong chúng ta là kết quả của một tư tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta đều được muốn, mỗi người đều được yêu và mỗi người đều cần thiết.” [39].

       66. Các trình thuật về việc tạo dựng nơi sách Sáng thế chứa đựng trong ngôn ngữ biểu tượng và kể chuyện của chúng nhiều giáo huấn sâu xa về cuộc sống con người và thực tại lịch sử của họ. Các trình thuật này gợi ý rằng cuộc sống con người dựa trên ba mối liên hệ căn bản, gắn kết mật thiết với nhau: liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với đất đai. Theo Thánh kinh, ba liên hệ sinh tử này đã bị cắt đứt không chỉ bên ngoài, nhưng cả bên trong chúng ta. Sự gãy đổ này là tội lỗi. Sự hài hòa giữa Tạo Hóa, nhân loại và toàn thể tạo vật đã bị phá hủy bởi sự kiện chúng ta đã muốn thay thế vị trí của Thiên Chúa, bằng cách từ chối công nhận mình như những thụ tạo hữu hạn. Sự kiện này cũng đã làm biến tính sứ mệnh “thống trị” mặt đất (x, St 1, 28) “cày cấy và canh giữ đất đai” (x. St 2,15). Hậu quả là liên hệ hài hòa từ nguyên thủy giữa con người với thiên nhiên đã trở thành xung đột (x. St 3,17-19). Vì lý do đó, thật ý nghĩa khi sự hòa hợp mà thánh Phanxicô Assidi từng sống với vạn vật đã được giải thích như một cách thuyên chữa sự đổ vỡ này. Thánh Bonaventura từng nói rằng qua việc hòa giải trọn vẹn với tất cả mọi thụ tạo, thánh Phanxicô cách nào đó đã trở lại với tình trạng vô tội nguyên thủy” [40]. Thay vì theo tấm gương này, tội lỗi hôm nay tự biểu lộ với tất cả sức mạnh tàn phá của nó trong những cuộc chiến tranh, dưới nhiều hình thức bạo lực và ngược đãi, trong việc bỏ rơi những gì mong manh yếu đuối nhất, trong những cuộc tấn công vào thiên nhiên.

       67. Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất có trước chúng ta và đã được ban cho chúng ta. Điều này cho phép trả lời một kết án đưa ra chống lại tư tưởng Do Thái-Kitô giáo : đã có nói rằng từ trình thuật Sáng thế mời gọi “thống trị” trái đất (x. St 1,28), người ta hẳn cổ vũ việc khai thác thiên nhiên cách thô bạo khi trình bày một hình ảnh con người như kẻ thống trị và hủy diệt. Đấy không phải là cách giải thích Thánh kinh đúng đắn, như Giáo hội hiểu. Nếu đúng là đôi khi, Kitô hữu chúng ta đã giải thích sai Thánh kinh, ngày nay chúng ta phải mạnh mẽ từ bỏ ý tưởng cho rằng từ sự kiện được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và từ nhiệm vụ làm chủ trái đất, chúng ta được một quyền thống trị tuyệt đối trên các tạo vật khác. Cần phải đọc các văn bản Thánh kinh trong văn mạch của chúng, với một sự chú giải thích hợp, và phải nhớ rằng chúng mời gọi chúng ta “cày cấy” và “canh giữ” khu vườn của thế giới (x. St 2,15). Đang khi “cày cấy” có nghĩa là cày xới, khai hoang hay tác động, thì “canh giữ” có nghĩa là bảo vệ, che chở, giữ gìn, chăm sóc, trông chừng. Điều này bao hàm một liên hệ hỗ tương giữa con người với thiên nhiên. Mỗi cộng đoàn có thể lấy ra từ đất lành những gì cần thiết cho mình để sống, nhưng cũng có nhiệm vụ bảo vệ nó và bảo đảm duy trì sự phì nhiêu của nó cho thế hệ tương lai; vì rốt cục “Chúa làm chủ trái đất” (Tv 245,1), “làm chủ cõi đất và mọi loài trong đó” (Đnl 10,14). Vì lý do ấy, Thiên Chúa phủ nhận mọi ý đồ sở hữu tuyệt đối : “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23).

       68. Trách nhiệm như thế đối với một trái đất thuộc về Thiên Chúa, bao hàm việc con người được phú ban sự thông minh phải tôn trọng các định luật của thiên nhiên và các quân bình tế nhị giữa những hữu thể của thế giới này, vì “Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành. Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở, ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua” (Tv 148, 5b-6). Vì thế, pháp chế Thánh kinh nhẩn nha trong việc đề ra cho con người nhiều quy tắc khác nhau, không những trong liên hệ với đồng loại, nhưng cả trong liên hệ với các sinh vật khác : “Khi anh (em) thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy… Nếu trên đường đi, anh (em) gặp một tổ chim, ở trên bất cứ cây nào hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh (em) không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 22,4.6). Trong viễn tượng này, sự nghỉ ngơi ngày thứ bảy không chỉ được đề nghị cho con người, nhưng cũng “để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 23, 12). Như thế, chúng ta nhận thấy Thánh Kinh không khiến sinh ra một quy nhân thuyết độc tài bất quan tâm đến các tạo vật khác.

       69. Trong khi có thể sử dụng vạn vật một cách có trách nhiệm, chúng ta được mời gọi thừa nhận rằng các sinh vật khác cũng có một giá trị riêng trước Thiên Chúa và “qua sự hiện hữu đơn giản của mình, chúng chúc tụng và tôn vinh” Người [41], vì “công trình Chúa làm Chúa được hân hoan” (Tv 104, 31). Chính vì phẩm giá độc nhất của mình và việc được ban lý trí, con người được kêu gọi tôn trọng tạo vật với các định luật nội tại của chúng, vì “Đức Chúa dùng khôn ngoan đặt nền cho trái đất” (Cn 3,19). Ngày nay Giáo hội không chỉ nói rằng các tạo vật khác hoàn toàn tùy thuộc vào thiện ích của con người, như thể chúng chẳng có giá trị tự nội nào và chúng ta có thể sử dụng chúng tùy ý. Vì thế các Giám Mục nước Đức đã dạy về các thụ tạo khác rằng “người ta có thể nói sự hiện hữu ưu tiên hơn sự hữu ích” [42]. Sách Giáo lý, một cách trực tiếp và mạnh mẽ, đã đặt lại vấn đề thuyết qui nhân lệch lạc: “Mỗi tạo vật đều có sự thiện hảo riêng của mình […] Các thụ tạo khác nhau, được muốn trong hữu thể riêng của chúng, phản ánh mỗi vật mỗi cách một tia sáng  của sự khôn ngoan và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Chính vì thế, con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của mỗi tạo vật để tránh sử dụng chúng một cách vô trật tự” [43].

       70. Trong trình thuật về Cain và Abel, chúng ta thấy sự ganh tị đã dẫn Cain đến chỗ phạm bất công quá đáng đối với em mình. Đến lượt nó, điều này đã gây nên một sự cắt đứt liên hệ giữa Cain với Thiên Chúa và giữa Cain với mảnh đất mà anh ta đã bị đuổi khỏi. Đoạn văn này được tóm kết trong cuộc đối thoại bi thảm giữa Cain với Thiên Chúa. Thiên Chúa hỏi : “Em ngươi đâu ?” Cain trả lời y không biết và Thiên Chúa nhấn mạnh : “Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta. Giờ đây ngươi bị nguyền rủa và bị đuổi ra khỏi mảnh đất màu mỡ” (St 4, 9-11). Sự chểnh mảng trong trách nhiệm vun đắp và gìn giữ một mối liên hệ thích đáng với người bên cạnh, với người mà tôi có bổn phận chú tâm và che chở, sự chểnh mảng đó phá vỡ mối liên hệ bên trong với chính tôi, với những kẻ khác, với Thiên Chúa và với trái đất. Khi mọi liên hệ này bị coi thường, khi công lý chẳng còn cư ngụ trái đất, thì Thánh kinh nói với chúng ta rằng toàn toàn bộ sự sống gặp nguy hiểm. Đó là điều mà trình thuật về Noê dạy chúng ta, khi Thiên Chúa hăm dọa tiêu diệt nhân loại vì nó thường bất lực sống ngang tầm những đòi buộc về công lý và hòa bình : “Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực” (St 6, 13). Trong các trình thuật cổ xưa ấy, vay mượn từ lối biểu tượng sâu xa, đã có mặt một xác tín hiện thời: tất cả đều liên kết với nhau và việc bảo vệ đích thực cho sự sống riêng của chúng ta cũng như cho mọi liên hệ của chúng ta với thiên nhiên không tách khỏi tình huynh đệ, sự công bằng cũng như lòng trung tín với kẻ khác.

       71. Cho dẫu “sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất” (St 6,5) và Thiên Chúa “hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 6,6), tuy thế Người đã quyết định mở một con đường cứu độ qua Noê, kẻ vẫn quang minh và công chính. Như thế, Người đã ban cho nhân loại khả năng thực hiện một khởi đầu mới : chỉ cần một kẻ tốt lành là có hy vọng! Truyền thống Thánh kinh xác lập rõ ràng rằng sự khôi phục ấy bao hàm việc tái khám phá và tôn trọng các chu kỳ được chính bàn tay Thiên Chúa ghi khắc vào trong thiên nhiên. Điều này có thể thấy, ví dụ trong luật ngày Sa-bát. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã ngưng mọi công trình của Người. Người đã ra lệnh cho Israen rằng mỗi ngày thứ bảy phải là một ngày nghỉ, ngày Sa-bát (x. St 2, 2-3 ; Xh 16, 23 ; 20, 10). Ngoài ra, một năm sa-bát cũng đã được thiết lập cho dân Israen và cho cả đất đai của họ cứ mỗi bảy năm (x. Lv 25, 1-4). Trong năm đó đất được hoàn toàn nghỉ ngơi; người ta không gieo cấy, chỉ thu hoạch những gì cần thiết để sống và tiếp khách (x. Lv 25, 4-6). Cuối cùng, sau bảy tuần năm, nghĩa là sau bốn mươi chín năm, Năm Toàn xá được cử hành, năm tha thứ tất cả và “ân xá cho mọi cư dân” (Lv 25,10). Việc phát triển pháp chế này đã tìm cách bảo đảm sự quân bình và bình đẳng trong các liên hệ giữa con người với đồng loại và với đất đai nơi mình từng sống và làm việc. Đồng thời đó cũng từng là sự công nhận rằng quà tặng đất đai, với các hoa trái của nó, thuộc về toàn dân. Những ai từng canh tác và gìn giữ đất đai phải chia sẻ hoa quả, đặc biệt cho các kẻ nghèo, các bà góa, các trẻ mồ côi và khách lạ : “Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt tới sát bờ ruộng ; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19, 9-10).

       72. Các Thánh vịnh năng mời gọi con người ta tụng Thiên Chúa Tạo Hóa, “Đấng trải mặt đất này trên làn nước bao la, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,6). Nhưng chúng cũng mời gọi mọi tạo vật khác ca tụng Người: “Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt, ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi. Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút, cả khối nước phía trên bầu trời. Nào ca tụng Thánh Danh Đức Chúa, vì Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành” (Tv 148, 3-5). Chúng ta hiện hữu không chỉ nhờ quyền năng Thiên Chúa, nhưng cũng trước mặt Người và bên cạnh Người. Vì thế chúng ta thờ lạy Người.

       73. Tác phẩm của các ngôn sứ thì mời gọi tìm lại sức mạnh trong những lúc khó khăn, bằng cách chiêm ngắm vị Thiên Chúa toàn năng đã tạo thành vũ trụ. Quyền lực vô biên của Thiên Chúa không khiến chúng ta trốn chạy tình âu yếm hiền phụ của Người, vì trong Người lòng mến thương và sự mạnh mẽ kết hợp với nhau. Thật vậy, mọi nền linh đạo lành mạnh cùng lúc bao hàm việc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và việc tin tưởng thờ lạy Đức Chúa vì quyền năng vô biên của Người. Trong Thánh Kinh, vị Thiên Chúa giải thoát và cứu độ, cũng chính là Đấng đã tạo dựng vũ trụ, và hai cách hành động thần linh này liên kết với nhau sâu sắc và chặt chẽ : “Lạy Đức Chúa, Chúa Thượng của con ! này Ngài đã tạo thành trời đất bằng sức mạnh vĩ đại và cách tay uy quyền của Ngài. Không có gì mà Ngài không làm được ! […], Ngài đã dùng dấu lạ điềm thiêng, đã giương bàn tay mạnh mẽ và cánh tay uy quyền… mà đưa dân Ngài là Israel ra khỏi Ai Cập” (Gr 32, 17.21). “Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất. Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người không dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.” (Is 40, 28b-29).

       74. Kinh nghiệm cuộc lưu đày ở Babylon đã làm phát sinh một cơn khủng hoảng thiêng liêng vốn đã cổ vũ việc đào sâu niềm tin vào Thiên Chúa, nói  rõ sự toàn năng sáng tạo của Người, để khích lệ dân tìm lại hy vọng trong hoàn cảnh khốn khổ của họ. Nhiều thế kỷ sau, trong một lúc thử thách và bách hại khác, khi đế quốc Rô-ma tìm cách áp đặt một sự thống trị tuyệt đối, các tín hữu đã tìm lại được an ủi và hy vọng bằng cách lớn lên trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng, và họ từng ca hát : “Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu ! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh” (Kh 15,3). Nếu Người đã có thể sáng tạo vũ trụ từ hư vô, Người cũng có thể can thiệp trong thế giới này và chiến thắng sự dữ dưới mọi hình thức. Vì thế, sự bất công không phải là vô địch.

       75. Chúng ta không thể có một linh đạo lãng quên Thiên Chúa toàn năng và sáng tạo. Bằng không, rốt cục chúng ta sẽ tôn thờ các quyền lực khác của thế giới, hay chính chúng ta sẽ chiếm chỗ của Chúa đến độ muốn giẵm lên thực tại do Người sáng tạo mà chẳng biết giới hạn nào. Cách thức tốt nhất để đặt con người đúng vị trí của mình và chấm dứt các tham vọng của nó muốn làm kẻ thống trị tuyệt đối trên trái đất, đó là đưa ra hình ảnh một người Cha Tạo Hóa và Chủ tể độc nhất của thế giới, vì nếu không, con người sẽ luôn có xu hướng áp đặt lên thực tại các luật lệ và lợi ích của mình.

       III. MẦU NHIỆM CỦA VŨ TRỤ

       76. Đối với truyền thống Do Thái-Kitô giáo, nói chữ “sáng tạo/tạo vật” là muốn nói nhiều hơn chữ “thiên nhiên”, vì có một liên hệ với dự phóng tình yêu của Thiên Chúa, trong đó mỗi tạo vật đều có một giá trị và một ý nghĩa riêng. Thiên nhiên thường được hiểu như một hệ thống mà người ta phân tách, tìm hiểu và quản lý, thế nhưng sáng tạo/tạo vật chỉ có thể được hiểu như một quà tặng đến từ bàn tay rộng mở của Cha mọi người, như một thực tại được soi sáng bởi thứ tình mời gọi chúng ta bước vào một sự hiệp thông hoàn vũ.

       77. “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời” (Tv 33,6). Như thế câu đó chỉ ra cho chúng ta rằng thế giới phát xuất từ một quyết định chứ không từ hỗn mang hay ngẫu nhiên, và điều này nâng cao nó hơn nữa. Trong lời sáng tạo có một chọn lựa tự do được biểu lộ. Vũ trụ đã không nổi lên như kết quả của một quyền lực độc đoán, một biểu dương sức mạnh hay một ước muốn khẳng định mình. Sáng tạo thuộc trật tự tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là lý do nền tảng của toàn thể sáng tạo : “Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên nó” (Kn 11, 24). Mỗi tạo vật đều là đối tượng lòng âu yếm của Cha, Đấng ban cho nó một vị trí trong thế giới. Ngay cả sự sống phù du của hữu thể vô nghĩa nhất cũng là đối tượng của tình yêu Người, và trong ít giây hiện hữu ấy của nó, Người vẫn lấy tình yêu thương bao bọc nó. Thánh Basiliô Cả từng nói rằng Đấng Sáng Tạo là cũng là “lòng tốt vô bờ bến” [44], và Dante Alighieri từng nói đến “tình yêu chuyển động mặt trời và các ngôi sao” [45]. Vì thế từ những công trình đã được tạo dựng, người ta hướng lên “lòng thương xót đầy tình yêu của Người” [46].

       78. Đồng thời, tư tưởng Do Thái-Kitô giáo cũng đã làm thiên nhiên mất tính chất huyền thoại. Dù không ngừng chiêm ngắm nó vì sự huy hoàng và bao la của nó, tư tưởng Do Thái-Kitô giáo đã không gán cho nó một tính chất thần linh nào. Như thế, việc dấn thân của chúng ta đối với thiên nhiên càng được giải thích rõ. Việc quay về với thiên nhiên không được thực hiện với cái giá là tự do và trách nhiệm của con người, vì con người cũng thuộc thế giới với nhiệm vụ trau dồi các khả năng của mình để che chở nó và phát triển các tiềm năng của nó. Nếu chúng ta thừa nhận giá trị và sự mong manh của thiên nhiên và đồng thời những khả năng mà Tạo Hóa đã trao ban cho chúng ta, thì điều đó cho phép chúng ta hôm nay chấm dứt tân huyền thoại về tiến bộ vật chất vô giới hạn. Một thế giới mong manh, với một con người mà Thiên Chúa trao nhiệm vụ chăm sóc nó, chất vấn trí tuệ của chúng ta để nhận thấy chúng ta phải định hướng, trau dồi và giới hạn quyền lực của chúng ta như thế nào.

       79. Trong vũ trụ này, được cấu thành bằng nhiều hệ thống mở vốn đi vào thông giao với nhau, chúng ta có thể khám phá ra vô số hình thức quan hệ và tham dự. Điều đó cũng khiến nghĩ đến toàn thể vũ trụ như một cái gì đó mở ra với sự siêu việt của Thiên Chúa, trong đó nó được phát triển. Đức tin cho phép chúng ta giải thích ý nghĩa và vẻ đẹp mầu nhiệm của những gì đang đến. Tự do con người có thể cống hiến sự đóng góp thông minh của mình cho một cuộc tiến hóa tích cực, nhưng nó cũng có thể là nguồn gốc của nhiều điều xấu mới, nhiều nguyên nhân đau khổ mới và nhiều suy thoái đích thực. Điều này gây nên lịch sử thú vị và bi thảm của con người, một lịch sử có khả năng biến thành việc triển khai sự giải phóng, tăng trưởng, cứu độ và yêu thương hay thành một con đường suy thoái và hủy hoại lẫn nhau. Vì thế, hành động của Giáo Hội là không chỉ cố gắng nhắc nhở bổn phận chăm sóc thiên nhiên, nhưng “đồng thời cũng phải đặc biệt bảo vệ con người khỏi tự hủy hoại”[47].

       80. Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng muốn hành động với chúng ta và tin tưởng vào sự cộng tác của chúng ta, cũng có thể rút ra cái gì đó tốt lành từ điều xấu chúng ta phạm, vì “Thánh Thần có một sức tưởng tượng vô biên, thuộc riêng Thần Trí, biết tiên liệu và giải quyết các vấn đề của những chuyện phàm nhân, kể cả những chuyện phức tạp nhất và khó xâm nhập nhất” [48]. Người đã muốn tự giới hạn chính mình cách nào đó khi sáng tạo ra một thế giới cần có sự phát triển, nơi nhiều sự vật mà chúng ta coi là xấu xa, nguy hiểm hay là nguồn đau khổ, trong thực tế là những cơn đau đớn của sự chuyển dạ thúc giục chúng ta cộng tác với Đấng Tạo Hóa. [49]. Người hiện diện ở chỗ thâm sâu nhất của vạn vật, không điều kiện hóa sự độc lập của thụ tạo Người, và điều đó tạo ra sự độc lập chính đáng của các thực tại trần gian [50]. Sự hiện diện thần linh này, vốn đảm bảo cho sự trường tồn và phát triển của mọi hữu thể, “chính là sự tiếp tục hành động sáng tạo” [51]. Thần Khí Thiên Chúa đã đổ đầy vũ trụ nhiều tiềm năng cho phép rằng ngay giữa lòng tạo vật, một cái gì đó mới mẻ có thể xuất hiện: “Thiên nhiên không gì khác là sự hiểu biết một nghệ thuật nào đó, cụ thể là nghệ thuật thần linh in vào trong vạn vật và nhờ đó chính vạn vật chuyển động đến một cùng đích xác định. Như thể nghệ nhân đóng tàu có thể ban cho gỗ khả năng tự biến đổi chính nó để mang hình dạng con tàu.” [52].

       81. Cho dù con người cũng giả thiết nhiều quá trình tiến hóa, nó cũng bao hàm một sự mới mẻ vốn không hoàn toàn giải thích được bằng sự tiến triển của các hệ thống mở khác. Mỗi người chúng ta tự thân đều có một căn tính cá nhân, có thể đi vào đối thoại với những kẻ khác và với chính Thiên Chúa. Khả năng suy tư, lý luận, sáng tạo, giải thích, sáng tác nghệ thuật cũng như nhiều khả năng độc đáo khác, cho thấy một tính cách đặc biệt, siêu vượt lãnh vực thể lý và sinh học. Sự mới mẻ về phẩm vốn bao hàm sự chỗi dậy của một hữu thể hữu ngã trong vũ trụ vật chất, giả thiết một hành động trực tiếp của Thiên Chúa, một lời mời gọi đặc biệt đi vào cuộc sống và vào tương quan anh-tôi, tôi-anh. Từ các trình thuật của Thánh Kinh, chúng ta nhận thấy con người là như một chủ thể, không bao giờ có thể bị giản lược vào phạm trù đối tượng.

       82. Nhưng cũng sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng các sinh vật khác phải bị xem như các đổi tượng thuần túy, chịu sự thống trị độc đoán của con người. Khi người ta đề nghị xem thiên nhiên chỉ như đối tượng hữu dụng, điều đó cũng có nhiều hậu quả quan trọng trên xã hội. Quan niệm củng cố sự tùy tiện của kẻ mạnh hơn đã cổ vũ cho nhiều sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực vô biên trên phần đông loài người, vì những tài nguyên rốt cục thuộc về kẻ đầu tiên đến hay có quyền lực nhất: người chiến thắng mang đi tất cả. Lý tưởng hòa hợp, công bằng, huynh đệ và hòa bình mà Đức Giêsu đề nghị, đối nghịch lại với một mô hình như thế, và trong niềm tôn trọng các giới chức thời mình, Người từng giải thích điều đó như sau : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 25-26).

       83. Kết đích cuộc hành trình của vũ trụ nằm nơi sự viên mãn của Thiên Chúa, vốn đã được đạt tới bởi Đức Kitô phục sinh, trục chính của quá trình thành thục vũ trụ [53]. Chúng ta như thế thêm một lập luận nữa để phủ nhận mọi thống trị chuyên chế và vô trách nhiệm của con người trên các thụ tạo khác. Mục đích tối hậu của các thụ tạo khác không phải là chúng ta. Nhưng tất cả chúng tiến tới với chúng ta và qua chúng ta, đến kết điểm chung là chính Thiên Chúa, trong một sự viên mãn siêu việt, nơi Đức Kitô phục sinh ôm lấy và soi sáng tất cả; vì con người, được phú ban trí tuệ và tình yêu, được lôi kéo bởi sự viên mãn của Đức Kitô, thì được kêu gọi để dẫn mọi thụ tạo trở về với  Tạo Hóa của chúng.

       IV. SỨ ĐIỆP CỦA TỪNG THỤ TẠO TRONG SỰ HÀI HÒA CỦA TOÀN THỂ SÁNG TẠO

       84. Khi chúng ta nhấn mạnh rằng con người là hình ảnh của Thiên Chúa, điều đó không được khiến chúng ta quên rằng mỗi thụ tạo đều có một chức năng và chẳng thụ tạo nào dư thừa cả. Toàn bộ vũ trụ vật chất là một ngôn ngữ của tình thương Thiên Chúa, sự âu yếm vô tận của Người đối với chúng ta. Đất, nước, núi non – tất cả đều là sự mơn trớn của Thiên Chúa. Lịch sử tình thân của mỗi người với Thiên Chúa luôn diễn ra trong một không gian địa lý, vốn tự biến thành một dấu chỉ hoàn toàn cá nhân, và mỗi người trong chúng ta đều giữ trong ký ức những nơi mà khi nhớ lại thì tạo cho mình nhiều điều tốt đẹp. Ai đã lớn lên trong vùng núi, hay khi còn bé từng ngồi uống nước bên bờ suối, hay từng chơi trên một quảng trường của khu phố mình, khi trở về những nơi ấy, đều cảm thấy được kêu gọi tìm lại căn tính của mình.

       85. Thiên Chúa đã viết một quyển sách hay “mà các từ chính là vô số tạo vật hiện diện trong vũ trụ” [54]. Các Giám mục Canada đã có lý khi nhấn mạnh rằng không có thụ tạo nào nằm ngoài sự biểu lộ ấy của Thiên Chúa : “Từ những toàn cảnh rộng lớn nhất cho đến dạng thức sống nhỏ bé nhất, thiên nhiên luôn là một nguồn thán phục và kinh sợ. Ngoài ra, nó là một mạc khải liên tục về cái thần linh” [55]. Các Giám mục Nhật Bản, về phần mình, cũng đã nhắc lại một điểm đầy gợi ý: “Nghe mỗi thụ tạo hát lên bài thánh ca về sự hiện hữu của mình, đó là sống vui tươi trong tình yêu Thiên Chúa và trong hy vọng” [56]. Việc chiêm ngắm tạo vật như thế giúp chúng ta khám phá qua mỗi vật một giáo huấn mà Thiên Chúa muốn truyền cho chúng ta, vì “đối với tín hữu, chiêm ngắm tạo vật cũng là nghe một sứ điệp, một tiếng nói nghịch lý và thinh lặng” [57]. Chúng ta có thể khẳng định rằng “bên cạnh mạc khải đúng nghĩa chứa đựng trong Thánh kinh, cũng có một biểu lộ thần linh trong mặt trời chiếu rọi cũng như trong màn đêm buông xuống” [58]. Khi chú tâm đến biểu lộ này, con người học được cách nhận ra chính mình trong mối liên hệ với các thụ tạo khác : “Tôi diễn tả mình khi diễn tả thế giới; tôi khảo sát tính thánh thiêng của tôi khi tìm hiểu tính thánh thiêng của vũ trụ”. [59]

       86. Toàn thể vũ trụ với vô số liên hệ của nó, cho thấy rõ hơn sự phong phú vô tận của Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô từng khôn ngoan lưu ý rằng tính phong phú và đa dạng đều “xuất phát từ ý định của tác nhân tiên khởi”, Đấng đã muốn rắng “cái gì thiếu sót nơi mỗi vật để trình bày sự tốt lành thần linh, thì được bổ túc bằng những vật khác” [60] vì “một tạo vật duy nhất không đủ trình bày cách thích hợp” [61] sự tốt lành của Người. Vì thế, chúng ta phải nắm bắt sự đa dạng của vạn vật trong vô số liên hệ của chúng” [62]. Do đó người ta hiểu hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của bất cứ thụ tạo nào, nếu chiêm ngắm nó trong toàn thể dự phóng của Thiên Chúa. Sách Giáo lý cũng dạy như vậy: “Sự tương thuộc của các thụ tạo là do ý muốn Thiên Chúa. Mặt trời và mặt trăng, cây trắc bá và bông hoa nhỏ, phượng hoàng và se sẻ : cảnh thiên hình vạn trạng và lớn nhỏ khác nhau của chúng nói lên rằng không thụ tạo nào tự đủ cho chính nó. Chúng chỉ hiện hữu trong sự lệ thuộc lẫn nhau, để bổ túc cho nhau và phục vụ lẫn nhau” [63].

       87. Khi chúng ta ý thức rằng sự phản ảnh Thiên Chúa tìm thấy trong tất cả những gì hiện hữu, thì trái tim cảm nghiệm ước muốn tôn thờ Thiên Chúa thay cho và cùng với mọi tạo vật của Người, như được diễn tả trong thánh ca xinh đẹp của thánh Phanxicô thành Assidi :

3 Xin ngợi khen Ngài, lạy Chúa của con,

với muôn tạo vật của Ngài,

đặc biệt với Ông Anh Mặt Trời,

Anh là ban ngày,

nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng con,

4 Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời,

Anh là dấu chỉ về Ngài, lạy Đấng Tối Cao.

5 Xin ngợi khen Ngài, lạy Chúa của con,

vì Chị Trăng và các ngôi sao

mà Chúa đã dựng trong bầu trời:

lung linh, quí giá và diễm lệ.

6 Xin ngợi khen Ngài, lạy Chúa của con,

vì Anh Gió, vì Không khí và Mây trời,

cảnh thanh quang và tứ thời bát tiết,

nhờ chúng, Chúa nâng đỡ các tạo vật của Ngài.

7 Xin ngợi khen Ngài, lạy Chúa của con,

vì Chị Nước, chị rất hữu ích và khiêm tốn,

quí hóa và trong sạch.

8 Xin ngợi khen Ngài, lạy Chúa của con,

vì Anh Lửa,

nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm,

Anh xinh đẹp và vui tươi,

oai hùng và mạnh mẽ. [64]

       88. Các Giám mục Braxin đã nhấn mạnh rằng toàn thể thiên nhiên ngoài việc biểu lộ Thiên Chúa, còn là một nơi để Người hiện diện. Trong mỗi thụ tạo, Thần Khí sống động của Người cư ngụ và mời gọi chúng ta quan hệ với Người [65]. Việc khám phá sự hiện diện ấy thúc đẩy chúng ta phát triển “những nhân đức sinh thái học” [66]. Nhưng khi nói lên điều ấy, chúng ta đừng quên rằng cũng có một khoảng cách vô biên giữa thiên nhiên với Tạo Hóa, và vạn vật của thế giới này không có được sự viên mãn của Thiên Chúa. Bằng không, chúng ta sẽ chẳng làm gì tốt đẹp cho các thụ tạo, vì chúng ta không nhận ra vị trí thật và riêng của chúng, và rốt cục chúng ta đòi hỏi không đúng phép nơi chúng những gì mà trong sự nhỏ bé của chúng, chúng không thể cho chúng ta.

       V. MỘT SỰ HIỆP THÔNG HOÀN VŨ

       89. Các thụ tạo của thế giới này không thể được xem như của vô chủ : “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26). Từ đó, đưa đến xác tín rằng vì được tạo dựng bởi cùng một Cha, chúng ta và mọi hữu thể trong vũ trụ đều nối kết với nhau bằng nhiều dây vô hình và làm thành một loại gia đình phổ quát, một sự hiệp thông cao cả thúc đẩy chúng ta có một sự tôn trọng mang tính linh thánh, dịu dàng và khiêm nhu. Tôi muốn nhắc rằng “Thiên Chúa đã nối kết chúng ta cách chặt chẽ với thế giới quanh ta, đến độ việc hoang hóa đất đai cũng giống như một cơn bệnh đối với từng người, và chúng ta có thể khóc than trước việc diệt vong của một loài, như thể đó là một việc cắt cụt thân thể.” [67]

       90. Điều đó không có nghĩa là mọi sinh vật đều bình đẳng, cũng chẳng rút khỏi con người giá trị đặc biệt của nó, một giá trị cùng lúc kéo theo một trách nhiệm kinh khủng. Điều đó cũng chẳng giả thiết việc thần hóa trái đất, cái việc tước khỏi chúng ta lời kêu gọi cộng tác với nó và bảo vệ sự mong manh của nó. Những quan niệm này rốt cục tạo nên nhiều bất quân bình mới nhằm thoát khỏi thực tại đang chất vấn chúng ta. [68]. Đôi khi người ta nhận thấy một ám ảnh chối bỏ mọi sự ưu việt của con người, và đưa đến một cuộc đấu tranh cho các loài khác mà chúng ta không dấn thân vào để bảo vệ phẩm giá bình đẳng giữa mọi con người. Đúng là chúng ta phải quan tâm để các sinh vật khác không bị đối xử một cách vô trách nhiệm. Nhưng những bất bình đẳng lớn lao hiện có giữa chúng ta nên làm chúng ta đặc biệt phẫn nộ, vì chúng ta tiếp tục dung túng chuyện một số người cho mình xứng đáng hơn các kẻ khác. Chúng ta không còn nhận ra rằng một số người chết gí trong một sự cùng khổ hèn hạ, chẳng thực sự có khả năng thoát ra khỏi đó, trong khi nhiều kẻ khác thậm chí chẳng biết làm gì với cái mình sở hữu, kiêu hãnh phô trương sự ưu việt tự gọi của mình, và để lại đàng sau lưng một mức phung phí không thể phổ cập hóa mà không hủy diệt cả hành tinh. Chúng ta tiếp tục chấp nhận trong thực tế rằng một số cảm thấy mình là người hơn những kẻ khác, như thể họ đã được sinh ra với những quyền lợi lớn lao hơn.

       91. Cảm thức kết hợp mật thiết với các hữu thể khác của thiên nhiên không thể đích thực, nếu như đồng thời không có trong tâm sự trìu mến, cảm thông và lo lắng cho những người khác. Sự thiếu nhất quán là hiển nhiên từ phía kẻ chiến đấu chống việc buôn bán các con thú đang trên đường tuyệt diệt, nhưng vẫn hoàn toàn dửng dưng trước việc buôn người, không quan tâm đến những kẻ nghèo hay ra sức triệt hạ một người mà mình chẳng thích. Điều này gây nguy cho ý nghĩa của việc chiến đấu vì môi trường. Không phải tình cờ mà trong bài ca về tạo vật, nơi thánh Phanxicô chúc tụng Thiên Chúa vì muôn thụ tạo của Người, ngài đã thêm điều này : “Xin ngợi khen Ngài, lạy Chúa của con, vì những ai tha thứ do mến yêu Ngài”. Tất cả đều liên kết với nhau. Vì thế cần phải có một sự quan tâm đến môi trường kết hợp với một tình yêu chân thành đối với mọi người, và một sự dấn thân kiên vững đối với những vấn đề của xã hội.

92. Mặt khác, khi trái tim đích thực mở ra cho một sự hiệp thông hoàn vũ, thì không có gì lẫn chẳng có ai bị loại ra khỏi tình huynh đệ ấy. Vì thế, cũng đúng là sự dửng dưng hay độc ác đối với các tạo vật khác của thế giới này cuối cùng luôn mở rộng cách này hay cách nọ tới việc đối xử với những người khác. Trái tim chỉ có một, và thói khốn nạn khiến chúng ta hành hạ một con vật, cũng sớm bộc lộ trong mối tương quan với những người khác. Mọi sự độc ác trên bất cứ thụ tạo nào “đều nghịch với phẩm giá con người” [69]. Chúng ta không thể cho rằng mình yêu nhiều, nếu chúng ta loại khỏi các mối quan tâm của mình một phần thực tại. “Bình an, công lý và bảo vệ tạo vật là ba đề tài tuyệt đối liên kết với nhau, chẳng thể tách biệt để xét riêng, bằng không sẽ lại rơi vào chủ thuyết giản lược” [70]. Tất cả đều liên kết với nhau, và xét như là những con người, tất cả chúng ta kết hợp với nhau như anh chị em trong một cuộc hành hương tuyệt diệu, quấn lấy nhau bởi tình yêu mà Thiên Chúa đem đến cho mỗi thụ tạo của Người và cũng âu yếm nối kết chúng ta với anh mặt trời, chị mặt trăng, em sông và mẹ đất.

       VI. CỦA CẢI LÀ ĐỂ DÙNG CHUNG

       93. Ngày hôm nay, tín hữu lẫn phi tín hữu, chúng ta đều đồng ý về việc trái đất chủ yếu là một gia sản chung mà hoa quả của nó mọi người đều được hưởng. Đối với các tín hữu, điều đó trở nên vấn đề trung thành đối với Đấng Sáng Tạo, vì Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới này cho tất cả. Vì thế, mọi tiếp cận sinh thái học phải hội nhập vào một viễn ảnh xã hội có chú ý đến các quyền lợi căn bản của những kẻ bất hạnh nhất. Nguyên tắc “quyền tư hữu lệ thuộc mục đích dùng chung của của cải” và từ đó “mọi người đều có quyền sử dụng chúng” là “luật vàng” cho thái độ xã hội và là “nguyên tắc đầu tiên của mọi trật tự đạo đức xã hội”[71]. Truyền thống Kitô giáo đã chẳng bao giờ công nhận quyền tư hữu là tuyệt đối hay bất khả xâm phạm, và nó đã nhấn mạnh chức năng xã hội của mọi hình thức tư hữu. Thánh Gioan-Phaolô II đã mạnh mẽ nhắc lại giáo lý này khi khẳng định rằng : “Thiên Chúa đã tặng trái đất cho toàn thể loài người để nó nuôi sống mọi thành viên của nhân loại, không loại trừ cũng chẳng ưu tiên cho ai” [72]. Đó là những lời cô đọng và mạnh mẽ. Ngài đã nhấn mạnh rằng “một kiểu phát triển không tôn trọng và cổ vũ các quyền con người, cá nhân và xã hội, kinh tế và chính trị, kể cả những quyền của các quốc gia và dân tộc, sẽ không xứng đáng với con người” [73]. Một cách hết sức rõ ràng, ngài đã giải thích rằng : “Dĩ nhiên, Giáo hội bảo vệ quyền tư hữu, nhưng cũng dạy không kém rõ ràng rằng trên mọi  sở hữu luôn đè nặng một quyền sai áp xã hội, để các của cải phục vụ việc sử dụng chung mà Thiên Chúa đã định cho chúng” [74]. Vì thế ngài đã nhắc lại rằng “không được phép quản lý quà tặng này theo cách mọi của cải ấy chỉ làm lợi cho một số người, vì đó chẳng phù hợp với ý định Thiên Chúa” [75]. Điều này sẽ nghiêm túc đặt lại vấn đề những thói quen bất công của một phần nhân loại. [76].

       94. Người giàu cũng như người nghèo đều có phẩm giá bằng nhau, vì “cả hai đều được Đức Chúa tạo dựng” (Cn 22,2), “Sang hay hèn đều do Người tạo tác” (Kn 6,7) và “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45). Điều đó có nhiều hệ quả thực tiễn như các Giám mục Paraguay đã trình bày : “Mọi nông dân đều có quyền tự nhiên là sở hữu một mảnh đất hợp lý, nơi họ có thể dựng nhà ở, làm việc để nuôi gia đình và được an toàn sinh sống. Quyền này phải được bảo đảm, để việc thực hiện nó không trở thành ảo tưởng nhưng đích thực. Điều đó có nghĩa là ngoài danh nghĩa sở hữu, người nông dân còn phải được dựa vào các phương tiện giáo dục kỹ thuật, tín dụng, bảo hiểm và việc thương mại hóa” [77].

       95. Môi trường là một của cải chung, gia sản của toàn thể nhân loại, dưới trách nhiệm chung của mọi người. Ai chiếm hữu một cái gì đó, thì chỉ để quản lý vì ích lợi của tất cả. Nếu không làm như thế, chúng ta khiến lương tâm của mình ra nặng trĩu vì phủ nhận sự sống của những người khác. Chính vì thế, các Giám mục Tân Tây Lan đã tự hỏi giới luật “chớ giết người” có nghĩa gì, khi “hai mươi phần trăm dân số địa cầu tiêu thụ các tài nguyên theo kiểu cướp của các nước nghèo và các thế hệ tương lai, những gì họ cần để tồn tại.” [78]

       VII. CÁI NHÌN CỦA ĐỨC GIÊSU

       96. Đức Giêsu lấy lại niềm tin của Thánh kinh vào Thiên Chúa Sáng Tạo và nêu bật một sự kiện căn bản : Thiên Chúa là Cha (x. Mt 11, 25). Trong các cuộc đối thoại với môn đệ mình, Đức Giêsu từng mời gọi họ thừa nhận mối liên hệ phụ tử mà Thiên Chúa có với mọi thụ tạo của Người, và từng nhắc nhở họ với một sự âu yếm cảm động rằng mỗi thụ tạo quan trọng ra sao trong mắt Thiên Chúa : “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không ? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 6). “Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không tích thu vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6, 26).

       97. Chúa đã từng có thể kêu mời những kẻ khác chú ý tới vẻ đẹp có trong thế giới, vì chính Người đã luôn tiếp xúc với thiên nhiên và có một sự chú tâm đầy mến thương và kinh ngạc đối với nó. Khi rảo qua mỗi một góc xó của mảnh đất mình, Người đều dừng lại để chiêm ngắm vẻ đẹp mà Cha Người đã tung vãi, và mời các môn đệ nhận ra trong vạn vật một sứ điệp thần linh : “Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái” (Ga 4,35). “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loài nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành một cây.” (Mt 13, 31-32).

       98. Đức Giêsu từng sống hòa hợp trọn vẹn với tạo vật, và mọi kẻ khác đều ngạc nhiên về điều đó: “Ông này là người thế nào mà cả gió và biển cũng tuân lệnh ?” (Mt 8,27). Người đã chẳng xuất hiện như một nhà khổ hạnh xa lìa thế gian hay một kẻ thù đối với những điều dễ chịu của cuộc sống. Người từng nói về chính mình : “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo : đây là tay ăn nhậu” (Mt 11, 19). Người từng tách khỏi các triết thuyết khinh rẻ thân xác, vật chất và mọi thứ của thế gian này. Tuy nhiên, các thuyết nhị nguyên độc hại ấy đã đi đến chỗ có một ảnh hưởng quan trọng nơi một số tư tưởng gia Kitô giáo suốt dòng lịch sử và đã làm méo mó Tin Mừng. Đức Giêsu từng lao động với đôi bàn tay, tiếp xúc trực tiếp hằng ngày với vật chất được Thiên Chúa tạo dựng, để với tay nghề của mình tạo dáng cho nó. Thật đáng kinh ngạc là phần lớn cuộc đời Người đã dành cho công việc ấy trong một cuộc sống đơn sơ, chẳng gợi lên sự thán phục nào : “Ông ta không phải là bác thợ con bà Maria sao ?”(Mc 6,3). Người đã thánh hóa công việc theo cách ấy và đã ban cho nó một giá trị đặc biệt đối với sự trưởng thành của chúng ta. Thánh Gioan-Phaolô II từng dạy rằng “khi chịu đựng lao nhọc của việc làm trong sự kết hiệp với Đức Ki-tô chịu đóng đinh, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa vào việc cứu chuộc” [79].

       99. Đối với cách hiểu của Ki-tô giáo về thực tại, định mệnh của toàn thể tạo vật đi qua mầu nhiệm Đức Kitô vốn đã hiện diện từ nguyên thủy mọi sự : “Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Lời tựa của Tin mừng thánh Gioan (1,1-18) cho thấy hoạt động sáng tạo của Đức Kitô trong tư cách Lời thần linh (Logos). Thế nhưng lời tựa này gây kinh ngạc khi quả quyết rằng Lời ấy “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14). Một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã xen mình vào vũ trụ thụ tạo bằng cách liên kết số phận mình với nó cho đến thập giá. Từ nguyên thủy thế giới, nhưng với cách thức đặc biệt từ cuộc Nhập thể, mầu nhiệm Chúa Kitô hoạt động một cách bí mật trong toàn thể thực tại tự nhiên mà chẳng vì thế ảnh hưởng lên sự độc lập của nó.

       100. Tân Ước không chỉ nói với chúng ta về Đức Giêsu tại thế với mối tương quan cụ thể và dễ thương của Người với thế giới. Nó cũng cho thấy Người như Đấng Phục sinh và Chúa vinh hiển, hiện diện với vương quyền phổ quát của Người trong toàn thể thụ tạo: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (x. Cl 1,19-20). Điều này ném chúng ta vào cuối thời gian, khi Chúa Con sẽ trao lại mọi sự cho Chúa Cha và “như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (x. Cr 15, 28). Theo cách thức ấy, mọi tạo vật của trần gian này không còn xuất hiện trước mặt chúng ta như một thực tại thuần túy tự nhiên, vì Đấng Phục Sinh bao trọn chúng cách mầu nhiệm và hướng chúng đến một định mệnh viên mãn. Ngay cả hoa đồng nội và chim trời mà Người đã chiêm ngắm cách kinh ngạc thán phục với đôi mắt nhân loại của mình, thì bây giờ lại được tràn đầy sự hiện diện sáng láng của Người.